(Baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 đã và đang đặt ngành giáo dục và đào tạo trước những khó khăn, thách thức chưa từng có. Để vượt qua thách thức nhằm hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành cùng những kịch bản ứng phó linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với PGS, TS Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.

PGS, TS Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Kịch bản phù hợp, ứng phó linh hoạt để bảo đảm “mục tiêu kép”

Đại dịch COVID-19 đã và đang đặt ngành giáo dục và đào tạo trước những khó khăn, thách thức chưa từng có. Để vượt qua thách thức nhằm hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành cùng những kịch bản ứng phó linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với PGS, TS Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT.

PGS, TS Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Kịch bản phù hợp, ứng phó linh hoạt để bảo đảm “mục tiêu kép”Học sinh huyện Cẩm Thủy hân hoan bước vào năm học mới 2021-2022.

“Tạm dừng đến trường, không dừng học”

Phóng viên (PV): Năm học 2020-2021, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch bệnh COVID-19, song ngành GD&ĐT cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, đã hoàn thành “mục tiêu kép” vừa tích cực phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên; vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Vậy xin ông cho biết, nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD&ĐT đặt ra trong năm học 2021-2022 là gì?

PGS, TS Trần Văn Thức: Từ những kết quả và kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành năm học 2020-2021; đồng thời, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã xác định những vấn đề trọng điểm cho năm học 2021-2022. Trong đó, lấy việc bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên và các đơn vị, trường học là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tập trung triển khai đạt kết quả cao nhất kế hoạch năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên; chuẩn bị các điều kiện triển khai tốt Chương trình GDPT 2018, trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Ngành GD&ĐT đang đứng trước đòi hỏi khách quan là phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nhằm thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo dự bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội, cũng như giáo dục, đào tạo thế hệ công dân mới, toàn diện của tỉnh. Do đó, ngành đang tập trung hoàn thiện, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục bảo đảm quy định, phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục; tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số làm công cụ đổi mới quản lý và dạy học, rút ngắn quá trình nâng cao chất lượng, hướng đến nền giáo dục thông minh...

PV: Có thể nói, ngành GD&ĐT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19. Vậy xin ông cho biết, những kịch bản nào đã được ngành xây dựng, nhằm ứng phó và thích nghi với bối cảnh dịch bệnh?

PGS, TS Trần Văn Thức: Trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động xây dựng các kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp. Trong đó, GDPT và giáo dục thường xuyên phải hết sức linh hoạt triển khai thực hiện theo các cấp độ.

Cụ thể: Cấp độ 1 (trên địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh đến trường bình thường): Tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ bảy (có thể kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT). Tạm thời chưa tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường học. Cấp độ 2 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg): Tổ chức dạy học 2 ca/ngày sáng và chiều, mỗi ca chỉ bố trí 50% học sinh đến trường; tập trung dạy học những nội dung cốt lõi, các nội dung khác tổ chức dạy bù khi có điều kiện; kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT. Cấp độ 3 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, học sinh dừng đến trường): Tổ chức dạy học bằng hình thức online hoặc qua truyền hình, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT; riêng giáo dục tiểu học chỉ đặt mục tiêu duy trì trạng thái học tập cho học sinh.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT cũng đã tính toán các phương án tổ chức hoạt động giáo dục đối với bậc học mầm non và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, dịch vụ tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa... phù hợp với diễn biến dịch bệnh và các cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

PV: Để bảo đảm phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, thì dạy học online được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để dạy học online đạt được kết quả như mong muốn là không dễ. Bởi lẽ những bất cập về hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế, phương tiện, khả năng đáp ứng của học sinh, năng lực giáo viên... là những “lực cản” chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS, TS Trần Văn Thức: Quả thật, việc tổ chức dạy - học theo hình thức trực tuyến (online) đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng học liệu số, khả năng thích ứng của học sinh, năng lực giáo viên... Tuy nhiên, việc dạy - học trực tuyến buộc phải thực hiện do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác, đây cũng là hình thức dạy - học mang tính xu hướng, trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, nên đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải nỗ lực thích ứng.

Để từng bước khắc phục những bất cập nêu trên, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã sớm thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông (VNPT Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa,...) thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục; rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng, thiết bị dạy và học trực tuyến đối với từng cơ sở giáo dục và từng học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học cũng đã nỗ lực và có nhiều cách làm sáng tạo trong tổ chức dạy - học trực tuyến, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Ngoài ra, ngành đã phát động Chương trình “Máy tính cho em” năm học 2021-2022, nhằm kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, ủng hộ tiền mặt hoặc các trang thiết bị để hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình khó khăn không đủ điều kiện trang bị thiết bị học tập trực tuyến cho con em và trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Để bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới này, ngày 3-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến. Đồng thời, mới đây ngày 12-9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh ở khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, sự chung tay của xã hội và sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, tôi tin tưởng rằng những khó khăn, bất cập trong dạy - học trực tuyến sẽ sớm được khắc phục. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nâng cao dân trí, nhất là ở các khu vực, địa phương còn nhiều gian khó.

“Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”

PV: Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 ngành GD&ĐT triển khai Chương trình GDPT 2018. Vậy xin ông cho biết, những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành GD&ĐT Thanh Hóa khi triển khai Chương trình GDPT mới (đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học và chất lượng đội ngũ giáo viên), nhằm đạt được các mục tiêu đổi mới giáo dục (nhất là đối với lớp 2 và lớp 6)?

PGS, TS Trần Văn Thức: Có thể nhấn mạnh, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo tiến độ. Trong đó, Thanh Hóa luôn được đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng giáo viên và CBQL đại trà. Cụ thể, đối với cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) đã hoàn thành học trực tuyến Modul 1, 2, 3 cho giáo viên và CBQL đại trà, với 30.953 người (đạt tỷ lệ 99,7%); ngoài ra, đang triển khai bồi dưỡng Modul 4 cho giáo viên. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là những khó khăn về mạng lưới các cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp (thiếu phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại...); đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục còn nhiều bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng...

Để khắc phục những bất cập trên, cũng là nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, ngành GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện việc sắp xếp mạng lưới trường lớp; rà soát, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bổ sung để bảo đảm các điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học, cũng như sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2021-2022 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Cùng với đó, bảo đảm tối đa các cơ sở giáo dục đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, giải quyết việc thừa, thiếu cục bộ và bổ sung giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; phấn đấu đầu năm học 2021-2022, có đủ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, bên cạnh việc triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học và giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục; thiết nghĩ, ngành GD&ĐT cũng cần quan tâm ổn định tâm lý, tư tưởng học sinh, cũng như hỗ trợ giáo viên, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

PGS, TS Trần Văn Thức: Năm học 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, công tác ổn định tâm lý, tư tưởng học sinh và hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Theo đó, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang chú trọng các giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng học sinh chịu tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài, với phương châm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học tập trực tuyến tại nhà.

Đối với giáo viên, người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ giáo viên, người lao động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập (39 đơn vị) theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2020) và hiện đang triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021. Đây là những chính sách nhân văn, có ý nghĩa thiết thực, đã và đang giúp đội ngũ giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục tư thục khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ngành GD&ĐT nghiên cứu gắn phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực” với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay?

PGS, TS Trần Văn Thức: Có thể nói, đây là một đề tài rất lớn cả về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn; cần phải được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. Còn trong khuôn khổ cuộc trao đổi, tôi cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi của đổi mới phương pháp dạy - học trong điều kiện xã hội nước ta hiện nay.

Thay đổi cách dạy học truyền thống bằng cách dạy học tích cực, nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của người học. Theo đó, vai trò của giáo viên là người dẫn dắt, khơi gợi, truyền cảm hứng cho người học. Muốn vậy, đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực/kiến thức cơ bản mình đảm nhiệm; cũng như phải tự bổ sung vốn kiến thức thường xuyên. Song, để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía, cả học sinh và giáo viên. Đồng thời, cần phải có nền tảng - môi trường sinh thái học tập, nhằm vận hành có hiệu quả mối quan hệ nhà trường - học sinh - giáo viên... Tôi cho rằng, trước hết các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo phải quán triệt, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm chỉ đạo này. Từ đó, tự thân mỗi cơ sở, mỗi giáo viên phải xác định mục tiêu hành động và tiên phong tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê dung (Thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]