(Baothanhhoa.vn) - Tôi đọc bài thơ “Mẹ của anh” - nữ sĩ Xuân Quỳnh từ khi còn là cô thiếu nữ ngày hai buổi hồn nhiên cắp sách đến trường. Giờ đây, khi đã là mẹ của cô con gái kháu khỉnh, dễ thương, là vợ trong tổ ấm nhỏ riêng mình, lần giở đọc lại “Mẹ của anh”, cảm xúc cùng nhận thức, suy nghĩ về những vần thơ ấy đã khác đi rất nhiều. Duy chỉ có một điều, đó là tình yêu, sự khâm phục, ngưỡng mộ dành cho nữ sĩ Xuân Quỳnh và những vần thơ của bà vẫn luôn là bất biến.

Bài thơ viết về mẹ chồng của nữ sĩ Xuân Quỳnh

Tôi đọc bài thơ “Mẹ của anh” - nữ sĩ Xuân Quỳnh từ khi còn là cô thiếu nữ ngày hai buổi hồn nhiên cắp sách đến trường. Giờ đây, khi đã là mẹ của cô con gái kháu khỉnh, dễ thương, là vợ trong tổ ấm nhỏ riêng mình, lần giở đọc lại “Mẹ của anh”, cảm xúc cùng nhận thức, suy nghĩ về những vần thơ ấy đã khác đi rất nhiều. Duy chỉ có một điều, đó là tình yêu, sự khâm phục, ngưỡng mộ dành cho nữ sĩ Xuân Quỳnh và những vần thơ của bà vẫn luôn là bất biến.

Bài thơ viết về mẹ chồng của nữ sĩ Xuân Quỳnh“Mẹ của anh” được yêu thích, tuyển chọn vào nhiều tập thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu luôn là điều gì đó phức tạp, khó hòa hợp. Người xưa đã rất dí dỏm, hài hước và không kém phần sâu cay khi khắc họa mối quan hệ giữa bố mẹ chồng - nàng dâu qua nhiều câu ca dao, tục ngữ mà đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi, phổ biến với nhiều dị bản khác nhau như:

“Mẹ chồng là cái lông con phượng

Bố chồng là bức tượng mới tô

Con dâu là cái bồ đựng chửi”.

Nhiều câu nói mang tính mỉa mai, châm chọc:

“Thật thà như thể lái trâu

Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”.

Xuất hiện trong những câu ca dao, tục ngữ, vè nói ngược ấy, mối quan hệ giữa bố mẹ chồng - nàng dâu luôn được diễn tả trong mối quan hệ đối nghịch, mâu thuẫn. Chính bởi điều đó, mỗi khi đọc bài thơ “Mẹ của anh”, độc giả càng thêm yêu mến, trân trọng, cảm phục tấm lòng, tài năng, nhân cách của nữ sĩ Xuân Quỳnh:

“Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”.

Hai câu thơ mở đầu bài thơ “Mẹ của anh” tựa như tiếng lòng thỏ thẻ tâm sự của người vợ khi đang đầu gối tay ấp bên chồng. Sau một ngày quay cuồng, bận rộn, hai vợ chồng bên nhau trên chiếc giường hạnh phúc, nhỏ to bao chuyện trong cuộc sống. Ở đó có câu chuyện về những đứa con kháu khỉnh, hồn nhiên vui đùa, có chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện vụn vặt ở cơ quan, về đồng nghiệp. Và một phần rất riêng tư, đó là câu chuyện về mẹ và em – hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuôc đời anh:

“Mẹ tuy không đẻ, không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Em dịu dàng và hiểu chuyện nên lời em nói mang cảm giác ấm áp, chân thành, sâu sắc. Em cất lời nói xuất phát từ trái tim căng tràn nhịp đập yêu thương, từ tấm lòng thơm thảo, thấu hiểu của em chứ không phải là sự ve vuốt, hoa mỹ:

“Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen”.

Công lao, sự hy sinh to lớn của mẹ được gợi lên từ những nét dung dị, mộc mạc đời thường mà sâu sắc. Lời thơ càng ý nghĩa hơn khi bật lên từ tấm lòng, nghĩ suy, trăn trở của người con dâu dành cho mẹ chồng. Hai vế đối lập: “Ngày xưa” và “bây giờ”, hình ảnh nhận diện “tóc mẹ trắng phau” và “mái tóc trên đầu anh đen” đã khắc họa đậm nét hình ảnh người mẹ hết lòng vì con, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ của ngày xưa cũng đã từng là người con gái thanh tân, đẹp rạng rỡ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì thiên chức của người mẹ, người vợ, mẹ gửi lại nét xuân thì của mình ở lại với thời gian. Trên hành trình khôn lớn, trưởng thành của anh không bao giờ thiếu sự yêu thương, che chở, chăm sóc của mẹ. Hành trình ấy có cả niềm vui, hạnh phúc và cũng có cả mồ hôi, nước mắt cùng bao nỗi nhọc nhằn:

“Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần”.

Có hiểu thì mới có cảm thông, yêu thương. Con đường đi từ trái tim đến trái tim đâu cần những gạch nối, chỉ dấu phức tạp, màu mè:

“Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”.

Chỉ với hai câu thơ cũng đủ cho thấy cái tâm – cái tầm của người thi sĩ. Ở một khía cạnh nào đó, chữ thương đã cao hơn một bậc so với chữ yêu. Yêu là cảm giác, thương là cả quá trình. Ai đó đã từng đưa ra so sánh: Nếu chữ “yêu” nói lên tình cảm nồng nàn, da diết thì chữ “thương” hòa quyện cả sự bao dung, nhẫn nại, âm thầm nhưng bền bỉ. Trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, chữ “thương” ấy càng trở nên quý giá.

Mẹ nặng gánh mưu sinh vun vén cho đời anh tươi tắn, rạng ngời. Mẹ nuôi dạy anh bằng tình yêu thương, răn dạy anh đạo lý, lẽ sống ở đời từ những điều giản dị, gần gũi nhất:

“Lời ru mẹ hát thuở nào.

Truyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Nào là hoa bưởi, hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa...”.

Chính bởi chữ yêu, chữ thương, từ những thấu hiểu ấy nên em càng có thêm động lực, niềm tin, càng không nỡ làm điều gì khiến mẹ phải buồn:

“Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh em đã là dâu trong nhà”.

“Yêu anh em đã là dâu trong nhà” – câu thơ giản dị mà sao đọc lên lại cảm thấy rưng rưng xúc động. “Làm dâu” đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Hạnh phúc hay đau khổ cũng đều bắt nguồn từ hai chữ “làm dâu” ấy. Bởi lẽ, yêu đương là chuyện của hai người nhưng khi “đã là dâu trong nhà” thì câu chuyện hoàn toàn khác. Tổ ấm nhỏ đối diện với những mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, nội tộc, ngoại tộc... Ở đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong mọi mối quan hệ và không dễ gì để hài hòa tất cả. Nhưng em vẫn luôn tin, bởi vì yêu anh, vì tình yêu của chúng ta, mẹ sẽ không ghét bỏ em, sẽ thương yêu em như thành viên trong gia đình.

Em cũng hiểu hơn ai hết một điều: Em và mẹ có một tình yêu chung – đó là anh. Bởi vậy, khi em dành hết tình yêu của mình cho anh, cho tổ ấm nhỏ của chúng ta chính là cách để em đáp đền công ơn của mẹ. Đó là “cảnh giới” cao nhất của nhận thức, của tấm lòng:

“Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu tự những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Khép lại bài thơ, bạn đọc như hình dung thấy nụ cười, ánh mắt ấm áp, dịu dàng của Xuân Quỳnh ghi dấu giữa bão giông cuộc đời, đúng như những nhận định tài hoa, sắc sảo của nhà phê bình Chu Văn Sơn: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời... Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm...”.

Xã hội ngày càng phát triển, trình độ, nhận thức, tư tưởng được nâng cao nên mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng dần vượt qua định kiến, hài hòa, thăng hoa hơn. Và những vần thơ trong tác phẩm “Mẹ của anh” vẫn luôn vang vọng trong ngôi nhà nhỏ - nơi ấm áp tình thân, nơi chỉ có yêu thương và sẻ chia, nơi mà “mọi bão giông dừng sau cánh cửa”...

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]