Các nhà thơ Thanh Hóa viết về Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Sự kiện vĩ đại ấy đã nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là niềm cảm hứng vô tận của thi ca: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa...”. Niềm vui sướng tột độ, niềm hân hoan của cả triệu người dân nước Việt đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện như thế trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”.
Bức tranh panorama giúp người xem cảm nhận được toàn bộ sự kiện, hình ảnh lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ). Ảnh: Chi Anh
Các tác giả thơ của xứ Thanh - một tỉnh đã góp nhiều sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ, từng được Bác Hồ tuyên dương: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”, cũng đã dành nhiều tâm huyết cho đề tài này.
Hình ảnh Bác Hồ, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tối cao của chiến dịch Điện Biên Phủ được tác giả Lê Viết Hảo khắc họa rất xúc động bằng những vần thơ mộc mạc, giản dị:
Trên chiếc ghế mây, Bác ngồi im lặng
Ngắm trăng lên, trải rộng tấm bản đồ
(...) Đất nước đang vào chiến dịch
Bác nào ăn ngon, giấc ngủ chập chờn
... Bác lo thương binh chăn có ấm
Bữa cơm liệu có đủ rau xanh
Người lặng lẽ khóc thầm
Khi nhận tin có chiến sĩ hy sinh...
(Trận đánh hợp đồng - Lê Viết Hảo)
Nhưng có lẽ viết sớm nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ, vẫn là nhà thơ Minh Hiệu:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo.
...
Đèo cao thì mặc đèo cao
Trèo trên đỉnh núi ta cao hơn đèo.
Những câu thơ này được lưu truyền rộng rãi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ai cũng tưởng là sáng tác dân gian, sáng tác của cộng đồng. Nhưng không, tác giả của những câu ca dao nổi tiếng này chính là nhà thơ Minh Hiệu. Một nhà thơ có mặt và có những sáng tác từ những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Điện Biên Phủ là chiến trường khốc liệt. Nhưng trong gian lao và khốc liệt ấy, nhà thơ Xuân Sách vẫn thấy có một khoảng bình yên đầy thi vị, cái thi vị rất chiến trường:
Một điệu dân ca em hát lên
“Cây trúc xinh trúc mọc bên đình”
Em xinh như đóa hoa ban trắng
Nở giữa hầm sâu rừng Điện Biên.
(Trong hầm pháo Điện Biên - Xuân Sách)
Có lẽ, những giây phút như thế này cực kỳ hiếm hoi. Chúng ta đều biết, để có thể tổng công kích vào cứ điểm Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã phải nhiều ngày thít chặt vòng vây quanh lòng chảo Mường Thanh. Việc làm đó cần hết sức bí mật. Thế mà ở một không gian nào đó, bộ đội, dân công ta vẫn có những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, rất vui tươi và lạc quan, như không hề có gian khổ, không hề có hiểm nguy...
Có người mẹ là dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp “Nhìn vai mẹ chiều nay” mà hình dung ra:
Đòn gánh dẻo
Ngọn gió rừng lùa qua mọi nẻo
Mẹ vai gầy
...
Nhấp nhô bao bì, đạn, gạo
Nhún nhảy đòn gánh tre...
(Đòn gánh tre và con đường tiếp vận -
Đinh Ngọc Diệp)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là hậu phương lớn, là tỉnh đóng góp sức người, sức của rất lớn cho mặt trận. Trong đó có lực lượng dân công hỏa tuyến. Xe đạp thồ, đòn gánh tre... là những phương tiện chủ yếu của dân công tải lương. Hình ảnh chiếc xe thồ, đòn gánh tre trở thành biểu tượng của dân công Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng trong việc dân công tải lương lên Điện Biên Phủ, một câu chuyện xúc động được tác giả Lê Đăng Sơn kể lại trong bài thơ “Ơi bánh xe cút kít”:
Chiếc bánh xe cút kít
Làm bằng bàn thờ gia tiên
Xe chở gạo lên chiến dịch
Cút kít, cút kít, tiến lên.
...
Điện Biên không bao giờ quên
Tấm lòng người dân công ấy...
(Ơi bánh xe cút kít - Lê Đăng Sơn)
Tháo dỡ bàn thờ gia tiên để làm xe cút kít tải lương cho chiến dịch, một việc làm, một tinh thần Điện Biên rất đáng quý. Một việc làm cao đẹp trong muôn vàn việc làm cao đẹp của người dân đối với cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do. Có lẽ thơ văn đã kịp đưa hành động cao đẹp này vào sử sách ngay cả khi chính sử còn chưa kịp làm.
Trong một lần hành quân lên Tây Bắc, đơn vị bộ đội dừng lại để nấu cơm. Bỗng một cơn mưa rừng ập đến. Củi lửa ướt nhòe. Bữa đó lính ta “đành nhịn bữa cơm trưa”:
... Một cơn mưa lớn từ xa đổ về
Bếp than củi nước dầm dề
Mưa sao mưa mãi chẳng hề ngớt mưa
Thôi đành nhịn bữa cơm trưa
Hành quân cấp tốc trời mưa mặc trời.
...
Điện Biên cờ đỏ tung bay
Bõ công nhịn đói những ngày hành quân.
(Nhớ ngày hành quân... - Nguyễn Cảnh Hưng)
Trong muôn vàn gian khó của chiến trường, nhịn đói đánh giặc, cũng là thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta.
Vòng vây ở Điện Biên Phủ được hình thành bằng những hào công sự bao quanh lòng chảo Mường Thanh, cứ thế, cứ thế, hào công sự như dây thòng lọng thít chặt cổ quân thù. Tác giả Nguyễn Đức Thắng đã nghe được tiếng đào công sự ấy của bộ đội:
Thình thịch, thình thịch
Tiếng đào hầm
Âm vang lòng đất
Mặc cho mưa dầm
Mặc cho bom cày đạn xé
Chiến sĩ Điện Biên giấu mình trong lòng đất mẹ.
Để rồi:
Vòng vây thít chặt quân thù
Lũ giặc hết đường
Vội kéo cờ trắng đầu hàng.
(Tiếng đào hầm Điện Biên Phủ -
Nguyễn Đức Thắng)
Còn nhà thơ Lê Văn Sự lại nghe được trong tiếng thời gian:
Ngàn cân thuốc nổ hóa thân
Đồi A1 đất vặn mình xác xơ.
Tả tơi trắng bợt sắc cờ
Tướng viễn chinh ngỡ trong mơ, hãi hùng.
(Đứng trên hầm Đờ-cát Tơ-ri - Lê Văn Sự)
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi vào lịch sử, nhưng âm vang còn vọng mãi. Cả thế hệ hôm nay và có lẽ còn nhiều thế hệ mai sau nữa. Nhà thơ Lê Đình Bằng viết:
Nhớ thuở đương trai vai sắt chân đồng
Ôm súng leo lên nóc hầm Đờ-cát
Con cháu hỏi: Điều gì ông nhớ nhất
- Điện Biên trường tồn trong máu thịt, tim ông...
(Người lính già và kỷ vật năm xưa -
Lê Đình Bằng)
Và cũng có người là chiến sĩ giao liên, sau ngày chiến thắng đã ở lại với đất Điện Biên, tiếp tục làm công việc:
Bằng lẽ phải tình thương
Vẫn một mực kiên cường
Giữ rừng và giữ đất xưa
Bởi có anh
Là người lính Điện Biên.
(Người giữ núi Mường Phăng - Cao Sơn Hải)
Sự hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ... gây niềm xúc động lớn cho những người có mặt hôm nay và cả thế hệ mai sau. Vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, nhà thơ Vũ Thị Khương không nén được lòng:
Em vào dâng hoa nghĩa trang
Nhớ ơn những người ngã xuống
Từng nén hương thơm thắp lên
Thay lời tri ân liệt sĩ.
(Ngày này em lên Điện Biên - Vũ Thị Khương)
Cũng vào viếng nghĩa trang liệt sĩ, nhà thơ Viên Lan Anh lại có những vần thơ khiến người đọc xúc động:
Nhẹ nhàng thôi, hỡi gió hỡi mây
Quanh bên tôi linh hồn bao tử sĩ
Người có tên, viết trên bia mộ
Người âm thầm trắng xóa những hàng bia.
(Điện Biên, năm mươi sáu ngày đêm -
Viên Lan Anh)
Cùng tâm cảm đó, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Vân vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên:
Bạt ngàn bia mộ
Những người lính vô danh.
...
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Những hàng bia trắng
Máu các anh đỏ thắm đất này...
(Viếng mộ - Nguyễn Thị Hồng Vân)
Những ngôi mộ không có tên, những ngôi mộ trắng lòng bia, nỗi day dứt khôn nguôi cho những người hôm nay. Vào viếng Nghĩa trang đồi A1, nhà thơ Vũ Quang Trạch xúc động viết:
Còn sáu trăm bốn mươi ngôi mộ chưa tên
Chỉ các anh gọi rõ tên nhau...
Tất cả đều là những anh hùng
Âm ỉ chiến tranh lặng trong lòng đất
Trời Điện Biên nở những vì sao
Và chỉ các anh là nghe rõ tên nhau
Đồi đã thành tên mà các anh chưa tên...
(Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 - Vũ Quang Trạch)
Biết bao người ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trong số đó, nhiều người đã tìm được hài cốt, đã có mộ nhưng còn trắng lòng bia, vì không xác định được tên tuổi, quê quán. Và cũng còn biết bao người nữa chưa tìm được hài cốt, các anh còn nằm rải rác đâu đó trên bìa rừng, bên suối cạn hay dưới lòng sông... Tổ quốc và Nhân dân không bao giờ quên các anh.
***
Để kết thúc bài viết, xin lấy những câu thơ của nhà thơ Xuân Sách viết sau nhiều năm ông trở lại Điện Biên. Những câu thơ đã dựng nên một tượng đài Điện Biên Phủ:
Chín năm qua như tia chớp vạch ngang trời
Soi sáng rõ khuôn mặt chung thời đại
Những chiến sĩ quần nâu áo vải
Trở thành anh hùng có tên và không tên.
(Nhìn lại Điện Biên - Xuân Sách).
Lâm Bằng (CTV)
- 2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
- 2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
- 2024-05-04 14:47:00
Khắc họa đậm nét Chiến thắng Điện Biên Phủ qua hoạt động tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ
Thị xã Nghi Sơn: Nhiều hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 4/5/1954, địch bàn cách mở “con đường máu” tháo chạy
VTV8 công bố các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tại Thanh Hóa
Bảo đảm Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra an toàn, thành công
Phụ nữ Thanh Hóa thầm lặng, kiên cường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 3/5/1954, những mũi lê đã chĩa vào bên sườn De Castries
Chuyện hai người anh hùng đánh Pháp
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ níu chân du khách