08:37 25/07/2024 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Đánh giá về một con người cực kỳ khó. Tôn vinh, khẳng định về một vĩ nhân còn khó gấp vạn lần. Nhưng tôi tin, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khó như thế, bởi từ mọi góc nhìn, Anh hội tụ đầy đủ sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế.

Vĩnh biệt người đồng chí, anh em!

Đánh giá về một con người cực kỳ khó. Tôn vinh, khẳng định về một vĩ nhân còn khó gấp vạn lần. Nhưng tôi tin, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khó như thế, bởi từ mọi góc nhìn, Anh hội tụ đầy đủ sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế.

Buồn! Buồn thật, và quá buồn! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh trong chuyến đi công tác địa phương cách đây mấy năm, toàn Đảng, toàn dân ta đều biết, đều quan tâm, lo lắng. Nhưng mấy năm qua, mọi người thấy vui và yên tâm hơn về sự phấn đấu kiên cường của Tổng Bí thư chống lại bệnh tật và tuổi già, khi trên vai còn trọng trách của Đảng, của nước và Nhân dân giao phó.

Tin vào quy luật đời người, nhưng tôi vẫn mong điều kỳ diệu đến với Anh qua từng năm tháng. Vì vậy, tôi vẫn quá đau buồn và bất ngờ khi nghe tin ngày 18/7/2024, Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe của Anh. Nghề làm báo cho tôi những linh cảm không vui. Tôi nhớ như in, cách đây tròn 55 năm, trước ngày Quốc khánh, cũng có thông báo về sức khỏe Bác Hồ. Rồi mấy ngày sau, Anh Trọng và tôi cùng đầm đìa nước mắt trong dòng người đi viếng Bác tại Hội trường Ba Đình. Ngày ấy, Anh Trọng ở Tạp chí Cộng sản, tôi ở Nhà xuất bản Sự thật, ra trường, công tác cũng đã gần hai năm.

Vĩnh biệt người đồng chí, anh em!

Lãnh đạo Ban Xây dưng Đảng Báo Nhân Dân làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (ảnh do tác giả cung cấp).

Tình bè bạn, nghĩa thầy trò

Đánh giá về một con người cực kỳ khó. Tôn vinh, khẳng định về một vĩ nhân còn khó gấp vạn lần. Nhưng tôi tin, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khó như thế, bởi từ mọi góc nhìn, Anh hội tụ đầy đủ sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế.

Với lòng cảm phục, mến yêu, tôi muốn kể những kỷ niệm sâu sắc về Anh mà tôi tin đó là một chặng đường, một mắt xích không thể thiếu làm nên tài năng, nhân cách một con người. Tôi được biết Anh từ khi bước chân vào Khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, ở Cơ sở Láng. Anh từ Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều, tôi từ Trường Học sinh miền Nam số 1 Đông Triều. Một thư sinh nghèo, vươn lên từ trong khó khăn, thiếu thốn. Hiền lành, giản dị từ guốc mộc, dép cao su, áo quần đơn sơ như bao thanh niên, sinh viên thời chiến tranh, bao cấp. Một tấm gương nghiêm túc, cần mẫn học hành, cố đi tận cùng những kiến thức mở ra. Hiền lành, nhân hậu, bao dung với bạn bè cùng trang lứa, thương yêu, chở che, nâng đỡ thế hệ trẻ em mình. Những đức tính ấy cuốn hút, quy tụ chúng tôi trong tín nhiệm bầu Anh làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên. Từ đó, lớp liên tục có các phong trào thi đua sôi nổi. Về Cơ sở Mễ Trì, vào lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cả nước thành một chiến trường, sục sôi không khí ra trận. Lớp tôi dấy lên phong trào viết đơn, tự nguyện “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Không ít người thể hiện quyết tâm qua lá đơn viết bằng máu. Trong phong trào thanh niên hăm hở xin ra tiền tuyến, tiên phong đi đầu là Bí thư Chi đoàn lớp chúng tôi. Mang nỗi buồn chưa được ra trận, để tránh bom đạn Mỹ leo thang đến Thủ đô, lớp chúng tôi phải hành quân sơ tán. Cả lớp nương tựa nhau đi bộ suốt một đêm xuyên rừng để sáng hôm sau có mặt tại Tràng Dương, Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Cả cuộc đời sinh viên, không một ai trong chúng tôi quên được tình dân, nghĩa Đảng ở mảnh đất này. Sao dân tốt thế! Bà con, cán bộ Hợp tác xã đều bố trí, dành những chỗ ở tốt nhất cho sinh viên, coi chúng tôi như người thân trong gia đình, sẻ chia từ củ sắn, nồi khoai. Tình cảm thân thương ấy giúp chúng tôi vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, khỏa bớt nỗi nhớ nhà, xa cách đất Thăng Long. Cơm bếp ăn tập thể thường xuyên ghế bột mỳ, canh măng rừng, rau cải độn sắn, nước trong có vị mỳ chính. Hai năm đầu khóa, tôi ở Tổ Văn học Nga - Xô viết, có anh Nguyễn Thái Ninh (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) làm tổ trưởng. Hai năm sau, vì mê văn thơ chống Mỹ, cứu nước, tôi sang Tổ Văn học Việt Nam. Tôi được cùng Anh Trọng và Nguyễn Văn Vĩnh (sau này là Tổng Biên tập Báo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao) ở chung một nhà dân. Giường nằm, bàn học, chúng tôi đi rừng chặt cây, đập nứa mà ghép thành. Đêm tối, không điện, sinh viên học chung dưới ngọn đèn dầu. Năm cuối, bài vở quá căng, phải làm luận văn tốt nghiệp. Tôi xúc động và hàm ơn Anh Trọng, sau này chỉ dám kể cho con cháu nghe: Chữ viết của tôi rất xấu, có lẽ xấu nhất lớp. Ấy vậy, lại tham viết dài. Trái lại, chữ Anh Trọng viết tay rất đẹp. Luận văn của Anh viết về ảnh hưởng thơ ca dân gian trong thơ Tố Hữu, do thầy Đinh Gia Khánh hướng dẫn. Luận văn của tôi là phong cách nhà văn miền Nam Anh Đức, do thầy Hoàng Như Mai kèm cặp. Tôi rất lo, mình sẽ bị điểm kém vì chữ “như gà bới”. Anh Trọng đọc được tâm trạng tôi, nên âm thầm trợ giúp. Đêm nào cũng vậy, sau khi học bài, đọc sách, trên chiếc chõng bé nhỏ, tự làm bằng nứa rừng, muỗi đan ken trên ngọn đèn dầu, Anh cặm cụi chép lại luận văn cho tôi. Gần một trăm trang trên giấy năm hào hai chứ có ít gì. Nhiều đêm phải thức gần đến sáng. Hơn 60 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in nụ cười và lời nói của Anh: “Anh Lượng ơi! Trả công cho em đi”. Vừa nói, Anh vừa đưa tay móc hai cục bồ hóng to ở lỗ mũi từ khói đèn dầu kết lại”. Nhờ chữ đẹp, trình bày sáng sủa của Anh mà luận văn của tôi và Anh đều được các thầy, nhà trường cho 5 điểm (như 10 điểm ngày nay). Tất nhiên, tôi cũng tìm cách “ trả công”. Bù vào chữ xấu, tôi lại có tài lẻ, trồng rau, câu cá. Mượn đất của nhà dân, tôi trồng bầu, mướp. Quả sai chi chít, phần biếu dân, cái chính là cải thiện bữa ăn của ba anh em. Quanh đi quẩn lại cũng bầu, mướp luộc chấm muối ớt, chứ lấy đâu ra nước mắm, xì dầu. Cá câu được, về cũng chỉ kho chay, không mỡ, không đường. Thế mà hỉ hả, vui lắm, được no thêm, được cải thiện. Ngày ấy, tôi tự cho mình là “sát cá”. Mỗi khi mưa rào, nước nguồn đổ về con suối gần nhà, tôi lại đào giun, vác cần câu ra suối. Tôi phân biệt được phao rút thế nào là cá rô, cá trê, giật liên tiếp mỏi tay. Có điều, giật quá mạnh, cá rách mét, phần nhiều đều rơi xuống ruộng sau lưng. Tiếc công, tiếc của nên các lần sau thấy tôi vác câu đi, Anh Trọng lại đem xoong, chậu theo. Mỗi khi cá giật được, Anh lại xắn quần bì bõm lội ruộng để bắt bằng được những con cá rơi. Tôi thương Anh quá, công câu, không bằng công người thu nhặt cá,... Vì tôi có người anh ở Liên Xô gửi cho cái đài bán dẫn, hàng ngày nghe được chiến thắng ở hai miền, Anh Trọng gợi ý giao cho tôi nhiệm vụ nghe đài, viết tin để tối tối cùng một bạn có giọng tốt trèo lên chòi cao đọc cho bà con cùng nghe.

Lớp Văn Khóa 8 chúng tôi, tính đến nay, hơn 60 năm, nhiều người đã lên tuổi cụ, tuổi ông bà, nhưng có thể tự hào nêu một tấm gương để đời về tình nghĩa thầy trò. Tình nghĩa ấy thiêng liêng lắm, nhưng nó gần gũi, vô tư, từ trong máu thịt, từ đạo lý làm người. Sau này, nghe nhiều người kể lại, tôi mới ngẫm ra, phải chăng có được tấm lòng, giữ được truyền thống ấy bắt nguồn từ người học trò nghèo, nông thôn Nguyễn Phú Trọng, khi tuổi thơ Anh cắp sách đến trường. Tôi nhớ như in, ngày sơ tán ở Tràng Dương, cả lớp dời nhà cho thầy giáo Chủ nhiệm Khoa văn Hoàng Xuân Nhị. Không phải “Thần đèn”, những người dời nhà đã xây ngày nay bằng máy móc, con lăn, cả lớp tôi, nam và nữ, người lớn tuổi, trẻ thanh niên, tất cả xúm vào ôm các cột, nâng phên liếp, đưa cả ngôi nhà ba gian qua các bậc thang ruộng lúa vừa thu hoạch. Để có lớp học khang trang cho các thầy cô và sinh viên các khóa sau, không nghỉ hè, không đi thực tế, lớp cử 12 người ở lại xây lớp học, dựng nhà ở chung. Mỗi người chúng tôi trong tay chỉ có con dao quắm, cuốc, thuổng mượn nhà dân, cả xoong nồi, bát đũa để tự nấu ăn. Hơn một tháng trời, trèo đồi, lội suối, chặt cây làm cột kèo, đập nứa làm tranh, tường nhà xin rơm rạ dân trộn đất bùn trát kín che gió, che sương, chúng tôi dựng được hai lớp học, một nhà tranh tre để ở. Hai lớp học ngày ấy không phải được dựng trên nền đất bằng, mà để tránh bom bi, phải đào sâu một mét trên sườn núi Tràng Dương. Tất cả đều có giao thông hào. Xin lỗi, vì tuổi già, không nhớ hết tên bạn bè, ai còn, ai mất, đã làm nên những công trình ấy. Trong đội quân lên rừng chặt tre nứa, dựng lớp trại để ăn ở, học hành cho các khóa sau, tất nhiên có Bí thư Chi đoàn Nguyễn Phú Trọng, anh Dương Quang Minh (sau này là Trưởng phòng Thời sự quốc tế Đài tiếng nói Việt Nam), anh Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi kiêm trưởng bếp - anh nuôi, được nghỉ trước một giờ mỗi buổi làm để lo cơm nước cho anh em. Tôi vẫn nhớ, những hôm trời mưa to, đường trơn, đất gồ ghề, Anh Trọng vẫn lặng lẽ rủ vài bạn mượn áo tơi nhà dân đi đón các thầy cô đến lớp.

Từ ký ức này, tôi nhớ đến địa điểm Chi bộ Đảng của lớp họp phát triển Đảng. Đó là một ngày trước nghỉ hè, ra trường. Chi bộ tổ chức họp, xem xét, thống nhất đề nghị Đảng ủy cấp trên ra quyết định kết nạp Bí thư Chi đoàn Nguyễn Phú Trọng và cô Mai Thị Đạm (sau này là Vụ phó Tổ chức - cán bộ Tạp chí Cộng sản) vào Đảng. Hôm ấy, có cả cha con thầy Chủ nhiệm Khoa Văn Hoàng Xuân Nhị xuống chia vui, mừng hai sinh viên trẻ đã dẻo dai phấn đấu, rèn luyện.

Ơn sâu, nghĩa nặng với mảnh đất Tràng Dương, Vạn Thọ, sau này, thầy trò chúng tôi thường tổ chức “về nguồn”, thăm bà con. Mỗi lần về, chúng tôi đều có quà cho xã và gia đình ba anh em ở. Quà chung cho xã và gia đình, Anh Trọng đều bỏ tiền túi cá nhân mua sắm, nhưng bao giờ cũng dặn: “Anh và anh chị em nhớ nói quà chung của lớp, của ba anh em nhé”.

Điều đặc biệt đối với các thầy cô, lớp chúng tôi không phải là người qua sông để lại bến đò những người chèo lái. Suốt hơn 60 năm, tình nghĩa thầy trò vẫn sâu nặng, gắn bó như thuở mở đầu, bàn ghế sinh viên, bục giảng, bàn thầy. Các thầy cô vẫn theo dõi từng bước đi, tiến bộ của sinh viên. Chúng tôi vẫn luôn quan tâm thầy cô, hiểu cả khó khăn của các thầy, ốm đau lúc tuổi già. Thường vào Ngày nhà giáo 20/11, chúng tôi đều gặp nhau chúc mừng thầy Hà Minh Đức, Chủ nhiệm lớp Văn. Hằng năm vào dịp lễ, Tết, chúng tôi đều gặp nhau, chia sẻ vui buồn, tôn vinh công ơn giáo dưỡng. Vẫn như xưa, “thưa thầy”, “chúng em”, “báo cáo lớp trưởng”, “lớp phó học tập”, “lớp phó vật chất” thân thương như thuở nào. Anh Trọng ở bất cứ cương vị nào cũng nêu gương nguyên tắc ấy. Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã, Đài Truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, thay phiên nhau là nơi hội ngộ. Năm 2023, kỷ niệm 60 năm Khóa 8 Khoa văn Trường Tổng hợp, lấy lý do Báo Nhân Dân có các anh Vũ Công Thạo, Trung Đông, cô Yến và tôi công tác, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập và Ban Biên tập mời cả lớp tôi đến gặp mặt tại trụ sở, dưới gốc đa linh thiêng Hàng Trống. Hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến rất sớm. Gặp mặt lãnh đạo báo, Anh không huấn thị, dặn dò, đòi hỏi, bởi tờ báo của Trung ương Đảng, Tổng Bí thư trực tiếp lãnh đạo, quan tâm thường xuyên, chỉ đạo hằng ngày. Anh quan tâm nhiều khó khăn và điều kiện công tác của từng thành viên Ban Biên tập, hỏi thăm sức khỏe cả chúng tôi, dù đã về hưu. Trong buổi họp mặt của lớp, Tổng Bí thư kính mời thầy giáo Chủ nhiệm phát biểu trước tiên. Thầy Hà Minh Đức chúc mừng anh Trọng và anh chị em của lớp, vui mừng với sự trưởng thàng của mọi người, đồng thời góp ý với Tổng Bí thư tình hình công tác tư tưởng, mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Quen lắng nghe, khiêm tốn, Anh Trọng rất vui trước những ý kiến đóng góp của thầy. Tôi nhớ mãi câu Anh nói: “ Em xin cám ơn và tiếp thu. Cả lớp ta rất mừng và tự hào có một người thầy gần 90 tuổi mà vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Thầy nói mà như viết. Không thiếu một câu, không thừa một ý. Chấm, phẩy rõ ràng, mạch lạc”. Không mang ơn và tự hào sao được khi thầy Hà Minh Đức năm ấy đã tròn tuổi 90, là tác giả của gần 100 đầu sách, có Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam,...

Trăn trở từ thực tiễn, vận vào mình trách nhiệm

Vĩnh biệt người đồng chí, anh em!

Lớp văn 8 về thăm lãnh đạo và bà con xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh do tác giả cung cấp).

Tôi gắn bó với Tổng Bí thư không chỉ thời gian sinh viên, cùng sống chung nhà dân thời sơ tán mà suốt cả thời gian công tác. Hai cơ quan, Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Sự thật, lĩnh vực công tác giống nhau. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi không nhớ cơ quan nào đứng ra tổ chức một cuộc họp để phê bình, góp ý, chấn chỉnh văn nghệ sĩ về một số tác phẩm phản ánh chiến tranh không đúng, bi lụy quá. Trong cuộc họp ấy, chủ tọa đưa ra phê phán bài thơ “Vòng trắng” của Nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài hát “Vết chân tròn trên cát” của Nhạc sĩ Trần Tiến. Cả hội trường im phăng phắc, lắng nghe, tiếp thu, không có ý kiến tranh luận phản hồi. Anh Trọng ngồi cạnh tôi, nghiêng đầu ghé tai nói nhỏ: “Vì sao nặng nề thế hở anh? Có sao đâu. Thực tế chiến tranh là ác liệt, là mất mát, đau thương. Nhưng mấy nghìn năm nay dân tộc này có bao giờ chịu cúi đầu. Văn học, nghệ thuật không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu. Từ hình tượng, bằng cảm thụ, người đọc, người nghe phải hiểu cái tâm, hiểu sâu sắc cái triết lý mà nhà thơ, nhạc sĩ muốn kêu gọi, muốn lan truyền”. Hai anh em tôi đồng cảm ra về, lòng man mác buồn. Lại một chuyện nữa: Thời Anh Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, Bộ Chính trị chủ trương tập trung nghiên cứu vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân để chuẩn bị ra nghị quyết “phá rào”, mở một nút thắt cho kinh tế-xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghiĩa. Tổ nghiên cứu do Anh Nguyễn Đức Bình lãnh đạo, bao gồm cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban Đảng, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản,... Qua các hội nghị ở Hà Nội, Tổ đã nghe nhiều phát biểu của các ban, ngành, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài,... Riêng TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Đỗ Mười trực tiếp dẫn đầu Đoàn đi nghiên cứu. Cả tuần làm việc căng thẳng, Anh Trọng rủ tôi đi thăm khu du lịch Suối Tiên. Hai anh em cùng ngồi trên chiếc xe chạy đường ray trên cao, ngắm các hồ nước, các phong cảnh đẹp. Các hướng dẫn viên ngồi sau cứ ra rả thuyết minh, giới thiệu. Nhưng nào chúng tôi có nghe. Anh Trọng cứ trăn trở mãi về cuộc làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổ nghiên cứu với Liên đoàn Lao động thành phố ngày hôm trước. Lãnh đạo của tổ chức Công đoàn báo cáo phát biểu chung là, giai cấp công nhân ngày nay chẳng thấy vai trò mình là người lãnh đạo lãnh đạo cách mạng. Họ chỉ là người làm thuê, chỉ mong có việc làm, có thu nhập. Họ rất lo chủ doanh nghiệp đuổi việc, không có tiền để nuôi vợ con. Anh Trọng nói: “Anh em mình đều nghe hết cả. Đó là thực tiễn của cuộc sống, là nhận thức của số đông công nhân, người lao động. Làm sao cho mọi người hiểu: giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng là nói bản chất, tính chất giai cấp của Đảng, chứ không phải nói tập thể người lãnh đạo. Trách nhiệm của chúng ta, các cơ quan lý luận, tuyên truyền của Đảng, trong đó quan trọng nhất là Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, phải từ thực tiễn ngày nay, tổng kết thực tiễn, nêu ra những vấn đề mới về lý luận. Toàn Đảng, toàn dân phải hiểu, Đảng lãnh đạo để dân làm chủ, lợi ích dân tộc, toàn vẹn quốc gia là trên hết”.

Đánh giá, tôn vinh công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ Điếu văn của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề cập đầy đủ. Riêng tôi, chỉ muốn kể những câu chuyện có thật, những suy nghĩ án ngữ trong lòng về một vĩ nhân, nhưng rất đời thường mà tôi có dịp gần gũi suốt 60 năm. Tất cả đều có nguồn gốc, có hành trình, có rèn luyện, có đấu tranh. Điều đọng mãi suốt cuộc đời tôi, là sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân, Tổng Bí thư đều vận vào trách nhiệm của mình. Anh thật sự là một tấm gương sáng của một tấm gương vĩ đại Hồ Chí Minh.

Đức Lượng (CTV)


Đức Lượng (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]