(Baothanhhoa.vn) - Bên dòng Mã giang, ngôi làng cổ Đan Nê chắt chiu mạch nguồn phù sa màu mỡ, trù phú mà từng bước đắp bồi, dựng xây nên xóm, làng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ người dân nơi đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhằm chinh phục, cải tạo tự nhiên để phát triển, hình thành nên nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc. Đó là những giá trị nền tảng, nguồn “nội lực” bền vững cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay.

Bảo tồn và phát huy giá trịvăn hóa – lịch sử làng cổ Đan Nê

Bên dòng Mã giang, ngôi làng cổ Đan Nê chắt chiu mạch nguồn phù sa màu mỡ, trù phú mà từng bước đắp bồi, dựng xây nên xóm, làng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ người dân nơi đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhằm chinh phục, cải tạo tự nhiên để phát triển, hình thành nên nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc. Đó là những giá trị nền tảng, nguồn “nội lực” bền vững cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay.

Bảo tồn và phát huy giá trịvăn hóa – lịch sử làng cổ Đan NêVẻ đẹp, giá trị lịch sử – văn hóa của núi và đền Đồng Cổ là lợi thế, điểm nhấn quan trọng của làng Đan Nê trong phát triển du lịch.

Các giá trị lịch sử - văn hóa là di sản quý báu của cha ông, là điểm tựa của đương đại, bệ phóng cho tương lai. Nói như vậy để thấy rằng: Làng Đan Nê (xã Yên Thọ, Yên Định) đang sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, nguồn nội lực cho sự bứt phá, phát triển, nhất là lĩnh vực du lịch.

Nằm trong không gian văn hóa nổi tiếng, làng Đan Nê như một nét chấm phá, điểm kết nối đặc biệt của hành trình trở về với khởi nguyên tiên rồng. Từ làng Đan Nê nhìn về phía Đông Nam không xa là di tích khảo cổ núi Quân Yên, núi Nuông (Yên Định), cùng với núi Đọ (TP Thanh Hóa) hình thành quần thể chứng tích về địa bàn sinh sống, quần cư của người nguyên thủy trên mảnh đất xứ Thanh.

Theo sách “Di tích núi và đền Đồng cổ” (Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử, 2009) thì làng Đan Nê “nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, là vị trí thuận lợi trên con đường thượng đạo từ Thăng Long đến các vùng biên viễn phía Nam, lại là thung lũng kín chỉ có một lối ra, có lẽ từ vị trí đắc địa như vậy nên nhiều lần chinh chiến phương Nam, các vua quan từ thời Tiền Lê, trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn đều chọn nơi đây là nơi hạ giá”.

Làng Đan Nê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc, trong đó có những di tích, danh thắng mang giá trị đặc biệt, có tính đại diện cho quốc gia, dân tộc mà không phải vùng quê nào ở Việt Nam cũng có được.

Cách làng không xa là đền Hổ Bái – nơi thờ người con thứ 11 của Vua Hùng “có tên kiêng húy là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, trấn trị ở phủ Hoài Hoan”. Thế kỷ X, Đan Nê là nơi khởi đầu công cuộc đào đắp, khơi nguồn của con sông Nhà Lê.

Nhắc đến làng cổ Đan Nê không thể không nhắc đến cụm di tích núi và đền Đồng Cổ. Quần thể này có tổng diện tích khoảng 100.000m2, bao gồm: núi Tam Thai – tên gọi theo dáng núi có 3 ngọn (núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng) giống như 3 làn thấp cao nối tiếp (còn có tên gọi khác là Đồng Cổ sơn hay Khả Lao sơn). Bên dưới về phía tả dãy núi thon dài là đền Đồng Cổ trầm mặc dựa chân núi làm nền, bên đá làm vách với hồ Bán Nguyệt như vành trăng khuyết dịu dàng, mềm mại ôm lấy ngôi đền, ngày đêm soi bóng mây trời và xa xa phía ngoài là cổng Nghi môn cổ kính. Đứng từ trên đỉnh núi Tam Thai trông xuống thấy dòng sông Mã uốn khúc lượn quanh co với bến Trường Châu “từ xưa tập hợp thuyền buôn, cột buồm dựng đứng như cây rừng, thật là một nơi đô hội của đất Ái Châu”. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa – lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ không chỉ được ghi dấu trong những vần thơ được các tao nhân mặc khách ưu ái, mến mộ lưu lại mà còn được khẳng định trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con Vua Quang Trung) soạn năm 1802: “núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.

Tại Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành, phát triển làng cổ truyền Đan Nê; các giá trị văn hóa truyền thống và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị” do UBND huyện Yên Định - ban chủ nhiệm đề tài khoa học tổ chức, PGS. TS Phạm Mai Hùng cho rằng: Bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là giữ lại được càng nhiều càng tốt tất cả những gì thuộc về quá khứ, hoặc giữ lại nguyên trạng một cách cứng nhắc làm cho di sản “đông cứng” lại bằng vẻ ngoài giả tạo. Bảo tồn di sản văn hóa cũng không có nghĩa là tuyệt đối hóa việc bảo vệ những gì đã có hoặc cổ vũ cho sự phát triển cực đoan. Bởi vậy, nguyên tắc quan trọng bậc nhất của bảo tồn, gìn giữ hay kế thừa di sản văn hóa phải từ quan điểm phát triển, cho phát triển, vì phát triển.

Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa, huyện Yên Định, chính quyền địa phương luôn có sự quan tâm, đầu tư vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống làng cổ Đan Nê thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo núi và đền Đồng Cổ theo 2 giai đoạn với tổng kinh phí dự toán hơn 35 tỷ đồng (năm 2007); công nhận khu di tích lịch sử - văn hóa núi và đền Đồng Cổ là điểm du lịch cấp tỉnh (2019)... Nhờ đó, di tích và lễ hội đền Đồng Cổ, nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống làng Đan Nê đã được quan tâm bảo tồn và phục dựng, mở ra cơ hội đẩy mạnh phát triển du lịch cho địa phương, từng bước đưa làng cổ Đan Nê trở thành “điểm đến du lịch” hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

Mặc dù đã đáp ứng được một số điều kiện cơ bản song để trở thành “điểm đến du lịch” hấp dẫn du khách thập phương, làng Đan Nê vẫn còn yếu và thiếu nhiều tiêu chí quan trọng như: các dịch vụ và tiện ích, hình ảnh quảng bá mờ nhạt... Vì vậy, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch tại địa phương để làm căn cứ cho việc đầu tư các hạng mục phục vụ du lịch một cách đồng bộ, tránh chồng chéo, đặc biệt không làm phá vỡ cảnh quan không gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác cũng như đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng về di dản văn hóa, du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của làng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, website... tới đông đảo Nhân dân và du khách thập phương, không chỉ trong tỉnh mà cả trong nước và nước ngoài. Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và khôi phục lại các lễ hội, sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng gắn liền với di tích, các phong tục tập quán của cộng đồng người dân nơi đây.

Kho tàng lịch sử - văn hóa truyền thống của làng cổ Đan Nê chính là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, là cơ sở để làng Đan Nê phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Đồng thời, đây cũng chính là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của làng Đan Nê trong bối cảnh hiện nay. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của làng Đan Nê gắn với phát triển du lịch góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đa dạng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, hướng đến phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]