(Baothanhhoa.vn) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ và các loại định dạng âm thanh mới, sự phát triển của kỷ nguyên nhạc số, vẫn có những người có đam mê cháy bỏng, sưu tầm từng cái đầu đĩa, đôi loa, âm ly, bộ dàn âm thanh, đài cổ... và gom góp từng chiếc đĩa than, băng cối, băng cassette xưa... tự tạo ra cho mình một góc riêng để thưởng thức thứ âm thanh hoài cổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về người sưu tập các thiết bị âm thanh cổ

Trong thời đại bùng nổ công nghệ và các loại định dạng âm thanh mới, sự phát triển của kỷ nguyên nhạc số, vẫn có những người có đam mê cháy bỏng, sưu tầm từng cái đầu đĩa, đôi loa, âm ly, bộ dàn âm thanh, đài cổ... và gom góp từng chiếc đĩa than, băng cối, băng cassette xưa... tự tạo ra cho mình một góc riêng để thưởng thức thứ âm thanh hoài cổ.

Anh Vũ Tiến Hưng (bên phải) cùng bạn thưởng thức âm nhạc từ những bộ thiết bị âm thanh cổ.

Thú chơi và sưu tập các thiết bị âm thanh cổ ở Thanh Hóa chưa thể so sánh được với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tuy vậy, vài năm trở lại đây, trào lưu này đã trỗi dậy khá mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt là khu vực TP Thanh Hóa có hàng chục người sưu tập thiết bị âm thanh cổ, trong đó nhiều người có số lượng thiết bị thuộc loại độc – hiếm, giá trị hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Tiến Hưng, ở 196 Trường Thi, TP Thanh Hóa – một trong những người đam mê và sưu tập được nhiều thiết bị âm thanh cổ. Anh Hưng tâm sự: Bản thân tôi là người yêu nhạc, ngay từ nhỏ tôi đã rất thích loa, đài. Thời học phổ thông, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, tôi thường phải đi nghe “ké” bên nhà hàng xóm những băng, đĩa nhạc của Việt Nam và nước ngoài. Để thỏa mãn niềm đam mê, sau khi học xong cấp ba, năm 1986 tôi lao vào buôn đá xẻ từ Thanh Hóa vào TP Hồ Chí Minh. Bao nhiều tiền kiếm được, tôi đều đi “săn” đài, đĩa. Thời đó, kiếm được một cái đài nghe đĩa than được xem là rất xa xỉ rồi. Sau một thời gian làm ăn, tôi tích cóp được một ít tiền, cuối năm 1986, tôi mua được bộ nghe nhạc bằng băng cối của hãng Sony có niên đại 1967 với giá 4 chỉ vàng. Đã thích thì cứ mua, dù lúc đó tôi chưa có băng cối nào. Dần dần tôi lại kiếm thêm tiền, mua băng cối, đi thu chương trình về để nghe. Đam mê đó tăng dần theo năm tháng. Sau hơn 30 năm theo đuổi đam mê, tôi sưu tập được 5 bộ chạy băng cối (cả loại băng 7, băng 12) và hàng chục bộ thiết bị, đài chạy đĩa than, băng cassette, CD... Tôi còn sưu tập được rất nhiều những album nhạc cổ của Việt Nam và nước ngoài bằng đĩa than. Giá trị chưa thể biết tính được nhưng hàng ngày tôi và những người bạn vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để thưởng thức những đĩa nhạc xưa. Thứ âm thanh cổ đó đã giúp tôi và các bạn hồi tưởng, sống lại một thời hoài niệm, nhất là những năm tháng của thời bao cấp.

Hiện nay, anh Hưng đã tự tạo cho mình một không gian riêng tại 196 Trường Thi vừa là một phòng trưng bày các thiết bị âm thanh cổ, vừa là nơi để anh và những người cùng đam mê thưởng thức những bài hát theo từng thể loại yêu thích. Căn phòng được sắp xếp, bài trí khéo léo với những bộ thiết bị âm thanh cổ có thương hiệu một thời, như: Pioneer, Kenwood, TEAC, Yamaha, Sharp, JVC... đầu đĩa than, băng đĩa cối... Anh Hà Giang Sơn, một người bạn lâu năm với anh Hưng chia sẻ: “Chúng tôi gặp nhau ở đây như có điều kiện để trỗi dậy niềm đam mê. Bản thân anh Hưng xuất phát từ người đam mê, sưu tập đích thực, chơi bài bản, chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm việc thẩm âm, xử lý âm thanh và điều khiển thiết bị”.

Trào lưu trên giúp người sưu tập, thưởng thức âm thanh nhận ra rằng đĩa than, băng cối là những nguồn âm analog gần với âm thanh tự nhiên nhất, điều này đã khiến những thứ đồ một thời tưởng như sẽ đi vào quên lãng lại hiện diện trở lại trong cuộc sống hiện đại. Người chơi bây giờ cũng công phu lắm, già có, trẻ có, nhưng tựu chung đều có niềm đam mê. Có người lặn lội săn tìm những món đồ độc – hiếm, có những người chỉ tới những phòng trưng bày – nghe nhạc như của anh Hưng để được thưởng thức những bài hát, bản nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, nhạc bolero trước năm 1975, nhạc Trịnh, hay nhạc quốc tế disco thập kỷ 80, nhạc Nga Xô Viết một thời... qua những thiết bị âm thanh cổ để tìm lại những kỷ niệm xưa. Anh Hưng kể lại: Cách đây không lâu, có một cụ già tóc bạc phơ, đạp xe qua nhà tôi nghe thấy bài hát từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước qua chiếc máy chạy băng cối. Cụ dừng lại, vào xin 1 chén trà, để nghe những bài hát như vậy. Từ đó, chúng tôi trở thành những người bạn. Khoảnh khắc được thưởng thức thứ âm nhạc của hoài niệm đã giúp chúng tôi như “sống chậm lại”, thoát ra khỏi những ồn ào, bon chen của cuộc sống.

Càng nghe càng nghiện, càng chơi càng say. Với những người sưu tập như anh Hưng, âm thanh cổ giống như “cơm ăn, áo mặc hàng ngày”. Thú chơi đem lại cho anh sự sảng khoái và quan trọng hơn đem đến cho anh nhiều bạn bè có chung một niềm đam mê. Những người yêu âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài niệm, lưu luyến xa xưa mà quan trọng hơn họ cảm nhận được thứ thanh âm mộc mạc, trầm lắng phát ra từ những thứ cổ lỗ này. Thú vị nhất là được thưởng thức ly cafe nghe nhạc, ngắm nhìn đôi cuộn băng xoay và chiếc kim đèn điện tử giật theo điệu nhạc... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta dù chưa có hội sưu tập và chơi âm thanh cổ nhưng trào lưu này đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ với số lượng người chơi ngày một tăng lên, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và đó hoàn toàn là một thú chơi rất văn hóa.

Trong sự hối hả của sự phát triển khoa học công nghệ, máy móc hiện đại vẫn có những người ngược dòng thời gian tìm về thanh âm xa xưa, tìm về “thời xa vắng” của các dòng nhạc... Những thiết bị âm thanh cổ từng là biểu tượng của một thời đã được “sống lại”, trở về với đời sống bằng đam mê, lăn lộn của những người sưu tập như anh Hưng.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]