(Baothanhhoa.vn) - Du khách chưa đặt chân lên đỉnh núi Các là chưa biết hết đất Tĩnh Gia xưa (thị xã Nghi Sơn ngày nay). Từ hồ Hao Hao lên núi Các, thiên nhiên ưu đãi một vẻ đẹp hoang sơ, đồng thời gắn với mảnh đất này là những giá trị văn hóa lịch sử, sự linh thiêng của ngôi cổ tự... mà không phải nơi nào cũng có được.

Đến núi Các ngắm hồ Hao Hao

Du khách chưa đặt chân lên đỉnh núi Các là chưa biết hết đất Tĩnh Gia xưa (thị xã Nghi Sơn ngày nay). Từ hồ Hao Hao lên núi Các, thiên nhiên ưu đãi một vẻ đẹp hoang sơ, đồng thời gắn với mảnh đất này là những giá trị văn hóa lịch sử, sự linh thiêng của ngôi cổ tự... mà không phải nơi nào cũng có được.

Đến núi Các ngắm hồ Hao HaoQuang cảnh hồ Hao Hao.

Một vùng thắng tích Am Các

Trước kia để lên được đỉnh núi Các phần lớn khách thập phương phải đi vài ba tiếng đồng hồ. Bởi dốc đã cao, đường đi là đất đá lởm chởm. Còn giờ đây, một con đường đổ bê tông từ chân núi lên đến chùa Am Các đã hoàn chỉnh, việc đi lại dễ dàng hơn. Không ít người cho rằng, hiện đại quá cũng khiến sự khám phá thiên nhiên bớt lý thú đi nhiều. Song, đoạn đường 4 km lên đến đỉnh núi, dù có ngồi trên xe ô tô nhưng tôi cũng cảm nhận rõ chiếc xe ì ạch hơn, con đường ngoằn ngoèo, xung quanh là rừng cây cổ thụ, đỉnh dốc cao khiến chúng tôi ù hai tai. Người đi bên cạnh tôi phấn khích reo lên: “Tuyệt vời quá”. Chúng tôi hít thật căng lồng ngực để đón cái không khí thanh sạch nơi này.

“Cách ngày nay gần 1.000 năm đã từng có một ngôi chùa tọa lạc nơi đây. Do biến thiên lịch sử và tác động của tự nhiên, ngôi chùa hiện nay nằm trên nền móng cũ. Dấu tích còn lại là một tượng Phật ngự tòa sen bằng đá không còn nguyên vẹn. Ngoài ra một số hiện vật khác như: chân tảng đá chạm khắc hoa văn khá đẹp, gạch ngói cổ bị sứt vỡ nằm rải rác quanh nền chùa và vùi lấp dưới cây cỏ. Dựa vào kích thước và hoa văn của chân tảng và gạch, ngói mà các nhà khảo cổ nhận định đây là những vật liệu xây dựng thuộc đời Lý - Trần. Sân trước của chùa có 3 vị trí được kê những hòn đá tảng, truyền rằng đó là mộ của các hòa thượng đã viên tịch”, đó là lời giới thiệu của Đại đức Thích Nguyên Đại.

Theo nhiều tài liệu lịch sử thì chùa Am Các có từ đời nhà Lý, người xây dựng là Thiền sư Ngô Chân Lưu, quốc sư triều Đinh - Tiền Lê. Là một người yêu nước, tinh thông Phật giáo, ông được vua Đinh phong chức Tăng thống (đứng đầu Phật giáo cả nước), được ban danh hiệu Khuông Việt đại sư. Ông là thầy dạy của Thiền sư Đa Bảo, người có công lớn trong việc lên ngôi của Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng vương triều Lý. Thấy đạo Phật tác động tốt đến cuộc sống của Nhân dân nên triều đình cho người về các vùng quê xây dựng chùa và Thiền sư Ngô Chân Lưu được cử về vùng Nam Thanh (thuộc xã Định Hải) cùng với bách tính xây dựng ngôi chùa này. Chùa Am Các còn có tên là Thiên Long tự, ngôi chùa nằm trên đỉnh núi cao nhìn được toàn cảnh đất Ngọc Sơn (tức thị xã Nghi Sơn ngày nay).

Hồ Hao Hao

Đứng từ đỉnh núi Các, ở phía đền Thượng nhìn xuống là toàn cảnh thị xã Nghi Sơn, với những công trình, nhà máy hiện đại, xa xa là biển xanh dịu êm và đảo Hòn Mê mờ ảo. Còn đứng ở phía đền Hạ, chúng ta được nhìn ngắm rừng thông lá xanh trong những cơn mưa phùn mùa xuân, in bóng xuống mặt hồ êm ả.

Đến núi Các ngắm hồ Hao HaoChùa Am Các còn có tên là Thiên Long tự.

Hồ Hao Hao là công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho những cánh đồng rộng lớn quanh vùng, đồng thời tạo nên cảnh quan rất thơ mộng. Mặt hồ như một chiếc gương khổng lồ với làn nước trong xanh, phẳng lặng. Bên bờ hồ còn có những tảng đá hình thù kỳ dị, tạo thêm cảnh quan thú vị.

Dừng xe ở đầu cầu Phú Long, chúng tôi men theo con đường đất xuống khu vực mà vào ngày nắng đẹp những bạn trẻ thường đến đây chụp ảnh. Trên hồ có nhiều đảo nhỏ. Chị Phùng Thị Hương, một người dân xã Định Hải cho chúng tôi biết: Nhìn thì êm ả và xanh trong thế, nhưng hồ rất sâu. Ở đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vì thế, mỗi khi thấy bọn trẻ đến đây, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu cần chú ý tránh mải mê chụp ảnh mà xảy ra tai nạn.

Cảnh đẹp là vậy, nhưng tiếc là chưa có bất cứ dịch vụ nào để khai thác thắng cảnh này. Bà Dương Thị Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghi Sơn cho biết: Để đưa du lịch thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Nghi Sơn đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch du lịch biển, trong đó chú trọng việc thực hiện quy hoạch Khu du lịch Hải Hòa và Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn. Đồng thời huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch sinh thái hồ Hao Hao - chùa Am Các. Mặt khác, nhằm tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch, thị xã sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, thân thiện, mang tính đặc trưng tại các trọng điểm như: Hải Hòa, Ninh Hải, Hải Lĩnh, Tân Dân, Nghi Sơn - đảo Mê.

Theo mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, thị xã Nghi Sơn phấn đấu đến năm 2025 đón được trên 1 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế đạt 300.000 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng trở lên. Cùng với đó, toàn thị xã sẽ có từ 170 cơ sở lưu trú du lịch trở lên (trong đó 20% được xếp hạng từ 2 đến 5 sao), với 75% lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch qua đào tạo... Hướng tới phát triển du lịch Nghi Sơn trở thành điểm đến năng động, hấp dẫn đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]