(Baothanhhoa.vn) - Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc ngay tại gia đình, giảm tải cho các cơ sở điều trị chuyên khoa. Đồng thời, góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng

Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc ngay tại gia đình, giảm tải cho các cơ sở điều trị chuyên khoa. Đồng thời, góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồngBệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Hậu Lộc tổ chức khám sàng lọc bệnh nhân tâm thần tại xã Ngư Lộc.

Đã hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình, 52 tuổi, ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) mắc bệnh tâm thần phân liệt, sống nhờ vào sự chăm sóc của gia đình. Trước đây, cứ đều đặn mỗi năm 2 lần, ông vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa, nhưng những năm gần đây khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng thì ông được khám bệnh, theo dõi, cấp thuốc tại nhà, bệnh tình của ông cũng có phần ổn định.

Trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có 42 bệnh nhân tâm thần đang được theo dõi sức khỏe, tái khám và cấp phát thuốc định kỳ hàng tháng tại trạm y tế. Bác sĩ Lê Ngọc Lên, Trạm trưởng Trạm Y tế Ngư Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Để thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trạm tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức đến người bệnh và gia đình họ; phối hợp với các thôn, xóm, cộng tác viên thực hiện rà soát để phát hiện các đối tượng bị bệnh tâm thần, nhằm kịp thời tư vấn, điều trị.

Tại huyện Yên Định, hiện đang quản lý 1.014 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 242 bệnh nhân đang được cấp phát thuốc điều trị. Tất cả các bệnh nhân trên đều được trung tâm y tế lập hồ sơ quản lý, theo dõi sát sao, cán bộ y tế thường xuyên đến tại gia đình kiểm tra sức khỏe, nhắc nhở uống thuốc, hướng dẫn các liệu pháp điều trị… Nhiều bệnh nhân tiến triển tốt, không phải đi viện mà chăm sóc tại cộng đồng.

Bác sĩ Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Định cho biết: Trên địa bàn huyện có 100% xã, thị trấn đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc số bệnh nhân chưa được đưa vào quản lý; quản lý tốt số bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các trạm y tế; đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, tránh tư tưởng phân biệt đối xử với người bệnh.

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng công tác truyền thông về bệnh tâm thần cũng được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn cho cán bộ y tế phụ trách tâm thần tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc, phát hiện và quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

Theo thống kê, tính riêng 9 tháng năm 2022, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa đã khám sàng lọc cho trên 1.000 người dân tại cộng đồng và đã sàng lọc phát hiện hơn 700 bệnh nhân tâm thần chủ yếu mắc các bệnh về tâm thần phân liệt, bệnh động kinh, trầm cảm … Công tác khám sàng lọc, tư vấn điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng giúp người bệnh được chữa trị bệnh ngay tại địa phương, không mất chi phí, phát hiện bệnh sớm; được tư vấn nâng cao nhận thức về bệnh, phục hồi chức năng giúp tái hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi nhất ngay tại gia đình và tuyến y tế cơ sở.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, bác sĩ CKII Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần triển khai tại cộng đồng mang tính an sinh xã hội lớn, người bệnh được chữa tại cộng đồng, không phải nằm viện, do đó gia đình ít tốn kém chi phí đi lại, phục vụ người bệnh. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc đều đặn, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã hòa nhập rất tốt, có thể lao động và nuôi sống bản thân. Song, trên thực tế, bệnh nhân tâm thần vẫn còn bị kỳ thị, chưa được quan tâm đúng mức tại cộng đồng. Mục tiêu của chương trình là hướng tới người bệnh tâm thần có thể được chăm sóc hòa nhập ngay tại cộng đồng, do đó rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ phía xã hội, nhất là gia đình, người thân, có như vậy chương trình mới đạt hiệu quả.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022–2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới. Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (10-10) với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu”, Bộ Y tế nhấn mạnh, quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà là trách nhiệm gia đình và toàn xã hội. Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định. Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh...

10 hành động của mỗi người dân để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần:

1. Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân;

2. Tăng cường hoạt động thể chất;

3. Ăn uống lành mạnh;

4. Nghỉ ngơi đầy đủ:

5. Sử dụng đồ uống hợp lý;

6. Giữ liên lạc với người xung quanh;

7. Làm những công việc mà mình có khả năng;

8. Chấp nhận bản thân dù bạn là ai;

9. Đề nghị sự trợ giúp khi cần;

10. Quan tâm đến những người khác.

Bài và ảnh: Hà Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]