Ra đến cửa rừng, hắn đặt bó củi xuống đất, ngồi lên tảng đá, mải mê nhìn đôi chim chào mào lửa đang bận rộn trên vòm cây với những quả cựa gà chín đỏ chót. Bọn chào mào dạn dĩ đến lạ. Cứ như thể chỉ có chúng nó mới biết thưởng thức những thứ của ngon vật lạ ở rừng. Đầu lưỡi hắn bắt đầu ngọ nguậy. Nước dãi tiết ra có vị chua rôn rốt của thứ quả mà thằng người không nỡ tranh giành với chim muông. Vừa lúc ấy thì thằng Cheo xuất hiện. Cheo đi rừng mà bảnh bao như đi chợ phiên. Sắp lấy vợ có khác. Mà không phải. Vợ cưới nó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hai con chào mào lửa

Ra đến cửa rừng, hắn đặt bó củi xuống đất, ngồi lên tảng đá, mải mê nhìn đôi chim chào mào lửa đang bận rộn trên vòm cây với những quả cựa gà chín đỏ chót. Bọn chào mào dạn dĩ đến lạ. Cứ như thể chỉ có chúng nó mới biết thưởng thức những thứ của ngon vật lạ ở rừng. Đầu lưỡi hắn bắt đầu ngọ nguậy. Nước dãi tiết ra có vị chua rôn rốt của thứ quả mà thằng người không nỡ tranh giành với chim muông. Vừa lúc ấy thì thằng Cheo xuất hiện. Cheo đi rừng mà bảnh bao như đi chợ phiên. Sắp lấy vợ có khác. Mà không phải. Vợ cưới nó.

Cheo gỡ trên cổ xuống cây súng chun, vít chạng kéo căng hai sợi chun cắt ra từ săm cái xe máy cũ. Sức trai mười tám, kể gì. Đoạn nó thò tay vào túi áo chàm móc ra cái hạt dẻ, nạp vào súng làm đạn. Hai con chào mào vẫn say sưa... Đừng! Hắn giơ tay cản. Hai con chào mào nghe tiếng quát của hắn thì cuống cuồng đập cánh lao vút vào rừng. Cheo đưa viên đạn hạt dẻ vào mồm cắn vỡ, nhằn lấy nhân, nhai chóp chép. Cheo hỏi hắn: “Chú thấy thế nào?”. Hắn nhếch mép cười, đáp lại: “Chả thế nào cả. Mày đi mà hỏi thằng Chự”. Cheo nhếch mép cười rất trẻ con, nó còn lấy tay phủi cái quần chàm mới tinh, quay bước, vẻ bất cần. Hắn giơ tay lên, định nói gì đó với Cheo nhưng lại thôi.

Mười lăm năm trước, hồi nhà vợ hắn cưới hắn bằng bảy mươi đồng bạc và ba con lợn đã là to nhất xứ Mù Cang này rồi. Nhà vợ hắn có sáu người con. Vợ hắn là Mẩy, lớn nhất. Rồi tùng tằng đằng sau bốn đứa em gái nữa mới đến thằng Tin là con giai út. Mẩy rất đẹp. Nhiều thằng trai không tiếc bạc muốn cưới Mẩy về nhưng bố mẹ Mẩy lại muốn cưới chồng cho con gái. Người Dao vùng này xem việc cưới rể giống như việc cấy thêm cho năm gian nhà gỗ những cái cột chắc khỏe. Nhà hắn năm anh em trai. Hắn là thứ ba. Mới cưới vợ cho hai thằng anh hắn xong bố mẹ hắn đã tối tăm mặt mũi vì nợ nần. Nghe bố mẹ giảng giải, hắn bùi tai. Rằng làm rể nhà ấy ắt sướng, vì nhà Mẩy tuy không giàu, nhưng có của từ thời ông, thời cụ nó để lại. Rồi đến khi gặp Mẩy, hắn chết lặng. Trong bụng bừng bừng cái suy nghĩ, bố mẹ em dù không cho nhà tôi đồng bạc nào thì tôi cũng theo không em về. Hắn đã từng nghĩ thế. Hắn trở nên thánh thần trong mắt đám trai nghèo ở Sa Phình. Nhiều đứa ước được vợ cưới như hắn lắm.

Sau đám cưới linh đình của hắn là đám cưới của thằng Chự. Cũng trai Sa Phình làm rể gái Mù Cang. Chuyện thằng Chự được vợ cưới là chuyện mà người Mù Cang có kể đến hết đời cũng chưa xong. Nhà vợ thằng Chự có cả đàn con trai, chỉ có mỗi cô con gái. Đúng là nhà nó không thiếu con trai, không thiếu cột nhà. Thế mà lại vẫn muốn cưới rể. Có nhẽ nhà nó sợ, nếu gả đi đứa con gái duy nhất, là sẽ mất hẳn con. Vì họ nghĩ đàn bà người Dao đi làm dâu là chín phần khổ, một phần sướng. Nhất là đứa con gái xấu xí, vẹo vọ như cái thứ quả điếc ấy. Thằng Chự, cái thằng gọi là có phúc cũng được, mà vô phúc cũng được. Vì nếu không để nhà kia cưới thì biết đến kiếp nào Chự mới có tiền cưới vợ? Nhà Chự nghèo, đông con, thằng Chự thua thiệt nhất. Chân dài chân ngắn, dáng đi cong vẹo như khúc gỗ làm vạy không xong mà cho vào bếp còn vướng. Trong nhà Chự không có thứ đồ đạc gì đáng được gọi là tài sản. Với gia cảnh như thế nên nhà thằng Chự không dám đòi nhiều. Nhà gái tuy giàu nhưng kiệt, nghe đâu nhà thằng Chự ăn có năm đồng bạc lấy lệ và hai con lợn để mời hàng xóm họ hàng. Thằng Chự đi ở rể sướng khổ thế nào thiên hạ không ai biết. Nhưng vợ chồng nó cũng sớm tối ríu rít bên nhau như hai con chim rừng.

Chân hắn đã về đến máng nước trái nhà, mà đầu hắn vẫn vẩn vơ hình bóng hai con chào mào lửa. Đứa gái lớn nhà hắn đã mười bốn tuổi, đang đứng ở cửa bếp. Dạo này, hai cái má nó không còn vết nhọ nồi nữa. Chắc có thằng trai nào để ý rồi. Nó phụng phịu. “Hết mỡ rồi bố ạ. Nấu cháo không à?”. Hắn bực mình liếc qua gian bếp trống trải. Con với cái, vụng thối vụng nát. Nấu cháo cho một cái thằng em ốm mà làm đầy một chảo to như chảo cám lợn thế kia. Hắn dằn dọc. “Hết thì thôi. Rán ai ra mà có mỡ?”. Nói thế nhưng hắn khẽ đánh mắt vào gian buồng tối om của mẹ vợ. Từ ngày bố con hắn ăn riêng, có lẽ đồ ăn thức uống gì quý giá bà không để ở bếp nữa, mà cất trong đó. Hắn và cả cái gia đình lúc nhúc những người ăn chung đến mười mấy năm. Nếu như không có chuyện vợ hắn ốm chết thì cũng không có chuyện bố con hắn bị đuổi ra ăn riêng thế này.

Con gái hắn chạy ra khỏi buồng, dậm chân xuống đất như giục. Hắn vội rảo bước vào căn buồng đã bật điện sáng. Chả thấy mắm muối, cá thịt đâu cả. Dưới chân giường bà, trên cái kệ gỗ là một cái hòm gỗ nhỏ có khóa, quả khóa rõ to. Trước đây, hắn không hề thấy cái hòm này. Chắc nó mới được mang về. Có nhẽ, mắm, mỡ, thức ăn, mẹ vợ hắn cất cả vào đây. Đứa em dâu út của hắn từng kể chuyện nhà nó thường phải lấy than vạch lên lọ mắm, lọ mì chính để đánh dấu. Những con số nó viết trên vách bếp là số củ khoai, củ đậu trong bếp, đề phòng chị dâu hắn ăn bớt mỗi lúc vợ chồng nó đi làm vắng. Khốn nạn. Trước giờ, hắn đã bao giờ làm cái việc bần tiện này đâu? Chẳng qua dạo này bí quá, thằng bé con lại ốm, muốn có tí mỡ lợn cho vào bát cháo của con thôi.

Kể từ ngày vợ hắn chết đến giờ đã ba năm, hắn chưa từng có ý định rời bỏ nơi này. Vậy mà giờ hắn chỉ muốn chạy về nhà, xin với bố mẹ đẻ một việc. Hắn muốn bố mẹ đẻ hắn sang có lời đầu cuối để chuộc bố con hắn về. Vay mượn tốn kém bao nhiêu, hắn sẽ làm ra để trả. Hắn thương bố mẹ hắn nghèo túng nảy sinh lòng tham, thương vợ hắn bạc mệnh và xót cái thân đàn ông ra luồn vào cúi như hắn. Nhưng hắn không trách bố mẹ vợ. Vì người ta bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra cưới hắn, thực ra là bỏ tiền mua con trâu kéo cày, con ngựa thồ hàng. Tiền của hắn làm ra từng ấy năm liệu đã xứng với món bạc mà ông bà đưa sang nhà hắn?... Gang đã đúc thành lưỡi cày rồi, lưỡi cày chưa mòn, chưa cùn, chưa thể đúc lại thành vật dụng gì khác. Huống chi hắn, tuổi mới ba nhăm, đương sức trai tráng. Hắn cày ruộng cạn, trâu đòi tha cày trước hắn. Hắn và thằng Tin đi rừng chặt củi. Bó củi của thằng Tin đứng cạnh bó củi của hắn giống như cái gáo để cạnh cái chum. Đấy là lúc hứng lên thằng Tin còn đi chặt củi, chứ lúc nó chán chường gì đó, nó nằm ườn cả ngày không mó việc gì. Lúc hai mươi, bằng tuổi thằng Tin, hắn đã hóa thân thành trâu, thành ngựa, làm không biết mệt. Giờ hai mươi, thằng Tin suốt ngày chỉ vác súng kíp vào rừng bắn chim, đẽo quay, mài kiếm, múa may. Đã thế, tán gái không xong, nó về nhà lầu bầu, bậm bục, ai mà động vào, nó khùng lên, dọa đi chết. Ăn riêng nồi, nhưng lại chung kiềng, chung cái gác để thóc, ngô, chung thùng gạo, chung củi lửa, chung việc nương rẫy. Nhà hắn có ba lao động chính, là hắn, vợ hắn và đứa con gái lớn. Còn mẹ vợ hắn thì chỉ lên nương vào những ngày thu hoạch. Suốt ngày bà mải lên rừng lấy thuốc bán. Bà chỉ thích tiền thôi. Bố vợ hắn là thầy cúng. Ông cúng ra rượu, ra thịt nên ông không phải làm lúa. Thằng Tin sống bằng tình yêu, bằng hò hẹn và những trò lông bông nên cũng không cần làm lúa. Từ khi vợ hắn bỏ bố con hắn đi, hắn tính cho thằng con trai thứ hai lên mười bỏ học, đôn lên làm lao động chính, thế vào chỗ mẹ nó. Nhưng thương con, hắn không nỡ, thế là hắn phải cố kiết làm việc gấp hai lần, nếu không cỏ sẽ mọc từ nương về đến tận chân cột nhà.

Ở lâu với cái bất công, lòng dạ hắn sinh hẹp hòi, nhỏ nhen. Nên khi thằng Cheo hỏi hắn về việc đi ở rể thế nào, hắn không muốn nói. Hắn biết tính thằng Cheo lắm. Thằng Cheo là con ngựa bất kham. Đứa trẻ không có bố được mẹ nuông chiều từ bé. Nó ăn ngon, mặc đẹp hơn bất cứ đứa đủ bố, đủ mẹ nào trong bản. Nó lại còn được học chữ đến tận lớp chín. Làm sao nó có thể sống cái kiếp phận tù túng cho hết một mùa trăng, chứ nói gì đến mười lăm năm như hắn. Rồi thằng Cheo sẽ phá tung mọi thứ tục lệ, lề thói để thoát thân. Và hắn sẽ có cái cớ để tự tay phá bỏ cái cũi chật chội này.

Tay cầm cái muôi gỗ to, tay tra muối từ từ, hắn nhẹ nhàng khoắng để cháo không sánh ra ngoài. Thằng ốm đắng miệng ăn được cháo này, thì thằng khỏe cũng ăn được. Bỗng có cái gì đó gờn gợn chạm vào cái muôi như một miếng xương. Hắn dừng lại, gọi đứa gái lớn đang lảng vảng gần đấy. “Có ai vào bếp nhà mình không?”. Con bé nhìn bố một lúc rồi lắc đầu. “Lúc bố mang cỏ cho trâu, con thấy chỉ có bà vào bếp thôi”. Tự nhiên hắn thấy gai ốc sởn lên ở hai bên cánh tay. Bà ấy bỏ gì vào nồi cháo của bố con hắn đây? Hắn lần hồi xâu chuỗi sự việc. Từ chỗ quý như con đẻ lúc mới cưới hắn về, sau khi con gái bà chết, bà trở mặt lạnh nhạt với hắn. Tiếp đến là đuổi mấy bố con ra ăn riêng. Rồi còn đánh tiếng khắp bản là từ giờ bố con hắn sống chết thế nào cũng không quan tâm. Hắn lấy cái muôi khoắng lên thật mạnh và múc lên một muôi cháo đầy, mang ra cửa bếp. Ánh sáng ngoài này mới là thật, dù cũng đang thoi thóp trong buổi nhá nhem. Trong cháo trắng loáng thoáng có thịt. Những sợi thịt lợn màu hồng đã chín nhừ. Mùi cháo thơm ngầy ngậy. Hắn mang muôi cháo đổ vào chảo, rụt củi ra và hỏi con bé. “Bà đâu rồi?”. Con bé chỉ tay xuống mé suối. “Bà đi thu thuốc về”. Hắn thở hắt ra. Đúng lúc ấy thì thằng bé con kêu khát. Hắn biết bụng nó lắm. Thằng bé rất ngoan. Nó kêu khát có nghĩa là nó đói. Cũng như khi nó rét nó thường nói là trời mát, lúc nóng quá thì nó bảo trời ấm. Hắn chưa múc cháo cho thằng bé ngay mà cẩn thận múc một muôi cháo đầy ra cái đĩa nhôm cũ. Cái đĩa này là đĩa đựng cơm của con chó cái vừa bị bán mất đàn con. Con chó mẹ, mắt còn ướt át, từ tốn liếm vùng quanh đĩa cháo bỏng. Nó hí hửng, mừng rỡ vì lần đầu tiên trong đời được ăn thứ thức ăn nóng hổi trước cả người, mà lại là thứ thức ăn ngon đến thế. Hắn sốt ruột ngồi đợi. Con chó ăn xong đĩa cháo thì đi ra cổng, ngồi nhìn đăm đăm về phía con đường mòn đi lên Sa Phình. Nơi vừa mới sáng qua có người mang cả bốn đứa con của nó đi.

Rốt cục con chó mẹ không sao cả. Thằng bé kêu khát lần thứ hai thì hắn mới bưng lên một tô cháo đầy. Nhìn thằng con ốm ăn cháo choàm choạp và liền mồm khen ngon mà nước mắt hắn chực ứa ra.

Trằn trọc mãi mà không ngủ được. Hình ảnh chiếc hòm gỗ có khóa khiến hắn thấy tủi, thấy nhục nhã vô cùng. Thật ra, mười lăm năm gắn bó với ngôi nhà này, là mười lăm năm hắn đã coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ mình, các em của vợ như em ruột mình. Vậy mà giờ này... Tại sao lại ra nông nỗi này? Hắn chợt muốn đi đâu đó cho khuây khỏa. Đi đâu bây giờ? Hay là đến nhà thằng Cheo và nói với nó những điều nó muốn biết?

Nhà thằng Cheo có hai mẹ con. Rồi đây, thằng Cheo đi làm rể nhà người, cũng như hắn, thì mẹ nó sống thế nào? Người Dao có tục khi gả con trai sang nhà khác, người mẹ hoặc người bố già cả không nơi nương tựa có thể theo về ở với con trai. Liệu thằng Cheo có đủ bản lĩnh mà đem theo mẹ mình về nhà vợ? Mẹ thằng Cheo trạc tuổi hắn. Thật ra, hắn cũng có chút gì đó nhớ nhung, vấn vương người đàn bà đa đoan này.

Khuya lắm, hắn mới về. Vừa đặt chân lên hè, hắn đã nghe tiếng mẹ vợ trong buồng vọng ra. “Tôi để bố con nó ăn riêng ra là xem đứa nào thương nó thì cũng đỡ sợ. Nó muốn lấy vợ rồi”. Vẫn tiếng bà. “Hay ta cưới vợ cho thằng Pù trước?”. Tiếng bố vợ nói nhỏ hắn không nghe rõ. Lại thấy tiếng bà: “Thì mình tìm đám nào vừa vừa với nó thôi. Cái món to nhất thì tôi lo xong rồi. Ông đã xem chưa? Còn thiếu bao nhiêu thì vay mượn thêm”. “Xem rồi, bộ vòng bạc bà mới mang về cất trong hòm kia chứ gì. Bạc tốt đấy...”. Hắn nín thở, đi giật lui ra cổng. Thằng Pù mà mẹ vợ hắn vừa nói chính là hắn đấy.

Cả đêm hắn không chợp mắt. Sáng ra, hắn cũng vác cào ra nương cùng con gái. Nhưng nửa đường, lấy cớ là quên thuốc lào, hắn quay về. Nhà không có ai ngoài thằng con ốm. Hắn sục ngay vào buồng mẹ vợ. Bàn tay hắn run run chạm khẽ vào cái hòm gỗ. Nhưng hắn vội rụt tay ra. Cảm giác rất lạ. Giống như đêm qua, lúc hắn đặt chân đến cửa nhà thằng Cheo, muốn gọi lên một tiếng mà không thể, đành quay về. Hắn cũng không hiểu vì sao lại như thế. Nhưng rõ ràng trong đầu hắn đang thấp thoáng bóng dáng hai con chào mào lửa. Chúng đang ríu rít chia nhau những quả cựa gà đỏ chót.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]