(Baothanhhoa.vn) - Để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính” là khâu đột phá để thực hiện.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính” là khâu đột phá để thực hiện.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanhNgười dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa.

Nửa nhiệm kỳ qua đi, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến phường, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách toàn diện các nội dung cải cách hành chính (CCHC). Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành 119 văn bản (34 kế hoạch, 85 quyết định, công văn) chỉ đạo công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hằng tháng, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đều tổ chức hội nghị đánh giá, rà soát thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nhất là những thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bố trí tái định cư. Công tác kiểm tra CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC cũng được UBND thành phố thực hiện thường xuyên, toàn diện, rộng khắp để nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, từ đó yêu cầu các địa phương, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc. Chưa dừng lại ở đó, nhiều hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số CCHC, chỉ số DDCI cũng được thành phố tổ chức để bàn giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Thành phố cũng thực hiện đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC đối với các phường, xã, “buộc” các địa phương phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt và xuyên suốt để giành thứ hạng cao trên bảng xếp hạng.

Hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân và doanh nghiệp, thành phố đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, hiện nay, thành phố và các phường, xã đều sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. 100% các cơ quan Nhà nước được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi, văn bản đến, xin ý kiến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản được ký số đạt 100%, giúp cho hoạt động của cơ quan, phòng, ban, đơn vị được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, để tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế sự nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC, bộ phận “một cửa” thành phố và các phường, xã đều phân công công chức hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn tra cứu kết quả giải quyết TTHC bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính; hướng dẫn thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC trực tuyến... Nhờ đó, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến của thành phố đạt trên 99%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đặc biệt, UBND thành phố đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cho 12 phòng, ban và 34 phường, xã với 267 quy trình cấp thành phố, 5.508 quy trình cấp xã, phường (đạt 100%), góp phần quan trọng cải tiến quy trình làm việc và hiện đại hóa, nâng cao chất lượng CCHC.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, UBND thành phố đã tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, đầu tư... gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Thành phố là đơn vị đi đầu trong triển khai quy trình điện tử luân chuyển hồ sơ giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố với Chi cục thuế. Công tác thanh tra cũng được thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2021-2023, Thanh tra thành phố đã tiến hành 21 cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, tham nhũng như việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Thành phố cũng cam kết với nhà đầu tư về thời gian giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Theo đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm, khó khăn, vướng mắc đã được tập trung chỉ đạo, tháo gỡ. Trong nửa nhiệm kỳ qua, thành phố đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên 60 dự án, với diện tích 341,58 ha. Tỷ lệ giải phóng mặt bằng năm 2021 đạt 164% kế hoạch, năm 2022 đạt 227,54% kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 66,43% kế hoạch, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đặc biệt, để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hằng tháng thành phố đều tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp thông qua Hiệp hội doanh nghiệp thành phố để giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương và chuyển những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh lên Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo theo quy định. UBND thành phố cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời tổ chức được 60 lớp đào tạo, bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp mới thành lập để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Với nhiều nỗ lực trong CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố ngày càng được cải thiện, công tác vận động, xúc tiến đầu tư được tăng cường. Từ năm 2021 đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có thêm 14 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 597 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, thành phố đã thu hút được 324 dự án đầu tư thứ cấp với tổng số vốn đã thực hiện đầu tư hơn 15.731 tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.254 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đầu tư 8.247 tỷ đồng; 299 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.477 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đầu tư 6.205 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Công tác phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, tổng số doanh nghiệp mới được thành lập giai đoạn 2021-2023 là 4.919 doanh nghiệp (đạt 76,1% kế hoạch cả giai đoạn). Môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía lãnh đạo thành phố chính là động lực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào TP Thanh Hóa.

Những chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là “đòn bẩy” để TP Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành thắng lợi tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Bài và ảnh: Minh Khôi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]