(Baothanhhoa.vn) - Đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc. Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường suốt đời vì nước, vì dân

Võ Văn Tần - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, xuất sắc

Đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc. Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường suốt đời vì nước, vì dân

Võ Văn Tần - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, xuất sắc

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh tư liệu của Báo Long An.

Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8-1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Sinh ra trên một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng chí đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng.

Năm 1923, do tham gia đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý cùng nông dân, đồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt giam khép tội “cầm đầu các cuộc chống đối”, nhưng không có chứng cớ để khép án, thực dân buộc phải trả tự do. Đến năm 1926, do chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập và là hội viên cốt cán của hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Với lòng nhiệt tình và niềm tin của tuổi trẻ, đồng chí Võ Văn Tần đã hòa mình vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh giành tự do của dân tộc - là bước tiến gần đến với chủ nghĩa cộng sản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Cuối năm 1926, đồng chí Võ Văn Tần quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ, đánh dấu bước chuyển biến tất yếu từ lập trường yêu nước sang lập trường giai cấp vô sản. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, tìm chọn những người hăng hái tích cực trong nông dân lao động, nhất là thanh niên giáo dục lòng yêu nước và ý thức giai cấp; gây dựng, thành lập các tổ chức chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hữu Thạnh và kết nạp được nhiều hội viên, về sau trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung như: Nguyễn Văn Thỏ, Trần Văn Thẳng, Trần Văn Thủ, Dương Thị Biết, Lê Văn Mè, Huỳnh Văn Bằng, Huỳnh Văn Ngọ,…

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò là Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản xã Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Tần dẫn đầu cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa ngày 4-6-1930. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân…

Cuối năm 1930 - đầu năm 1931, cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp đã làm tổn thất nghiêm trọng đến lớp đảng viên đầu tiên trong cả nước cũng như của Đảng bộ Chợ Lớn. Trong tình thế hết sức căng thẳng, khó khăn, chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, nhưng với sự che chở của quần chúng, đồng chí Võ Văn Tần và các đảng viên vẫn kiên trì len lỏi hoạt động, bám quần chúng, tìm cách khôi phục cơ sở, chắp nối lại liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt.

Tháng 6-1932, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ. Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí Võ Văn Tần đã khéo léo che mắt địch một mặt tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi các cơ sở của Đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù.

Giữa năm 1933, đồng chí Võ Văn Tần đích thân liên lạc xuống Miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho, đồng thời, với tư cách là cán bộ Xứ ủy, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động. Từ năm 1933 đến năm 1934, đồng chí Võ Văn Tần dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa Liên tỉnh miền Đông và miền Tây, cũng như tham gia công việc xây dựng lại Xứ ủy Nam kỳ. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ cách mạng gặp cơn thoái trào do sự đánh phá liên tiếp của địch. Đến tháng 5/1935 khi Xứ ủy Nam kỳ phục hồi, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ của Xứ ủy Nam kỳ.

Võ Văn Tần - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, xuất sắc

Đồng chí Võ Văn Tần. (Ảnh tư liệu)

Từ năm 1930 - 1935, đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí đảng viên trong Xứ ủy Nam kỳ đã khẳng định, minh chứng, tạo niềm tin cho quần chúng bằng những việc làm thiết thực đưa cách mạng Nam kỳ vượt qua thử thách khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với quần chúng nhân dân.

Ngày 14-7-1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại nhà chị Nà ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn - Bà Điểm). 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man làm cho đồng chí chết đi sống lại; nhưng gông sắt, xiềng xích, đòn roi của địch không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Vượt qua chế độ dã man của nhà tù thực dân, đồng chí Võ Văn Tần vẫn tiếp tục hoạt động, tuyên truyền và nhắc nhở các đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Không khuất phục được, ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn.

Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và Nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”

Cả cuộc đời mình, trên mọi cương vị công tác từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những cống hiến sắc bén về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ rồi đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội; thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam kỳ trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Nam kỳ. Đồng chí Võ Văn Tần cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Nghị,… thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng; mở các lớp tập huấn chính trị cho cán bộ Đảng và đoàn thể tại Bà Điểm; trực tiếp đi các tỉnh miền Đông, miền Tây xây dựng tổ chức, uốn nắn lệch lạc, chỉ đạo công tác đảng ở địa phương; thành lập bốn liên tỉnh bộ và khu bộ Sài Gòn - Chợ Lớn; thành lập các hội quần chúng ở cả nông dân và công nhân dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đấu tranh công khai và bán công khai; tổ chức lại nội bộ các nhóm quần chúng, ban đại biểu công nhân; thống nhất các nhóm theo chủ nghĩa Xtalin và đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng. Những hoạt động khẩn trương và tích cực của đồng chí Võ Văn Tần và Xứ ủy Nam kỳ đã củng cố và phát triển cơ sở Đảng rộng khắp trong công nhân và nông dân, cả nông thôn và thành thị; hướng dẫn quần chúng vào việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở khắp Nam kỳ.

Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần chỉ đạo thành công hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Nam kỳ; hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm an toàn về mặt tổ chức của Đảng; có nhiều đóng góp tích cực về mặt định hướng chiến lược và quan điểm lý luận cho thành công Hội nghị Trung ương IV (25-8 đến 4-9-1937), Hội nghị Trung ương V (29, 30-3-1938), Hội nghị Trung ương VI (6 đến 8-11-1939).

Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ VI của Đảng quyết định những chiến lược quan trọng của cách mạng dân tộc là: thay đổi sách lược, hướng phong trào đấu tranh vào những yêu sách; tuyên truyền, tổ chức, xây dựng uy tín và ảnh hưởng của Đảng; vạch rõ tội ác của chủ nghĩa đế quốc; khẩn trương thành lập các hội bí mật; huấn luyện quần chúng; liên hiệp với các đảng phái khác; có thái độ kiên quyết với bọn phản động, chống, phá Đảng; đấu tranh và chuẩn bị đón thời cơ giải phóng dân tộc, với mục tiêu trước mắt là “giành được độc lập hoàn toàn cho Đông Dương và chấm dứt chiến tranh đế quốc”. Đồng chí Võ Văn Tần đã chỉ đạo Xứ ủy Nam kỳ chuyển cán bộ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn; thành lập nhiều tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế, các đội tự vệ và du kích phát triển nhanh chóng trong toàn xứ.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước. Với phương pháp, nguyên tắc và kinh nghiệm hoạt động bí mật; linh hoạt, sáng tạo và sâu sát với quần chúng; sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí Võ Văn Tần đã gợi mở cho Đảng hình thành lên các hình thức tổ chức và hoạt động thích hợp trong quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng rộng lớn chuẩn bị tới cao trào cách mạng 1939 - 1945.

Việt Linh


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]