(Baothanhhoa.vn) - Cách đây hơn nửa thế kỷ, một số ít hộ đồng bào Khơ Mú di cư đến huyện biên giới Mường Lát, dừng chân tại bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) để tạo dựng cuộc sống mới. Đồng bào Khơ Mú gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tùy theo cách phát âm ở từng địa phương, nhưng đều có nghĩa là “người” hay “cộng đồng người”. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, đồng bào Khơ Mú nơi đây thật sự là một cộng đồng người đoàn kết chung tay vượt đói nghèo, gây dựng cuộc sống mới và từng bước vươn lên làm giàu, vun đắp cho cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 1): Những đảng viên soi đường cho đồng bào Khơ Mú

Cách đây hơn nửa thế kỷ, một số ít hộ đồng bào Khơ Mú di cư đến huyện biên giới Mường Lát, dừng chân tại bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) để tạo dựng cuộc sống mới. Đồng bào Khơ Mú gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tùy theo cách phát âm ở từng địa phương, nhưng đều có nghĩa là “người” hay “cộng đồng người”. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, đồng bào Khơ Mú nơi đây thật sự là một cộng đồng người đoàn kết chung tay vượt đói nghèo, gây dựng cuộc sống mới và từng bước vươn lên làm giàu, vun đắp cho cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 1): Những đảng viên soi đường cho đồng bào Khơ MúGià làng Lương Xuân Ban (ngồi giữa), ở phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát) trò chuyện về công tác xây dựng Đảng cùng thế hệ trẻ. Ảnh: P.V

Ngày bản được đặt tên là Đoàn Kết, cũng là ngày chi bộ đảng được thành lập. Ở thời kỳ nào cũng vậy, Huyện ủy Mường Lát luôn chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các địa bàn đồng bào Khơ Mú. Như mạch nguồn sông Mã khi nào cũng tràn đầy, các thế hệ đảng viên người Khơ Mú không ngừng phát huy tinh thần nêu gương, trở thành những hạt nhân tiên phong trong xây dựng bản làng.

Ngày bản có tên là Đoàn Kết

Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi vượt chặng đường gần 300km qua địa danh Cổng Trời để đến với huyện biên giới Mường Lát. Mảnh đất “cực Tây” của tỉnh Thanh Hóa gắn liền với những tên bản thân thương như Cò Cài, Pa Búa, Sài Khao, Lách, Piềng Tặt, Xì Lồ, Pù Ngùa, Đoàn Kết, Lách... một thời là “vùng trũng” về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đói nghèo.

Chúng tôi có mặt ở khu phố Đoàn Kết, khu phố của đồng bào Khơ Mú, một trong những dân tộc ít người trên địa bàn huyện. Gần chục năm, chúng tôi mới có dịp trở lại, bản Đoàn Kết giờ đã thay da đổi thịt, với các công trình điện, đường, trường, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Đồng chí Cút Văn Dân, bí thư chi bộ cùng các cán bộ khu phố Đoàn Kết đón chúng tôi ở nhà văn hóa. Là người Khơ Mú, sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ trong ngành công an, đồng chí Dân trở về quê hương tham gia công tác đoàn, được dân bản tin yêu và các đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ phố Đoàn Kết từ năm 2020. Sinh năm 1993, thuộc lớp thế hệ bí thư chi bộ 8X và 9X ở huyện biên giới Mường Lát, đồng chí Dân rất tâm huyết với công tác xây dựng Đảng, đã đưa chúng tôi đến nhà già làng Lương Xuân Ban - Bí thư Chi bộ đầu tiên của phố Đoàn Kết. Ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận ở già làng Ban là sự gần gũi, chân chất, rắn rỏi toát ra từ dáng vẻ, cách nói chuyện. Ở tuổi 79, hơn 50 năm tuổi Ðảng, già Ban vẫn hàng ngày vào rừng hái măng, chăn thả đàn trâu. Dù ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng già Ban luôn đau đáu và dành hết tâm huyết, trí tuệ để chăm lo ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho Đảng, xây dựng Chi bộ bản Đoàn Kết ngày càng trong sạch, vững mạnh, trở thành chi bộ tốt nơi biên giới xứ Thanh.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng rộng rãi, thoáng đãng, già Ban tiếp chúng tôi bằng loại trà từ lá cây rừng thơm mát. Nhấp ngụm trà, già Ban lục lại ký ức: “Đồng bào Khơ Mú ở huyện Mường Lát nói chung và phố Đoàn Kết hiện nay chủ yếu từ tỉnh Sơn La và một số cụm bản bên nước bạn Lào di cư đến vào những năm đầu thế kỷ XX”. Vốn là nơi “sơn cùng thủy tận”, bản Đoàn Kết nằm trên đỉnh Pha Lát, cách lế với trung tâm xã bởi dòng sông Mã. Mỗi lần dân bản muốn ra xã, ra huyện, xuống tỉnh phải vượt sông Mã bằng bè, mảng. Vậy mà năm 1944, khi già Ban được 1 tuổi, bố mẹ già đã từ biệt quê hương - bản Buộc Pát, xã Long Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để đưa cả gia đình về khu suối Há sinh sống. Do tập quán du canh, du cư và đốt nương làm rẫy nên cuộc sống của hầu hết các hộ dân đồng bào Khơ Mú đang sinh sống ven suối Phay, suối Pang, suối Nà Kén thuộc xã Tén Tằn luôn luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu.

Không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, học xong lớp 4, Lương Xuân Ban về Trường Thanh niên dân tộc (nay là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa) tại huyện Ngọc Lặc tiếp tục học tập. Sau khi tốt nghiệp hệ 7/10, năm 1966, chàng trai Lương Xuân Ban lên đường nhập ngũ, trở thành người chiến sĩ mang quân hàm xanh, bảo vệ biên cương của Tổ quốc - là niềm tự hào của đồng bào Khơ Mú ở vùng biên Mường Lát.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên “phên dậu” quốc gia, già Ban về nghỉ chế độ hưu trí năm 1979. Hơn 6 năm sau, một sự kiện trọng đại với đồng bào Khơ Mú ở đình Pha Lát mà già Ban luôn luôn mang theo trong trái tim. Đó là ngày bản được khai sinh có tên gọi Đoàn Kết. Già Ban kể: “Thực hiện quyết định Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ, giữa tháng 12-1984, xã Tén Tằn được thành lập trên cơ sở chia tách xã Tam Chung. Xã Tén Tằn lúc mới thành lập có 5 bản, gồm: Tén Tằn, Tân Lập, Na Khà, Chòm Chiên và Đoàn Kết. Mảnh đất bằng phẳng trên đỉnh Pha Lát được chọn làm nơi quần tụ của đồng bào Khơ Mú bản Đoàn Kết, với 37 hộ dân, khoảng 380 nhân khẩu. Có nơi an cư lạc nghiệp, già trẻ, gái trai trong bản ai nấy cũng phấn khởi khôn xiết. Bởi từ thời ấy cho đến muôn đời sau, bản Đoàn Kết mãi mãi là quê hương của các thế hệ đồng bào Khơ Mú”. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, vì sao lại đặt tên bản là Đoàn Kết, già Ban tấm tắc chia sẻ: “Đoàn Kết, nghĩa là các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến chi bộ và Nhân dân muốn giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, như sinh thời Bác Hồ từng chỉ dạy - có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Xây dựng chi bộ vững mạnh

Sau khi Ủy ban lâm thời xã Tén Tằn ra mắt trước toàn thể cán bộ và Nhân dân các dân tộc địa phương, đầu năm 1985, Đảng bộ xã Tén Tằn cũng được thành lập, với 37 đảng viên. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời xã đã tiến hành công tác tổ chức, thành lập các chi bộ trực thuộc. Cùng các Chi bộ bản Tén Tằn, Chi bộ bản Na Khà, Chi bộ bản Đoàn Kết đã được khai sinh, với 7 đảng viên. Từ quá trình chiến đấu, công tác và phẩm chất kiên trung, luôn nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, già Lương Xuân Ban đã được các đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ bản lúc bấy giờ. Trong câu chuyện với già Ban, chúng tôi mới hiểu thêm, chi bộ ra đời trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của xã Tén Tằn nói chung và đời sống đồng bào Khơ Mú ở đỉnh Pha Lát nói riêng còn muôn vàn khó khăn. Không điện, không đường, không trường, không trạm, không đất trồng lúa nước đã đành, mảnh đất này còn nằm ở vị trí “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, nên cuộc sống của bà con gần như tách biệt với bên ngoài. Do đó, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của xã cũng đến chậm hơn. Thêm nữa, phần lớn số hộ dân vẫn còn duy trì tập quán canh tác nương rẫy, chọc lỗ tra hạt. Trồng lúa nếp nương thì năm được, năm mất, vì thế cây ngô trở thành “cứu cánh” cho cuộc sống nghèo nàn của dân bản. Đó còn là tình trạng người dân trong bản không chữ chiếm số đông, các tập tục lạc hậu trong hôn nhân, tang ma. Từ thực tiễn lúc bấy giờ ở bản Đoàn Kết đã đặt ra cho chi bộ một “bài toán” khó cần phải có lời giải đúng!

Khi được hỏi về cách làm của chi bộ để giải quyết cùng lúc nhiều việc khó, chưa từng có trong tiền lệ, già Ban liền lần giở từng trang trong cuốn sổ ghi chép đã ngả màu theo thời gian, rồi quả quyết: “Chi bộ sẽ không thể mạnh nếu cuộc sống người dân vẫn mãi luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo”. Bởi vậy, chi bộ xác định phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, trong toàn chi bộ, đưa các hoạt động của các đoàn thể đi vào nền nếp, nhằm từng bước tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào Khơ Mú vào sự lãnh đạo của Đảng và một lòng sắt son theo Ðảng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, chi bộ còn chú trọng phát huy vai trò, tinh thần tiền phong, gương mẫu của các đảng viên “cây đa, cây đề” và người có uy tín, góp phần tạo sức mạnh nội sinh cho chi bộ.

Phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo, chi bộ đã đưa ra những quyết sách quan trọng để lãnh đạo quần chúng Nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Đó là tập trung khai hoang trồng lúa nước, giảm hộ đói, mở đường vào bản và xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong cộng đồng. Bắt tay vào công việc, già Ban đã cùng với các đảng viên giàu tâm huyết trong chi bộ, như các cụ Lò Văn Phồm, Lò Văn Xiết, Lò Văn May, Pít Văn Xinh... “cầm tay chỉ việc” giúp dân bản khai hoang diện tích đất ven suối Cánh, suối Phái, suối Ha, suối Phay và thung lũng Tén Ăng để trồng lúa nước. Quay sang nhìn chúng tôi, trong ánh mặt già Ban không giấu nổi niềm vui: “Bình quân mỗi nhà khai hoang cũng được từ 1 đến 2 đám ruộng. Tuy mới làm quen với việc trồng lúa nước những năm đó, trong bản không có nhà ai bị đói, thiếu lương thực, phấn khởi lắm!”. Một năm sau, già Ban tiếp tục đứng ra kêu gọi dân bản chung sức bạt núi, mở đường nối ra bờ sông Mã, với chiều dài khoảng 3km. Từ đấy, người dân bản Đoàn Kết không còn phải đi trên con đường “chuột chạy” ven theo các con suối nữa. Để những vụ lúa kế tiếp thành công, già Ban và các “bô lão” trong chi bộ vận động bà con đắp những con đập nhỏ ngăn suối, bắt con nước chảy ngược vào ruộng lúa. Từ việc “đi cùng, làm cùng” với bà con của các đảng viên mà diện tích lúa nước của bản Đoàn Kết cứ thế được mở rộng thêm sau mỗi mùa vụ. Theo già Ban, điều quan trọng nhất là đảng viên phải đi trước, làm trước đối với tất cả mọi công việc trong bản, từ thay đổi cách nghĩ, phát triển sản xuất phương thức mới để nâng cao năng suất đến xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới. Việc gì càng khó càng phải vận động đảng viên làm trước, làm tốt mới tuyên truyền cho dân làm theo. Đảng viên làm tốt thì đồng bào nhìn thấy sẽ yên tâm.

Ở phố Đoàn Kết, các cụ Lò Văn Phồm, Lò Văn Xiết, Lò Văn May, Pít Văn Xinh như “ngọn đuốc” soi đường. Không chỉ tâm huyết cùng với chi bộ thảo luận, bàn bạc đưa ra những quyết sách quan trọng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào Khơ Mú, nhất là diệt “giặc đói”, các cụ còn là người trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tích cực tuyên truyền, vận động người dân bài trừ những tập tục lạc hậu trong hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa mới. Theo chia sẻ của già Ban, bằng quyết tâm, sự nỗ lực và đoàn kết, đồng lòng, chi bộ đã giải được bài toán “xóa đói” cho người dân. Tuy nhiên, cái khó tiếp theo cần phải giải quyết, đó là “ươm mầm” những quần chúng ưu tú là người dân tộc Khơ Mú, nhằm tăng xung lực cho chi bộ và xây dựng đội ngũ đảng viên kế cận tại chỗ, tránh nguy cơ “tái trắng” đảng viên. Thách thức đặt ra với chi bộ là tỷ lệ người mù chữ tương đối cao, nhiều em vì nhà nghèo không được đến trường, đến lớp. Như người đi “đãi cát tìm vàng”, các đảng viên trong chi bộ trực tiếp xuống từng hộ dân, động viên họ cho con đến lớp học chữ. Đồng thời, rà soát nguồn phát triển Đảng lựa chọn những nhân tố tích cực tham gia các hoạt động xã hội để dìu dắt, bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng. Từ chỗ chỉ có 7 đảng viên khi mới thành lập, đến nay, đội ngũ đảng viên của Chi bộ phố Đoàn Kết có 28 đảng viên. Nhờ chăm lo công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khơ Mú, chi bộ luôn đảm bảo nguồn cán bộ tại chỗ.

Thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, xã Tén Tằn đã được sáp nhập vào thị trấn Mường Lát. Từ đó, bản Đoàn Kết được đổi thành khu phố Đoàn Kết. Và đồng chí Cút Văn Dân - một người trẻ có trình độ, ham học hỏi, nhiều ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đang nối tiếp ngọn lửa mà cụ Lương Xuân Ban, Mong Văn Dôm truyền lại, xây dựng Chi bộ phố Đoàn Kết trở thành chi bộ tốt; phố Đoàn Kết là điểm sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa.

Hành trình tìm cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú xứ Thanh (Bài 1): Những đảng viên soi đường cho đồng bào Khơ MúTừ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, đường giao thông ở phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát (Mường Lát) được bê tông hóa.

Chia tay già Ban và những con người vô cùng hồn hậu ở phố Đoàn Kết, chúng tôi ngược những cung đường quanh co ôm núi, ôm sông để đến với bản Lách, xã Mường Chanh; tìm đến nhà ông Cút Văn Cháu - đảng viên cao tuổi của Chi bộ bản Lách. Thật may, ông vừa đi thăm rừng, thăm nương về.

Sau cái bắt tay nồng ấm, ông Cháu chia sẻ: “Bản Lách được thành lập năm 1965, tên bản được lấy theo con suối Lách. Lúc mới thành lập, bản có 9 hộ dân là đồng bào Khơ Mú di cư về sinh sống”. Để lãnh đạo đồng bào Khơ Mú từng bước xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy xã Mường Chanh đã phối hợp với Đồn Biên phòng Quang Chiểu cử cán bộ có kinh nghiệm về bản Lách để thành lập các chi bộ đảng. Song song với xây dựng các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, Chi bộ bản Lách đặc biệt chăm lo phát triển đảng viên. Những “hạt giống đỏ” như Trịnh Văn Sôm, Lương Văn Nàng, Hà Văn Khưm, Lò Văn Bun đã được bồi dưỡng, giúp đỡ giới thiệu cho Đảng. Dẫu vậy, việc tìm nguồn, tạo nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng của chi bộ vô cùng gian nan. Giống với nhiều chi bộ bản khác ở vùng biên Mường Lát, có những thời điểm không có nguồn kết nạp. Bởi, cuộc sống của các hộ dân không thể mãi trông chờ vào cây ngô, cây lúa, nên nhiều thanh niên trong bản đều chọn con đường “ly hương” để thoát nghèo. Khi “luồng gió” các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và hướng nghiệp, dạy nghề thuộc Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về với bản Lách, thì nhiều hộ gia đình đồng bào Khơ Mú đã tìm thấy cơ hội thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương. Đồi rừng đã “níu chân” nhiều thanh niên, vì thế, Chi bộ bản Lách có điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Từ năm 2013 đến nay, Chi bộ bản Lách kết nạp được 9 đảng viên. Hiện nay, chi bộ có 16 đảng viên. Các thế hệ đảng viên của bản luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng bản đổi thay từng ngày.

Vốn là vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng do các cấp ủy đảng chăm lo, có cách làm phù hợp mà nhiều người dân Khơ Mú vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và chính họ đã trở thành những hạt nhân trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội nơi vùng cao xa xôi này; là niềm tin, là chỗ dựa cho đồng bào từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.

Trần Thanh - Lê Phượng

Bài 2: Những bước đi mở lối thoát nghèo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]