(Baothanhhoa.vn) - Ở Hàm Rồng - Thanh Hóa những năm 1965 đến năm 1973 kham khổ lắm, dẫu rằng cái kham khổ ấy vẫn chưa thấm vào đâu với hoàn cảnh khắc nghiệt của Quân giải phóng miền Nam lúc bấy giờ. Cơm độn mì. Mì nắm hấp hoặc luộc. Khi bẻ bánh ăn chỉ thấy sực lên vị đắng ngoét. Nhiều khi trong bánh lẫn cả những con mọt chết giơ càng ra như dọa. Vì thế, chiến sĩ trông chờ đến ngày lễ, tết để được “ăn tươi”.

Lời thề khắc lên bờ công sự

Ở Hàm Rồng - Thanh Hóa những năm 1965 đến năm 1973 kham khổ lắm, dẫu rằng cái kham khổ ấy vẫn chưa thấm vào đâu với hoàn cảnh khắc nghiệt của Quân giải phóng miền Nam lúc bấy giờ. Cơm độn mì. Mì nắm hấp hoặc luộc. Khi bẻ bánh ăn chỉ thấy sực lên vị đắng ngoét. Nhiều khi trong bánh lẫn cả những con mọt chết giơ càng ra như dọa. Vì thế, chiến sĩ trông chờ đến ngày lễ, tết để được “ăn tươi”.

Lời thề khắc lên bờ công sựCầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ.Ảnh: tư liệu

Không biết ai sáng chế ra hai cái từ “ăn tươi” đó nữa. Nhưng hễ đến ngày đó vui lắm, khẩu phần ăn sẽ tăng gấp đôi. Ví dụ một ngày năm hào, thì hôm đó sẽ được một đồng. Nhưng số tiền ấy không thấm vào đâu nếu không có một con lợn chăn nuôi của đơn vị, vỗ béo ở trong chuồng, chờ ngày mổ. Đánh giặc cũng phải tăng gia và chăn nuôi. Chả thế, anh nào được cử làm “anh nuôi” đi lấy bèo cho lợn là thích lắm. Vì được xuống làng để “bồi dưỡng mắt”, được đi đó đi đây. Cũng có khi đánh xe bò sang tận ao làng Yên Vực để lấy bèo. Dù bom đạn nhưng bèo tây ở đó vẫn xanh tốt. Khi kéo xe trên đường về lại gặp công nhân sửa cầu, thanh niên xung phong đi lấp hố bom. Thoắt cái, họ đã trở thành nghệ sĩ - đối đáp nhau bằng câu hò:

Hỡi chàng trai đẩy xe bò

Muốn ăn cơm nếp thì hò với em

Chú lính dừng lại tay chống nạnh như con gà trống, phách lối:

Em ơi! Trước lạ sau quen

Đến giúp anh đẩy xe lên đỉnh đồi...

Nào xe có chi ngoài bèo tây đóng vào mấy bì gai, khi đẩy qua đường sắt, vì buộc không chặt nên vãi tung ra. Được một mẻ cười cho mấy cô thanh niên xung phong: - Ôi anh bộ đội nói dối, lúc nãy bảo là thuốc súng, lơ ngơ không cẩn thận, bèo tây nổ cho tung người... Tếu táo dăm ba câu vậy mà lính tráng lòng rộn ràng, thấy phơi phới niềm yêu. Cái vui hồn nhiên ấy không phải lúc nào cũng xuất hiện, phần nhiều bị bom đạn xóa đi không để cho nảy mầm. Chiến tranh mà, niềm vui - nỗi buồn chẳng có lằn ranh, vui thoáng chốc mà buồn miên man...

***

Ngày 3 tháng 9 năm 1967 là một ngày buồn như thế!

Ngày hôm ấy, ở Đại đội 4, công việc vẫn như mọi ngày. Chúng tôi dậy tập thể dục và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ăn vội vàng cơm sáng, nghe tiếng kẻng báo động thì tất thảy đồng loạt chạy ra vị trí chiến đấu. Mới hôm qua thôi, chúng tôi vừa trải qua một ngày căng thẳng, địch quần đảo, báo động cả đêm, dường như không giấc ngủ yên. Anh nuôi, chắc thương tình hôm qua pháo thủ vất vả, bị địch phá mất ngày Tết Độc Lập nên chuẩn bị cơm và thức ăn cũng nhỉnh hơn ngày thường. Tiếng trực ban gọi: - Mỗi khẩu đội cử người xuống lấy cơm. Vì trận địa ở trên đồi, mà chia cơm ở dưới dốc nên phải đưa chậu đĩa xuống lấy. Nếu không nhanh, báo động là không kịp đưa cơm lên trận địa.

- Các khẩu đội, ăn cơm khẩn trương kẻo địch vào! Tiếng nhắc nhở của chỉ huy. Ăn chưa hết bát, tiếng kẻng báo động như làn sóng âm thanh lan khắp trận địa và một vùng Hàm Rồng.

- Về vị trí! Tiếng hô như sấm vang dậy. Những chậu cơm lại được đưa xuống gầm pháo, che đậy bằng bạt.

Trời hôm nay nắng khô. Mắt nhìn không bị chói, bắt được mục tiêu từ xa đây.

7 giờ 50 phút, địch xuất hiện từ biển Đông gồm 20A4, 2F4, 4F8, 4A6A... có chiếc máy bay A3D khổng lồ, báo hiệu sẽ đánh lớn, chúng không về căn cứ mà tiếp dầu trên không.

Ở hướng Đông - Bắc gồm 12A4D, 2F4 vào công kích, cho 2A4 bay nghi binh. Cùng lúc vào đánh cầu và các trận địa bờ Bắc Hàm Rồng.

Ở hướng 32 (Tây - Nam) gồm: 4A6, 4F8, 6A4, tập trung tốp lớn đánh vào cầu và dùng 50% đánh vào trận địa bờ Nam Hàm Rồng. (*)

Ta sẵn sàng chiến đấu. Chỉ huy sở Trung đoàn đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Bốn đại đội pháo 100 ly, Đại đội 14, bắn bằng phần tử ra-đa để phá tốp của địch từ cự ly xa, Đại đội 13, bắn bằng phần tử máy chỉ huy, còn hai Đại đội 1 và 2 bắn trực tiếp bằng tay quay. Pháo 57 ly có 5 đại đội và 37 ly có hai đại đội được bố trí ở hai bờ Nam - Bắc Hàm Rồng.

Đợt thứ hai địch vào đánh phá Hàm Rồng lúc 11 giờ 25 phút. 18 chiếc gồm 4F4, 12A4, 2 F8, từ hướng 34 bay lên 14, vòng về hướng số 1 sang 12 ( hướng Đông bay lên Bắc, bay sang Tây Bắc) vào công kích cầu và trận địa.Chúng lấy mốc cao điểm 134 (nay đặt trạm phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa). Ở một độ cao lớn, bổ nhào sâu, thao tác mà chuẩn xác sẽ có khả năng dứt điểm tốt mục tiêu.

Ra đa nhìn vòng Quảng Xương và đài quan sát của ta bắt được mục tiêu, phát hiện sớm nên không bị bất ngờ. Tiến hành bắn có một đại đội pháo 100 ly và 5 đại pháo 57 ly và một đại đội 37 ly.

Trận thứ 3 diễn ra vào lúc 15 giờ 40 phút địch cho 35 chiếc gồm 12A4, 4F4, xuất hiện từ hướng 34 (hướng Đông) vòng lên số 4, tức Đông Bắc, rồi về hướng Tây - Bắc, thay nhau vào công kích vào cầu và trận địa. Nhận được tin từ đài quan sát nên ta bắt và theo dõi được mục tiêu. Có 5 đại đội 57 ly, 3 đại đội 37 ly và 12,7 ly đã nổ súng.

Ngày 3 tháng 9 năm 1967, địch huy động 85 lần chiếc, đánh 3 đợt, dùng 50% để đánh cầu và 50% máy bay đánh trận địa, chủ yếu đánh trận địa bằng bom bi và bom fi-zăng. Ta bắn rơi 3 máy bay nhưng đây cũng là trận mà chúng ta bị tổn thất nặng nhất ở Hàm Rồng.

* * *

Cái ngày 3 tháng 9 năm 1967 định mệnh ấy!

Máy bay địch quần thảo. Một số cán bộ đi họp và tập huấn trên Trung đoàn nên thiếu cán bộ chỉ huy. Vì vậy, trung đội trưởng trung đội 1, Dương Đình Long lên thay đại đội phó Vi Viết Lâng, Lê Quý Thái, khẩu đội trưởng khẩu đội 2 lên thay trung đội. Ở trung đội 1, thợ pháo (chúng tôi vẫn gọi là pháo công) Nguyễn Văn Đảng thay khẩu đội trưởng khẩu đội 2, quân khí Hoàng Viết Tung cũng vào làm pháo thủ...

Bắt được mục tiêu từ xa nên từ chỉ huy sở ra lệnh bắn. Trung đội trưởng Dương Đình Long ở giữa trận địa hô bắn. Đồng loạt tiếng hô bắn vang lên. Tất cả chỉ còn trong tiếng nổ của pháo và bom tung xuống. Lúc này, quyết định trận đánh chủ yếu là do các khẩu đội trưởng và pháo thủ hiệp đồng bắt được những máy bay nguy hiểm đánh vào cầu và trận địa. Mãi sau này, cảnh tượng đau thương, khốc liệt ngày hôm ấy được nhà văn Lê Xuân Giang khắc họa chân thực trong cuốn ký sự “Hàm Rồng những ngày ấy”:

... Một chiếc F4 ném xuống đồi chỉ huy 2 quả bom bi mẹ, tiếng nổ và khói mù mịt trùm kín cả quả đồi. Tiếng hô: - Tiểu đội máy chỉ huy bị bom rồi! Cấp cứu!

Tôi tắt máy chạy sang hầm máy chỉ huy. Một cảnh đổ nát tang thương hiện ra trước mắt. Anh Khánh, anh Biền, anh Tý, anh Thái... nằm la liệt trên sàn máy. Anh Tý ôm vết thương ở bụng nói:

- Giang ơi! Mày xem Biền thế nào!

- Để tôi băng cho anh! Tôi nghẹn ngào.

- Mày xem thằng Biền thế nào!

Tôi trườn dưới gầm máy, bò đến chỗ Biền. Biền nằm đó đôi mắt vẫn mở trừng trừng. Tôi sờ vào người anh. Toàn thân anh rung lên như có tiếng nấc nhẹ. Bàn tay tôi cứ lạnh dần, lạnh dần. Tôi cảm nhận được cái chết đến với anh mà bất lực.

- Đồng chí Biền hy sinh rồi! Tôi nói.

- Đồng chí Biền bị giặc Mỹ giết hại rồi! Anh Tý nói rất to. Trả thù cho đồng chí Biền các đồng chí ơi!

Tôi quay lại thấy anh Phạm Hồng Thái nằm nghiêng, mắt mở lim dim. Tôi gọi: - Anh Thái! Anh Thái! Anh không mấp máy một lời nào. Người anh vẫn ấm nóng. Tôi lần hết người anh không thấy có vết thương. Anh bị sức ép ư? Tôi và Toản đưa anh Thái vào lán, anh nằm thanh thản, miệng hơi hé mở. Rồi anh bỗng mở mắt nhìn tôi, một cái nhìn sáng rực lên. Tôi lay gọi nghẹn ngào: - Anh Thái! Anh Thái! Giang đây mà! Anh Thái lịm dần trên tay tôi. Tôi khóc không ra tiếng. Tôi như rờ thấy thần chết cướp anh trên tay tôi”.

Ở trận địa pháo, bom fi-zăng và bom bi chùm lên. Tưởng là không ai có thể sống sót. Khẩu đội 4, Nguyễn Đắc Trung giơ cao lá cờ, lấm tấm những viên bi xé rách. Anh đứng dựa vào bờ công sự. Miệng vẫn mở, tưởng chừng như đang hô. Như bức tượng tạc trên nền trời. Nguyễn Bá Chữ, pháo thủ số một, tay nắm tay quay, chân dậm cò pháo; nhưng đầu lại bay đi đâu mất. Nguyễn Văn Hiếu, số ba đứng tựa vào tay quay. Nguyễn Văn Đề gục trên máng nạp đạn, tay vẫn nắm tì vào băng đạn. Nguyễn Văn Châu (trắc thủ đo xa, vào thay tôi vì thiếu pháo thủ số 4) bị mảnh bom bi bắn vào chân và mặt, tay nắm chặt mô hình máy bay. Lê Huy Hợp, rời số 2, một tay nắm lấy tay bị thương. Tiếng khàn đục: - Báo cáo! Khẩu đội 4 đã hy sinh!

Lúc tôi và Lê Xuân Giang vào băng bó để anh đi viện. Anh nói với chúng tôi:

- Đừng nói cho nhà biết mình bị thương nhé! – Anh cùng quê với chúng tôi.

Ở khẩu đội 2, thợ pháo Nguyễn Văn Đảng thay thế khẩu đội trưởng Lê Quý Thái. Anh đang trên đường đi phép về Phú Thọ, nghe nói địch đánh phá Hàm Rồng, mau chóng trở về trận địa. Bom bi nổ ba quả ngay trong hầm pháo. Đảng hy sinh tại chỗ. Lê Xuân Thanh và Hà Minh Chiếm cũng bị thương vào chân. Chiếm van nài Thanh bế anh lên mâm pháo để tiếp tục chiến đấu.

Ở khẩu đội 1, một quả bom rơi vào mâm pháo. Khẩu đội trưởng Bùi Văn Kíp hy sinh. Lúc kiểm tra quân tư trang để gửi về gia đình tìm thấy trong ba lô của anh có chè, thuốc lá. Anh phải tiết kiệm từng đồng phụ cấp để mua chè, thuốc. Anh mồ côi cha mẹ, nhà nghèo nên phải tự lo, dự định xin phép về cưới vợ... nhưng chưa kịp. Hoàng Viết Tung bị thương cáng về gốc đa làng Đông Sơn. Biết không sống nổi, anh nhờ đồng đội nộp đảng phí cho mình. Và nhờ các cô dân quân cầm chìa khóa mở hòm giẻ lau pháo, phát cho đơn vị.

Khẩu đội 5, cũng bị một quả bom bi rơi vào công sự. Nhưng chỉ mình Nguyễn Văn Được, số 5 bị một mảnh bắn vào ngực, nên nạp đạn không liên tục, pháo bị ngừng bắn. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Điện nói với tôi: - Tai tôi bị ù không nghe được gì cả! Tôi vội vàng nhảy xuống, yêu cầu số 5 quay khóa nòng, dùng xà beng tống được vỏ đạn ra khỏi buồng đạn. Pháo lại bắn được như thường. Tôi tìm lấy viên phấn, mà mình vẫn viết khẩu hiệu ở bờ công sự, viết lên hòm đạn pháo được ghép để kẻ khẩu hiệu: - Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục. Lúc chính trị viên Hoàng Ngọc Ban và Chính ủy Đặng Đình Lai đến khẩu đội, khẩu đội trưởng Nguyễn Ngọc Điện đã tập hợp pháo thủ đứng sau pháo, hô ba lần câu đó, thể hiện quyết tâm chiến đấu của khẩu đội đến cùng. Câu khẩu hiệu đó thành lời thề của người lính Hàm Rồng.

***

Ngày 3 tháng 9 năm 1967, là một ngày đau thương của Hàm Rồng.

Địch dùng 85 lần chiếc vào đánh phá cầu và trận địa. Ta hy sinh 43 đồng chí, bị thương 54 đồng chí, hỏng 4 khẩu pháo 100 ly, 2 khẩu pháo 57 ly, 2 máy Đ49 (máy chỉ huy), 1 ra-đa, 1 máy bộ đàm P109, một số cuộn dây điện pháo...

Ngày nay, lên trận địa Đại đội 4 Hàm Rồng... có tấm bia ở bên phải ghi tên các anh Nguyễn Văn Đảng, Nguyễn Đắc Trung, Nguyễn Bá Chữ, Nguyễn Văn Biền, Phạm Hồng Thái, Bùi Văn Kíp, Hoàng Viết Tung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Văn Nhân... hy sinh ngày 3 tháng 9 năm 1967.

Tôi không khỏi ngậm ngùi, vì chưa viết được những điều mà các anh tâm niệm, gửi gắm.

(*) Tất cả số liệu này lấy ở Nhật ký tác chiến của Trung đoàn 228, bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tác giả đã in nghiêng để nhấn mạnh.

Truyện ký của Từ Nguyên Tĩnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]