Cha mẹ chịu trách nhiệm hình sự khi giao xe cho con chưa đủ tuổi lái xe
Hiện nay, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh đang là vấn đề nhức nhối và để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT thương tâm, trong đó có việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển.
Vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm do người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển.
Những con số đau lòng
9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 694 vụ TNGT, làm chết 291 người, bị thương 597 người; so cùng kỳ 2023 tăng 11 vụ, giảm 30 người chết, tăng 31 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến học sinh xảy ra 113 vụ, làm 48 người chết, 144 người bị thương (trong đó 21 học sinh chết, 103 học sinh bị thương). Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động cũng đã lập biên bản xử lý 88.425 trường hợp; tạm giữ 23.316 phương tiện, tước giấy phép lái xe, đăng ký 12.736 trường hợp, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 tỷ đồng, trong đó xử phạt học sinh vi phạm 5.248 trường hợp, với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, 9 tháng năm 2024 tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, TNGT tăng về số người bị thương; các hành vi chủ yếu liên quan đến vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện bị xử phạt đều tăng về số trường hợp vi phạm so với 9 tháng năm 2023 và đây cũng là những nguyên nhân chính xảy ra TNGT.
Điều đáng nói là hằng năm mặc dù các ban, sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của UBND tỉnh; ngành công an, ngành giao thông - vận tải và các địa phương đã tổ chức ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT ngay từ đầu năm với mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu TNGT. Công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT cũng được triển khai sâu rộng; đặc biệt là việc tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong các trường học; tuyên truyền “đã uống rượu, bia - không lái xe”...
Riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về ATGT; 100% các phòng giáo dục và đào tạo, các trường đã ký cam kết thi đua; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT; học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đăng ký với nhà trường về chủng loại phương tiện đúng quy định để nhà trường phối hợp với công an địa phương kiểm tra, quản lý... Song, do hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng; chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm những trường hợp vi phạm TTATGT khi có thông báo của cơ quan chức năng nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa hiệu quả; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân và học sinh chưa cao... dẫn đến số vụ vi phạm TTATGT trong 9 tháng năm 2024 tăng 12.284 trường hợp (tăng 16%) so với cùng kỳ 2023; số tiền xử phạt tăng hơn 25 tỷ đồng (tăng 13,6%) so với cùng kỳ 2023.
Xuất phát từ sự nuông chiều con
Trong đánh giá của cơ quan chức năng về những nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con. Trong khi đó pháp luật quy định rất cụ thể về mức xử phạt khi cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông. Tuy nhiên, do nuông chiều con cái, hoặc quá bận công việc không thể đưa, đón con đi học, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật nên cha mẹ vẫn “vô tư” giao xe cho con.
Trường hợp của chị Lê Thị Hằng, ở huyện Hoằng Hóa là một ví dụ. Do cả 2 vợ chồng đều làm công nhân ở Khu Công nghiệp Hoàng Long nên đi làm từ sáng sớm, đến chiều tối mới về. Việc đưa, đón con trai đang học lớp 8 (13 tuổi) không nhờ được ai nên vợ chồng chị mua cho con chiếc xe máy điện trị giá hơn 3 triệu đồng để cháu thuận tiện cho việc đi học ở trường, rồi đến nhà cô học thêm.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, ở huyện Quảng Xương lại thấy thương con trai phải đạp xe đi học cấp 3 cách nhà hơn 7km nên cho con mượn xe máy đến trường. “Vì nhà ở xa, trời lại nắng, có những hôm cháu về đến nhà đã hơn 12h trưa, ăn vội bát cơm lại đi học ca chiều. Mặc dù con chưa có bằng lái xe máy nhưng vì thương con nên tôi đành giao xe máy cho con đi học” - chị Tuyết nói.
Từ việc “vô tư” giao xe mô tô, xe gắn máy cho con khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông dẫn đến nhiều vụ TNGT đau lòng, khiến cho các bậc phụ huynh phải vướng vào vòng lao lý.
Luật gia Hà Sỹ Thắng - Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có rất nhiều bài học từ việc các bậc phụ huynh vướng vào vòng lao lý vì giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy. Điển hình như ngày 7/5/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Hoàng Thị Kim Lan (46 tuổi, trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế) vì có hành vi giao xe máy cho con là Nguyễn Văn Quang Huy (19 tuổi) điều khiển tham gia giao thông dù chưa có bằng lái. Trong lúc điều khiển thì Huy gây ra TNGT làm một người chết, một người bị thương. Bản thân Huy cũng bị đa chấn thương, chấn thương sọ não.
Trước đó, ngày 27/3/2024, tại xã la Lâu, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai mở phiên tòa lưu động, xét xử bị cáo Rơ Mah Pil (SN 1986, ngụ xã la Lâu) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Theo bản án, Rơ Mah Pil giao xe máy có dung tích xi-lanh 109cm3 của mình cho con trai là Rơ Mah Tinh (sinh tháng 10/2006, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cm3, chưa có giấy phép lái xe theo quy định) để sử dụng đi lại hàng ngày. Đến tối 25/10/2023, sau khi đã uống rượu, Rơ Mah Tinh lái xe máy chở phía sau Siu Ngư (SN 2005) và Niang Kéo (SN 2005), cùng ngụ xã Ia Lâu, huyện Chư Prông lưu thông trên đường liên xã theo hướng xã Ia Lâu đi xã Ia Ga (Chư Prông). Khi đến đoạn qua thôn Pắc Bó, xã Ia Lâu thì tông vào xe máy do Rơ Mah Tuyên (SN 2001, ngụ xã Ia Lâu, Chư Prông) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến 4 người trên 2 xe máy tử vong. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
Luật gia Hà Sỹ Thắng cũng chia sẻ về mức xử phạt khi người giám hộ giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng. Còn theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người... có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.
Để tránh những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, tránh tình trạng cha mẹ phải vướng vào vòng lao lý khi chưa hiểu biết các quy định của pháp luật, Luật gia Hà Sỹ Thắng cho rằng các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, rõ ràng để tác động hiệu quả trực tiếp đến đối tượng đặc thù là học sinh, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần tích cực vào việc giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:55:00
Lang Chánh chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
-
2025-01-22 08:43:00
Mức phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp mới nhất năm 2025
-
2024-10-10 19:00:00
Bắt giữ 13 đối tượng trong một đường dây mua bán ma túy
Kịp thời trợ giúp pháp lý cho nữ sinh lớp 8 bị hàng xóm xâm hại dẫn đến có thai
Ngăn chặn ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện
Công an huyện Cẩm Thủy liên tiếp bắt 2 vụ, 10 đối tượng mua bán và tổ chức sử dụng ma túy
Bắt quả tang 5 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy tại nhà riêng
Công an tiếp tục cảnh báo về các đối tượng nghi vấn là người nước ngoài trộm cắp tài sản
Bản án thích đáng cho các đối tượng lừa bán vàng giả
Thường Xuân: Xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn
Biên phòng bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý
Cơ quan chức năng cảnh báo 3 hình thức giả danh để lừa đảo trên mạng