10 cuộc xung đột mà Donald Trump phải đối mặt vào năm 2025
Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp trở lại nắm quyền, nhà lãnh đạo mới của Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với các cuộc xung đột chưa có hồi kết trên khắp thế giới. Một số cuộc xung đột đang diễn ra có thể tác động trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ vào thời điểm quốc gia này đang tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu, khiến nỗ lực cải tổ chính sách đối ngoại của chính quyền Trump nhằm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” trên trường quốc tế đang gặp nhiều rủi ro.
Chiến tranh Hamas - Israel
Cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc tấn công do phong trào Hamas của Palestine chỉ huy chống lại Israel vào ngày 7/10/2023 đã lan rộng khắp Trung Đông. Đây là một trong những cuộc xung đột phức tạp và bất ổn nhất mà Trump có thể phải đối mặt.
Một chiếc xe tăng của quân đội Israel tiến vào vị trí gần biên giới phía nam của Israel với Dải Gaza. Ảnh: AFP/Getty Images.
Trump, một đồng minh truyền thống của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã công khai cảnh báo rằng khoảng 100 con tin vẫn bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza phải được thả trước khi ông nhậm chức. Nhưng ông cũng lên tiếng yêu cầu chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột này trước khi nhậm chức, đồng thời chỉ trích Netanyahu vì để cuộc chiến kéo dài.
Hiện nay tình hình Trung Đông vẫn diễn biến phức tạp. Xung đột vẫn tiếp diễn ở Gaza, mặc dù có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas, lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày giữa Israel và phong trào Hezbollah của Lebanon sắp hết hạn và sự sụp đổ gây sốc của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dưới cuộc tấn công chớp nhoáng của quân nổi dậy. Nhóm Ansar Allah của Yemen, còn được gọi là phong trào Houthi, tiếp tục nã tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, đồng thời tấn công các tuyến đường vận chuyển quan trọng, bất chấp các cuộc tấn công từ Israel và Hoa Kỳ. Một phe phái khác là Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, cũng đã tấn công Israel từ xa và nhắm vào quân đội Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong khi Trump công khai phản đối việc đưa Hoa Kỳ vào một “cuộc chiến tranh” khác, ông thường xuyên đe dọa sẽ sử dụng hành động quân sự mạnh mẽ như một biện pháp răn đe. Cách ông xử lý các đứt gãy của một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng có thể là phép thử lớn đầu tiên đối với chính quyền sắp tới.
Chiến tranh Nga - Ukraina
Giống như cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, cuộc đụng độ đẫm máu giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ ba có khả năng làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực và thậm chí là toàn cầu. Cuộc xung đột đẫm máu nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II cũng đánh dấu sự chia rẽ đáng kể nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ khi nói đến các cách tiếp cận được Biden và Trump đưa ra.
Quân nhân Nga thuộc Cụm lực lượng Trung tâm khai hỏa về phía các vị trí của Ukraine ở khu vực Pokrovsk, hay Krasnoarmeysk. Ảnh: Sputnik.
Biden đã áp dụng một chiến lược kiên định nhưng tốn kém trong việc ủng hộ chiến thắng vô điều kiện cho Ukraine. Trong khi đó, Nga tiến chậm nhưng đều đặn trên chiến trường với các mục tiêu tối đa của riêng mình khi tìm cách yêu cầu quốc tế công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine, cùng với việc phi quân sự hóa và trung lập, cùng nhiều điều khoản khác đối với Ukraine.
Trump, người ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Nga, đã bày tỏ sự ủng hộ cho một giải pháp ngoại giao nhanh chóng mà ông tuyên bố có thể đạt được trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Mặc dù ông vẫn chưa công bố bất kỳ phương án chính thức nào cho kế hoạch của mình, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã ám chỉ đề xuất này sẽ bao gồm việc đóng băng các tuyến kiểm soát hiện tại, nơi lực lượng Nga chiếm đóng khoảng 20% diện tích Ukraine.
Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không công khai bày tỏ ý định từ bỏ lập trường của mình. Thay vào đó, họ bày tỏ hy vọng Trump, người thường khoe khoang rằng có mối quan hệ tốt với cả hai nhà lãnh đạo, sẽ liên kết chặt chẽ hơn với tầm nhìn của họ.
Trong khi đó, các đồng minh châu Âu vốn phần lớn thống nhất theo học thuyết của Biden có thể cũng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó về tương lai hỗ trợ cho Ukraine nếu Trump quyết định đạt được thỏa thuận.
Nội chiến Syria
Trong khi sự sụp đổ của Assad có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc nội chiến ở Syria, vốn bùng nổ lần đầu tiên từ các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và một loạt quân nổi dậy và thánh chiến vào năm 2011, thì chiến thắng của phe nổi dậy cũng mang đến những rủi ro tiềm tàng mới.
Những tay súng đứng trên nóc một tòa ở đông nam Damascus. Ảnh: AFP/Getty Images.
Sau nửa thế kỷ của gia đình Assad, hiện đang cai trị Syria là nhánh cũ của Al-Qaeda - Hayat Tahrir al-Sham (HTS), thủ lĩnh của nhóm này là Abu Mohammed al-Golani, hiện đang sử dụng tên thật là Ahmed al-Sharaa, cam kết sẽ giám sát một tương lai tự do và toàn diện hơn cho đất nước của mình. Trong khi Golani đã chính thức chấm dứt mối liên hệ với các hệ tư tưởng thánh chiến cực đoan, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Hoa Kỳ hậu thuẫn, một phe phái do người Kurd lãnh đạo kiểm soát gần 1/3 quốc gia, đã bày tỏ sự hoài nghi đối với ý định của nhà lãnh đạo mới, đặc biệt là khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa SDF và Quân đội Quốc gia Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và liên minh với HTS.
Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những gì ông coi là vai trò chủ đạo của Ankara trong chiến thắng của phe nổi dậy, nhận xét rằng “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm giữ chìa khóa ở Syria”. Khi các sự kiện diễn ra theo thời gian thực, ông lập luận “Hoa Kỳ không nên liên quan đến vấn đề này”, trong khi Vance lên tiếng hoài nghi về chiến thắng của Golani, liên kết những bước tiến của người Hồi giáo trong quá khứ ở Syria với “cuộc thảm sát hàng loạt những người theo đạo Thiên chúa và cuộc khủng hoảng người tị nạn làm mất ổn định châu Âu”.
Trong thời gian trước khi nhậm chức, Trump đã kêu gọi rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria. Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tổng thống đắc cử vẫn tiếp tục tỏ ra nghi ngờ về tính hữu ích của việc duy trì quân đội Hoa Kỳ trong tầm ngắm của nhiều phe phái hiếu chiến.
Thêm vào sự phức tạp của cuộc nội chiến Syria là cuộc xâm lược quy mô lớn của Israel vào vùng đệm tại Cao nguyên Golan. Năm 2019, Trump đã phá vỡ chính sách đối ngoại truyền thống của Hoa Kỳ khi công nhận việc Israel sáp nhập đối với phần lãnh thổ chiến lược mà họ lần đầu tiên chiếm được vào năm 1967 và phản ứng của ông đối với những động thái mới nhất có thể có tác động đáng kể đến mối quan hệ của ông với phần còn lại của thế giới Ả Rập.
Nội chiến Myanmar
Trong khi các sự kiện ở Syria dường như khiến thế giới bất ngờ, một sự thay đổi lớn khác đang nổi lên trong một cuộc nội chiến thậm chí còn kéo dài hơn đang diễn ra trên khắp thế giới. Liên minh phiến quân được gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia và một liên minh các nhóm dân quân sắc tộc đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ, bao gồm các thành phố chiến lược, từ chính quyền quân sự Tatmadaw cầm quyền của Myanmar.
Các chiến binh Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang tập trung bên trong một căn cứ quân sự Myanmar bị chiếm giữ ở Hsipaw. Ảnh: AFP/Getty Images.
Myanmar về mặt kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng nội chiến kể từ lần đầu giành được độc lập vào năm 1948, trở thành một trong số nhiều cựu thuộc địa của Vương quốc Anh sa lầy vào các cuộc xung đột vũ trang gây ra hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu. Bạo lực ở Myanmar phần lớn được thúc đẩy bởi các phong trào dân tộc chủ nghĩa đối địch và các cuộc nổi dậy chính trị, chẳng hạn như cuộc nổi dậy diễn ra sau khi Hội đồng Quản lý Nhà nước do quân đội lãnh đạo giành quyền lực từ Cố vấn Nhà nước được bầu cử dân chủ Aung San Suu Kyi vào năm 2021.
Lực lượng Phòng vệ Nhân dân nổi loạn được thành lập bởi những người phản đối cuộc đảo chính để thách thức sự cai trị của Tatmadaw. Một số tổ chức vũ trang dân tộc như Quân đội Arakan, Quân đội Độc lập Kachin và Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen cũng đã phát động các cuộc tấn công chống chính phủ tại các khu vực kiểm soát trên thực tế của họ, khiến quân đội rơi vào tình thế ngày càng khó khăn khi buộc phải mở rộng ưu thế về công nghệ và hỏa lực trên nhiều mặt trận. Trong khi đó, lực lượng phi nhà nước hùng mạnh nhất trong nước, United Wa State Army vẫn đứng ngoài cuộc.
Trong khi Hoa Kỳ chủ yếu giới hạn vai trò của mình trong cuộc xung đột bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tatmadaw và cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng, tình hình bất ổn có thể làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với các cường quốc trong cuộc cạnh tranh tại Đông Nam Á.
Nội chiến Sudan
Sudan là ví dụ khác về một quốc gia mà quá trình chuyển đổi gần đây sang chế độ dân chủ đã bị đảo lộn bởi một cuộc tiếp quản quân sự và xung đột nội bộ. Hai năm sau khi Tổng thống lâu năm Omar al-Bashir sụp đổ, Lực lượng vũ trang Sudan, do Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, đã lật đổ chính phủ dân sự tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2021.
Binh lính quân đội Sudan tuần tra một khu vực ở phía Bắc Khartoum. Ảnh: AFP/Getty Images.
Quốc gia Đông Bắc Phi nói tiếng Ả Rập này kể từ đó đã bị nhấn chìm trong bạo lực giữa các đồng minh cũ, thậm chí thủ đô Khartoum cũng bị chia rẽ. Cả hai bên đều bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và các cuộc chiến trên toàn quốc đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới hiện nay, cùng với nạn đói ngày càng trầm trọng hơn, làm tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Sudan.
Nội chiến Sudan cũng thu hút sự chú ý quốc tế, với các cường quốc nước ngoài hiếm khi công khai mối liên hệ của họ. Ai Cập và Iran được cho là nằm trong số các quốc gia đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Lực lượng vũ trang Sudan, trong khi Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng đối lập
Trước khi cuộc nội chiến nổ ra, Hoa Kỳ đã liên tục dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lâu dài đối với Sudan dưới thời Bashir. Năm 2020, Trump đã xóa tên quốc gia này khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố khi Sudan đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel theo Hiệp định Abraham.
Trump đã nhận xét vào thời điểm đó rằng Sudan đã “bị cai trị bởi các chế độ độc tài Hồi giáo tàn bạo” và đã từng là “nơi khủng bố, diệt chủng và nhiều thảm kịch khác”, nhưng đã ca ngợi Burhan và Thủ tướng Abdalla Hamdok khi đó vì đã giám sát chính quyền dân chủ cuối cùng ngắn ngủi kế nhiệm Bashir. Tuy nhiên, sự bùng nổ trở lại của xung đột ở Sudan một lần nữa đặt Hoa Kỳ vào thế khó khi họ buộc phải nỗ lực vì sự ổn định mà không tìm được đối tác thuận tiện trên thực địa.
Xung đột Sừng Châu Phi
Trong khi cuộc nội chiến đang diễn ra ở Sudan, quốc gia láng giềng Ethiopia cũng đang phải chịu đựng xung đột nội bộ dữ dội bắt nguồn từ các cuộc đụng độ đồng thời của chính phủ với nhiều phong trào dân quân sắc tộc khác nhau như phong trào Fano ở khu vực Amhara. Các cuộc ngừng bắn với các nhóm khác như Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray và Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaden cũng đã bị thử thách bởi căng thẳng gia tăng.
Một cảnh sát Somalia tại đống đổ nát ở Mogadishu sau vụ đánh bom xe khiến năm người thiệt mạng khi đang xem trận chung kết Euro 2024. Ảnh: Getty Images.
Bị rạn nứt do hậu quả của những xung đột khu vực là các thỏa thuận hòa bình của Ethiopia với Eritrea và Somalia, cáo buộc quân đội Ethiopia tiến hành một cuộc tấn công biên giới chết người chống lại lực lượng Somalia vào đầu tháng này. Trận chiến diễn ra chưa đầy hai tuần sau một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hứa sẽ chấm dứt một cuộc tranh chấp song phương nổ ra do kế hoạch bị nghi ngờ của Ethiopia không giáp biển nhằm công nhận nền độc lập của vùng Somaliland ly khai của Somalia để đổi lấy việc đảm bảo quyền tiếp cận Biển Đỏ.
Trong khi đó, Ai Cập đã ký một hiệp ước phòng thủ với Somalia vào tháng 9, được cho là bao gồm việc triển khai tới 10.000 quân Ai Cập đến quốc gia Đông Phi này. Cairo vẫn đang mắc kẹt trong tranh chấp riêng với Addis Ababa về quyết định xây dựng một con đập lớn trên đoạn sông Nile của nước này.
Trong thời gian trước khi nhậm chức, Trump đã chỉ trích Ethiopia về dự án đập nước bắt đầu vào năm 2011 và đồng tình với những bất bình của Ai Cập. Đối với Somalia, ông đã ra lệnh rút quân đội Hoa Kỳ tham gia vào các hoạt động chống lại Al-Shabab, đồng minh của Al-Qaeda và chi nhánh địa phương của nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Các cuộc nổi loạn ngày càng trầm trọng và nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh liên quốc gia khác ở vùng Sừng châu Phi có thể đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng khác ở khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến ở Sudan và các cuộc tấn công của Ansar Allah Yemen nhằm vào các tàu buôn ở Biển Đỏ giống như cuộc chiến ở Gaza.
Xung đột Afghanistan - Pakistan
Trong khi Hoa Kỳ chính thức chấm dứt cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay tại Afghanistan vào tháng 8/2021, thì sự trở lại nắm quyền của Taliban sau hai thập kỷ đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng hoạt động của phiến quân Hồi giáo vượt ra ngoài biên giới của đất nước. Pakistan đã chứng kiến sự gia tăng đặc biệt nghiêm trọng các cuộc tấn công của phiến quân vào thời điểm đất nước này đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và chính trị cùng với những căng thẳng kéo dài với Ấn Độ.
Một người lính Taliban quan sát từ trực thăng sau cuộc không kích của Pakistan vào quận Barmal, tỉnh Paktika vào ngày 26/12, khi hoạt động của phiến quân gây ra căng thẳng trong khu vực. Ảnh: AFP/Getty Images.
Trong số các nhóm có khả năng nguy hiểm nhất lợi dụng tình hình bất ổn trong khu vực là nhánh Khorasan của ISIS, được gọi là ISIS-K hoặc ISKP. Ngoài việc tiến hành các cuộc tấn công ở Afghanistan và Pakistan, nhóm này đã mở rộng phạm vi tiếp cận và hoạt động quốc tế, tuyên bố thực hiện hai trong số các cuộc tấn công chết chóc nhất từ trước đến nay ở Iran và Nga vào đầu năm nay và cũng hướng một loạt các mối đe dọa đến phương Tây.
Mặc dù có vẻ như chỉ nắm giữ một phần nhỏ lãnh thổ ở Afghanistan, ISIS-K đã thiết lập được sự hiện diện tinh vi trên phương tiện truyền thông trực tuyến, bao gồm các tạp chí đa ngôn ngữ, bình luận về các sự kiện thế giới và tìm kiếm sự quyên góp thông qua các mạng lưới blockchain được mã hóa. Nhóm này đặc biệt tìm cách tuyển mộ người Hồi giáo ở Trung Á, gây ra mối lo ngại ở Trung Quốc, nơi công dân của họ đã bị các chiến binh ở Pakistan nhắm tới.
Hiện nay, một nhóm Hồi giáo khác được gọi là Đảng Hồi giáo Turkestan, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ tìm cách thành lập một “Đông Turkestan” ly khai ở tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, đã nổi lên giành chiến thắng trong các phe phái nổi dậy ở Syria sau khi ủng hộ chiến thắng của Taliban trước chính phủ ở Afghanistan 3 năm trước đó.
Trump, người đã xóa tên tổ chức tiền thân của Đảng Hồi giáo Turkestan, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, khỏi Danh sách loại trừ khủng bố và đã nhận công lao đánh bại ISIS “trong thời gian kỷ lục”, thường xuyên đổ lỗi cho Biden vì đã xử lý sai lầm việc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan. Nhưng nếu các nhóm chiến binh khác nhau hoạt động trong khu vực tiếp tục giành được sự ảnh hưởng, Trump có thể buộc phải một lần nữa vướng vào loại xung đột mà ông đã thề sẽ chấm dứt.
Cuộc nổi loạn ở Sahel Châu Phi
Ngoài việc dàn dựng một cuộc nổi dậy ở Afghanistan, ISIS cũng đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ để phát triển trên nhiều vùng của Châu Phi. Các cuộc nổi loạn liên quan đến các chi nhánh của ISIS, Al-Qaeda và nhiều phong trào nổi loạn khác ở Sahel nói riêng đã bắt đầu định hình lại lòng trung thành địa chính trị của khu vực.
Một chiếc xe của Đội cận vệ Tổng thống Niger đi qua trung tâm hội nghị Niamey, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh các quốc gia Sahel giữa Burkina Faso, Mali và Niger vào ngày 6/7. Ảnh: AFP/Getty Images.
Sau một loạt các cuộc đảo chính từ năm 2021 đến năm 2023, các chính phủ quân sự ở các quốc gia láng giềng Burkina Faso, Mali và Niger đã thành lập một liên minh mới vào năm ngoái được gọi là Liên minh các quốc gia Sahel. Khối này được tổ chức để phối hợp trong các hoạt động chống khủng bố chung cũng như củng cố nỗ lực chung nhằm cắt đứt quan hệ với Pháp và các cường quốc phương Tây khác mà họ cáo buộc là theo đuổi các chính sách tân đế quốc.
Những thay đổi này đã đưa khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh thậm chí còn lớn hơn vào năm 2023 khi Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) do Nigeria lãnh đạo đưa ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự cầm quyền của Niger. Mặc dù mối đe dọa can thiệp vũ trang cuối cùng đã lắng xuống, sự sụp đổ của mối quan hệ giữa bộ ba Sahel và phương Tây đã đi kèm với sự hiện diện lớn hơn của Nga trong khu vực.
Các động thái của Moscow sau xu hướng chung giữa các quốc gia châu Phi đang gặp khủng hoảng, mở rộng sang cả Cộng hòa Dân chủ Congo và Mozambique, nơi các chính phủ thất vọng vì thiếu tiến triển trong hỗ trợ an ninh do các cường quốc châu Âu và Liên hợp quốc cung cấp đã chuyển hướng sang Nga.
Với việc Trung Quốc và Nga đầu tư mạnh vào châu Phi, Hoa Kỳ đã phải vật lộn để tìm chỗ đứng chiến lược của mình tại châu lục này ngoài các quan hệ đối tác an ninh, một số trong đó dường như cũng đang suy yếu trong bối cảnh các xu hướng địa chính trị và giao dịch thương mại hiện nay.
Bạo lực băng đảng Haiti
Gần bờ biển Hoa Kỳ, một cuộc khủng hoảng đang bùng phát tại Haiti thuộc vùng Caribe, nơi các băng đảng hùng mạnh đã chiếm giữ một số khu vực của thủ đô Port-au-Prince vào năm 2020 và kể từ đó đã tăng cường các cuộc tấn công vào cảnh sát, nhà báo và dân thường. Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse vào năm 2021 và việc Thủ tướng Ariel Henry từ chức vào tháng 2 năm nay cũng đã làm sâu sắc thêm tình trạng hỗn loạn chính trị tại quốc gia hiện do một hội đồng chuyển tiếp lãnh đạo.
Cảnh sát Haiti triển khai tại Port-au-Prince khi đấu súng với các thành viên băng đảng bị cáo buộc vào ngày 11/11. Ảnh: AFP/Getty Images.
Quyết định từ chức của Henry được đưa ra trong bối cảnh hai liên minh băng đảng lớn được gọi là Lực lượng Cách mạng của Gia đình G9 và Đồng minh và G-Pep, năm nay đã gác lại sự cạnh tranh để phối hợp thường xuyên hơn. Ngoài việc hoạt động như những băng đảng đường phố, hai khối này đã thể hiện sức mạnh quân sự và chính trị, trong khi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Giống như trường hợp của Afghanistan, Somalia và Sudan, mối quan tâm chính mà Trump với Haiti, nơi mà ông gọi là “quốc gia thất bại”, là về dòng người di cư đổ vào Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ đã chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực ở quê nhà. Trump thường xuyên bày tỏ quan điểm hạ thấp cộng đồng người Haiti, gây ra phản ứng dữ dội trong các nhà hoạt động, một số người trong số họ chỉ ra rằng phần lớn vũ khí do các băng đảng ở Haiti sử dụng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ
Cuộc xung đột đã gây ra sự gián đoạn xuyên biên giới, với một vụ việc liên quan đến vụ nổ súng nhắm vào một chuyến bay chở khách vào tháng trước khiến các hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ phải đình chỉ dịch vụ đến Haiti. Hoạt động buôn bán ma túy tràn lan cũng tiếp tục phát triển bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các cuộc tuần tra thường xuyên của tàu chiến Hoa Kỳ ở vùng Caribe.
Bạo lực của băng đảng Mexico
Khi nói đến vấn đề di cư bất hợp pháp, một nền tảng trong chiến dịch tranh cử của Trump, không có vấn đề nào được nêu ra thường xuyên hơn biên giới phía Nam. Ngoài việc tuyên bố trục xuất hàng loạt những người nhập cư không có giấy tờ, Trump còn đi xa hơn khi nói rằng ông “hoàn toàn” cân nhắc hành động quân sự của Hoa Kỳ chống lại các băng đảng ma túy hùng mạnh ở Mexico.
Binh lính Mexico đứng cạnh một chiếc xe bọc thép tự chế được cho là của một băng đảng ma túy sau một cuộc đụng độ có vũ trang ở Las Tunas, Tecpan de Galeana, tiểu bang Guerrero. Ảnh: AFP/Getty Images.
Trong khi Mexico chuẩn bị cho các chính sách nhập cư và thương mại cứng rắn mà chính quyền Trump sắp nhậm chức hứa hẹn, quốc gia láng giềng phía Nam của Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với làn sóng bạo lực mới bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành quyền lực trong tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thống trị nhất của mình, Sinaloa Cartel. Cuộc nội chiến ảo này được cho là đã bùng phát sau vụ bắt giữ hai thủ lĩnh hàng đầu, Joaquín Guzmán López và Ismael “El Mayo” Zambada, của chính quyền Hoa Kỳ vào tháng 7.
Các nhóm tội phạm hàng đầu khác, như Jalisco New Generation, Gulf Cartel và Los Zetas, vẫn hoạt động mặc dù có những chiến thuật mạnh tay hơn được cho là do Tổng thống Mexico mới đắc cử Claudia Sheinbaum áp dụng.
Tại Washington, đảng Dân chủ và Cộng hòa từ lâu đã đấu tranh để tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên về cải cách nhập cư. Thách thức này đã chứng minh là đặc biệt khó nắm bắt khi những rắc rối trong nước không chỉ hoành hành ở Mexico mà còn ở cái gọi là “Tam giác trung tâm” của El Salvador, Guatemala và Honduras cùng với tình trạng bạo lực gia tăng ở Colombia và các quốc gia Mỹ Latinh khác tiếp tục thúc đẩy hàng loạt người xin tị nạn thực hiện những hành trình gian khổ đến Hoa Kỳ bất chấp những rủi ro.
Với việc Trump có thể triển khai các biện pháp quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, tác động của chúng lên số liệu di cư, gánh nặng lên nguồn lực liên bang và tác động lên nền kinh tế sẽ là những thước đo quan trọng để xác định sự thành công của các chính sách của chính quyền tiếp theo.
TD - MD
{name} - {time}
-
2025-01-01 21:32:00
Nhật Bản: Một năm sau trận động đất Noto, quá trình tái thiết vẫn chậm
-
2024-12-31 16:41:00
Tại sao Nga bác bỏ kế hoạch hòa bình Ukraine của Donald Trump?
-
2024-12-31 07:27:00
Tổng quan kinh tế châu Âu năm 2024 và dự báo năm 2025
Triển vọng hòa bình Nga - Ukraine dưới những góc nhìn
Trung Đông sẽ tiếp tục bất ổn trong năm 2025?
Quân đội Ukraine mất tinh thần vì nguy cơ thất bại ngày càng tăng ở Kursk
Sức mạnh từ nỗi sợ hãi
So sánh kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và Hoa Kỳ
Sẽ lại có những kỷ lục mới về mức chi tiêu quốc phòng của NATO?
5 kịch bản cho cuộc chiến Nga - Ukraine trong năm 2025
Hệ lụy khó lường của cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc
Xung đột Nga - Ukraine: 4 khu vực sẽ nằm trong quyền kiểm soát hoàn toàn của Moscow vào năm 2025