(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa nhận được đơn phản ánh của một số người dân ở TP Thanh Hóa phản ánh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ứng dụng (hay còn gọi là app) đầu tư online. Với chiêu trò tinh vi, đưa thông tin sai sự thật, nhiều người đã tham gia app và bị lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua các ứng dụng đầu tư online

Báo Thanh Hóa nhận được đơn phản ánh của một số người dân ở TP Thanh Hóa phản ánh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ứng dụng (hay còn gọi là app) đầu tư online. Với chiêu trò tinh vi, đưa thông tin sai sự thật, nhiều người đã tham gia app và bị lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua các ứng dụng đầu tư onlineMột nạn nhân trong vụ lừa đảo tiền qua app trao đổi sự việc với phóng viên Báo Thanh Hóa. Ảnh: Tăng Thúy

Chị Bùi Thị L. (TP Thanh Hóa) là một trong những người đại diện cho những nạn nhân trong vụ lừa đảo gửi đơn đến Báo Thanh Hóa. Chị L. cho biết, từ đầu tháng 9/2023, được sự giới thiệu của một người bạn, chị L. bắt đầu cài đặt app trên điện thoại và tạo một tài khoản tham gia. Ban đầu tham gia, chị L. cũng ngập ngừng vì sợ bị lừa đảo, nhưng sau một vài lần thử cách thức hoạt động trên app, chị L. đã tin tưởng tham gia bởi lẽ, không chỉ có các buổi họp zoom hằng ngày trao đổi thông tin dự án, nhắn tin trực tiếp hướng dẫn cách thức để được tham gia các gói đầu tư mà khi nộp tiền qua app còn có các hợp đồng đầu tư dự án, có con dấu đỏ của công ty, con dấu của đơn vị bảo hiểm bảo lãnh rủi ro... Thời gian đầu tham gia, chị L. được xem là thành viên tích cực, vào họp nhóm online thường xuyên và trao đổi thông tin với các trưởng nhóm thông qua tin nhắn zalo. Những lần đầu tư ban đầu cũng khá suôn sẻ và được thanh toán cả gốc và lãi sòng phẳng. Sau 13 lần tham gia, chị L. đã nộp tổng số tiền trên 200 triệu đồng tiền đầu tư qua app. Đến ngày 8/11, chị L. tá hỏa khi thấy toàn bộ các nhóm chat trên app đã bị xóa, app cũng không hoạt động được mà trắng xóa, các trưởng nhóm trao đổi thông tin lâu nay liên hệ hằng ngày thì đồng loạt thay đổi ảnh đại diện. Lo lắng trước nguy cơ mất tiền, chị L. cùng một số người cùng tham gia vội vã đến trình báo cơ quan công an.

Bà Nguyễn Thị H. (TP Thanh Hóa), hơn 60 tuổi cũng là một nạn nhân trong vụ việc trên. Một người bạn của bà giới thiệu về việc tham gia đầu tư tài chính qua app sẽ kiếm được tiền, không cần làm gì ngày nào ít nhất cũng có 13.000 đồng tiền vào tài khoản, bà H. cũng tự nguyện tham gia. Lần đầu, bà đầu tư vào 4 triệu đồng thì sau đó nhận về được tiền gốc và 1,6 triệu đồng tiền lãi. Những lần sau cũng tương tự như vậy, số tiền đầu tư tăng dần. Không biết vào zoom họp nhóm, bà H. nhận được hướng dẫn của trưởng nhóm qua cách thức nhắn tin trên zalo. “Trưởng nhóm là người trẻ, nói chuyện hoạt ngôn, dễ nghe, ngày nào cũng gửi tin nhắn chúc ngày mới tốt lành và tư vấn thêm các thông tin bên lề trong việc đầu tư dự án điện gió, rồi họ còn cho xem các hình ảnh, video một số thành viên tham gia đầu tư là người Thanh Hóa được nhận thưởng bằng hiện vật như xe máy, lò vi sóng, bếp từ và cả tiền mặt để khuyến khích chúng tôi tham gia đầu tư...”, bà H. chia sẻ.

Dần dà, tin tưởng vào những “bánh vẽ” đường mật mà họ đưa ra, bà H. cũng đã nộp nhiều lần tiền qua app. Ban đầu, tiền nộp vào, rút ra dễ dàng, lại nhận thêm lãi, bà H. ngày càng hứng thú đầu tư khi có gợi ý dự án mới. Đến lúc app bị sập, không thể truy cập được nữa, bà H. mới vỡ lẽ mình bị lừa. Theo bà H., số tiền đầu tư bị “mắc kẹt” cũng lên tới con số hơn 360 triệu đồng.

Trường hợp của bà Lê Thị H. cũng tương tự. Không chỉ mình bà H., mà trong gia đình còn có 3 người khác cùng tham gia app đầu tư. Tổng số tiền bị lừa lên đến gần 300 triệu đồng. Theo bà H., các chiêu trò của họ rất tinh vi và công khai. Không chỉ tư vấn trực tuyến qua zalo, tin nhắn, họ còn tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại khách sạn lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa. Các thành viên được mời tham gia dự tiệc, đại diện người của công ty còn đưa ra các giấy tờ chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giới thiệu về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, mức thu nhập của người tham gia và đưa ra những cam kết bảo lãnh nếu có rủi ro.

Bà H. cho biết: “Tin tưởng vì đây không phải đối tượng lừa đảo bằng gọi qua điện thoại mà đây là người thật, việc thật, có người đại diện của công ty chi nhánh Thanh Hóa giới thiệu rõ ràng tại hội nghị nên tôi mới tin tưởng và đầu tư, không ngờ bây giờ app bị sập, trưởng nhóm biến mất, người đại diện chi nhánh ở Thanh Hóa chối bỏ trách nhiệm, bây giờ tôi không biết làm thế nào để lấy lại được tiền”.

Trong đơn gửi đến Báo Thanh Hóa, nạn nhân trong vụ lừa đảo còn cho rằng một số đối tượng sinh sống tại huyện Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa đứng ra làm đầu mối đã cấu kết với các đối tượng lừa đảo để thông tin sai sự thật, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để dụ dỗ, lừa tiền của người dân. Các nạn nhân đề nghị cơ quan chức năng xác minh làm rõ vụ việc cũng như những hành vi tiếp tay lừa đảo của các đối tượng trên.

Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các ứng dụng không phải là một hình thức lừa đảo mới. Song đến nay, vẫn còn nhiều người thiếu hiểu biết, trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo ngày càng bài bản và tinh vi này. Thông tin trên Báo Công an Nhân dân hồi đầu tháng 2/2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra cảnh báo những chiêu trò lừa đảo thông qua kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để khiến “con mồi” mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các tổ chức sẽ chuyển sang một tên miền khác và tự đánh sập sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ người chơi, bằng cách trong thời gian đầu, các app đầu tư sẽ để người chơi sinh lợi cao. Ngoài ra, chúng còn tạo ra các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên các mạng xã hội và mời các thành viên vào nhóm. Những người đứng ra chia sẻ tự xưng là các chuyên gia, người đại diện của doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm, được xây dựng hình ảnh, hồ sơ cá nhân hào nhoáng, sang chảnh nhằm tạo thiện cảm và gây dựng lòng tin với mục tiêu mà họ nhắm đến. Khi người chơi tin tưởng, đầu tư với những khoản tiền lớn thì các tổ chức lừa đảo dùng các chiêu thức để chiếm đoạt tiền.

Các ngành chức năng khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác và thận trọng trước những cái bẫy “làm giàu” này của các đối tượng xấu trên không gian mạng, tuyệt đối không chuyển tiền, không tham gia các hội nhóm trên các trang website, trang mạng xã hội, các app liên quan đến sàn giao dịch “tiền ảo”... để tránh trở thành “miếng mồi” cho những kẻ lừa đảo.

Nhóm PV Bạn đọc – TL



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]