(Baothanhhoa.vn) - Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, trong đó điều động, luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lâu dài cho Đảng, đồng thời còn tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách.

Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng (Bài 2): “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”

Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, trong đó điều động, luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lâu dài cho Đảng, đồng thời còn tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách.

Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng (Bài 2): “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”

Lãnh đạo, cán bộ xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa) thăm đồng, chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ đông. Ảnh: Lê Hà

Luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách

Huyện Thiệu Hóa trong hai năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, được ghi dấu bởi chất lượng cuộc sống của người dân; hạ tầng cơ sở được chỉnh trang, giao thông nông thôn mở rộng, tạo điểm nhấn trong xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới (NTM)... Nhiều năm trước, huyện Thiệu Hóa đã quyết tâm phát triển đô thị thị trấn Thiệu Hóa nhưng khi triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, nhất là GPMB có liên quan đến hàng chục hộ dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tại chợ thị trấn, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Phải đến khi huyện LC cán bộ mới về và giao nhiệm vụ thực hiện quyết liệt dự án phát triển đô thị, thị trấn Thiệu Hóa mới từng bước tháo gỡ được khó khăn này. Toàn bộ khu chợ dưới chân cầu Vạn Hà đã được giải tỏa, hành lang giao thông được mở rộng ở tuyến chính và nhiều tuyến phụ, huyện xây dựng vòng xuyến giao thông và lắp đặt hệ thống điện sáng, màn hình Led... tạo điểm nhấn ngay khi vào trung tâm huyện.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiểu, nguyên Chánh Thanh tra UBND huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Thiệu Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025 chia sẻ tại hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2022, rằng: Thị trấn Thiệu Hóa đang tiếp tục xây dựng đô thị, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, sự điều hành linh hoạt của chính quyền địa phương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, nhất định thị trấn Thiệu Hóa sẽ còn nhiều thay đổi tích cực, góp phần vào xây dựng đạt huyện NTM nâng cao trước năm 2025.

Cùng với chỉnh trang cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh GPMB thu hút đầu tư, tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp..., các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Ngọc Lặc... còn chú trọng, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế kéo dài. Đó là tình trạng đơn thư của người dân về quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ... đã gây mất đoàn kết trong nội bộ, làm chậm sự phát triển chung của địa phương. Tình trạng này được các huyện chỉ đạo quyết liệt. Sự thay đổi này cũng là nhờ thực hiện luân chuyển cán bộ để thực hiện chủ trương 3 chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND) không phải là người địa phương nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ. Có huyện cả 3 chức danh chủ chốt (Thiệu Hóa), 2 chức danh chủ chốt (Yên Định, Triệu Sơn, Quảng Xương, TP Sầm Sơn...) đều là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển về. Không phải cán bộ tại chỗ, càng không phải người địa phương nên khi đảm nhận nhiệm vụ mới, các đồng chí đã dành thời gian tìm hiểu địa bàn, nắm bắt tâm tư, tình cảm, dư luận xã hội. Nhưng cũng chính vì không vướng bận mối quan hệ anh em, họ hàng thân thiết nên trong công việc chỉ đạo có phần quyết đoán, khách quan hơn, hiệu quả công việc rõ hơn. Làm được điều đó, trước tiên phải thấy rằng đạo đức, năng lực công tác của cán bộ không phải tự nhiên hình thành, mà do đào tạo, tu dưỡng, rèn luyện, thử thách qua thời gian với nhiều công việc, môi trường để phát triển, củng cố, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

“Đắm mình” với công việc

Nếu trước đây công tác luân chuyển cán bộ chỉ là để giải quyết “tình thế” thì nay, công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ, bài bản hơn qua nhiều cấp. Qua luân chuyển, đội ngũ cán bộ được rèn luyện và trưởng thành hơn, khắc phục được tâm lý “thỏa mãn” ở đơn vị cũ mà phải luôn nỗ lực rèn luyện, cống hiến và thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng luân chuyển đội ngũ lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn cấp huyện về địa phương đảm nhiệm 3 chức danh chủ chốt không phải người địa phương (bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND). Đa phần những cán bộ luân chuyển này trước đây chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực, như: công tác đối ngoại, lĩnh vực kinh tế hay làm phong trào... nhưng khi được luân chuyển về nơi công tác mới, những cán bộ này có cơ hội, môi trường rộng để “cọ xát” với nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng hơn. Có những vấn đề ở đơn vị cũ chưa va phải, như: giải quyết công tác dân tộc, tôn giáo; công tác an ninh trật tự, công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội... thì nay các đồng chí phải trực tiếp nắm bắt, giải quyết. Thực tế này đòi hỏi cán bộ luân chuyển phải “đắm mình” với công việc để hiểu, nắm tình hình mới có cách giải quyết thấu đáo, hiệu quả, tạo được dấu ấn nơi công tác mới và có cơ sở để cấp trên đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ luân chuyển.

Ngoài những cuộc “thị sát”, làm việc trực tiếp với Ban Thường vụ, cấp ủy các cấp nơi công tác mới, các đồng chí được luân chuyển về địa phương đều bố trí thời gian tìm hiểu thực tế, hòa mình vào công việc thông qua các hoạt động, như: đối thoại trực tiếp, hội nghị, tiếp dân, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi bộ... để giải quyết những bức xúc trong dân, từ đó có hướng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương đạt hiệu quả. Đó là cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện Triệu Sơn cùng lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan đơn vị và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn trực tiếp xuống đồng sản xuất vụ đông với Nhân dân; đó là dành thời gian đối thoại với dân để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc lắp điện sáng cho Nhân dân 3 thôn của xã Vĩnh Long và sắp xếp lại ki-ốt bán hàng cho các tiểu thương chợ Vĩnh Hùng của đồng chí Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc...

Thứ 7 và chủ nhật theo quy định của Nhà nước, cán bộ công chức được nghỉ, nhưng không hiếm khi thấy hình ảnh cán bộ các cấp vẫn làm việc và chỉ nghỉ khi hoàn thành công việc. Điều đó cho thấy guồng quay khối lượng công việc ở cơ sở là rất lớn, nếu cán bộ LC về địa phương không thực sự “đắm mình”, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc thì rất khó tạo được sự tin tưởng của cơ sở, rất khó thể hiện được năng lực lãnh đạo để có cơ sở đánh giá hiệu quả công tác nơi mới. Đồng chí Nguyễn Văn Tính, nguyên Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa cho biết: “Chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng đã có tác dụng lớn. Qua thực tiễn, tôi thấy cán bộ luân chuyển về có môi trường rèn luyện, đào tạo, tự đào tạo để khẳng định mình, qua đó đã khắc phục được cục bộ vì tình thân trong công tác nhân sự ở địa phương”.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến năm 2020”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, trong đó có 5 văn bản chuyên đề về công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ luân chuyển các cấp đều có điểm chung là luôn gắng sức làm tròn nhiệm vụ được giao và đã có dấu ấn nổi bật tại địa phương mới. Đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 4.523 lượt cán bộ ở các cấp, các ngành. Riêng luân chuyển cán bộ gắn với bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 1.644 lượt cán bộ, trong đó thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 91 lượt (luân chuyển từ cấp tỉnh về cấp huyện 74 đồng chí là lãnh đạo cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đồng chí trưởng, phó phòng cấp tỉnh luân chuyển về để bố trí giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND huyện; luân chuyển ngang từ huyện sang huyện khác 17 đồng chí); luân chuyển thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện 1.553 lượt cán bộ từ huyện về xã, xã lên huyện, luân chuyển ngang giữa các ngành, các cấp.

Nhìn chung, công tác điều động, luân chuyển cán bộ trên địa bàn tỉnh được kết hợp chặt chẽ với thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương và gắn với thực hiện quy trình nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025, nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, số cán bộ luân chuyển gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương, toàn tỉnh có 27/27 huyện, thị, thành phố và 550/559 xã, phường, thị trấn thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt ít nhất 1 chức danh không phải người địa phương. Đó là những con số sinh động, phản ánh bức tranh khá toàn diện về công tác luân chuyển cán bộ các cấp thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá năng lực - yêu cầu đặt ra trong luân chuyển

Qua quá trình phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội thời gian qua có thể khẳng định: cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt công tác cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có chất lượng tốt thì nơi đó các phong trào, hoạt động đều tốt, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác đều cao và ngược lại. Đặc biệt, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, thực tế cho thấy, đôi khi chỉ luân chuyển người đứng đầu, tình hình mọi mặt của địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực hơn. Thời gian qua, công tác đánh giá, nhận xét cán bộ điều động, luân chuyển được quan tâm chú trọng ngày càng đi vào thực chất, chất lượng hơn, mở rộng dân chủ và lấy ý kiến đánh giá rộng hơn. Chị Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh (thị xã Nghi Sơn) cho rằng công tác cán bộ của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị, ngành phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để đáp ứng với xu thế phát triển của tỉnh, của đất nước.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020” được đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày tại Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đã nhấn mạnh: Luân chuyển cán bộ đã khắc phục được một bước tình trạng cục bộ khép kín trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển đã mạnh dạn với việc mới, việc khó. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trăn trở tìm tòi để có những cách làm mới. Nhiều địa phương đã thực sự chuyển biến rõ rệt khi có cán bộ mới luân chuyển về. Nhìn chung, cán bộ luân chuyển trong tỉnh thời gian qua đều phát huy được vai trò, trách nhiệm; có nhiều cố gắng trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành và tiến bộ trong nhận thức, quan điểm. Qua luân chuyển và đánh giá năng lực đã có 912 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, 731 đồng chí giữ chức vụ tương đương so với trước khi luân chuyển (1 đồng chí không hoàn thành luân chuyển).

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ. Trong đó có nội dung: Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ; thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm; không bố trí chức vụ cao hơn khi luân chuyển. Với chủ trương này, trong công tác luân chuyển, phải làm cho cán bộ luân chuyển thay đổi nhận thức: luân chuyển là nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, tạo điều kiện, môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm để phát triển toàn diện, chứ không nhất thiết luân chuyển là phải phát triển lên chức vụ, vị trí cao hơn. Tùy vào kết quả thực hiện nhiệm vụ trong quá trình luân chuyển sẽ xóa đi tâm lý “làm tròn việc”, “an toàn” mà phải qua đánh giá năng lực thời gian luân chuyển, Đảng, tổ chức mới cân nhắc, bố trí vị trí phù hợp.

Thực tiễn cho thấy, để luân chuyển, điều động cán bộ thực sự có hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra thì yếu tố quan trọng là mỗi cán bộ luân chuyển phải luôn “đắm mình” với công việc, với thực tiễn, giải quyết những vấn đề của dân, vì dân. Biến những năm tháng đi cơ sở trở nên thực sự có ý nghĩa không chỉ cho bản thân mà còn cho sự phát triển của địa phương nơi đến.

Bài 3: Gốc vững, cây bền - muôn việc thành công.

Phan Nga - Lê Hà


Phan Nga - Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]