Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngày 20/8, Ấn Độ và Nhật Bản tổ chức Đối thoại an ninh 2+2 ở cấp người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Một trong những mục tiêu của cuộc gặp là sửa đổi tuyên bố chung về hợp tác an ninh đã được ký kết gần 26 năm trước. Hợp tác sâu sắc hơn giữa Tokyo và New Delhi cũng có thể củng cố vị thế của Nhóm “Bộ Tứ kim cương/QUAD”, một trong những liên minh do Mỹ dẫn đầu trong khu vực. Vậy quan hệ đối tác Nhật Bản - Ấn Độ ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
Hợp tác chiến lược Ấn Độ - Nhật Bản bước sang chương mới
Ngày 20/8, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành Đối thoại an ninh 2+2 lần thứ ba tại thủ đô New Delhi. Bộ trưởng Quốc phòng Kihara Minoru và Ngoại trưởng Yoko Kamikawa của Nhật Bản cùng những người đồng cấp Ấn Độ tương ứng là Rajnath Singh và Subrahmanyam Jaishankar đã tham gia Đối thoại.
Tại cuộc họp, hai bên đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về hợp tác an ninh và quốc phòng, như nhất trí xây dựng khuôn khổ mới cho hợp tác an ninh, phù hợp với mong muốn mở rộng quan hệ chiến lược tổng thể. Các quan chức cũng tái khẳng định quyết tâm hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Báo Hindustan Times dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, hai bên đã thảo luận về những hướng đi mới trong hợp tác công nghệ, nghiên cứu và công nghiệp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác dựa trên lòng tin trong lĩnh vực công nghệ mới nổi, bao gồm cả quốc phòng, Ấn Độ kêu gọi Nhật Bản xóa bỏ rào cản pháp lý trong việc chia sẻ công nghệ quan trọng. Hai nước thống nhất tăng cường hợp tác xây dựng năng lực, bao gồm giải quyết các thách thức trong không gian mạng. New Delhi và Tokyo cũng mạnh mẽ lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức.
Đây là cuộc đối thoại 2+2 lần thứ ba kể từ sự kiện gần đây nhất tổ chức tại Tokyo vào tháng 9/2022. Truyền thông đặc biệt chú ý đến vấn đề này vì Ấn Độ thiết lập hình thức đàm phán “2+2” với không nhiều quốc gia. Trong số đó, Mỹ và Australia đều là các đối tác của Ấn Độ trong QUAD. Ngoài ra, Nga cũng là một trong số ít đối tác thiết lập hình thức đàm phán 2+2 với Ấn Độ; điều này nhấn mạnh chủ trương của New Delhi về một chính sách đối ngoại cân bằng và độc lập.
Mặc dù đều là thành viên của QUAD và không ngừng tăng cường hợp tác thời gian qua, song Ấn Độ và Nhật Bản có quan điểm khác nhau trong quan hệ với Mỹ, Nga cũng như đối với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Tokyo là đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực, cho phép lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ đồn trú tại nước này và hợp tác an ninh - quốc phòng chặt chẽ với Mỹ. Chính sách trừng phạt của Nhật Bản đối với Nga cũng đi theo lập trường chung của phương Tây. Trong khi đó, Ấn Độ không áp đặt các hạn chế đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine bất chấp lời kêu gọi của phương Tây. Mối quan hệ giữa New Delhi và Washington cũng không thể gọi là suôn sẻ. Mỹ không chỉ chỉ trích chính quyền Ấn Độ về mối quan hệ với Moscow, mà còn định kỳ cáo buộc họ vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo.
Theo Izvestia, Trưởng Khoa nghiên cứu phương Đông tại Trường Đại học Ngoại giao Moscow (MGIMO), ông Dmitry Streltsov nhận định, Đối thoại an ninh 2+2 giữa Ấn Độ và Nhật Bản là cơ hội để hai nước thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và quân sự. Nhật Bản đã cung cấp cho thị trường Ấn Độ vũ khí và các sản phẩm công nghệ lưỡng dụng từ khá lâu. Và thực tế trong cuộc hội đàm với các quan chức quốc phòng, ngoại giao của Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhấn mạnh rằng, Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản. Hiện nay, Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến những thành tựu về công nghệ của Nhật Bản nhằm phục vụ cho chương trình quốc gia đầy tham vọng “Made in India”.
Bên cạnh đó, hai nước thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương, đa phương trong khuôn khổ QUAD, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
Nhận định về vấn đề này, Rakesh Bhadauria, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Mô hình Chiến lược tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, yếu tố Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tranh chấp vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng những tuyên bố công khai của các quan chức hai nước cho thấy nguy cơ tiềm ẩn xung đột giữa hai nước đối với vùng biển tranh chấp này là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để kiềm chế Trung Quốc, Nhật Bản hướng tới mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược trong khu vực, trong đó có Ấn Độ. Một mặt, Nhật Bản luôn coi Ấn Độ là đối tác chiến lược tự nhiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là một quốc gia có thể hợp tác với Nhật Bản để cùng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Mặt khác, ở Tokyo, Ấn Độ được đánh giá là một đối trọng với Trung Quốc, và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh, nhất là trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, được Nhật Bản nhìn nhận là một thách thức, mà chỉ có thể giải quyết bằng cách hợp tác với những quốc gia có chung chí hướng như Ấn Độ.
Ngoài ra, Đối thoại an ninh lần này còn là dịp để Ấn Độ đánh giá định hướng chính sách của Tokyo dưới thời tân thủ tướng và nội các mới. Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử dự kiến vào tháng tới với tư cách là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệm kỳ thủ tướng của ông sẽ chuẩn bị kết thúc sau chưa đầy 3 năm.
“Chất xúc tác” từ Mỹ
Chuyên gia Rakesh Bhadauria nhận định, mối quan hệ sâu sắc hơn giữa New Delhi và Tokyo hoàn toàn đáp ứng mục tiêu chiến lược của Washington tại khu vực. Trước hết, Ấn Độ và Nhật Bản đều là các thành viên của QUAD, nên mức độ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước không chỉ giúp xây dựng năng lực an ninh của riêng hai nước này, mà còn củng cố vị thế, tăng cường đoàn kết nội khối của QUAD. Trong cấu trúc quan hệ này, Nhật Bản có thể trở thành vùng đệm giữa Mỹ và Ấn Độ, lôi kéo Ấn Độ tham gia mạnh mẽ hơn vào các liên kết do Mỹ dẫn dắt ở khu vực. Thời gian qua, Mỹ không tránh khỏi phật lòng khi Ấn Độ duy trì tính tự chủ chiến lược và hợp tác chặt chẽ với Nga, Trung Quốc cả trên phương diện song phương, lẫn đa phương thông qua cơ chế hợp tác Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS)...
Còn theo Atul Kohli, Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ) cho rằng, Đối thoại an ninh 2+2 với Ấn Độ cho thấy sự chủ động, tích cực của Nhật Bản trong thúc đẩy chính sách đối ngoại, mà yếu tố Mỹ là động lực chính. Thông qua hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản muốn thể hiện là một đồng minh mạnh mẽ, chủ động và đáng tin cậy của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Nhật Bản bị ảnh hưởng phần nào bởi mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ, vì vậy Tokyo cũng nhận thức được những thay đổi tiềm ẩn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong trường hợp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Nhật Bản cần phải chuẩn bị cho việc chuyển sang chủ nghĩa biệt lập của Mỹ và leo thang xung đột Mỹ - Trung. Trong nhiệm kỳ của mình, để cụ thể hóa chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump không ngần ngại gây sức ép với các đồng minh, từ châu Á sang châu Âu.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-08-19 09:39:00
Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột
Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Kamala Harris và gánh nặng của hy vọng
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ thay đổi ra sao nếu ông Trump thắng cử?
Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”
Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới