(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước đã được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt qua các kỳ đại hội. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác PCTN, TC đã có nhiều đổi mới, chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới, công tác PCTN, TC tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa và ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh.

Ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”

Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước đã được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt qua các kỳ đại hội. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác PCTN, TC đã có nhiều đổi mới, chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới, công tác PCTN, TC tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa và ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh.

Ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”Hội nghị công bố Kết luận xác minh tài sản thu nhập tại Sở Y tế Thanh Hóa.

- Phóng viên (PV): Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem tham ô, tham nhũng trong Đảng và Nhà nước là “những căn bệnh nguy hiểm”, là “giặc nội xâm”. Đảng ta luôn xác định PCTN, TC là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực... Trong bối cảnh, tình hình mới, trước những diễn biến, biểu hiện ngày càng phức tạp, tinh vi, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được triển khai, thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Mai Sỹ Diến: Công tác PCTN, TC là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước đã được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt qua các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn”.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác nội chính và PCTN, TC” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Công tác PCTN, TC luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, mang lại kết quả quan trọng. Các hoạt động quản lý nhà nước về PCTN, TC được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương, ở hầu hết các lĩnh vực, được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 204/TTCP-C.IV ngày 17-1-2023 về tổ chức rà soát, thẩm tra báo cáo tự đánh giá công tác PCTN năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa. Điểm đánh giá công tác PCTN tỉnh Thanh Hóa đạt 71,55/100 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành và Thanh Hóa là 1 trong 9 tỉnh, thành vẫn duy trì kết quả khá tốt, nằm trong nhóm có điểm số cao so với bình quân chung của cả nước (cao hơn điểm bình quân chung cả nước là 9,43 điểm).

- PV: Trong quá trình triển khai, thực hiện đã có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

Ông Mai Sỹ Diến: Công tác PCTN, TC của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua vừa có những điều kiện thuận lợi vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về thuận lợi: Công tác đấu tranh PCTN, TC đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ, trong toàn tỉnh. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, TC theo Kết luận của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh trong PCTN, TC ngày càng được nâng lên. Các cơ quan chuyên trách về PCTN, TC và MTTQ các cấp, các cơ quan báo chí đang tích cực phối hợp chặt chẽ đã góp phần tích cực trong phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực (TN, TC)...

Việc thành lập và tổ chức hoạt động theo thẩm quyền được giao của Ban Chỉ đạo về PCTN, TC tỉnh Thanh Hóa và việc ra đời, triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh PCTN, TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ sở, là dấu mốc quan trọng, thuận lợi trong công tác đấu tranh PCTN, TC.

Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, văn bản rất quan trọng, phù hợp với thực tiễn nhằm đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn TN, TC...

Về khó khăn: Hành vi TN, TC ngày càng phức tạp, tinh vi, khó phát hiện; không chỉ ở trong khu vực nhà nước mà đã và đang lan ra cả khu vực ngoài nhà nước; có sự cấu kết, móc nối giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước để trục lợi.

Lối sống thực dụng và “văn hóa” biếu, nhận quà tặng đang bị một số cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn lợi dụng dẫn đến những hành vi đưa hối lộ cho cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước để dễ dàng làm ăn, dễ dàng chiếm đoạt tiền của Nhà nước và Nhân dân, làm giàu bất chính đang tồn tại thành lối mòn trong suy nghĩ và việc làm của không ít doanh nghiệp và người dân khi giao dịch hành chính.

Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống đã thúc đẩy một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi TN, TC khi có cơ hội.

- PV: Trong những thuận lợi được nêu ra, ông có nhắc đến 2 dấu mốc quan trọng nhất trong công tác PCTN, TC đó là: Việc thay đổi tên gọi “Ban Chỉ đạo về PCTN” sang tên gọi “Ban Chỉ đạo về PCTN, TC”. Và việc ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh PCTN, TC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Ông có thể nói rõ hơn về 2 dấu mốc này? Tác động, ý nghĩa của 2 sự kiện ấy đến công tác PCTN, TC nói chung?

Ông Mai Sỹ Diến: Ngày 16-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quyết định sửa đổi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thành Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-5-2022 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, tại phiên họp ngày 30-5-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành Quyết định số 1049-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Thanh Hóa, gồm 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban; Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; Thanh tra tỉnh và một số cơ quan, ban, ngành là thành viên. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo trong công tác đấu tranh PCTN, TC. Ban Chỉ đạo PCTN-TC tỉnh xây dựng quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, gắn với chức trách, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.

Tên gọi “Ban Chỉ đạo về PCTN, TC” được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Việc đổi tên, bổ sung từ “TC”, để mở rộng thêm phạm vi, bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo chính là bước tiến mạnh mẽ hơn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn từ gốc, ngăn ngừa từ xa các hành vi TN, TC.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC (1-2-2013 – 1-2-2023), ngày 2-2-2023, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC.

Việc ra mắt tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tổng kết thực tiễn phong phú, từ đó rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác PCTN, TC trong thời gian tới. Đây chính là cẩm nang trong công tác PCTN, TC, là vấn đề rất cốt lõi về xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

- PV: Đón lấy những thuận lợi, từng bước khắc phục khó khăn, những năm gần đây, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được kết quả như thế nào?

Ông Mai Sỹ Diến: Công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh chuyển biến hết sức tích cực, từ nhận thức đến hành động.

Năm 2022 và quý I-2023, Thanh tra tỉnh và các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh đã phát hiện sai phạm về kinh tế 192 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi trên 158 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 134 tổ chức và 322 cá nhân có vi phạm khuyết điểm. Qua thanh tra đã chuyển nhiều thông tin về vi phạm pháp luật sang cơ quan Công an tỉnh, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Điểm nổi bật trong công tác PCTN, TC của tỉnh từ khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC đến nay đã gắn kết chặt chẽ được “xây” và “chống”, tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời phát hiện được các vụ việc, vụ án TN, TC nhất là trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh chặt chẽ hơn, việc phát hiện xử lý các vụ án tham nhũng tăng cao hơn so với các năm trước. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý, khởi tố điều tra nhiều vụ án, vụ việc về các tội TN, TC, trong đó có cả những bị can nguyên là cán bộ thuộc diện quản lý của các cơ quan cấp tỉnh. Cho thấy, quyết tâm chính trị rất cao về công tác đấu tranh PCTN, TC toàn diện trên tất cả các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện đúng chủ trương của Trung ương “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Việc tiếp nhận thông tin về công tác PCTN, TC đã được phân loại xử lý chuyển đến các cơ quan xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả đấu tranh PCTN, TC trong thời gian qua, đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ dư luận xã hội, củng cố được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

- PV: Năm 2023 là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2026) về kinh tế - xã hội của đất nước, cũng là năm “bản lề” trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm... Công tác đấu tranh, PCTN, TC đã bước sang một giai đoạn mới, nhiều chuyển biến cả về nhận thức và hành động. “Cuộc chiến” kiên trì, bền bỉ ấy không chỉ nêu cao vai trò của Ban Chỉ đạo - “nhạc trưởng”, “tổng chỉ huy” mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, trọng tâm của công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tập trung vào những vấn đề nào?

Ông Mai Sỹ Diến: Để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, trọng tâm của công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, TC của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh. Gắn kết chặt chẽ công tác PCTN, TC với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc về những điều đảng viên không được làm; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC...

Tăng cường trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi TN, TC. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong phát hiện, xử lý TN, TC; đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra; chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm phải có trọng tâm, trọng điểm và theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung thanh tra, kiểm tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh TN, TC và các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn đối với cơ quan hành chính cấp dưới và cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Chủ động thông tin và chỉ đạo thông tin kịp thời việc xử lý các vụ án, vụ việc TN, TC đúng quy định. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và sự đồng thuận trong xã hội đối với đấu tranh PTCN, TC của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp với các hoạt động đặc thù của các cơ quan có chức năng chuyên trách về PCTN, TC. Đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực PCTN, TC trong chính các cơ quan có chức năng PCTN, TC. Xây dựng đội ngũ, cán bộ đảng viên làm công tác PCTN, TC có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, kiên định, có kinh nghiệm kỹ năng chuyên sâu, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng nhiệm vụ theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Thảo (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]