20 năm sau trận sóng thần thảm khốc nhất trong lịch sử loài người
Hai mươi năm trước, một trận động đất ở Ấn Độ Dương đã giải phóng năng lượng tương đương với 23.000 quả bom nguyên tử và gây ra trận sóng thần kinh hoàng khiến hơn 225.000 người thiệt mạng.
Trận sóng thần năm 2004 được coi là thảm họa khốc nhất trong lịch sử. (Nguồn: AFP)
Vào ngày 26/12/2004, một trận sóng thần được coi là thảm khốc nhất trong lịch sử đã làm hơn 225.000 người thiệt mạng, chủ yếu ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
Hai mươi năm sau, ảnh hưởng của thảm họa này vẫn còn và là bài học để con người chuẩn bị đối phó với thiên tai.
Thiếu sự chuẩn bị tạo tiền đề cho thảm họa
Sóng thần xảy ra khi sự dịch chuyển địa chất làm gián đoạn đại dương, gây ra một loạt các đợt sóng lớn tràn vào đất liền. Thông thường, nguyên nhân là do động đất dưới đáy đại dương, nhưng các sự kiện như lở đất và phun trào núi lửa cũng có thể gây ra chúng.
Nỗ lực đầu tiên để theo dõi sóng thần bắt đầu vào năm 1941, khi Nhật Bản thành lập Đài quan sát khí tượng Sendai và sử dụng các đài phát thanh địa phương để phát cảnh báo khi quan sát thấy các dấu hiệu của sóng thần.
Tuy vậy, vào thời điểm đó, không có hệ thống cảnh báo nào để bảo vệ 1,5 tỷ người dân sống ở các thị trấn nhỏ và thành phố ven biển quanh Ấn Độ Dương.
Sóng thần không phải là hiện tượng thiên nhiên thường xuyên xảy ra tại khu vực và chúng hiếm khi gây tử vong. Trong khoảng thời gian 150 năm (từ năm 1852 đến năm 2002), chỉ có bảy trong số 50 trận sóng thần được ghi nhận ở Ấn Độ Dương gây ra thương vong và với tổng số thương vong dưới 50.000 người. Do đó, chính quyền và người dân ven biển Ấn Độ Dương không có sự chuẩn bị cần thiết khi thảm họa xảy ra.
Sóng thần biến đất liền thành biển
Sumatra tại Indonesia nằm gần điểm giao nhau giữa hai mảng kiến tạo: mảng Ấn Độ và mảng Burman. Vào 7h29 ngày 26/12/2004, các mảng kiến tạo này va vào nhau dưới đáy đại dương, tạo ra một trận động đất có độ mạnh 9,1.
Nhà địa chấn học Barry Hirshorn cho biết năng lượng do trận động đất này giải phóng lớn đến mức nó phải tích tụ chậm rãi trong hàng trăm năm và tương đương với 23.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima.
Sức mạnh và quy mô của trận động đất thực sự đã làm thay đổi chuyển động cực của Trái Đất khoảng 2,54cm, khiến một ngày ngắn lại 2,68 micro giây.
Tại tỉnh Aceh của Indonesia, mới hơn 8 giờ sáng, mọi người đổ ra khỏi nhà để đánh giá thiệt hại do động đất gây ra. Tuy nhiên, những người này không biết rằng một thảm họa khủng khiếp khác đang lao về phía họ.
Hai mươi phút sau khi động đất xảy ra, một loạt các con sóng cao gần 51m (tương đương với tòa nhà khoảng 17 tầng) bắt đầu đập vào bờ biển, san phẳng cây cối và cuốn trôi mọi người.
Trong vài giờ tiếp theo, những con sóng khổng lồ lao nhanh với tốc độ hơn 800km/h - gần bằng tốc độ di chuyển của một chiếc máy bay phản lực - băng qua Ấn Độ Dương.
Hai giờ sau trận động đất, những con sóng này lan đến Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ. Vài giờ sau, sóng thần đã nhấn chìm một số vùng của châu Phi.
Quy mô tàn phá kinh hoàng
Banda Aceh, thành phố lớn nhất ở Aceh, đã chịu tổn thất khủng khiếp do sóng thần, khiến một phần tư dân số thiệt mạng.
Lhoknga, một thị trấn ven biển ở phía Tây Nam Banda Aceh, thậm chí còn hứng chịu tổn thất tồi tệ hơn khi một con sóng cao hơn 30m ập vào, san phẳng hoàn toàn thị trấn này, khiến dân số nơi đây giảm từ 7.000 người xuống chỉ còn 400 người.
Sóng thần đã gây ra hiệu ứng domino tàn phá. Ở Sri Lanka, sóng thần đã tạo ra thảm họa đường sắt tồi tệ nhất trong lịch sử khi nó làm một đoàn tàu trật khỏi đường ray, khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng.
Thế giới đã bị biến đổi cơ bản. Khoảng 1,8 triệu người phải di dời, khoảng 460.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy. Ngay cả một thập kỷ sau, con số thiệt hại vẫn là quá lớn để có thể đánh giá được toàn bộ mức độ tàn phá.
Liên hợp quốc đã nhanh chóng thành lập một quỹ cứu trợ trị giá 6,25 tỷ USD nhằm giúp đỡ 14 quốc gia, trong đó phần lớn số tiền được chuyển đến Indonesia và Sri Lanka, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năm 2005, Hệ thống cảnh báo và giảm thiểu sóng thần Ấn Độ Dương đã được xây dựng để phát hiện các dấu hiệu ban đầu của sóng thần và nhanh chóng cảnh báo cho các cộng đồng địa phương tại 27 quốc gia.
Các hệ thống cảnh báo nâng cấp cũng đã được lắp đặt ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đảm bảo các cộng đồng có nhiều thời gian hơn để di tản đến vùng đất cao hơn khi sóng thần tràn vào đất liền./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-25 14:04:00
COP29: Một bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
-
2024-11-18 14:08:00
Nền kinh tế Mỹ trở nên khó đoán định sau cuộc bầu cử Tổng thống
-
2024-10-30 08:01:00
Tài liệu tham khảo đặc biệt “Trump-Harris: Ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng?"
Tìm hiểu “các bước” để một ứng cử viên trở thành tổng thống Mỹ
EU: Trung Đông đang đứng trên “bờ vực của cuộc xung đột toàn diện”
“Liban phải đương đầu với một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của lịch sử”
Liệu Trái Đất đã sẵn sàng cho trạng thái 10 tỷ dân?
Fed hạ lãi suất: Những tác động đa chiều đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Căng thẳng Hezbollah-Israel: LHQ kêu gọi tránh xung đột toàn diện bằng mọi giá
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai: Tập trung giải quyết các thách thức toàn cầu
Các nền kinh tế trên thế giới chưa thể chiến thắng lạm phát
Giới phân tích đánh giá kịch bản Fed cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm