(Baothanhhoa.vn) - Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVI đề ra. Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để đưa ngành nông nghiệp của huyện hoàn thành mục tiêu, phát triển ổn định, toàn diện và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Tái cơ cấu nông nghiệp tạo sự phát triển bền vững

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVI đề ra. Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để đưa ngành nông nghiệp của huyện hoàn thành mục tiêu, phát triển ổn định, toàn diện và bền vững.

Toàn huyện Hoằng Hóa có 85% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Không cho đất “nghỉ”

Về xã NTM Hoằng Thắng vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan trên từng khuôn mặt của người nông dân khi nghe họ kể về việc luân canh, gối vụ, tăng hệ số sử dụng đất trên một đơn vị canh tác. Dừng chân bên ruộng dưa hấu của gia đình bà Nguyễn Thị Lượng - một trong những gia đình có nhiều diện tích đất trồng màu của xã, bà cho biết: Từ khi đưa các loại cây trồng hàng hóa vào sản xuất gần như ngày nào bà con nông dân cũng có mặt trên đồng ruộng. Bởi, khi cây trồng này chưa hết kỳ thu hoạch thì dưới đất đã nảy mầm cây trồng khác. Ví như vừa qua, vụ dưa hấu xuân hè vào kỳ thu hoạch cuối thì dưới đất đã có lứa dưa hè thu mọc lên xanh mướt. Hết mùa trồng dưa, chúng tôi lại chuyển sang trồng bí xanh, rồi khoai tây nên nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước kia trồng các cây truyền thống ngô, khoai, lạc...

Như để minh chứng cho việc luân canh gối vụ của người nông dân, ông Hoàng Văn Mạo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thắng dẫn chúng tôi đi thăm các cánh đồng màu khác trên địa bàn xã. Mặc dù thời điểm này bà con nông dân đang bận rộn gieo cấy vụ mùa nhưng trên từng thửa ruộng trồng màu một màu xanh mướt mát vẫn hiện hữu trước cái nắng gay gắt của ngày hè.

- “Xã Hoằng Thắng có hơn 400 ha đất canh tác, trong đó có tới 50% là diện tích đất trồng màu, việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, thực hiện kỹ thuật luân canh, gối vụ đã giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Mỗi sào đất màu bà con sản xuất được 4 vụ/năm. Đơn cử như năm 2017, thu hoạch xong gần 70 ha bí xanh, nông dân đã trồng được 65 ha khoai tây vụ đông, xong lại chuyển sang trồng 2 trà dưa hấu với diện tích 65 ha. Giá trị bình quân/ha canh tác đạt 138 triệu đồng và dự kiến đạt 165 triệu đồng/ha trong năm 2018. So với 5 năm về trước, con số này chỉ khoảng 110 - 115 triệu đồng/ha”, ông Mạo hào hứng cho biết.

- “Thế còn đầu ra thì sao ạ?”, chúng tôi hỏi.

- “Trước khi động viên bà con luân canh, gối vụ, xã đã nhiều lần đi tham quan học hỏi các mô hình sản xuất cây trồng hàng hóa ở trong tỉnh và ngoài tỉnh, sau đó về triển khai, rồi đấu mối với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, HTX đang ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp để cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm bí xanh, khoai tây cho bà con nông dân. Tuy nhiên, làm nông nghiệp không tránh khỏi việc “được mùa rớt giá”; giá cả thị trường khiến hợp đồng bao tiêu không ổn định, có thời điểm công ty thu mua giá cao, nhưng cũng có thời điểm giá lại xuống thấp, khiến cho thu nhập của người nông dân giảm sút. Đó là vấn đề khiến chúng tôi trăn trở nhất hiện nay”, ông Mạo trả lời.

Cũng giống như xã Hoằng Thắng, Hoằng Đạo là một trong những xã có diện tích đất trồng màu lớn của huyện Hoằng Hóa. Để tìm được loại cây trồng phù hợp với từng chân đất, năm 2016, xã đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng lạc che phủ ni-lông thử nghiệm trên diện tích 2 ha. Sau đó, đấu mối với Trung tâm Phát triển đậu đỗ Hà Nội đưa thêm các giống lạc vào sản xuất. Từ đó đến nay, toàn xã có 30 ha trồng lạc che phủ ni-lông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho khoảng 200 hộ dân tham gia.

Để có được những kết quả khả quan trong thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như các địa phương nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: Là một trong những địa phương đi đầu trong hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xác định giải pháp trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ cấu cây trồng, thời vụ, cơ cấu giống thích ứng với từng vùng, từng địa phương và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt trong nông nghiệp, bên cạnh việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản.

Kết quả nổi bật có thể kể đến đó là cơ cấu mùa vụ được chuyển dịch theo hướng tích cực với 100% diện tích cơ cấu trà lúa xuân muộn và mùa sớm. Sử dụng các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Duy trì ổn định vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích trên 3.000 ha ở 27 xã, năng suất bình quân đạt 72 tạ/ha. Vùng sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng VietGAP với 52 ha, tập trung tại các xã: Hoằng Giang, Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Hợp, Hoằng Phúc và 26.000 m2 sản xuất rau trong nhà lưới. Duy trì, mở rộng các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các cây trồng như khoai tây Đức, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô bao tử, ớt...

Thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác dồn điền, đổi thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc giao đất ngoài thực địa, mỗi hộ chỉ còn canh tác từ 1 đến 2 thửa ruộng. Toàn huyện có 22 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất với diện tích 450 ha, tiêu biểu như các xã: Hoằng Khánh, Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Tân, Hoằng Phong, Hoằng Lưu..., trong đó vùng tích tụ ruộng đất lớn nhất có diện tích lên đến 11 ha tại xã Hoằng Phú để sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã được ứng dụng trên tất cả các khâu trong sản xuất, góp phần giảm áp lực về lao động, chủ động thời vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất và giá trị cây trồng trên đơn vị canh tác. Đến nay, toàn huyện có 455 máy làm đất, 58 máy gặt đập liên hợp, 20 máy cấy, 1 máy sấy nông sản và 10 cơ sở sản xuất mạ khay. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95% diện tích, cấy bằng máy đạt 20% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 85% diện tích. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt 286 ha năm 2017 và ước đạt 400 ha trong năm 2018. Giá trị sản xuất/ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2017 đạt 126 triệu đồng/ha/năm.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Nguyễn Đình Tuy thì so với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện Hoằng Hóa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, chỉ đạo, quản lý, đầu tư phát triển và tiêu thụ nông sản. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, số lượng hàng hóa nông sản chất lượng cao chưa nhiều, sức cạnh tranh còn thấp, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn chưa đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất nhỏ, chưa hình thành được nhiều thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản. Trong khi đó, một số xã chưa có nhiều giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Công tác tìm kiếm và định hướng thị trường chưa tốt, chưa hình thành được nhiều mối liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản có hiệu quả bền vững. Một bộ phận nông dân chưa thích ứng với cơ chế thị trường, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng với yêu cầu, chưa lấy thị trường làm trục chính để đầu tư sản xuất...

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng, huyện Hoằng Hóa đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, chú trọng tập trung chỉ đạo chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, trồng cây ăn quả và rau màu các loại có giá trị kinh tế cao hơn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để kiểm soát sản phẩm, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tìm kiếm, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản... Từ đó, tạo động lực xây dựng ngành nông nghiệp huyện Hoằng Hóa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với những sản phẩm mang tính lợi thế, cạnh tranh, hiệu quả cao gắn với xây dựng NTM, bảo đảm phát triển ổn định, toàn diện và bền vững.

Bài 2: Tập trung đồng bộ các giải pháp, huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.


Hương Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]