10:28 24/01/2024 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Từng cơn gió rét từ trên núi ùa xuống thung lũng, len lỏi qua những gốc cải mèo thẫm xanh, nằm rải rác. Bầu trời xám xịt, u lạnh cũng là lúc cây cải ngon và giòn nhất...

Cải mèo, quà của non cao

Từng cơn gió rét từ trên núi ùa xuống thung lũng, len lỏi qua những gốc cải mèo thẫm xanh, nằm rải rác. Bầu trời xám xịt, u lạnh cũng là lúc cây cải ngon và giòn nhất...

Cải mèo, quà của non cao

Non cao Mường Lát, nơi núi non tựa vai nhau trải dài tít tắp. Ở đó có gió và nắng thuần khiết cũng như nước suối từ trong bụng núi đổ ra, có tiếng cười ẩn hiện trong làn sương giăng, có cổng trời Trung Lý mây bay lãng đãng và phong phú sắc màu của rau quả.

Nói đến Mường Lát là nói đến nếp Cay Nọi, bí thơm, dưa lào và rau cải mèo (hay còn gọi là cải mẹo, cải hùa). Tôi cũng không ngọn ngành lắm về nguồn gốc của cái tên này, chỉ được biết nó được đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao trồng rất nhiều và đây là loại rau chính của họ trong các bữa ăn hàng ngày.

Cải mèo, quà của non cao

Mùa đông, khi những đồng ruộng bậc thang đã thu hoạch xong lúa, bà con mang hạt cải ra rải quanh vườn, quanh rẫy, thậm chí từng nhúm đất giữa các hốc đá cũng được tận dụng. Những đám cải chẳng cần rào giậu, luống bãi, cũng chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì cứ thế tự mình chắt chiu lấy nhựa sống, dinh dưỡng từ những khe đất, khe đá, từ cái sương lạnh của non cao mà lớn lên, xanh non mơn mởn. Nhìn vào đó, ta tìm thấy sự thanh sạch, nguyên khôi.

Cải mèo, quà của non cao

Mùa này lên Mường Lát, từ bữa cơm khách ở nhà ăn Ủy ban đến bữa cơm dưới bản đều có đĩa rau cải mèo, khi thì xào với tỏi, lúc lại luộc cùng chút gừng chấm xì dầu dầm trứng. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải, vừa đủ quyện với vị ngọt, thơm, mặn của xì dầu, nước mắm; rồi là cái vị ngậy của lòng đỏ trứng gà hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc. Cũng là thứ rau đó đem xào, thêm vào nhánh tỏi, thì sực nức. Vị ấy, mùi ấy kích thích, đánh thức khứu giác. Cũng cải mèo mà thêm vào vài lạng thịt bò lát mỏng đem xào cùng nhau thì tuyệt, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa...

Cải mèo, quà của non cao

Cải mèo được bán ở các ngã ba, ngã tư, nơi giao nhau giữa các xã vùng biên phục vụ khách qua đường. Vào những phiên chợ, cải theo người Mông trên núi cao, trong bản xa xuống núi. Vài năm nay, thương lái ở xuôi cũng lên thu mua cải mèo từ vùng biên về bán ở các chợ, các cửa hàng thực phẩm. Bà con cũng vì thế đã biết trồng để bán, trồng thành hàng, thành luống.

Được biết, giá cải mẹo tại ruộng hiện là 20.000 đồng/kg hoặc bán theo bó là 10.000 đồng/bó. Chị Va Thị Lý, xã Trung Lý, cho biết: “Quá trình trồng cải mèo người Mông không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học nên cực kỳ an toàn với sức khỏe”.

Cải mèo, quà của non cao

Ngày về ngang qua cổng trời Trung Lý, vạt cải mèo rung rinh trên sườn núi đá xám đen, làm bừng lên không gian hư ảo và bềnh bồng sương khói. Tôi nghĩ đến đĩa cải xào nghĩ ngút khói trong bữa cơm chiều cùng gia đình, đường về cũng vì thế mà gần hơn.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]