(Baothanhhoa.vn) - Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, trên cương vị đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã triệu tập và chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong tình hình khẩn cấp, hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách, kế hoạch và biện pháp để giải quyết các nhiệm vụ đó. Đó là những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vấn đề thứ ba trong sáu vấn đề là đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, trên cương vị đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã triệu tập và chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong tình hình khẩn cấp, hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách, kế hoạch và biện pháp để giải quyết các nhiệm vụ đó. Đó là những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vấn đề thứ ba trong sáu vấn đề là đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiênChủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946). Ảnh: Tư liệu

Lý do của việc phải tổ chức cuộc Tổng tuyển cử “càng sớm càng hay” là vì hàng nghìn năm chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân gần một trăm năm không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp; Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Cách mạng thành công, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế, đánh đổ ách thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một thắng lợi xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta. Xét dưới góc độ dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của chế độ mới và vai trò của Nhà nước pháp quyền thì phải khẳng định rằng việc tổ chức Tổng tuyển cử sớm có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tổng tuyển cử với sự tham gia ứng cử và bầu cử của tất cả công dân gái trai mười tám tuổi, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,... vừa là thành quả của Cách mạng Tháng Tám vừa là thước đo bản chất của chế độ mới.

Ngày 20-9-1945, Bác ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ trình Quốc hội. Ủy ban gồm bảy vị do Người làm Trưởng ban. Ngày 26-9-1945, Bác ký Sắc lệnh số 39, về việc lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, gồm chín vị.

Ngày 16-10-1945, Bác chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, định ngày Tổng tuyển cử là ngày 23-12-1945 và thông qua số lượng đại biểu cho từng địa phương. Ngày 17-11-1945, dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề bầu cử và ứng cử, Người đề nghị Chính phủ ra Thông cáo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái nào hay không đảng phái. Ngày 2-12-1945, Bác ký Sắc lệnh số 71 và số 72, bổ sung thêm một số điểm về thể lệ Tổng tuyển cử; bổ sung thêm một số đại biểu tỉnh, thành phố đã được ấn định theo Sắc lệnh số 51. Ngày 4-12-1945, trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Người đề nghị chọn thêm một số thân sĩ để mời ra ứng cử.

Ngày 6-12-1945, Bác gửi thư cho Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, kêu gọi sự đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể liên quan đến vấn đề Tổng tuyển cử:

  1. a) Xin mời các đồng chí Quốc dân Đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.

  2. b) Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh sách ứng cử.

  3. c) Các ông ấy hoàn toàn được tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.

  4. d) Từ nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên phải tôn thủ bản điều kiện đã cùng nhau ký ngày 24 tháng 11, tức là “không công kích nhau bằng lời nói và hành động”.

Ngày 10-12-1945, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về Tổng tuyển cử và điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng, Bác yêu cầu hội đồng tập trung bàn các vấn đề làm thế nào để các ủy ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng; để các cử tri biết cách bỏ phiếu và đi bỏ phiếu thật đông.

Ngày 15-12-1945, Bác gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội liên quan đến vấn đề đồng bào quyết nghị Người không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử. Người viết: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở TP Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.

Nội dung bức thư cho thấy uy tín của Bác rất cao, đồng bào gửi trọn niềm tin ở Bác. Nhưng Người xác định rõ bổn phận và quyền lợi của một công dân trong việc chấp hành nghiêm chỉnh thể lệ Tổng tuyển cử.

Trước tình hình khó khăn, nhất là sự cản trở của Việt Nam Quốc dân Đảng nhằm giữ một số ghế chủ chốt trong Chính phủ, để cho công việc Tổng tuyển cử thuận lợi, ngày 18-12-1945, Bác đã ký Sắc lệnh số 76, về việc hoãn ngày Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945. Sau đó, Bác tiếp tục dự họp với các đảng phái Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội để bàn về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời. Sau khi đã thỏa thuận được một số điều cơ bản về cơ cấu thành phần trong Chính phủ mới, ngày 24-12-1945, Bác thay mặt cho Việt Minh cùng với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội cùng ký tên công nhận các thỏa thuận khẳng định “độc lập trên hết, đoàn kết trên hết; đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội, kháng chiến và đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động”.

Khi mọi công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử cơ bản đã hoàn tất, Bác viết bài báo Ý nghĩa Tổng tuyển cử, đăng báo Cứu quốc số 130, ngày 31-12-1945. Nội dung chính của bài báo:

“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Một ngày trước khi cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành, Bác có Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, nhấn mạnh ngày đi bỏ phiếu “là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ; là một ngày vui sướng của đồng bào ta vì đó là ngày đầu tiên Nhân dân bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình tự do lựa chọn bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước; là một ngày Nhân dân dùng lá phiếu như một viên đạn mà chống quân địch; là một ngày quốc dân ta tỏ cho thế giới biết rằng Nhân dân ta kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”. Trên cơ sở đó, Bác khẳng định trách nhiệm của những người trúng cử phải luôn nhớ và thực hành câu “vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. Cuối cùng, Bác kêu gọi tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Chiều ngày 5-1, dự mít tinh của hơn hai vạn đồng bào Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội, Bác nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Ngày 6-1, buổi sáng, Bác đi bầu ĐBQH khóa I ở phòng bỏ phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.

Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 để lại nhiều bài học và ý nghĩa vô cùng lớn lao. Trong hoàn cảnh khó khăn dồn dập, thù trong giặc ngoài, chỉ hơn bốn tháng sau ngày độc lập, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta đã được tiến hành và thành công tốt đẹp. Đây là cuộc phổ thông đầu phiếu diễn ra sớm nhất, nhanh nhất sau khi Nhân dân lật đổ ách thống trị chuyên chế của thực dân - phong kiến. Hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu. Ba trăm ba mươi ba đại biểu đã trúng cử. Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên đầu tiên ngày 2-3-1946 nhất trí bầu Bác làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đây là bài học lớn về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Một Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết phải là một Nhà nước hợp hiến thông qua Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Quốc hội khóa I bầu ra là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do đại biểu của Nhân dân bầu ra, có đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề đối nội, đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội sẽ đề ra Hiến pháp, xây dựng pháp luật, làm cho người dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ và có năng lực làm chủ. Bài học đó được vận dụng và phát triển sáng tạo qua mười bốn khóa Quốc hội và chuẩn bị tích cực cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV. Chúng ta tin tưởng cuộc bầu cử Quốc hội lần này sau Đại hội Đảng XIII sẽ thành công rực rỡ.

PGS.TS Bùi Đình Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]