16:17 21/11/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Everton chính thức bị trừ 10 điểm và án phạt này đẩy nửa xanh vùng Merseyside xuống vị trí “cầm đèn đỏ” ở giai đoạn hiện tại của mùa giải. Đương nhiên, án phạt vì những lý do kinh tế như trường hợp của Everton là thực sự cần thiết, nhưng điều đó vẫn không khiến người ta đặt ra câu hỏi: liệu án phạt này có được áp dụng công bằng cho mọi đội bóng hay không?

Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là "công bằng cho tất cả"?

Everton chính thức bị trừ 10 điểm và án phạt này đẩy nửa xanh vùng Merseyside xuống vị trí “cầm đèn đỏ” ở giai đoạn hiện tại của mùa giải. Đương nhiên, án phạt vì những lý do kinh tế như trường hợp của Everton là thực sự cần thiết, nhưng điều đó vẫn không khiến người ta đặt ra câu hỏi: liệu án phạt này có được áp dụng công bằng cho mọi đội bóng hay không?

Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là công bằng cho tất cả?

Từng có tiền lệ, nhưng vẫn quá nặng!

Trong những ngày gần đây, đặc biệt là sau án phạt trừ 10 điểm của Premier League dành cho Everton, giới truyền thông bóng đá Anh bắt đầu chia sẻ với nhau một câu nhận xét khá thú vị của Ivan Gazidis khi mới chuyển sang làm tổng giám đốc Arsenal vào năm 2009. Cụ thể, ông chia sẻ: "Premier League giống như miền Viễn Tây vậy. Ở đây có những cung cách làm việc mà nếu áp dụng ở thể thao Mỹ, chắc chắn bạn sẽ phải nhận án phạt nặng".

Thực vậy, trong quá khứ, bóng đá Anh luôn tỏ ra khá thờ ơ với những vấn đề liên quan tới chuyển nhượng cầu thủ, kinh phí của câu lạc bộ hay các luật định về cầu thủ “nhà trồng”, cùng với đó là rất nhiều vấn đề khác. Michel Platini, cựu chủ tịch LĐBĐ Châu Âu thậm chí còn lên án thứ “chủ nghĩa tự do” này của Premier League, một thứ “chủ nghĩa tự do” dần biến Premier League trở thành sân sau của những tay tỷ phú “lắm tiền nhiều của” bất chấp luật lệ, trong đó, tiêu biểu nhất vẫn là Chelsea và Manchester City, cùng với đó là Manchester United và Liverpool.

Đội bóng duy nhất của giai đoạn này phải chịu “lệnh trừng phạt” của Premier League vì những vấn đề kinh tế lại là... Portsmouth, một đội bóng “thấp cổ bé họng” ở Premier League thời điểm đó.

Cụ thể, ở mùa giải 2009-2010, Portsmouth đã bị trừ 9 điểm và bị giao lại cho chính quyền thành phố quản lý sau khi không thể thanh toán những khoản nợ còn tồn đọng của CLB. Dù vậy, đây vẫn là một mùa giải đáng nhớ với NHM của đội bóng tới từ miền Đông Nam nước Anh khi họ lọt vào tới trận chung kết FA Cup mùa giải đó.

Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là công bằng cho tất cả?

Dù phải xuống hạng ở mùa giải 2009-2010 vì phá sản, nhưng đây vẫn là mùa giải đáng nhớ nhất của Portsmouth bởi chiến tích lọt vào chung kết FA Cup. Nguồn: Eurosport.

Trước khi vụ việc của Everton xảy ra, Portsmouth là trường hợp gần nhất và duy nhất ở Premier League bị trừ điểm vì các vấn đề kinh tế. Trong khi đó, 4 đội bóng bị trừ điểm khác của Premier League lại đến từ những lý do khá nhỏ lẻ và chỉ phải chịu những hình phạt trừ điểm “cho có”. Đầu tiên, Sunderland bị trừ điểm vì tự ý cho một cầu thủ không đăng ký vào sân ở mùa giải... 1890-1891, tức cách đây đã hơn 100 năm! Tiếp đó là Arsenal và Man United, lần lượt bị trừ hai và một điểm sau khi để khán giả tràn vào sân “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ở mùa giải 1990-1991. còn Middlesborough bị trừ 3 điểm vì không thể thi đấu một trận đấu diễn ra ở mùa giải 1996-1997.

Với trường hợp của Everton, họ bị trừ tới 10 điểm, đồng nghĩa với việc rơi xuống vị trí “cầm đèn đỏ” trên bảng xếp hạng Premier League mùa này. Lý do dẫn đến án phạt này của Everton? Đó là do BLĐ của CLB này đã vi phạm các bộ luật liên quan tới lợi nhuận và cân bằng kinh tế của Premier League trong vòng 3 năm, với thời điểm gần nhất là mùa giải 2021-2022. Cụ thể hơn, theo các điều tra của ủy ban thi hành luật, CLB này đã để mức chi tiêu của mình vượt quá trần quy định, cụ thể là 19,5 triệu Bảng, thêm vào đó, họ còn “đưa ra những thống kê sai lệch về chi phí duy trì sân bãi của mình”.

Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là công bằng cho tất cả?

Vì những vấn đề tài chính của mình mà Everton đã rơi thẳng xuống vị trí "cầm đèn đỏ". Nguồn: Royal Blue Mersey.

Có thể nói, án phạt này của Premier League nặng tới mức nó khiến cho các đối thủ của Everton, kể cả Liverpool, cũng phải thông cảm cho nửa xanh vùng Merseyside. Đồng thời, án phạt này cũng khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: việc trừ tới 10 điểm với một CLB chỉ vì CLB đó chi tiêu quá tay trong vòng 3 mùa giải có phải là một án phạt quá nặng với CLB đó không?

Ngay sau khi án phạt này được đưa ra, Everton, đã lập tức tuyên bố họ sẽ kháng án, đồng thời cho rằng án phạt này là một án phạt “quá nặng và quá bất công” cho CLB của họ.

Liệu có công bằng cho tất cả?

Hồi tuần này, Manchester City vừa thông báo lợi nhuận hằng năm của họ đã đạt con số 712,8 triệu Bảng, mức lãi kỷ lục với một CLB Premier League. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn người ta đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế của “đế chế bóng đá mới” này. Về phần Man City, họ đã thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình, tuy nhiên, những bằng chứng được tay hacker Rui Pinto chia sẻ với trang tin Der Spiegel vào tháng 7/2020 đã cho thấy những bằng chứng không thể chối cãi cho việc Man City đã phá luật, thậm chí, còn tệ hơn cả Everton thời điểm hiện tại.

Vậy, điều gì đã xảy ra sau đó với Man City? Như chúng ta đã biết, dù bị đe dọa cấm thi đấu ở Champions League trong vòng hai mùa giải, thậm chí, có thể phải xuống hạng và bị tước mất những danh hiệu vô địch Premier League trước đó, nhưng Man City đã kháng án thành công ở Tòa Trọng tài thể thao (Court of Arbitration for Sport-CAS). Kể từ đó, họ giành được thêm rất nhiều danh hiệu, trong đó nổi bật nhất là cú ăn 3 ở mùa giải 2022-2023 vừa qua, cùng với đó là một Erling Haaland “bất khả chiến bại” ở hàng tiền đạo.

Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là công bằng cho tất cả?

Cú ăn ba của Manchester City ở mùa giải vừa qua. Nguồn: OnManorama.

Có thể thấy, cùng là vi phạm tài chính, nhưng giữa một bên là một Manchester City “lắm tiền nhiều của” - “đế chế thể thao” của thế kỷ 21, còn một bên là Everton, một CLB cũng giàu có nhưng kém hơn rất nhiều so với nửa xanh thành Manchester về mặt thương hiệu cũng như đẳng cấp, những người làm bóng đá Châu Âu, đặc biệt là Premier League, đã cho thấy rõ sự “phân biệt đối xử”. Một mặt, họ chọn phương án phạt nặng nhất có thể với Everton, còn với Man City, họ lại “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí, phớt lờ trước những sai phạm thấy rõ của đội chủ sân Etihad.

Dẫu biết Everton đã sai và phải chịu sự trừng phạt vì những sai phạm của mình, nhưng khi nhìn vào cách xử lý của giới làm bóng đá Châu Âu nói chung và bóng đá Anh nói riêng với trường hợp của Manchester City, chúng ta vẫn phải đặt ra một câu hỏi, đó là: UEFA, và phần nào đó là Premier League, đã thực sự công bằng trong việc đưa ra án phạt với các CLB hay chưa? Nhất là khi Man City không hề chịu bất cứ một sự trừng phạt nào, dù những vi phạm tài chính của họ, vốn đã được chứng minh là có thực, thậm chí còn tồi tệ hơn cả trường hợp của Everton thời điểm hiện tại.

KDNX

Nguồn tư liệu, hình ảnh: The Athletic, Eurosport...


KDNX

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]