(Baothanhhoa.vn) - Truyền thông Ấn Độ cho biết, Thủ tướng nước này Narendra Modi có kế hoạch tới thăm Ukraine, dự kiến vào ngày 23/8 tới. Động thái cho thấy nỗ lực của Ấn Độ trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Ấn Độ nỗ lực làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine

Truyền thông Ấn Độ cho biết, Thủ tướng nước này Narendra Modi có kế hoạch tới thăm Ukraine, dự kiến vào ngày 23/8 tới. Động thái cho thấy nỗ lực của Ấn Độ trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Ấn Độ nỗ lực làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine

Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi dự kiến ​​diễn ra vào ngày 23/8. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Ukraine là Dmitry Kuleba và Andrey Yermak vào đầu tháng 7/2024, được cho là nhằm thảo luận về chương trình nghị sự, cũng như công tác chuẩn bị cho chuyến thăm này.

Mặc dù đã gặp Tổng thống Ukraine Zelensky bên lề các cuộc họp của nhóm G7 tại Italy và Nhật Bản, nhưng ông Modi vẫn chưa đến thăm Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Italy vào tháng trước, ông Modi đã tái khẳng định rằng “Ấn Độ sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để ủng hộ một giải pháp hòa bình”, theo thông cáo của chính phủ nước này.

Hãng thông tấn TASS dẫn nhận định của chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên ở New Delhi, ông Nandan Unnikrishnan cho rằng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể trình bày các đề xuất với phía Ukraine để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine. “Thủ tướng Modi có thể đưa ra những đề xuất, nếu không chấm dứt hoàn toàn xung đột, thì ít nhất cũng đi đến một thỏa thuận ngừng bắn. Và chắc chắn rằng ông Modi muốn truyền tải thông điệp này đến với Tổng thống Zelensky”, chuyên gia Nandan Unnikrishnan khẳng định.

Theo chuyên gia Nandan Unnikrishnan, “khả năng Thủ tướng Modi thăm Ukraine là rất cao, và nhiều khả năng phía Ấn Độ cũng đã thảo luận vấn đề này với phía Nga, có lẽ trong chuyến thăm Moscow gần đây của ông”. Trước đó, từ ngày 8 đến 9/7, Thủ tướng Modi đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin. Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã nhất trí triển khai một chương trình hợp tác cho đến năm 2030 nhằm phát triển thương mại, nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, hợp tác công nghiệp và lĩnh vực công nghệ cao. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Nga đến năm 2030 dự báo sẽ vượt mốc 100 tỷ USD, từ mức 65 tỷ USD năm 2023.

Theo tờ RBC, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), ông Andrei Kortunov nhận định, cơ hội đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ cao hơn nếu có sự tham gia của một quốc gia trung gian có quan điểm, lập trường trung lập, bình đẳng với cả hai bên trong cuộc xung đột này, đặc biệt là có uy tín quốc tế cao. “Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể trở thành một trung gian hòa giải, vì nước này là thành viên của NATO và bị ràng buộc bởi những quy ước đồng minh của khối, nên ít nhất đối với Moscow, Ankara khó có thể được coi là một trung gian hòa giải khả thi. Thụy Sĩ cũng như vậy. Quan điểm chính thức của Nga là Thụy Sĩ không thể được coi là một quốc gia trung lập, vì nước này đã tham gia các lệnh trừng phạt của EU và do đó tự đưa mình vào danh sách các quốc gia không thân thiện với Nga”, ông Kortunov nhấn mạnh. Theo chuyên gia Nga, vì những lý do đó, các nước phương Tây có vẻ sẽ không được Nga chấp thuận và Ấn Độ, bên cạnh Trung Quốc, Brazil đang được xem là những quốc gia có thiện cảm nhất định đối với Moscow và có thể gánh vác được vai trò “trung gian hòa giải” này.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi sắp tới cho thấy Ấn Độ sẵn sàng đóng góp tiếng nói quan trọng hơn đối với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Thực tế trong vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã sử dụng sự hiện diện của mình trong các nhóm đa phương để xây dựng uy tín, vị thế như một cường quốc toàn cầu có quan hệ với Nga và các nước ở Nam bán cầu nhưng vẫn duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với phương Tây. Ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn Ấn Độ như một đối tác chiến lược nhờ uy tín quốc tế không ngừng nâng cao, những bước phát triển kinh tế ngoạn mục của nước này.

Bên cạnh Ấn Độ, Hungary và Trung Quốc là những quốc gia gần đây nhất thể hiện nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này cho thấy mong muốn của cộng đồng quốc tế trong việc sớm chấm dứt cuộc xung đột này. Kể từ khi nổ ra vào tháng 2/2022, xung đột Nga - Ukraine đã kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế. Những hệ luỵ chưa thể đong đếm đầy đủ và thế giới cần tăng cường nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt xung đột, đem lại một nền hoà bình toàn diện, bền vững.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]