Nhà Lý thỉnh thoảng lại phải đem quân đánh dẹp phía Nam. Đường thủy qua Thanh Hóa vòng vèo uốn khúc quanh co cuối sông Linh Giang đến bến Vạy mới theo Hoàng Giang nối với sông Ngọc Giáp, mùa khô, mùa mưa, chỗ thuyền mắc cạn, nơi sóng gió khó khăn. Vì thế họ đào tắt một con kênh nối thượng lưu Linh Giang với thượng lưu Ngọc Giáp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Văn Trinh

Nhà Lý thỉnh thoảng lại phải đem quân đánh dẹp phía Nam. Đường thủy qua Thanh Hóa vòng vèo uốn khúc quanh co cuối sông Linh Giang đến bến Vạy mới theo Hoàng Giang nối với sông Ngọc Giáp, mùa khô, mùa mưa, chỗ thuyền mắc cạn, nơi sóng gió khó khăn. Vì thế họ đào tắt một con kênh nối thượng lưu Linh Giang với thượng lưu Ngọc Giáp.

Lễ hội Văn Trinh

Buổi đầu là kênh đào nhà Lý thuyền bè đi lại rất thuận tiện, lâu ngày thành tên sông Lý. Đoạn sông đi qua núi Ngọc phong cảnh hữu tình. Núi này chỉ cao trên 100m, dài ước 1.000m theo truyền ngôn có đôi ngọc đêm đêm xuất hiện bò ăn óng ánh chập tối ở chân núi đến đỉnh núi trời vừa sáng. Bởi vậy người ta gọi là núi Ngọc, tên chữ Hán thành Ngọc Sơn. Chung quanh núi và bờ sông đất đai chưa được khai phá, cả một vùng rộng mênh mông rừng rậm um tùm, người ở thưa thớt, hầu hết là trại ấp, không thành xóm giáp, gọi chung là Cổ Lý chi địa tức đất Kẻ Lý. Từ khi Chiêu Văn vương Trần Nhật chọn đất này làm điền trang thái ấp mới được xây dựng thành một nơi khang trang, nhà quan, trại lính, bến thuyền hoạt động đông vui, tấp nập.

Đời Trần vùng đất Văn Trinh là hương Ngọc Sơn gồm nhiều thôn giáp. Thế kỷ XIX, đất này là tổng Văn Trinh, huyện Ngọc Sơn (đời Trần là huyện Cổ Chiến) phủ Tĩnh Gia, sau 1945 bỏ đơn vị phủ, địa danh Tĩnh Gia thành tên huyện thay tên Ngọc Sơn, rồi cắt chuyển tổng Văn Trinh về huyện Quảng Xương.

Trần Nhật Duật là con trai thứ 6 vua Trần Thái tông, sinh năm 1255. Ông thông minh tài trí khác thường, văn võ toàn tài. Đặc biệt ông sành âm nhạc, giỏi cả tiếng nước ngoài, tiếp sứ giả các nước đến bang giao không cần phiên dịch. Năm 1267, Nhật Duật được phong làm Chiêu Văn vương rồi giữ chức Phiêu Kỵ tướng quân coi đạo Đà Giang. Năm 1270, Nhật Duật làm Trấn thủ Thanh Hóa và Thanh Hóa trở thành đất phong của ông, tức thái ấp điền trang của Chiêu Văn vương. Ông chọn vùng đất núi Ngọc sông Lý để xây dựng phủ đệ, mở mang thái ấp, khai thác đất đai, xây dựng điền trang. Đời Lý sự cư trú của dân trại chưa họp thành thôn xã với tổ chức hành chính chặt chẽ, chỉ mang tên chung Cổ Lý chi địa tức đất Kẻ Lý. Nhà Trần kiêng chữ Lý tên húy ông tổ Trần Lý, đổi đất Cổ Lý thành Cổ Nguyễn tức Kẻ Nguyễn thuộc hương Ngọc Sơn.

Đất Kẻ Nguyễn bắt đầu khai thác từ Trần Nhật Duật do hàng ngàn gia nô riêng của ông và nhiều nô lệ được triều đình ban tặng. Chẳng bao lâu họ biến hoang rậm, cây rừng, gai góc, cỏ rậm trở thành đồng lúa, ruộng khoai. Ông xây dựng phủ đệ trên phần bắc Ngọc Sơn, dưới chân núi, nơi có nhiều bái cao. Những dinh thự, nhà quan, kho tàng, xưởng rèn, xưởng thuyền, bến thủy quân... những chỗ bây giờ còn lưu lại tên gọi các bái như: Bái đồng cơ (đóng cơ đội), bái đóng dinh (đồng dinh), bái quan (nhà quan)... Vợ Trần Nhật Duật là Trinh Túc phu nhân Bùi thị (không theo luật người trong họ lấy nhau) giúp chồng việc mở mang điền trang Kẻ Nguyễn, để chồng chuyên việc phủ đệ quân dinh và văn nghệ. Trong nhà ông nuôi hàng trăm người chuyên nghề đàn hát để mua vui. Bản thân Nhật Duật tự sáng tác nhiều bài bản và cải biên một số bài bản cổ để đội ca vũ nhạc của mình luyện tập thành đội nhạc vũ phục vụ gia đình, tân khách.

Năm 1280, tù trưởng Trịnh Giác Mật, trông coi đạo Đà Giang làm phản, triều đình không muốn dùng binh lực sai Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Đầu tháng 3 năm 1281, sau khi hàng phục xong Giác Mật, Chiêu Văn vương trở vào Thanh Hóa. Bà Trinh Túc phu nhân đem gia nhân, gia nô đón đức ông chồng từ đầu trang Kẻ Nguyễn, chỗ bến thuyền. Nhân dân điền trang trẻ già lũ lượt đã chờ chực sẵn đón chào. Chỗ này sau gọi là bến Chào, cầu Chào, rồi gọi là trại Chào, xóm Chào, thôn Chào, làng Chào... Nghe tin Chiêu Văn vương hàng phục xong kẻ bội phản triều đình đem quân trở về đóng tại bái Cồn May, nơi thường hội quân mỗi khi có việc đi xa, dân Kẻ Nguyễn đa số là nông nô, gia nô cày ruộng, vỡ hoang xa gần gọi nhau đến tập trung tại bái Cồn May gần tư thất của bà Trinh Túc để chúc mừng ân chúa thắng trận. Họ mang theo cả lợn, gà để khao quân. Nhật Duật khen ngợi mọi người, rồi hoàn toàn bất ngờ, ông ban phúc cho dân điền trang, tuyên bố Kẻ Nguyễn được thành lập làng xã, từ nay tất cả nông nô (trừ gia nô) đều là nông dân tự do.

Năm 1284 quân Nguyên chuẩn bị 50 vạn quân giả thác mượn đường đánh Chiêm Thành để bất ngờ xâm chiếm Đại Việt. Sau khi chiếm được Nghệ An, Toa Đô tiến đánh Thanh Hóa bằng đường Cổ Khê đạo dọc theo bờ biển huyện Quảng Xương, bị đại toát Lê Mạnh chỉ huy hương binh Yên Duyên đem dân quân phục kích ở bến Cổ Bút. Toa Đô rút chạy về cửa biển Lạch Ghép ra biển để vào Hoằng Hóa. Lúc này quân Toa Đô chia hai cánh: Tướng Giảo Kỳ càn quét vùng Đông Sơn - Hoằng Hóa, trong khi Toa Đô đánh phá vùng Đông Bắc xứ Thanh. Các đội quân lớn của triều đình Đại Việt như Trần Quang Khải, Trần Đạo Tái... chống cự không nổi. Giảo Kỳ muốn đánh thủ phủ Ngọc Sơn, vương phủ của Trần Nhật Duật, nhưng chúng bị chặn đánh ngay từ kênh Bố Vệ.

Lúc cuộc kháng chiến mới nổ ra, vua Trần Nhân tông đặt nhiều hy vọng ở Nghệ An, nhưng chính Nghệ An lại sớm rơi vào tay địch. Tiếp đến Thanh Hóa bị quân Nguyên xâu xé, song hương Yên Duyên, hương Ngọc Sơn vẫn an toàn. Triều đình Trần trong thế giặc bức bách phải bỏ Thăng Long về Thiên Trường (Nam Định), lại từ đây lánh ra Quảng Yên, rời thuyền đi bộ đến sông Thủy Chú (Hải Phòng) để đánh lạc hướng địch, triều đình dùng thuyền tới Nam Triệu qua biển Đại Bàng (Thái Bình) vào Thanh Hóa. Trần Nhật Duật đón Thượng hoàng Thánh tông, vua Nhân tông cùng tam cung lục viện, cẩn thận hộ giá, tướng sĩ tùy tùng về phủ đệ Ngọc Sơn. Quân Nguyên ra sức truy tìm hai vua Trần nhưng không tìm thấy. Chúng bị Trần Hưng Đạo mở phòng tuyến kéo dài suốt từ sông Lễ, sông Cốc đến sông Đại Lại để thu hút sự chú ý của địch. Nhờ sự bảo vệ chu đáo của Trần Nhật Duật từ đầu tháng ba đến tháng tư (âm lịch) năm 1285, vua Trần mới rời phủ Ngọc Sơn tiến ra Bắc chấm dứt thời kỳ rút lui chiến lược “tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu”, bắt đầu chuyển giai đoạn phản công dữ dội để cuối cùng giải phóng Thăng Long quét sạch giặc Nguyên. Trong đội quân của Chiêu Văn vương có gia nô phủ Chiêu Văn, cả nông nô mới được giải phóng của điền trang Ngọc Sơn đóng ở bái Cồn May (nay thuộc xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương) ở gần tư thất của bà Trinh Túc phu nhân. Đội quân Tống của gia tướng Triệu Trung chạy từ Trung Quốc sang lánh nạn được Trần Nhật Duật thu phục cũng gia nhập đánh quân Nguyên để trả thù chúa cũ (nhà Tống). Khi bình công đánh giặc Nguyên, Trần Nhật Duật đứng đầu được hai vua Trần phong làm Tá thánh Thái sư.

Tháng giêng năm Nhâm Dần (1302) triều đình lấy Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công (Tể tướng). Năm 1315 Trần Nhật Duật dâng sớ trình bày mình đã giữ chức Tướng quốc khá lâu, tuổi đã già, việc nước có thể dễ lầm lỗi, xin được nghỉ. Vua Trần Minh tông bằng lòng. Trần Nhật Duật lại về Ngọc Sơn, Thanh Hóa ấp phong của mình. Năm 1329, Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật được phong tước Đại vương - Chiêu Văn Đại vương. Năm sau ông mất hưởng thọ 77 tuổi.

Sinh thời Trần Nhật Duật ưa chuộng đạo giáo, thích ca vũ, giỏi âm nhạc. Sau khi đại vương mất, trong các buổi lễ dâng cúng, phường ca vũ nhạc của ông tấu nhạc, xướng ca, diễn trò trước bàn thờ như lúc ông còn tại thế. Triều đình chôn cất ông tại núi Ngọc Sơn, đồng thời lập đền thờ dưới chân núi. Cuối Lê đầu Nguyễn núi Ngọc Sơn đổi tên núi Văn Trinh. (Chữ Văn là Chiêu Văn đại vương, chữ Trinh là bà Trinh Túc phu nhân). Hằng năm hàng tổng, hàng huyện (Quảng Xương, Thanh Hóa) mở lễ hội Văn Trinh vào tiết thanh minh, mùng ba tháng ba âm lịch để tưởng nhớ công lao của Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, vị anh hùng khai hoang, lập làng, cứu nước chống ngoại xâm.

Năm 1407, quân Minh xâm lược, chiến tranh kéo dài tới 20 năm. Lê Thái tổ bình định đất nước, khôi phục lễ nhạc dân tộc do quân Minh hủy hoại. Đời Lê Thái tông nghe lời Lương Đăng cho nhạc tấu bấy giờ là tục nhạc, dâm nhạc (dân gian), cấm dùng nơi điện miếu, thay bằng thư nhạc theo quy chế nhà Minh. Âm nhạc triều Trần gốc là âm nhạc dân gian, dân tộc không có cơ hội hồi phục, chẳng bao lâu mất hẳn.

Sự thực âm nhạc triều Trần, âm nhạc dân tộc không mất hẳn mà đi vào dân gian cội nguồn của nó, tồn tại và phát triển theo phương thức dân gian. Cũng như vậy, những bài ca, điệu múa, bản nhạc của Trần Nhật Duật tưởng mất mà vẫn sống trong lòng dân đời này truyền qua đời khác. Lê Thái tổ lên ngôi, ban sắc phong tặng Chiêu Văn đại vương, cho sửa lại miếu thờ, thay đội lính gốc xưa bằng đội sái phu canh giữ lăng miếu (lăng ở sườn núi Ngọc Sơn, đền Trung ở chân núi Ngọc Sơn, đền Hạ ở bái Cồn May). Về sau hai đội lính canh giữ lăng miếu phát triển thành làng Linh Lộ và Trinh Miếu, nay thuộc xã Quảng Hợp. Lối đàn ca xưa từ sinh thời Trần Nhật Duật cũng được bảo tồn để dùng trong nghi lễ thờ đức thánh Chiêu Văn.

Lễ hội cầu phúc tháng ba tổ chức trên một bái đất ở trung tâm Kẻ Nguyễn, rộng ước vài chục mẫu ta, chung quanh là các làng: Nguyễn Đông, Nguyễn Đoài, Nguyễn Xá (Trinh Xá, Tây Ngoại) nay thuộc xã Quảng Hòa. Đây là nơi Nhật Duật ban phúc cho đội quân gia nô và các nông nô điền trang được giải phóng, tự do thành lập làng chạ, tổ chức trại ấp. Vì thế dân chúng vùng Văn Trinh đời đời tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức của Chiêu Văn đại vương. Địa điểm lễ hội dân gian địa phương gọi là bái Cồn May, tên chữ bái Phúc Chỉ (nơi cầu phúc). Nơi đây thế đất cao (cồn) chỉ có cây cỏ may, ngoài ra chưa từng thấy cây cỏ khác mọc, từ xa xưa cũng xây miếu thờ (đền Hạ), đời Nguyễn việc thờ cúng tập trung cả về đền Trung, còn đền Hạ không được tu sửa nên bị mai một dần. Mỗi khi tổ chức lễ hội, hàng tổng, hàng xã lại làm rạp tế để thờ đức Thánh và Nhân dân xa gần tới chiêm bái.

Trước lễ hội vài ba hôm, trai tráng trong xã Văn Trinh gồm: Văn Trinh thượng (nay là xã Quảng Hòa), Văn Trinh hạ (nay là xã Quảng Hợp) đắp đường, sửa lối, phát dọn cây cối để vào lễ hội rước kiệu, xe ngựa của đức thánh đi lại dễ dàng. Rạp lớn được dựng lên để phục vụ lễ hội.

Sáng sớm mùng ba tháng ba (âm), trai tráng trong xã do các làng chọn cử những người khỏe mạnh, không tang cớ (nhà có người thân mất chưa hết hạn để tang) tập trung rước thánh Chiêu Văn từ đền Trung về bái Cồn May. Đoàn rước đi đầu là bộ nhạc trận gồm trống: bốn hoặc hai trống bản, một trống Cổ Cái (đại cổ), một chiêng lớn (đại chinh), một đôi não bạt, một thanh la (mã la) để dẹp đường. Cờ ngũ hành 5 lá, cờ tứ linh 4 lá (ngũ hành 5 sắc, tứ linh bốn con vật thiêng long, ly, quy, phượng), một bộ bát bửu (8 thứ vũ khí đời cổ)... Tiếp theo, kiệu bát cống cao ngất ngưởng, do 8 phu kiệu khiêng. Phu kiệu mặc áo đỏ, quần trắng, nẹp xanh, thắt lưng bó que. Khăn thắt lưng xanh, xà cạp đỏ)... Trong kiệu đặt thánh vị Chiêu Văn đại vương khoác áo vóc vàng thêu rồng, đội mũ cánh chuồn, một bên dựng gươm, một bên dựng cây đàn nguyệt (sau thay bằng khẩu súng hỏa mai sơn đỏ) – trước kiệu thánh vị che đôi lộng vàng hoặc ngũ sắc, một tán tía, đôi quạt vả vẽ hoa đi kèm hai bên kiệu. Trước kiệu, hoặc sau kiệu (nếu đường hẹp) là đội bát âm tấu khúc “nghinh xa” “lưu thủy hành vân”... Một đội khinh kỵ gồm 4 con ngựa gỗ, hai con đi đầu, hai con đi sau. Ngựa gỗ đứng trên xe gỗ do mã phu kéo đi. Ngựa sơn các màu đỏ, nâu, bồ hóng, trắng. Con ngựa nào cũng có kính che mắt, mặc yếm thêu, yên cương đều thêu, cổ, chân đều đeo chuông, vòng cổ là chùm nhạc, hai bên ngựa che lộng xanh. Mỗi bước đi (do phu kéo xe) nhạc đồng rung lên kêu vang rất vui tai, đẹp mắt... Con ngựa bạch đẹp nhất dẫn đầu của gia tướng Triệu Trung luôn luôn đi tiên phong đánh giặc. Con ngựa thứ hai không kém oai phong của tiểu tướng Thánh Ản (con trai Chiêu Văn) theo sau kiệu hầu đức thánh. Tiếp đến một chiếc kiệu long đình sơn son bốn người khiêng rước thánh Bà tức Trinh Túc phu nhân. Trên kiệu đặt thần vệ phu nhân, áo vóc điều, hộp trầu, lư hương... Cuối cùng là đôi ngựa hồng, ngựa tía của Trần phó tướng, hàng tướng Nguyên tên Đô Biên và Xa-Ly – Đi kèm hai bên kiệu bát cống có đội bát âm, chiêng, trống vang rộn tận làng gần, xóm xa. Dân chúng đổ ra xem reo hò, nhiều người nhập đám rước suốt dặm đường.

Đám rước tưng bừng đoạn đầu, nghiêm trang phần giữa, náo nhiệt ồn ào phía sau, ngày càng kéo dài rồng rắn thêm trong tiếng chiêng trống tưng bừng, vui nhộn. Tại bái Cồn May, các bô lão khăn nhiễu tím, áo thâm, quần trắng đã sắp hàng hai bên lối vào dưới bóng cờ ngũ sắc, tứ linh bay phấp phới theo làn gió cuối xuân vào hạ.

Trong ba ngày đêm lễ hội, đều có hát nhà trò trước thờ thánh, sau phục vụ dân xã thưởng thức. Kết thúc lễ hội, dân xã Văn Trinh lại rước đức thánh Chiêu Văn đại vương về đền Trung dưới chân núi Ngọc Sơn, lại tiếp tục thờ cúng như lệ xưa. Sau mỗi mùa lễ, Nhân dân hàng xã, hàng tổng, niềm vui mừng, hy vọng một năm mới tốt đẹp, mưa nắng phải thì, mùa màng tươi tốt bội phần, vạn sự an vui dưới bàn tay chở che, phù hộ của đức thánh.

Tháng 6 năm 2021

Hoàng Tuấn Phổ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]