(Baothanhhoa.vn) - Không biết tự bao giờ, những chiếc thuyền nan nơi cửa biển đã tất bật với công việc từ khi còn nửa đêm đến lúc trời đã sáng rõ. Từ lúc biển còn chưa thức giấc đến khi mặt trời đã khuất bóng sau dãy núi phía xa.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Không biết tự bao giờ, những chiếc thuyền nan nơi cửa biển đã tất bật với công việc từ khi còn nửa đêm đến lúc trời đã sáng rõ. Từ lúc biển còn chưa thức giấc đến khi mặt trời đã khuất bóng sau dãy núi phía xa.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Lạch Bạng, con lạch nằm giữa hai xã Hải Thanh và Hải Bình, thuộc huyện Tĩnh Gia. Xưa kia vốn là một vùng quê nghèo khó, người dân nơi đây quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn. Ngày nay, nhờ những chiếc thuyền được đóng mới, những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa nhiều ngày đem về vô số cá tôm. Nhờ đó mà đời sống người dân nơi đây đã trở nên khá giả hơn rất nhiều. Duy chỉ có những chiếc thuyền nan là vẫn không hề thay đổi, cứ cặm cụi, cần mẫn suốt ngày đêm. Từ việc vận chuyển người từ bờ này sang bờ kia sông, rồi hàng hóa, cá tôm từ những chiếc tàu ngoài khơi xa trở về.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Đêm lặng lẽ, những con sóng lăn tăn ngoài mặt biển không làm xao động vẻ yên bình nơi cửa sông. Con lạch nằm êm đềm trong không gian vắng lặng, chỉ thi thoảng có những ánh đèn lấp loáng trên đường đê, những chiếc thuyền nan cũng đang lúc nghỉ ngơi, tựa vào vai nhau, níu vào những cột, những sào còn đang cắm ven bờ. Ngủ yên nơi triền đê còn có những thúng, những mẹt, những mành phơi cá còn ủ rũ trong màn sương đêm. Một vài cơn gió nhẹ cũng chỉ làm động đậy đôi cọng cỏ bên bờ.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Tiếng xình xịch ngoài xa của những chuyến tàu đánh cá trở về bỗng xôn xao cả bầu trời đêm nơi cửa biển. Tiếng máy mỗi lúc một gần, con sóng dồn từ xa vào bờ cũng dần mạnh hơn, sóng đánh thức cả những con thuyền lớn, thuyền nhỏ còn đang neo đậu. Thuyền nan nhỏ bé cũng tỉnh giấc đề bắt đầu công việc của mình. Khi những chiếc tàu lớn đã neo đậu, tiếng máy tắt, thay vào đó là tiếng người í ới gọi nhau từ bờ này vọng sang bên kia, thấp thoáng có những chiếc nón trắng nhấp nhô trong ánh đèn pha rọi lại từ khoang tàu. Những người phụ nữ thoăn thoắt bước lên thuyền nan, cởi dây, lướt mái chèo. Chỉ khi để ý lắm mới nghe được tiếng rong róc của những mái chèo của thuyền nan...

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Những cây tre, cây vầu được pha bằng lưỡi dao sắc bén của những ngư dân, tạo thành những chiếc nan dài và đều tăm tắp. Sau đó được phơi nhưng không được quá khô vì nan sẽ bị giòn. Những chiếc nan này được đan lại với nhau nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ, cuối cùng chúng được phủ một lớp nhựa đường dưới đáy để chống thấm, mang ra phơi nắng cho nhựa chảy đểu vào các khe nan, ken chật thành một lớp vừa kết dính các nan với nhau, vừa làm kín mạch cho nước khỏi ngấm vào khoang. Thuyền nan được sinh ra như thế, mỏng manh nhưng bền chặt, nhẹ nhàng nhưng lại chuyên chở được những hàng hóa cồng kềnh, nặng hơn chính bản thân mình. Cũng chính cái mỏng manh của thuyền nan đã khiến cho người cầm chèo cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng mới không làm thuyền bị lật, nhẹ nhàng từ cái lúc bước chân lên thuyền, một bước chân không khéo léo cũng có thể khiến người trên thuyền ngã nhào xuống sông, nhẹ nhàng cả khi đã ngồi ngay ngắn và bơi chèo. Đó là những yêu cầu khắt khe mà không phải ai cũng có thể làm được.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Tôm cá trên những chiếc tàu mang về từ biển cả, dù nhiều hay ít cũng chính nhờ những chiếc thuyền nan đưa vào bờ. Thuyền nan như những con thoi cứ thoăn thoắt, cứ nhịp nhàng, luồn qua những khe hở của những chiếc tàu lớn, mang trên mình nào cá, nào tôm cứ đầy ăm ắp lúc vào bờ, lúc ra giữa sông. Không thể đếm được có bao nhiêu con thuyền như thế nơi cửa biển, lúc tàu về, càng không thể đếm được có bao nhiêu chuyến vào ra của những “con thoi” ấy. Nhịp chèo cứ thế đều đặn qua những đôi bàn tay chai sạn mà khéo léo, nhanh nhẹn, dẻo dai.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Nơi cửa biển, luôn tấp nập tàu thuyền neo đậu, những chiếc cầu không thể xây nên. Vì thế mà không thể thiếu được những chuyến đò ngang đưa đón học sinh vào mỗi buổi sáng sớm, những khi chiều về. Tiếng rúc rích của lũ trẻ trên thuyền cười nói, xen cả tiếng các mẹ, các chị í ới gọi nhau, thăm hỏi, đôi khi là cả tiếng máy nổ vọng vào từ cửa biển cứ rộn ràng cả một khúc sông. Những người đi buôn, đi bán từ bờ này sang bờ kia cũng kiên nhẫn ngồi đợi thuyền nan ghé vào. Không quản trời nắng, trời mưa, chỉ những chiếc thuyền nan là làm việc không ngừng nghỉ, những vệt sóng cứ đan xen nhau trên khắp mặt sông, vẽ nên đủ sắc màu, cứ lấp loáng dưới ánh đèn, dưới làn nắng mỏng tang những ngày mùa thu hay cái nắng chói chang của những ngày hè.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Nắng dịu dần trên đê, chợ cũng vãn người mua bán, đó là lúc mà người ta có thể nghe rõ nhất những “giai điệu” của những chuyến đò ngang, chuyến xuôi, chuyến ngược, lúc bên này, lúc bên kia sông. Nhấp nhô trên mặt nước, lướt nhẹ trên nền mây, thuyền soi bóng mình, soi bóng người chèo đò, soi bóng cả khách sang sông trên chính cái mặt gương dập dềnh ấy. Những giọt mồ hôi cũng rơi vội vã cuối ngày hòa vào mặt nước đang dần trở nên mênh mông.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Khúc sông sẽ trở nên im lìm, vắng lặng nếu như vắng bóng thuyền nan, những câu chuyện vui buồn cũng sẽ không được kể khi mặt sông không còn gợn sóng, cái gợn sóng nhẹ nhàng như không muốn làm đau mặt nước, như chính cái dịu dàng của những người phụ nữ làm nghề chèo đò trên sông nước. Ghé bến rồi sang sông, thuyền nan nhỏ bé nhưng tự mang trong lòng mình những bổn phận lớn lao, như chính cái lý do mà con người muốn nó sinh ra.

Những chiếc thuyền nan nơi cửa biển

Nhẹ nhàng là vậy, sau nhiều chuyến sang sông, thuyền nan cũng sẽ rạn vỡ, sẽ mang trong mình những vết thương không thể chữa lành. Rời bến nước, những chiếc thuyền đã hư hỏng qua nhiều năm sử dụng sẽ phải nằm phơi bụng trên bờ, nơi triền đê đầy nắng gió, cuối cùng sẽ bị mục nát, bị hủy hoại mà không thể sử dụng vào việc gì khác. Người ta sẽ lại tiếp tục làm ra những chiếc thuyền mới, cứ thế tiếp nối nhau, nhiều chiếc thuyền nan sẽ tiếp tục lại qua, nhịp nhàng nơi cửa biển.

Cao Tiến


Cao Tiến

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]