(Baothanhhoa.vn) - Để từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xúc tiến việc phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng liên kết vùng. Không những mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn trên từng đơn vị diện tích canh tác, việc triển khai sản xuất theo hướng liên kết vùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX đã nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm - góp phần quan trọng giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 1 - Kỳ vọng về những cánh đồng liên kết

Để từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xúc tiến việc phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng liên kết vùng. Không những mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn trên từng đơn vị diện tích canh tác, việc triển khai sản xuất theo hướng liên kết vùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, HTX đã nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm - góp phần quan trọng giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”.

“Xây dựng liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp”: Bài 1 - Kỳ vọng về những cánh đồng liên kếtVùng trồng rau an toàn tại xã Thiệu Hưng (Thiệu Hóa). Ảnh: Minh Hằng

Bước vào vụ đông năm 2021, sản xuất nông nghiệp được dự báo với những khó khăn về tình hình chung của thị trường khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước bối cảnh đó, việc định hướng cơ cấu cây trồng, diện tích sản xuất đã được các địa phương nghiên cứu, chú trọng.

Vụ đông năm 2021, huyện Thọ Xuân triển khai gieo trồng 5.300 ha các loại cây trồng, với giá trị kinh tế khoảng 400 tỷ đồng. Đánh giá trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ, huyện Thọ Xuân đã điều chỉnh phương án và cơ cấu cây trồng, trong đó, tăng tối đa diện tích cây trồng phục vụ thị trường trong nước. Để nâng cao giá trị sản xuất vụ đông và ổn định đầu ra cho sản phẩm, huyện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Đồng thời, giao cho các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ dân sản xuất. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, tổng diện tích cây trồng liên kết sản xuất vụ đông toàn huyện đạt trên 600 ha, bao gồm các loại cây, như: ớt, ngô ngọt, dưa chuột, bầu bao tử...

Thực tế trong những năm qua, việc xây dựng, phát triển các mô hình liên kết đã được huyện Thọ Xuân chú trọng, phát triển. Đến nay, địa phương đã hình thành được nhiều chuỗi sản xuất bền vững, như: chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa Công ty CP Mía đường Lam Sơn với các HTX, các hộ nông dân ở 15 xã vùng bán sơn địa nằm trong quy hoạch vùng mía nguyên liệu, với diện tích trên 1.500 ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, lúa thuần chất lượng cao quy mô 1.000 ha/năm giữa Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình, Trung tâm khảo nghiệm và dịch vụ giống cây trồng Thanh Hóa với các xã trên địa bàn.

Là một trong những HTX triển khai tốt mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa theo chuỗi, bà Đỗ Thị Hoa, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh (Thọ Xuân), chia sẻ: HTX triển khai mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gần 5 năm nay với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình và Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam. Trong vụ đông xuân năm nay, 2 doanh nghiệp này đã tổ chức sản xuất, bao tiêu 200 ha giống lúa TBR225 và VRL20. Trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, HTX luôn cập nhật thông tin về quá trình sinh trưởng, phát triển của diện tích lúa cho doanh nghiệp, qua đó, HTX và bà con nông dân cũng được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật canh tác phù hợp, hiệu quả để lúa đạt năng suất, chất lượng cao. Hầu hết diện tích lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đều đạt năng suất vượt trội, giá thu mua cao hơn thị trường từ 5 đến 10%.

Tại huyện Vĩnh Lộc, giống lúa nếp hạt cau vốn là sản phẩm truyền thống đặc trưng của vùng đất Vĩnh Thịnh từ xa xưa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu nên năng suất và chất lượng của giống lúa này ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy đây là giống lúa quý, từ năm 2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh đã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống không bị lai tạp để tiến hành lai tạo giống. Đồng thời, tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng. Đến nay, diện tích lúa nếp hạt cau ở Vĩnh Thịnh đã được nhân rộng lên 210 ha, với hơn 300 hộ tham gia, hiệu quả sản xuất gấp 2 lần các giống lúa truyền thống. Lúa nếp hạt cau Vĩnh Thịnh hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ông Mai Đình Phương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh, cho biết: Hiện nay, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu các quy chuẩn sản xuất để đưa ra sản phẩm ưu việt hơn, HTX đang tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, kêu gọi đầu tư để xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ phơi sấy, đóng gói, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm để đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.

Với định hướng của ngành nông nghiệp và sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, diện tích, sản lượng, cơ cấu các loại cây trồng được sản xuất theo hướng liên kết đã liên tục được mở rộng trong những năm gần đây. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 10.000 ha với 193 chuỗi cung ứng lúa gạo, điển hình như: chuỗi sản xuất lúa hữu cơ, diện tích khoảng 280 ha tại xã Thiệu Đô và thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa); xã Hà Lan (thị xã Bỉm Sơn), hàng năm cung ứng ra thị trường 2.156 tấn gạo hữu cơ; chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích 40 ha tại các xã: Thiệu Minh, Thiệu Tâm, Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa); mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 200 ha tại các xã: Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Nghĩa, Tế Lợi, huyện Nông Cống; chuỗi sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, với diện tích khoảng 70 ha tại các xã Hà Lĩnh, Hà Long (huyện Hà Trung); xã Lập Thạch, huyện Ngọc Lặc và các xã trên địa bàn các huyện: Thạch Thành, Quan Hóa.

Với sản xuất rau an toàn, toàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 219 chuỗi cung ứng. Tổng diện tích rau được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 ha, chiếm 17% diện tích sản xuất toàn tỉnh; trong đó, rau được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt 53,1%, điển hình là chuỗi liên kết sản xuất ớt 2.200 ha; khoai tây 800 ha; rau cải chân vịt 300 ha; đậu tương rau 200 ha; hành tỏi 150 ha; bí xanh, bí ngô 78 ha; ngô ngọt, ngô đường 200 ha... Các chuỗi liên kết sản xuất này đều được các công ty đầu tư sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm khi thu mua.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Yên Định, với các chủng loại cam, bưởi, ổi, na, thanh long, chuối... Với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, có nhiều giống cây ăn quả mới đã được du nhập và trồng thử nghiệm từ các địa phương khác như: cam V2, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn (tại xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân), nhãn chín muộn Hà Tây... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 105,5 ha/7.000 ha cây ăn quả tập trung được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu mía cũng đã hình thành, phát triển khá bền vững, với hơn 17,2 nghìn ha mía nguyên liệu liên kết với 3 doanh nghiệp là Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Mía đường Nông Cống và Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan để sản xuất, thu mua và chế biến.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 924 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 177 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, 36 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, 130 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, 46 doanh nghiệp đầu tư thủy sản, 535 doanh nghiệp đầu tư tổng hợp. Ngoài ra, toàn tỉnh còn thu hút được 699 HTX nông nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục tìm hiểu, đầu tư phát triển các chuỗi sản xuất trên địa bàn đang là cơ hội lớn để tỉnh Thanh Hóa thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhóm PV Kinh tế

Bài 2: Liên kết lỏng lẻo, hiệu quả kém.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]