(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù các ngành, lực lượng chức năng đã có  nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), thế nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực  này vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẫn còn nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

Mặc dù các ngành, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), thế nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Vẫn còn nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác thanh, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được lực lượng chức năng tăng cường.

Vi phạm pháp luật về ATTP chủ yếu là tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, kém chất lượng, không bảo đảm vẫn lưu thông trên thị trường. Điều đáng nói là các đối tượng lợi dụng tâm lý một bộ phận người tiêu dùng ham rẻ để bán hàng hóa nhập lậu, giả mạo nguồn gốc xuất xứ của các thương hiệu lớn...

Ông Nguyễn Văn Thành, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: Để tăng cường quản lý về VSATTP, đội đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra nắm bắt địa bàn kịp thời xử lý những đối tượng vi phạm... Mới đây, qua công tác nắm tình hình, đội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra hành chính xe ô tô tải mang BKS 18C - 085.03 kéo theo rơ mooc 18R - 002.68 do Nguyễn Văn Tuệ (sinh năm 1974) ở huyện Hải Hậu (Nam Định) điều khiển, phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 2.000 thùng bánh kẹo và đồ chơi trẻ em tương đương gần 5 tấn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Văn Tuệ đã không đưa ra được bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến số hàng hóa nói trên.

Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ban chỉ đạo về quản lý VSATTP đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia hưởng ứng, tạo điểm nhấn trong năm về công tác bảo đảm ATTP, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý về ATTP các cấp, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Cụ thể: Văn phòng Điều phối về VSATTP tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội LHPN tỉnh cấp phát 4.500 áo phông tuyên truyền về ATTP cho 4.500 thành viên của 92 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về VSATTP”; in, cấp phát 390 băng zôn cho 27 huyện, thị xã, thành phố; treo 150 phướn tuyên truyền về ATTP trên các trục đường chính tại TP Thanh Hóa; 150 điểm tuyên truyền trên màn hình led tại các nhà hàng, khách sạn; tổ chức 1 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho 120 công chức, viên chức các huyện, xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP; in, treo 220 biển đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý Nhà nước về ATTP, phần mềm kết nối cung cầu nông sản thực phẩm cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 sự kiện truyền thông “Phiên chợ nói không với thực phẩm bẩn” tại các chợ trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố; truyền thông “Nói không với thực phẩm bẩn”; truyền thông “Làm mẹ an toàn và dinh dưỡng cho trẻ” cho hơn 1.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 92 cuộc truyền thông kiến thức VSATTP tại cộng đồng cho 23.000 hội viên phụ nữ và người dân tại 13 huyện, thành phố; tổ chức 684 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 127.962 người tham gia; treo 1.302 băng zôn; treo 366 tranh, áp phích; phát 20.100 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, nói chuyện chuyên đề về ATTP cho hội viên. Tại cấp huyện, xã đã tổ chức 210 buổi nói chuyện, hội thảo cho hơn 2.000 người; 235 lớp tập huấn cho các hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống... Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP đã được các cơ quan chức năng nỗ lực triển khai, tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về VSATTP.

Trong Tháng hành động năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 667 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn liên ngành cấp tỉnh, 32 đoàn cấp huyện, 632 đoàn cấp xã. Qua kiểm tra 8.624 cơ sở thực phẩm, phát hiện 604 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP, trong đó phạt cảnh cáo 1 cơ sở, phạt tiền 154 cơ sở với số tiền phạt là 337.400.000 đồng, nhắc nhở 449 cơ sở, chiếm 74% số cơ sở vi phạm; các đoàn đã tiến hành tiêu hủy 23 loại sản phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá trị hàng hóa vi phạm khoảng hơn 15 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu là: Điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ không đạt yêu cầu; bảo quản thực phẩm, thực hành ATTP không đúng quy định; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ; không kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn không đúng quy định... Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện và đoàn kiểm tra, giám sát cấp xã đã xét nghiệm nhanh 980 mẫu thực phẩm để phát hiện các chỉ tiêu: Methanol trong rượu; hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; độ ôi khét trong dầu mỡ; hàn the trong giò; phooc môn trong bún, bánh phở; tinh bột, dầu mỡ trong bát đĩa..., kết quả có 950 mẫu đạt, chiếm 97%.

Đề cập đến công tác quản lý ATTP trên địa bàn, ông Hà Văn Giáp, Phó chánh Văn phòng Điều phối về VSATTP tỉnh cho biết: Trong nhiều năm qua, tỉnh rất kiên trì trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP vì sức khỏe cộng đồng và đã đạt được những kết quả nhất định. Dù vậy, với số lượng cơ sở rất lớn, Thanh Hóa vẫn là địa bàn “nóng” với nhiều nguy cơ mất ATTP tiềm ẩn, trong khi trình độ, năng lực quản lý về ATTP của cán bộ cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, thiết bị kiểm nghiệm ATTP tại labo ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đầu tư gây khó khăn trong việc lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; trình độ nhận thức, hiểu biết các quy định về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế. Việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ đã hạn chế được sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra và góp phần tạo môi trường tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang diễn biến khó lường, phức tạp trong khi quy định thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm gây khó khăn trong việc kiểm soát ATTP trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa quyết liệt, thường không áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, chỉ nhắc nhở. Thời gian tới, Văn phòng Điều phối về VSATTP tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, công tác hậu kiểm, giám sát tại các cơ sở có nhiều nguy cơ, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt hướng dẫn sử dụng phần mềm kết nối cung cầu hàng hóa... Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có quyền khiếu nại, có trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP với các cơ quan chức năng để góp phần phòng chống các hành vi vi phạm về kinh doanh thực phẩm.

Bài và ảnh: Hà Bắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]