Bị phương Tây cô lập, Nga nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi
Từ ngày 3-5/6/2024, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có chuyến thăm đến 4 nước châu Phi là Cộng hòa Guinea, Congo, Burkina Faso và Chad. Đây là cơ hội đề Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, cũng như khai thác tiềm năng hợp tác với các nước trong khu vực.
Những kết quả nổi bật trong chuyến thăm
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Ngoại trưởng Lavrov đã có lịch trình làm việc khá dày đặc và hiệu quả trong khuôn khổ chuyến thăm. Tại Guinea, Ngoại trưởng Lavrov đã chào xã giao Tổng thống Guinea Doumboya và tiến hành hội đàm với người đồng cấp Kouyate. Theo đó, các bên cam kết tăng cường đối thoại chính trị dựa trên lòng tin, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, thăm dò địa chất, phát triển các mỏ khoáng sản, đồng thời chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm. Nga-Guinea khẳng định quan điểm chung và nguyên tắc của hai nước trong việc bác bỏ “trật tự dựa trên quy tắc do phương Tây áp đặt”, ủng hộ việc hình thành một trật tự thế giới đa trung tâm công bằng hơn dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Ngày 4/6, Ngoại trưởng Lavrov đã đến Congo, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm châu Phi. Tại đây, ông Lavrov đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Gacosso nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Nga-Congo. Theo đó, hai nước cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực hydrocarbon, nhiên liệu và năng lượng. Ngoại trưởng hai nước cũng tập trung thảo luận công tác chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ hỗn hợp Nga-Congo về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dự kiến được tổ chức vào nửa cuối năm 2024 tại Moscow. Đối với các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Nga-Congo cam kết tăng cường phối hợp trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cũng như các nền tảng đa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có chủ quyền ở châu Phi tham gia giải quyết xung đột, ổn định tình hình khu vực với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Từ ngày 4-5/6, Ngoại trưởng Lavrov đã đến thăm Ouagadougou/Burkina Faso lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương. Tại đây, ông Lavrov đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Ibrahim Traore và người đồng cấp Karamoko Traore. Trong các cuộc đối thoại, Nga-Burkia Faso cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương bình đẳng, cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh các lĩnh vực thương mại, kinh tế, nhân đạo, cải thiện khuôn khổ pháp lý. Hai bên đã chia sẻ quan điểm, lập trường trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, như việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình hình ở khu vực Sahel và châu Phi cận Sahara. Nga và Burkina Faso nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp chính trị, ngoại giao nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở châu Phi với vai trò quyết định của chính người châu Phi và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Ngày 5/6, Ngoại trưởng Lavrov đã đến thăm N’Djamena/Chad; trong đó, ông Lavrov được Tổng thống Chad Idriss Deby tiếp đón và tổ chức hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà A.Koulamalloy. Tại các cuộc hội đàm, Nga-Chad nhất trí tăng cường đối thoại chính trị dựa trên lòng tin và mở rộng phối hợp trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực tại Liên hợp quốc, cũng như các nền tảng đa phương khác. Lãnh đạo hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư, triển khai các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, khai thác và chế biến khoáng sản, nông nghiệp, y tế, giáo dục. Nga-Chad tuyên bố ủng hộ việc hình thành một trật tự thế giới đa trung tâm công bằng dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời bác bỏ chế độ độc tài và chủ nghĩa thực dân mới trong các vấn đề quốc tế.
Thông điệp đằng sau chuyến thăm
TASS dẫn nhận định của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Cameroon, ông Xavier Messe a Tiati cho rằng, các chuyến thăm thường xuyên của Ngoại trưởng Lavrov tới châu Phi cho thấy tầm quan trọng của lục địa này trong chính sách đối ngoại của Moscow. Chuyến đi châu Phi cuối cùng của ông Lavrov chỉ cách đây có 6 tháng.
Trong bối cảnh phương Tây gia tăng sức ép, cô lập Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, chuyến thăm 4 nước châu Phi lần này của Ngoại trưởng Lavrov là một động thái địa chính trị đáng chú ý. Để thay thế các đối tác phương Tây, ưu tiên của Moscow là định hướng lại chính sách, tập trung vào những đối tác nằm ngoài hệ thống phương Tây, chẳng hạn như trong các tổ chức không quá phụ thuộc vào phương Tây và trong tương lai có thể hình thành các hệ thống thay thế của riêng mình. Đó là lý do tại sao phát triển quan hệ với châu Phi là rất quan trọng đối với Nga ở góc độ địa chiến lược; bởi lẽ, Nga cần tìm kiếm thị trường bán hàng mới, duy trì thị trường bán hàng cho các nguồn năng lượng của mình, hình thành các mối quan hệ đối tác mới.
Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy sự khôn khéo của Moscow khi tận dụng tình cảm chống phương Tây thời hậu thuộc địa của các quốc gia châu Phi. Guine, Congo, Burkina Faso và Chad, những nước trước đây là thuộc địa của Pháp, và hiện đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia khác nhau trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và văn hóa. Theo ông Xavier Messe a Tiati, Nga ngày càng được đánh giá cao ở châu Phi, và điều này như một thông điệp khẳng định chính sách cô lập Nga của các nước phương Tây không đạt hiệu quả tối đa như mong muốn. Nhiều nước châu Phi, như Nam Phi, Eswatini, Ethiopia và Eritrea,... đã bỏ phiếu trắng về Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào tháng 10/2022.
Thương mại-đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga Lavrov. Châu Phi hiện được xem là thị trường tiêu thụ trọng điểm của Nga, bao gồm cả nông sản. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của ông Lavrov được cho là nhằm hoàn thành hai nhiệm vụ: Thuyết phục người châu Phi rằng, chính Mỹ và các đồng minh, chứ không phải Điện Kremlin, phải chịu trách nhiệm về vấn đề thiếu hụt ngũ cốc ở lục địa này, và cũng đồng ý về việc tiếp tục phát triển quan hệ thương mại với Nga.
Song cũng cần thừa nhận rằng, ở cấp độ vĩ mô, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Nga và các nước châu Phi còn khá nhỏ. Chẳng hạn, theo Bộ Ngoại giao Nga, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Burkia Faso năm 2023 chỉ đạt hơn 5,7 triệu USD; trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 5,7 triệu USD, còn nhập khẩu chỉ là 49.000 USD. Giới phân tích chính trị cho rằng, đối với nhiều quốc gia châu Phi, hợp tác với Nga không phải là một lựa chọn phù hợp để có thể thay thế cho phương Tây, mà chỉ là một cách để buộc các nước phương Tây phải nhượng bộ, đồng thời củng cố vị thế chính trị cho các nước châu Phi thông qua đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Nga đã tận dụng lợi thế này, cố gắng thiết lập quan hệ với các nước “Nam toàn cầu” để thay thế cho phương Tây.
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, Nga chiếm tới 44% nguồn cung vũ khí cho châu Phi trong giai đoạn 2017-2021. Nói cách khác, châu Phi là thị trường bán hàng chiến lược và khổng lồ của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, khu vực hiện đang bị trừng phạt. Do đó, lẽ dĩ nhiên là ông Lavrov đã thúc đẩy lợi ích của tổ hợp công nghiệp quân sự trong chuyến công du của mình, thuyết phục các quốc gia châu Phi tiếp tục hợp tác với Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tháng 1/2024, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, Tổng thống Burkina Faso Ibrahim Traore nói rằng, 80% vũ khí mà lực lượng vũ trang nước này sử dụng là do Liên Xô sản xuất.
Ngoài ra, châu Phi gần đây đã trở thành “khách hàng ruột” của Nga trong lĩnh vực an ninh. Các công ty quân sự tư nhân của Nga đã hoạt động tích cực hơn ở lục địa này trong bối cảnh ảnh hưởng suy yếu của phương Tây và cuộc khủng hoảng an ninh kinh niên ở một số quốc gia mà Mỹ và các đồng minh ở châu Âu không thể đối phó. Lính đánh thuê Nga từ Wagner đã có mặt ở các quốc gia như Mali, Cộng hòa Trung Phi, Sudan, Libya và Mozambique. Họ thực hiện nhiều chức năng khác nhau ở đó: từ cố vấn đến tổ chức các hoạt động quân sự. Do đó, các quốc gia khác cũng bắt đầu quan tâm đến ý tưởng thuê người Nga để giải quyết các vấn đề an ninh của mình. Điều này áp dụng cho Chad, Niger, Mauritania và Burkina Faso. Chuyến công du của ông Lavrov trong bối cảnh này là một cơ hội khác để mở rộng phạm vi địa lý của các dịch vụ an ninh tới các quốc gia chủ chốt ở vùng Sừng châu Phi, nơi Nga chưa có sự hiện diện quân sự-chính trị.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:03:00
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
-
2024-12-12 07:26:00
Hàng triệu người Syria bắt đầu hồi hương với kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn
-
2024-06-06 12:30:00
Tổng thống Putin đánh giá về quan hệ Nga-Mỹ và các vấn đề đối ngoại khác
Nga đang lâm vào thế “cửa dưới” trong quan hệ với Trung Quốc?
Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc đua gay cấn đến phút chót
Quốc gia thành viên NATO muốn gia nhập BRICS
Kế hoạch của ông Biden liệu có mang lại hòa bình cho Dải Gaza?
Nắng nóng cực đoan thiêu đốt Ấn Độ khiến gần 100 người chết: Vì đâu nên nỗi?
Dấu hiệu leo thang căng thẳng cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine
Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ: Đường dài hay sức ngựa
Trung Quốc củng cố ảnh hưởng, vị thế tại Trung Đông
Thương mại và du lịch là động lực chính thúc đẩy Thái Lan gia nhập BRICS