(Baothanhhoa.vn) - Người ta thường nói, mùa thu là mùa của những ước mơ, mùa của những cảm xúc tinh tế và thiết tha. Mùa thu cũng là mùa tựu trường.

Học tập thường xuyên, học tập suốt đời

Người ta thường nói, mùa thu là mùa của những ước mơ, mùa của những cảm xúc tinh tế và thiết tha. Mùa thu cũng là mùa tựu trường.

Học tập thường xuyên, học tập suốt đờiHọc sinh học online và tự học tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Thị Minh

Từ khi học mầm non, tiểu học rồi trung học..., có biết bao lần ta náo nức chờ đợi ngày khai trường để được gặp lại thầy cô, bạn bè sau những kỳ nghỉ hè. Nhớ sao những sớm mùa thu trời xanh trong cao vời vợi, sắc trời sắc nắng hòa vào nhau, cờ hoa thắm sắc cùng tiếng trống trường rộn rã, khiến lòng người phơi phới niềm vui. Các em thiếu niên nhi đồng rộn ràng, xúng xính trong những bộ quần áo mới “Đi đón ngày khai trường”. Không khí hồ hởi, phấn khởi, đông vui, náo nức không khác gì không khí của một ngày hội:

“Sáng đầu thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội...”

(Ngày khai trường – Nguyễn Bùi Vợi)

Mùa thu năm COVID-19 thứ hai không giống thu xưa. Trời vẫn cao xanh vời vợi, mây vẫn nhởn nhơ bay, hoa trong vườn vẫn nở, chim vẫn kêu lảnh lót nhưng sao mà da diết quá! Trên thế giới và trong nước, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong tỉnh, TP Thanh Hóa và một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ một thời gian. Những ngày này, các tuyến đường ít phương tiện qua lại hơn thường nhật, bởi người người hạn chế ra đường, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết

Ngày khai giảng năm học mới năm nay được ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa chỉ đạo các nhà trường lùi một ngày so với thông lệ, vào tiết học đầu tiên trong ngày học đầu tiên của năm học mới - sáng mùng 6-9. Lễ khai giảng năm nay vô cùng đặc biệt, được các nhà trường từ tiểu học đến THPT tổ chức linh hoạt với nhiều hình thức, từ trực tiếp tại lớp học đến trực tuyến trên sóng phát thanh hoặc trực tuyến trên hạ tầng số, tùy điều kiện từng địa phương, đơn vị. Tất cả đều ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Cũng vì bảo đảm an toàn phòng chống dịch nên phần hội - phần vui nhất và được mong chờ nhiều nhất của học sinh (HS) hầu như không có. Một số nơi không tổ chức khai giảng do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các nhà trường, thầy cô giáo đã xây dựng các video clip, hình ảnh, thông điệp ý nghĩa gửi đến học trò thân thương của mình, nhắn nhủ các em trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng thi đua học tập tốt xứng đáng với tình yêu thương của gia đình, thầy cô và xã hội.

Trước thềm khai giảng năm học mới 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư gửi ngành giáo dục nước nhà. Mở đầu bức thư, dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đối với ngành giáo dục cùng toàn thể các em HS, sinh viên (SV) trong bức thư cuối cùng nhân dịp năm học mới vào tháng 10-1968 “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, Chủ tịch nước khẳng định, hiện nay ngành giáo dục đang phải đối diện với những thử thách rất lớn do đại dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu. “Nhưng hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em HS, SV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, thi đua vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện thật tốt như lời Bác dạy năm xưa”. Chủ tịch nước bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc đến ngành giáo dục, các gia đình giáo viên, HS, SV ở những địa phương dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là với những gia đình gặp phải xáo trộn cuộc sống quá lớn do dịch bệnh và cả những mất mát về sức khỏe, người thân. Chủ tịch nước đề nghị “ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số HS, SV bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa”. Sự tin tưởng cùng những lời động viên, khích lệ, sẻ chia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin và quyết tâm cho các nhà trường, thầy, cô giáo, HS, SV thi đua vượt qua khó khăn, vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt.

Quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trải qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh. Nhưng, từ trong gian khó đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài, xuất thân của mỗi người tuy khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần hiếu học. Chính tinh thần hiếu học, cùng với ý chí quyết tâm, tự trau dồi, rèn luyện đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để học thành tài, trở thành những nhân cách đạo đức lớn, góp sức mình để giúp dân, giúp nước, được sử sách lưu danh muôn đời. Đó là Khương Công Phụ - người đỗ tiến sĩ đầu tiên của nước ta; là Nguyễn Hiền - đỗ Trạng nguyên khi mới 12 tuổi; là Bảng nhãn Lê Văn Hưu - nhà sử học nổi tiếng; là Nguyễn Văn Nghi - nhờ học thêm trong dân mà trở thành người giỏi, thầy dạy 2 vua (Lê Anh tông và Lê Thế tông); là Trương Vĩnh Ký - tự học để thành tài; là Mạc Đĩnh Chi – Lưỡng Quốc Trạng nguyên (trạng nguyên của cả Trung Hoa xưa và Đại Việt)...

Một trong những tấm gương nổi tiếng về vượt khó trong học tập là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Luận điểm quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là tự học và học tập suốt đời. Tự học là hoạt động có mục đích, là điều cần thiết và quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức. Trong những năm tháng bôn ba đi tìm đường cứu nước, khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết, mặc dù công việc nặng nhọc, kéo dài nhưng Bác vẫn tranh thủ học. Bác đi đến nhiều nước, vùng lãnh thổ, dù ở đâu, làm gì Bác đều tranh thủ tự học. Bác nói và viết được bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, như: Anh, Pháp, Nga, Trung... Bằng tấm gương hiếu học vượt khó của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu mà chúng ta cần phải học tập, noi theo.

Ngày nay, cũng có không ít tấm gương bền bỉ vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, truyền cảm hứng mãnh liệt cho biết bao người. Đó là tấm gương của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, quê Nam Định - người thầy đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam. Ở Thanh Hóa, chắc hẳn nhiều người biết đến Lê Thị Thắm, người khuyết tật hai tay ở huyện Đông Sơn, nhờ nghị lực phi thường đã đỗ đại học, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, tấm gương 2 em Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh, ở huyện Triệu Sơn đã khiến nhiều người thán phục. Suốt 10 năm, không kể nắng hay mưa, Hiếu đều đặn đưa Minh đến trường vì Minh bị dị tật chân bẩm sinh. Năm 2020, cả hai em đều đỗ đại học với điểm số cao (Nguyễn Tất Minh đạt tổng điểm 28,1 với 3 môn khối A; Ngô Văn Hiếu đạt tổng điểm 28,15 với 3 môn khối B trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020). Hiện tại Minh đang học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn Hiếu theo học Trường Đại học Y Dược Thái Bình...

Điểm lại những tấm gương hiếu học, vượt qua nghịch cảnh vươn lên học hành giỏi giang, thành danh xưa và nay để nhìn nhận thực tế hiện nay đất nước đang gặp nhiều gian khó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, HS chưa được đến trường, phải học online, thậm chí có nơi chưa thể bắt đầu năm học mới. Song, như lời Chủ tịch nước khẳng định trong thư gửi ngành giáo dục “Quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn của tất cả chúng ta, không riêng gì ngành giáo dục, là không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam, vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và Nhân dân”. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng “như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến”. Bởi vậy, các em HS, SV và mỗi chúng ta hãy khắc phục khó khăn, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trau dồi tri thức, bản lĩnh, góp phần để đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Trần Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]