(Baothanhhoa.vn) - Dưới vương triều Lý, vùng đất Châu Ái (xứ Thanh) mặc dù là một địa bàn tiêu biểu khởi phát những cuộc chống Bắc thuộc để phục hưng văn hóa dân tộc, nhưng sau khi kinh đô chuyển từ Hoa Lư ra thành Đại La để xây dựng thành kinh đô Thăng Long thì Châu Ái - xứ Thanh, hay Châu Diễn, Châu Hoan - Nghệ An vẫn bị xem là vùng đất biên viễn, xa kinh thành. Vì vậy mà đến khi danh xưng “trấn Thanh Hóa” và “phủ Thanh Hóa” ra đời thì nhà Lý vẫn không thấy gọi vùng đất này là lộ mà chỉ gọi là “Trại”, rồi sau đó mới đổi làm phủ Thanh Hóa. Sử cũ không thấy đề cập đến lỵ sở của trại Thanh Hóa, hay phủ Thanh Hóa được chuyển về đâu và chuyển vào lúc nào nhưng nhờ khảo cứu nội dung của một số bia thời Lý còn lại trên đất xứ Thanh, giới sử học trong tỉnh, trong nước đều có chung nhận định lỵ sở của Thanh Hóa dưới thời Lý là ở vùng đất Duy Tinh (nay thuộc xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc).

Duy Tinh – một thuở thuyền bè tấp nập ...

Dưới vương triều Lý, vùng đất Châu Ái (xứ Thanh) mặc dù là một địa bàn tiêu biểu khởi phát những cuộc chống Bắc thuộc để phục hưng văn hóa dân tộc, nhưng sau khi kinh đô chuyển từ Hoa Lư ra thành Đại La để xây dựng thành kinh đô Thăng Long thì Châu Ái - xứ Thanh, hay Châu Diễn, Châu Hoan - Nghệ An vẫn bị xem là vùng đất biên viễn, xa kinh thành. Vì vậy mà đến khi danh xưng “trấn Thanh Hóa” và “phủ Thanh Hóa” ra đời thì nhà Lý vẫn không thấy gọi vùng đất này là lộ mà chỉ gọi là “Trại”, rồi sau đó mới đổi làm phủ Thanh Hóa. Sử cũ không thấy đề cập đến lỵ sở của trại Thanh Hóa, hay phủ Thanh Hóa được chuyển về đâu và chuyển vào lúc nào nhưng nhờ khảo cứu nội dung của một số bia thời Lý còn lại trên đất xứ Thanh, giới sử học trong tỉnh, trong nước đều có chung nhận định lỵ sở của Thanh Hóa dưới thời Lý là ở vùng đất Duy Tinh (nay thuộc xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc).

Duy Tinh – một thuở thuyền bè tấp nập ...Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là công trình tiêu biểu, mang đậm yếu tố chính trị, kiến trúc Phật giáo, thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Duy Tinh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Ảnh: C.A

Sở dĩ có nhận định như vậy vì trong nội dung của tấm bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tinh, xã Thuần Lộc có đoạn chép khá rõ về việc Thông phán Chu Công (không rõ tên, quê quán) - làm quan dưới triều Lý Nhân tông được cử vào coi giữ Trấn Thanh Hóa sau khi Tổng trấn Lý Thường Kiệt được triều đình gọi về để giữ chức Tể tướng lần thứ hai (năm 1101) đã trực tiếp điều hành một loạt công trình ở trấn lỵ Thanh Hóa (tức vùng đất của làng Duy Tinh như đã nói ở trên) như: “Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh do Thông phán Chu Công, quyền coi quận Cửu Chân, đích thân thống suất dân cư già trẻ giúp sức xây dựng lại vậy. Ông tính vốn ôn cung, chí chuộng liêm khiết. Lấy trung tín để thờ bề trên dùng khoan nhân để đãi kẻ dưới. Nghe lời nói hay thì chăm chắm trong lòng; học đủ ba đông mà miệt mài không mỏi. Cho nên, kinh sử quán thông, văn chương tươi đẹp. Tiếng khen sớm lan rộng trong đám nho sinh, tên tuổi lại đứng đầu nơi trường ốc. Thăng Nội cấp sự, lúc mới hai mươi. Vâng mệnh thêm vinh, dấu mực diệu kỳ phô trên vàng đá; làm quan thận trọng, tên tuổi vang lừng trong khắp đồng liêu. Vinh đạt càng thêm giữ lễ, tể phụ tiến cử tài năng. Cho nên, năm Ất Mùi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh (1115), kính vâng chiếu chỉ, tới giữ quận phù, quyền thống lĩnh các việc quân ở ba nguồn và năm huyện thuộc trấn Thanh Hóa. Ông bèn: ban bố hiệu lệnh, thay cũ đổi mới. Không chùng không căng mà mềm rắn dựa nhau, không buông không níu mà cương nhu hợp độ. Đến như phàm đã xếp đặt các việc, thì không việc gì không thỏa đáng. Khuyên Nhân dân chăm chỉ việc gì không thỏa hình ngục cốt chuộng điều hòa ái. Cho nên, trên dưới hòa đồng, bỏ hết kiện tụng; xóm làng vui vẻ, phong hóa thanh cao. Thiên tử nghe tin, hết mức tán thưởng. Cho rằng, việc trọng nhậm phương trấn đã tìm được bậc hiền lương làm nên công lớn. Tháng bẩy, mùa thu, nhà vua xuống chiếu sai ông thống lĩnh dân chúng, tu sửa nha thự trong quận. Dựng điện đường cao vút, xây hành lang uốn quanh. Củng cố thành quách chia đặt dịch đình. Khơi kênh thông dòng, mở mang vườn tược. Công tích đã thành, nhà vua cho ông là người có tài năng, thăng chức Bí thư lang, kiêm giữ các công việc nội phủ, lại giao Quyền tri các sự vụ ở trấn Thanh Hóa”(1).

Cũng theo nội dung tấm bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh cho biết thì chỗ xây dựng chùa Sùng Nghiêm trong địa bàn trấn lỵ là “Đất giáp Ly cung (tức hành cung để vua dừng nghỉ khi hành quân hoặc tuần du trên địa bàn của trấn Thanh Hóa), khác chốn núi rừng u tịch, cửa ngang đường lớn, trấn nơi người, trời hướng về... Có thể gọi là sách với Vương Xá thành và An dưỡng giới vậy...”(2).

Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh còn ghi chép rất rõ sự kiện trấn lỵ Thanh Hóa (ở Duy Tinh) từng có cuộc đón tiếp Vua Lý Nhân tông với nghi thức rất long trọng như: “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh (1116), nhà vua (tức Lý Nhân tông) ngự giá tuần du phương Nam, đến Châu Ái (tức đến chỗ trấn lỵ - Duy Tinh), liền buộc thuyền rồng, tạm dừng nghi trượng. Cờ xí dậy đất, vũ vệ lõa mây. Hội chư hầu với nhiều lễ nghi, đặt phương bá ứng với thứ bậc. Phong tuyết múa bảy điệu khoe dáng, Hàm Thiều tấu sáu khúc lững trời. Gương trời tỏ soi sáng màn che, khí xuân trùm cỏ cây nảy nở. Phàm nơi biên viễn, đều gội ơn sâu. Thực là việc ngàn năm khó gặp, đó là vinh hạnh sâu sắc của cả một vùng.

Sau khi xa giá nhà vua trở về, ông bèn triệu tập các phụ lão trong quận cùng các thuộc lại tới (...) Thế là chọn góc Tây Nam thành, ở đó còn di tích ngôi chùa cổ. Nền móng thì gạch ngói vẫn còn, rường xà thì cỏ gai đã rậm. Đèn hương tuy bỏ, phong cảnh vẫn riêng. Hai cửa khuyết án ngữ phía trước, ba dòng sông chảy ôm phía sau. Rộng lớn thâm nghiêm, thoáng đãng tịch mịch. Thực là nơi cắm trượng của đáng Thích Hùng, đúng là chỗ lắng tâm của hàng Tát đỏa”(3).

Như vậy, qua những ghi chép trong bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà chúng tôi đã trích dẫn trên cũng đã đủ chứng cứ để khẳng định rằng vùng đất xây chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh cũng chính là vùng đất của trấn lỵ (hay trấn thành) của xứ Thanh thời Lý. Trấn thành có thể được khởi dựng trong thời gian Thái úy Lý Thường Kiệt được triều đình cử vào làm tổng trấn Thanh Hóa trong 19 năm (từ 1082-1101). Nhưng trong khoảng thời gian này, trấn thành ở đây tuy cũng có thành lũy và một số công trình kiến trúc bên trong, song vẫn mang tính chất một thành trì quân sự tiện lợi cho việc đóng quân để bảo vệ vùng biên viễn. Vì vậy, như sự ghi chép của bia chùa Sùng Nghiêm thì mãi đến khi Thông phán Chu Công thay Lý Thường Kiệt vào quản lĩnh trấn Thanh Hóa thì vùng đất trấn thành này mới được xây dựng nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế (như củng cố thành quách, chia đặt dịch đình, sửa sang nha thự, khơi kênh thông dòng, rồi mở mang cầu cống, đường sá, vườn tược...). Từ năm 1115 trở đi, vùng đất trấn thành Duy Tinh đã thực sự trở thành một trung tâm chính trị - xã hội và kinh tế khá sầm uất và thịnh vượng của trấn Thanh Hóa. Đây cũng là nơi chầu kiến qua lại của các nước chư hầu và là nơi tụ hội giao thương buôn bán với các thương đoàn gần, xa khi đến xứ Thanh để vào đất Việt. Vì vậy mà người soạn văn bia ngày ấy mới đánh giá vùng đất trấn thành Thanh Hóa dưới triều Lý cũng có “sánh với Vương Xá thành” của nước Ma Già (thuộc miền nam Ấn Độ ngày nay). Với vị trí giao thông thủy, bộ thuận lợi, cho nên đến cả thời Trần (với thời gian 175 năm, từ 1225-1400), vùng đất Duy Tinh vẫn là đất trấn thành của lộ - phủ Thanh Hóa - một vùng đất được người gần, xa từ trước tới nay vẫn còn lưu truyền những câu ca thật sống động:

Duy Tinh giáp bộ, giáp phường

Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường liên thông

Vui thay trên bến dưới sông

Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây.

Tuy nhiên, đến thời Lê Trung hưng cho đến Tây Sơn và Nguyễn, trấn thành của Thanh Hóa lại về đóng ở đất làng Dàng - Dương Xá của thành Tư Phố xưa thì vai trò chính trị, kinh tế - xã hội của vùng đất trấn thành Duy Tinh của thời Lý Trần sẽ dần mờ nhạt hơn trước, nhưng không vì thế mà mất đi vị thế của một vùng đất đầy sôi động này. Đến thờ Lê và Nguyễn, tuy không còn là vùng lỵ sở của cả xứ Thanh nữa, nhưng đây vẫn là đất phủ lỵ Hà Trung và từ 1838 đến 1984 lại là đất huyện lỵ Hậu Lộc. Như vậy, Duy Tinh vẫn liên tục là một trung tâm chính trị, kinh tế trong nhiều thế kỷ. Vì thế mà cho đến nay, tại đây vẫn còn lưu đọng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần bảo tồn, phát huy để giữ mãi nhiều kỷ niệm của các thời đã qua.

Giờ đây, khi ghé thăm vùng trấn thành xưa của xứ Thanh thời Lý - Trần ở địa bàn Duy Tinh, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) nay thì sẽ cảm nhận đầy đủ những gì mà tấm bia chùa Sùng Nghiêm đã ghi chép. Đây là vùng đất được bao bọc bởi 3 dòng sông, đó là: Sông Ngu Giang (còn gọi là sông Lạch Trường. Từ thời Lý đến thời Trần - Hồ vẫn là dòng chính của sông Mã) từ biên giới Việt - Lào chảy xuống đồng bằng, đến Tào Xuyên Hàm Rồng thì chảy qua địa bàn Hoằng Hóa, Hậu Lộc để đổ ra cửa biển Lạch Trường. Vì vậy mà sông này mới mang tên là sông Lạch Trường). Từ Duy Tinh, theo dòng sông đến cửa Lạch Trường chỉ khoảng 10km; sông Trà Giang, con sông đào có từ thời Tiền Lê được nối liền với sông Lèn; sông Ấu - một nhánh của sông Mã chảy từ Hoằng Khánh (nay là Hoằng Xuân, Hoằng Hóa) xuống. Khi về đến xã Hoằng Lương thì hợp vào sông Trà để tạo ra ngã Ba Ghềnh (thuộc Duy Tinh, Thuần Lộc).

Với hệ thống đường sông, từ Duy Tinh có thể vào Nam, ra Bắc, hoặc đến với nhiều địa bàn trong tỉnh một cách khá dễ dàng, nhanh chóng.

Là đất trên bến dưới thuyền, từng có Bến ngự thuyền rồng khi vua đến rồi cầu đá Phượng Hoàng và chợ Phủ tấp nập người mua bán, đến chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh và các địa danh cổ nơi xứ đồng, gò, bãi, đường đi, lối lại... tất cả đều là chứng tích còn lại của vùng đất trấn thành xứ Thanh thời Lý - Trần - nơi mà Thái úy Lý Thường Kiệt - vị anh hùng “đánh Tống, bình Chiêm” lẫy lừng thiên hạ đã từng ở đây trong 19 năm làm Tổng trấn Thanh Hóa để rồi nhanh chóng biến xứ Thanh - vùng đất biên viễn xa kinh thành Thăng Long trở thành một đất phên dậu cường thịnh và hùng mạnh rất đáng tin cậy của đất nước Đại Việt. Và hiện nay, sau gần một ngàn năm, Duy Tinh đã có nhiều thay đổi lớn lao, nhưng dưới góc nhìn toàn cảnh, vẫn còn thấy những sắc hình thơ mộng và nét đẹp cổ kính của vùng đất trấn thành xứ Thanh thời Lý - Trần.

Phạm Tấn

(1) Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập I, Sđd, tr.188-189.

(2) Sđd, tr.191.

(3) Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, Sđd, tr.189-190.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]