(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là “vùng đất phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn có vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; là nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và nơi phát tích của nhiều vương triều trong lịch sử Việt Nam.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - Kết quả và những vấn đề đặt ra

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là “vùng đất phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn có vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; là nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và nơi phát tích của nhiều vương triều trong lịch sử Việt Nam.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - Kết quả và những vấn đề đặt ra

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng được các cấp ủy, chính quyền chú trọng.

Phát huy truyền thống yêu nước, trong thời đại Hồ Chí Minh, Nhân dân Thanh Hóa đã một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 29/7/1930, là một trong những Đảng bộ tỉnh được thành lập sớm nhất trong cả nước. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một kho tàng lịch sử vô cùng quý báu của địa phương, là một bộ phận quan trọng hợp thành lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam.

Quá trình đổi mới 35 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thử thách đó là sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Những luận điệu sai trái, phản động, xuyên tạc lịch sử được tuyên truyền bằng nhiều cách, phổ biến nhất hiện nay là đưa lên mạng internet, đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, một bộ phận giới trẻ sống thiếu lý tưởng, lãng quên quá khứ và không biết trân trọng những truyền thống tốt đẹp, hào hùng, vẻ vang của dân tộc mà các thế hệ ông cha đi trước đã dày công vun đắp.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh công tác tư tưởng, lý luận, nhất là công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương. Công tác này phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, nhằm làm rõ các giai đoạn lịch sử, hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng, Đảng bộ các địa phương, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong giai đoạn mới, ngày 28/8/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua hơn 16 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương đã góp phần bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương đi sâu vào lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực và năng lực nội sinh để thông qua đó, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương thời gian qua vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Nhiều vấn đề liên quan đến việc nhận thức vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác lịch sử Đảng; về bảo đảm nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất bản các công trình lịch sử Đảng phục vụ đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng; về việc đúc kết các truyền thống quý báu, các kinh nghiệm, bài học sâu sắc, những quy luật riêng và lý luận của cách mạng Việt Nam; về vấn đề giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong tổ chức đảng và hệ thống giáo dục, đào tạo… Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, ngày 18/1/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Những việc đã và đang làm của hệ thống Tuyên giáo Thanh Hóa đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ các địa phương, lịch sử và kỷ yếu của các ban, sở, ngành, đoàn thể và các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử hoạt động đấu tranh của Đảng bộ, nêu bật những thắng lợi, những thành tựu cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận cách mạng, nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - Kết quả và những vấn đề đặt ra

Các công trình đã kịp thời cung cấp những nội dung, kiến thức cơ bản về lịch sử truyền thống của tỉnh Thanh Hóa, quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí tiền bối đến cán bộ đảng viên và Nhân dân.

Đối với cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình, cụ thể như: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2015 - 2020); Lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020); Các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và các huyện, thị, thành phố ở Thanh Hóa; Giáo dục lịch sử, văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo cũng đã tiến hành biên tập, xuất bản sách về hồi ký cách mạng, như: “Hồi ký Lê Mạnh Trinh”, “Hồi ký Đinh Chương Dương”, “Hồi ký Nguyễn Văn Huệ”, “Dưới cờ Đảng quang vinh”... Qua những công trình này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời cung cấp những nội dung, kiến thức cơ bản về lịch sử truyền thống của tỉnh Thanh Hóa, quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lão thành cách mạng tiền bối đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nhằm phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Các ban, sở, ngành của tỉnh đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu và biên soạn các công trình lịch sử, điển hình như: Lịch sử hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa (1930-2015); Lịch sử Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa (1930-2018); Kỷ yếu Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật; Biên niên sự kiện Lịch sử công an tỉnh (2007-2015); Lịch sử Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, tập 2 (1995-2018)...

Đối với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đã có 27/27 đơn vị xuất bản sách lịch sử Đảng bộ. Ngoài ra, các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống ngành mình, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề về sự kiện, nhân vật tiêu biểu của địa phương, đơn vị.

Đối với xã, phường, thị trấn, trong thời gian vừa qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp xã cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến năm 2021 đã có trên 90% xã, phường, thị trấn đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương.

Những hoạt động xã hội nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục truyền thống lịch sử

Nhằm phát huy giá trị các công trình lịch sử, các sách lịch sử đảng bộ địa phương; lịch sử đấu tranh cách mạng, các công trình nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa và các ấn phẩm khác liên quan do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn biên soạn, xuất bản trong thời gian qua được tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục truyển thống hết sức phong phú như: qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, các buổi sinh hoạt chuyên đề, trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn tại địa phương, đơn vị; sách, báo... Đặc biệt đối với các thế hệ trẻ, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã có những việc làm sáng tạo như cho học sinh, sinh viên đi điền dã, thăm quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; lồng ghép lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương vào các tiết dạy môn lịch sử.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - Kết quả và những vấn đề đặt ra

Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) - Ảnh: Mạnh Cường

Nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn liền với sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên, như: Lễ kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên, ngày truyền thống của Đảng bộ huyện Hà Trung, Thọ Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, thành phố Sầm Sơn, Như Thanh… Với tinh thần chủ động, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai đưa nội dung lịch sử đấu tranh cách mạng, địa lý địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường; đưa lịch sử Đảng bộ vào chương trình giảng dạy lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và các lớp trung cấp chính trị; phòng Giáo dục và các trường THPT tổ chức nghiên cứu, biên soạn tài liệu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương đưa vào giảng dạy trong các nhà trường và tổ chức các hoạt động về nguồn, báo công dâng Bác, tri ân các gia đình có công với cách mạng. Nhiều lớp bồi dưỡng tại các Trung tâm chính trị thường xuyên tổ chức cho học viên thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, của tỉnh; thăm quan và tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, nhà truyền thống góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một số vấn đề đặt ra cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử

Nhìn lại những nỗ lực, cố gắng của ngành Tuyên giáo trong thời gian qua cho thấy công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được các cấp ủy và chính quyền coi trọng, và xem là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy đảng và tổ chức đảng. Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả nhất định từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn và phát huy giá trị của các công trình; Đội ngũ cán bộ có những nơi chưa đạt yêu cầu dẫn đến chất lượng công trình còn chưa cao; Công tác thẩm định các công trình lịch sử ở cấp huyện đối với các xã, phường thị trấn chưa được chú trọng đúng mức; Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực hiện đúng yêu cầu về tổ chức thực hiện nghiên cứu và biên soạn lịch sử; Kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; Công tác tuyên truyền các công trình về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đến đảng viên, Nhân dân ở một số huyện, thị thành phố chưa thực hiện bài bản, thường xuyên liên tục.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ; phấn đấu đến năm 2025 có 100% đảng bộ huyện, thị, thành phố trong tỉnh biên soạn, bổ sung lịch sử đảng bộ đến năm 2020; 90% các ban, ngành biên soạn lịch sử truyền thống hoặc kỷ yếu; 100% số xã, phường, thị trấn nghiên cứu, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cần chú trọng một số nội dung sau đây:

Một là: Tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhận thức đúng đắn, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng và nội dung của công tác lịch sử Đảng trong tình hình mới. Xem công tác lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt và lâu dài để giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm và trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng phải quan tâm chỉ đạo về công tác lịch sử Đảng và có sơ kết, tổng kết, khen thưởng những đơn vị làm tốt.

Hai là: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài, bố trí đủ cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng có chuyên môn, kinh nghiệm ở Ban tuyên giáo các cấp. Tăng cường bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương.

Ba là: Tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, nhất là công tác thẩm định bản thảo các công trình lịch sử trước khi xuất bản, phát hành. Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương,của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thẩm định các công trình lịch sử; Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác lịch sử Đảng cho các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Chỉ đạo lựa chọn cơ sở in ấn có uy tín, chất lượng, nhằm đảm bảo công trình có giá trị cả về nội dung lẫn hình thức

Bốn là: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đối với các cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ bằng những hình thức phong phú, đa dạng và sinh động như: kết hợp học tập với thăm quan khu di tích cách mạng; sản xuất các chương trình video clip về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, các nhân vật lịch sử với phương trâm dễ hiểu, dễ nhớ; tăng cường các bài viết, bài báo, các cuộc thi trên các trang thông tin điện tử về các ngày lễ lớn, những sự kiện, nhân vật lịch sử của dân tộc, của địa phương, cơ quan mình, ngành mình.

*

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng là nhiệm vụ quan trọng của công tác chính trị tư tưởng nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đánh giá về tầm quan trọng của công tác lịch sử nói chung và vai trò của người làm công tác lịch sử nói riêng, đồng chí Trường Chinh cho rằng: “Người viết sử phải phụ trách cả với quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ trách trước Đảng và trước Nhân dân. Nếu chúng ta viết sai con cháu ta sẽ phê bình ta và cũng có thể truyền cái sai cho Nhân dân và cho thế giới… Công tác sử học là công tác tư tưởng. Viết sử tức là tổng kết những kinh nghiệm đúng, sai, phổ biến kinh nghiệm đúng, khắc phục cái sai, ôn lại cái cũ để chỉ đạo cái mới. Viết sử không phải để ngắm lịch sử. Lịch sử không phải là một vật để trang trí. Viết là để giáo dục đảng viên và quần chúng, làm cho họ tự hào và tin tưởng, có thêm năng lực và kinh nghiệm để làm nên những sự nghiệp vĩ đại hơn nữa. Qua việc nghiên cứu sử mà giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần kiên cường chiến đấu, khắc phục khó khăn. Đọc lịch sử, người ta sẽ thấm một cách tự nhiên, không cần phải lên lớp…”. Những đánh giá, chỉ bảo tâm huyết đó của đồng chí Trường Chinh vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử vì sự phát triển của nền sử học nước nhà./.

Đào Xuân Yên - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa


Đào Xuân Yên - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]