(Baothanhhoa.vn) - Công tác thông tin, tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Công tác thông tin, tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa tổ chức tập huấn cung cấp kỹ năng tuyên truyền về giới tính khi sinh năm 2022 cho cộng tác viên dân số.

Đa dạng hình thức truyền thông trong công tác Dân số - KHHGĐ

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, từ củng cố bộ máy, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ đến hoạt động truyền thông. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, công tác Dân số và Phát triển được triển khai đồng bộ trên 4 lĩnh vực: quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bổ dân cư và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Giai đoạn 2016 – 2022, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về công tác DS - KHHGĐ, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chính sách này cũng được nâng lên rõ rệt. Mô hình gia đình hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Quy mô dân số dần được ổn định và trong tầm kiểm soát, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn giữ dưới 1%. Cơ cấu dân số vàng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Những kết quả trên tạo tiền đề căn bản để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, nhất là tiếp tục giảm sinh nhằm sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số trong lương lai, hệ lụy sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Hệ lụy là nước ta sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên. Với chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, việc dư thừa nam giới sẽ khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, làm tăng nguy cơ bệnh tật khi các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Bất bình đẳng giới cũng sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: phụ nữ không có được vị thế, không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội; đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ bạo hành giới mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái; tăng cao nguy cơ các cặp vợ chồng ly hôn. Đồng thời, mất cân bằng giới tính còn dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực làm việc trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như: giáo viên, y tá, may mặc...

Theo số liệu thống kê dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Thanh Hóa năm 2016 là 115 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2017 là 117, năm 2018 là 116, năm 2019 là 115; đến năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 113,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khá cao so với mức trung bình của cả nước, nhưng qua số liệu hàng năm thì tỷ số này đang giảm dần. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân.

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cung cấp hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 12-3-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2021-2025; căn cứ Hướng dẫn số 1290/SYT-NVY, ngày 29-3-2022 của Sở Y tế Thanh Hoá về thực hiện công tác DS-KHHGĐ năm 2022; ngày 29-3-2022, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-CCDS về thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS năm 2022.

Đề án tiếp tục được triển khai trên phạm vi 310 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và ngành Y tế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội. Từ đó, tạo những chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng MCBGTKS; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt mức 113,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái năm 2022.

Nội dung Đề án Kiểm soát MCBGTKS được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong đó, đối với cấp tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực trạng, hậu quả của MCBGTKS, các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; kết quả triển khai thực hiện đề án giảm thiểu MCBGTKS trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã nhân bản, cung cấp các sản phẩm truyền thông về giới và giới tính khi sinh; đào tạo, tập huấn, cung cấp các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho đội ngũ cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số các địa phương để thực hiện tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng. Cùng với đó, Chi cục tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, xét nghiệm, nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của đề án tại các đơn vị.

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Các hình thức tuyên truyền như: nói chuyện chuyên đề, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương... góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ở cấp huyện, xã, Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn, chỉ đạo Trạm Y tế xã phối hợp với UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biên tập tài liệu truyền thông và thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã; tổ chức nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS cho đối tượng là nam, nữ chuẩn bị kết hôn và đã sinh con theo quy định của pháp luật ở 310 xã triển khai thực hiện đề án, dự kiến có 15.500 người tham dự; duy trì sinh hoạt của 114 câu lạc bộ về giới và bình đẳng giới, phấn đấu mở rộng lên 196 câu lạc bộ trong năm 2022.

Các địa phương tập trung triển khai Đề án Kiểm soát MCBGTKS

Thành phố Thanh Hóa là địa bàn đông dân cư, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn khá cao. Căn cứ hướng dẫn thực hiện Kế hoạch công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2022 của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về hậu quả, hệ lụy của MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội, tiến tới thực hành bền vững hành vi sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Năm 2022, đề án tiếp tục triển khai tại 23 phường, xã của thành phố. Dưới sự hướng dẫn của Phòng Dân số và Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa, các trạm y tế thực hiện biên tập bài truyền thông và phối hợp với cán bộ văn hóa phường, xã tổ chức phát thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Trong 6 tháng đầu năm, thành phố và các phường, xã đã tổ chức viết được 23 bài về chủ đề giới và MCBGTKS; thực hiện 80 lần phát thanh trên hệ thống truyền thanh của phường, xã. Trung tâm Y tế cũng hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với Ban Dân số phường, xã tổ chức nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS.

Ngoài duy trì 8 câu lạc bộ về giới và bình đẳng giới, thành phố Thanh Hóa triển khai xây dựng 15 câu lạc bộ mới tại các phường, xã: Quảng Đông, Đông Thọ, Phú Sơn, Quảng Thắng, Tào Xuyên, Ngọc Trạo, Đông Vệ, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Ba Đình, Đông Cương, Đông Hương, Quảng Thành, Đông Lĩnh. Trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nội dung về giới và giới tính khi sinh được lồng ghép với các hoạt động khác, tạo diễn đàn để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc ông bà, bố mẹ, cách làm hay trong phát triển kinh tế...

Nâng cao hiệu quả truyền thông góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Người dân xã Quảng Bình (Quảng Xương) được truyền thông, tư vấn trực tiếp về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. (Ảnh: Thùy Linh)

Tại huyện Quảng Xương, để nâng cao chất lượng công tác dân số, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3. Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS tại 16 xã, thị trấn như: Quảng Ngọc, Quảng Hải, Quảng Bình, Quảng Trung, Quảng Văn, thị trấn Tân Phong...

Tại các xã triển khai đề án, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số; nội dung của Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Tổ chức các buổi tuyên truyền, truyền thông, cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức của người dân về MCBGTKS... Đồng thời, thành lập 5 câu lạc bộ “Giới và bình đẳng giới” tại các xã: Quảng Bình, Quảng Hải, Quảng Trung, Quảng Văn, Quảng Long. Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ 2 lần/năm.

Để đề án triển khai hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện phân công cán bộ tham gia giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại xã. Hàng năm, cấp tờ rơi, tổ chức tập huấn cho ban chủ nhiệm các câu lạc bộ và tổ chức chiến dịch truyền thông về MCBGTKS. Đồng thời, câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, giới và bình đẳng giới, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình cũng được duy trì tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tính đến tháng 6 năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Thanh Hóa là 114,6 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án Kiểm soát MCBGTKS năm 2022, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức thanh tra các cơ sở siêu âm, các cơ sở kinh doanh sách báo liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về DS-KHHGĐ tại các cấp, các ngành; lồng ghép nội dung công tác Dân số và Phát triển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát các huyện triển khai đề án nhằm thúc đẩy các hoạt động tại địa phương; nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng dân cư; cung cấp dịch vụ KHHGĐ, quan tâm các đối tượng đặc thù… góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi đời sống Nhân dân theo hướng tích cực.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]