(Baothanhhoa.vn) - Cuốn sách ra đời đúng thời điểm tác giả Nguyễn Hữu Ngôn gửi thông điệp của mình tới độc giả khi anh dừng các hoạt động quản lý để nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Sách dày 500 trang được chia thành 6 phần: Trang văn - trang đời; Tiếng thơ đồng vọng tri âm; Lần giở hồn câu vía chữ; Hội họa, điêu khắc thông điệp thời gian; Ẩm thực là một nghệ thuật; Điện ảnh, nhiếp ảnh lưu dấu thời gian khoảnh khắc và mãi mãi.

Nguyễn Hữu Ngôn và “Thông điệp thời gian”

Cuốn sách ra đời đúng thời điểm tác giả Nguyễn Hữu Ngôn gửi thông điệp của mình tới độc giả khi anh dừng các hoạt động quản lý để nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Sách dày 500 trang được chia thành 6 phần: Trang văn - trang đời; Tiếng thơ đồng vọng tri âm; Lần giở hồn câu vía chữ; Hội họa, điêu khắc thông điệp thời gian; Ẩm thực là một nghệ thuật; Điện ảnh, nhiếp ảnh lưu dấu thời gian khoảnh khắc và mãi mãi.

Nguyễn Hữu Ngôn và “Thông điệp thời gian”

Cảm nhận đầu tiên khi đọc 55 bài viết chính là sự đa dạng của tác giả Nguyễn Hữu Ngôn, lĩnh vực nào anh cũng quan tâm, cũng có kiến thức nhất định để nghiên cứu, đánh giá và thẩm định. Đặc biệt với những con người, những văn nghệ sĩ anh thực sự gắn bó thì bài viết không chỉ mang sự trải nghiệm mà còn đủ đầy cảm xúc. Đó là “Mai Linh hồn hậu và trong trẻo qua tập thơ Cho”: “Thơ anh giản dị, mộc mạc, trong trẻo hồn hậu như cánh đồng, như rẻ lúa, hạt thóc, củ khoai, từ đề tài đến con chữ, trước sau anh vẫn dành cho quê hương, cho ông bà, cha mẹ, con cái, bầu bạn phần lắng đọng nhất, sự lắng đọng qua sự sàng lọc nghiêm khắc của thời gian, như cách ăn vận độc đáo một màu đen chân chất và sự thuần khiết đáng yêu, đậm chất quê, hồn quê của con người anh” (tr.53). Đặc biệt, “anh đem món quê đặt bên tạo nên bức tranh hài hòa trong một tổng phổ đầy âm thanh, màu sắc và cả đường nét quyến rũ đắm say cho độc giả bữa tiệc ngôn từ và mùi vị giàu chất Việt, hồn Việt” (tr.62). Viết về nhà thơ rau má Trịnh Anh Đạt từ những câu thơ “Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết”; “Nhà giàu bổ cơm bổ cá/ Nhà nghèo bổ rau má, khoai lang”; “Giàu như người ta ăn cơm với cá/ Khó như em ăn rau má với cua đồng”. Hữu Ngôn nhận định: "Phải là người đi ra từ xứ ấy, yêu quê thấm đẫm mới viết được câu thơ khái quát nhức nhối đến vậy. Ở đất ấy chỉ có loài rau má có sức sống bất diệt: “vươn lên”, dù chỉ là một “nhành má” nhỏ nhoi, để rồi cứ “rười rượi” xanh với đời” (tr.68). Viết về Kiều Vượng - nhân chứng sống của một thời hoa lửa, Nguyễn Hữu Ngôn khẳng định, “ông là người nhớ nhiều, nhớ lâu và nhớ dai” vì thế mà nhân vật “tôi” xuất hiện cá tính “va chạm để sinh lửa sưởi ấm đời” và giàu nghị lực vươn lên trước mọi thử thách, mọi kiếp nạn kể cả “kiếp nạn cuối cùng”. Thân thiết và mê thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Ngôn không đụng vào mảng thơ vốn đã có quá nhiều người khai thác mà chỉ đề cao sự “khéo léo, tinh tế trong sự kết hợp nhuần nhuyễn, giàu nghệ thuật rất thi vị giữa chất liệu dân gian, hình ảnh dân gian và ý tưởng sáng tạo, độc đáo, phá cách vượt qua cái thông thường, đảm bảo vừa dân tộc lại vừa hiện đại” của những cuốn lịch thơ. Và đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng, Hữu Ngôn tìm thấy “chất thơ biểu hiện ngay trong đề tài mà anh quan tâm, hướng tâm, hướng ống kính của mình thể hiện với tất cả cảm xúc và sự thăng hoa của người nghệ sĩ... Bằng ngôn ngữ của ánh sáng anh không chỉ ghi lại trung thực vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người mà anh tái hiện bằng cái tâm sáng trong của người nghệ sĩ, tìm ra cái đẹp, cái tinh túy vẻ đẹp tâm hồn sau mỗi bức ảnh sinh hoạt hay ảnh chân dung con người và vẻ đẹp tiềm ẩn sau màu sắc nổi trội phô bày bên ngoài” (tr.440). Hay đơn giản chỉ từ bức ảnh Lũy tre Hiền Hoa, Đông Vệ - đất lành, anh giúp người đọc thêm hiểu về lịch sử nơi mảnh đất chim hạc cất cánh trong sự phong phú đa dạng của thiên nhiên xứ Thanh, đồng thời, khẳng định tay nghề NSNA Trần Đàm “xuất sắc khi bố cục lấy ảnh rộng và lấy phần mặt nước lớn hơn phần bầu trời để tạo nên vẻ soi bóng trong sáng cho thấy một trời mây sắc biếc thật đẹp” (tr.463).

Nguyễn Hữu Ngôn và “Thông điệp thời gian”

Ngoài ra, Nguyễn Hữu Ngôn còn khám phá những gương mặt mới, những nhà thơ “tay ngang” đã chạm đến mảnh đất thơ như một sự giải tỏa cõi lòng và cõi người. Anh nhìn thấy cái “giá mà”, “lừng chừng”, “lỗi hẹn” trong tình yêu qua thơ của thầy giáo Lê Xuân Đồng. “Khác với thơ tình của lớp trẻ, của nhiều thi nhân khác thơ tình của anh có cái mặn mòi của tuổi chín chắn, có trải nghiệm của người hiểu sâu lý lẽ nhân sinh, có cái điềm tĩnh và cái nhìn khoáng đạt của người đã du qua tuổi yêu cảm tính, đạt đến độ tri giác của hiền triết” (tr.123). Rồi một Lê Gái, ở tuổi chiều xuân, trong thơ của chị là sự khao khát yêu, khao khát bày tỏ và cũng không ít lần ru những đớn đau bằng thơ: “Bên ngoài chị là con người rụt rè, kín đáo, tế nhị, đoan trang khác với vẻ sắc sảo, dịu dàng, thấm nhuần trong thơ lục bát và cả nhạy bén, thông tuệ, đáo để trong Đường luật” (tr.131).

Dành rất nhiều “đất” cho mảng nghiên cứu văn hóa, Nguyễn Hữu Ngôn đã lần giở hồn câu vía chữ, giới thiệu lại với bạn đọc về những nét đẹp để bạn đọc hôm nay hiểu hơn giá trị truyền thống ông cha, đồng thời là lời nhắc nhớ thế hệ hôm nay xin hãy học hỏi, trách nhiệm để gìn giữ và phát triển.

Trong 500 trang “Thông điệp với thời gian” hẳn bạn đọc có thể hình dung phần nào đó về sự phong phú trong cách tiếp cận và tìm hiểu của Nguyễn Hữu Ngôn. Tuy vậy, vẫn có sự “thiêu thiếu” khi viết về chân dung tác giả hay một vấn đề nào đó, Nguyễn Hữu Ngôn chưa cho bạn đọc nhìn thấy cái riêng của từng tác giả trong dòng chảy văn học nghệ thuật xứ Thanh; chưa thấy được cái lạ, cái độc đáo của từng cá nhân giữa “dàn hợp xướng”. Bởi, anh chỉ là người dạo chơi trong khu vườn nghệ thuật đầy màu sắc, là một người thích khám phá cái đẹp, cái mới, nên độc giả cảm giác anh viết về nghệ thuật như một người nghệ sĩ phiêu du và đa tình. Có lẽ, với một người nho nhã như Nguyễn Hữu Ngôn, anh muốn dành những mỹ từ như một sự động viên, khích lệ với đồng nghiệp hơn là một người làm công việc phê bình và lý luận.

Cuốn sách đẹp từ trang bìa đến chất liệu giấy in, phải chăng, đây cũng là lời tri ân mà Nhà xuất bản Thanh Hóa dành cho vị tổng biên tập Nguyễn Hữu Ngôn. Tôi tin rằng, sau cuốn sách này với chặng đường dài là “người nhà nước” anh sẽ có nhiều thời gian để viết, để nghiên cứu và để thăng hoa.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]