(Baothanhhoa.vn) - Cách đây tròn 111 năm, ngày 5-6-1911 từ cảng Sài Gòn, với tên Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đi Marseille, Pháp, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Hành trình từ ngày 5-6-1911 đến ngày 3-2-1930 của Nguyễn Tất Thành -Nguyễn Ái Quốc

Cách đây tròn 111 năm, ngày 5-6-1911 từ cảng Sài Gòn, với tên Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đi Marseille, Pháp, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Hành trình từ ngày 5-6-1911 đến ngày 3-2-1930 của Nguyễn Tất Thành -Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tours tháng 12 năm 1920. (Ảnh tư liệu)

Rút kinh nghiệm của các sĩ phu yêu nước đương thời hướng con đường cứu nước về phía Trung Quốc hay Nhật Bản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng muốn đánh đuổi kẻ thù phải biết rõ kẻ thù của mình. Vì thế, ngày 5-6-1911, Người xuất dương tìm đường cứu nước, đi sang Tây Âu trước hết là Pháp, để xem nước Pháp và các nước khác như thế nào nhằm giải đáp đâu câu hỏi Đâu là con đường cứu nước?

Sau khi tầu cập cảng Marseille, Người chỉ ở lại Pháp 3 tháng, rồi tiếp tục cuộc hành trình, đi theo nhiều tàu buôn khác, đến nhiều nơi, nhiều châu lục Phi, Mĩ, Âu, Á và làm đủ mọi nghề để kiếm sống, học tập và hoạt động cách mạng. Người đã lăn lộn trong phong trào công nhân và Nhân dân lao động quốc tế và từ đó rút ra bài học đầu tiên là: Ở đâu cũng chỉ có hai loại người, thiểu số đi áp bức bóc lột, còn đại đa số quần chúng lao động là những người bị áp bức bóc lột.

Cuối năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, tham gia Đảng xã hội Pháp. Giữa lúc này Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga nổ ra và thắng lợi, tiếp đó là Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc. Các nước đế quốc thắng trận trong thế chiến I, họp hội nghị ở Vecxay (Pháp) để phân chia lại thế giới và phân chia những quyền lợi cướp được sau chiến tranh. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị bản Yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho các dân tộc Đông Dương. Tất nhiên bọn đế quốc không thừa nhận, nhưng bản yêu sách đó đã gây ra tiếng vang lớn trong dư luận và trong giới Việt kiều ở Pháp.

Cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917) và sự thành lập quốc tế III, tức quốc tế cộng sản (3-1919) là những sự kiện lịch sử trọng đại có tác động mạnh mẽ tới các chiến sĩ của phong trào cách mạng và phong trào công nhân thế giới trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin đã đến với Người vào tháng 7-1920, làm cho Người "rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao". Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đứng hẳn về quốc tế thứ III. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 họp ở Tua (từ 25 đến 30-12-1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu bước nhảy vọt trong quá trình chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Từ một người yêu nước, ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành một người cộng sản. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho Nhân dân Việt Nam, con đường giải phóng theo học thuyết Mác - Lênin, con đường kết hợp giữa đấu tranh giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.

Từ khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc hăng say hoạt động cách mạng, học tập nghiên cứu lý luận và tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cách mạng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và cùng với một số người yêu nước của các dân tộc thuộc địa Pháp, Người đã sáng lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp ở Paris để đoàn kết các lực lượng cách mạng, chống chủ nghĩa thực dân và thông qua tổ chức đó đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với các dân tộc thuộc địa. Năm 1922, Hội xuất bản tờ báo "Người cùng khổ" do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút kiêm quản lí tờ báo. Tờ báo xuất bản 32 số, đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần quốc tế vô sản nhằm thức tỉnh các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh tự giải phóng. Người còn viết nhiều bài cho các Báo Nhân Đạo, Đời sống công nhân và đặc biệt là viết cuốn sách nổi tiếng: "Bản án chế độ thực dân Pháp". Mặc dù nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách ngăn chặn, cấm đoán, các sách báo đó vẫn được bí mật chuyển về Việt Nam. Nhờ đó, quần chúng Nhân dân ngày càng hiểu rõ hơn bản chất của chủ nghĩa đế quốc, hiểu được Cách mạng Tháng Mười Nga.

Giữa năm 1923, người bí mật từ Pháp đi Liên Xô dự hội nghị Quốc tế nông dân và được bầu vào Ban chấp hành. Tiếp đó, Người hoạt động, học tập và nghiêm cứu ở Quốc tế cộng sản, viết bài cho Báo Sự thật, Tạp chí Thư tín quốc tế. Tháng 7-1924, Người dự Đại hội lần thứ 5 của Quốc tế công sản. Tại Đại hội, Người trình bày những quan điểm của mình về vị trí, chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa; vai trò to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa; mối quan hệ giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với phong trào công nhân ở các nước chính quốc... Người được chỉ định làm Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế cộng sản. Sau đó, Người còn dự các cuộc Hội nghị của Quốc tế Công hội, Thanh niên, Phụ nữ. Những quan điểm cơ bản đó của Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào nước ta là bước chuẩn bị quan trọng về tư tưởng, chính trị cho sự thành lập Đảng ta sau này.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu Trung Quốc và lấy tên là Lý Thuỵ. Người tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây và cải tổ tổ chức Tâm Tâm xã để thành lập ra một tổ chức cách mạng mới là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh Niên) với nòng cốt là “”Cộng sản đoàn" vào 6-1925. Ngày 21-6, Người cho xuất bản tờ báo Thanh Niên làm cơ quan ngôn luận của hội. Tờ báo hoạt động từ 6-1925 đến 4-1927, xuất bản 88 số. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên bằng tiếng Việt. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, đào tạo những thanh niên yêu nước thành cán bộ cách mạng rồi đưa họ về nước hoạt động. Các bài giảng của Người ở các lớp chính trị đó được tập hợp lại và in thành sách Đường cách mệnh (1927). Trong tác phẩm này, Người đã chỉ ra những phương hướng cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Những quan điểm cơ bản về chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc mà Người chỉ ra trong tác phẩm này đã đặt nền tảng cho cương lĩnh của Đảng ta sau này. Tại Quảng Châu, Người còn chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: Chọn các thiếu niên ưu tú gửi đi học trường đại học Phương đông của Quốc tế Cộng sản (Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…), chọn thanh niên ưu tú đi học tại trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Chính lớp người này trở thành thế hệ cách mạng đầu tiên và trở thành những lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Quân đội của nước ta về sau.

Sự hoạt động Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã có tác dụng tích cực đến phong trào cách mạng ở trong nước. Từ năm 1926, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã xây dựng được nhiều cơ sở tại các trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng ở trong nước. Số lượng hội viên tăng nhanh. Năm 1928 Hội phát động phong trào "Vô sản hoá" đã góp phần thực hiện việc kết hợp Chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy nhanh tiến trình thành lập chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Đến năm 1929, Hội đã có cơ sở ở hầu khắp cả nước, các tổ chức đoàn thể quần chúng cũng lần lượt ra đời. Vào giữa năm 1929, nhu cầu thành lập tổ chức cộng sản đã chín muồi và các tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn nối tiếp nhau xuất hiện, tạo tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của chính Đảng vô sản ở Việt Nam.

Tuy đều là các tổ chức cộng sản nhưng cả ba tổ chức đều hoạt động riêng rẽ, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau nên đã gây ra trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Đảng cộng sản thống nhất trong cả nước để lãnh đạo cách mạng. Với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Hội nghị diễn ra tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc. Với tài năng và uy tín cao của Người, Hội nghị đã nhất trí tán thành thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập ra một chính Đảng duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Những văn kiện này được xem là Cương lĩnh chính trị đúng đắn đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và của cách mạng nước ta.

Bằng năng lực trí tuệ đặc biệt, với nhãn quan chính trị sắc bén của một trí thức lớn, cùng với những nỗ lực vượt bậc trong hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chọn con đường giải phóng dân tộc theo hướng cách mạng vô sản, bồi dưỡng, lôi cuốn một thế hệ thanh niên trí thức đến với học thuyết Mác - Lênin, chuyển dần sang lập trường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc cùng với các thế hệ học trò, những người bạn chiến đấu của mình đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Đã 111 năm trôi qua, nhưng với tất cả cống hiến lớn lao của Người trong hành trình tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911 đã trở thành ngày kỷ niệm trọng đại, là tài sản tinh thần to lớn, vô giá của dân tộc Việt Nam.

Vũ Quý Tùng Anh


Vũ Quý Tùng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]