(Baothanhhoa.vn) - Bằng tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, những người nông dân “chân lấm tay bùn” của làng Bèo và làng Xuân Áng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) đã làm đắm say lòng người qua làn điệu chèo hay những vai diễn trong các vở tuồng cổ. Hoạt động của họ vừa góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, vừa làm cho loại hình nghệ thuật này thăng hoa.

Về Vĩnh Long nghe kể chuyện “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống

Bằng tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, những người nông dân “chân lấm tay bùn” của làng Bèo và làng Xuân Áng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) đã làm đắm say lòng người qua làn điệu chèo hay những vai diễn trong các vở tuồng cổ. Hoạt động của họ vừa góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, vừa làm cho loại hình nghệ thuật này thăng hoa.

Về Vĩnh Long nghe kể chuyện “giữ lửa” nghệ thuật truyền thốngTiết mục biểu diễn CLB tuồng làng Bèo.

Xã Vĩnh Long là một trong những địa phương có phong trào hát chèo, tuồng nổi tiếng của xứ Thanh. Địa phương này hiện có 2 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống là CLB chèo làng Xuân Áng và CLB tuồng làng Bèo.

Chị Lê Thị Nguyền, sinh năm 1968, hiện đang là phó chủ nhiệm CLB hát chèo làng Xuân Áng, chia sẻ: “Tôi sinh ra ở vùng đất có gốc tích chèo cổ từ xưa nên những làn điệu chèo đã ngấm sâu vào máu và trở thành một phần trong cuộc sống. Khi còn nhỏ, tôi thường đi xem các anh, chị tập và biểu diễn chèo ở trong thôn, trong xã. Năm 16 tuổi, tôi tham gia vào đội chèo của xã và theo các anh, các chị đi biểu diễn phục vụ bà con trong xã, trong huyện, trong tỉnh. Sau khi lấy chồng, tôi vẫn tham gia hát chèo và duy trì cho đến nay”. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị Nguyền đúc kết: “Theo nghề này, ngoài tình yêu, lòng đam mê và tâm huyết muốn bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, đòi hỏi phải có hậu phương vững chắc. Rất may, tôi có được người chồng biết cảm thông, chia sẻ, gánh vác việc nhà, việc đồng áng, luôn tạo điều kiện để vợ tham gia hoạt động nghệ thuật”.

Ngoài tham gia hát chèo, vào những vai diễn, chị Nguyền còn truyền dạy những làn điệu chèo cổ, chèo mới cho thế hệ sau, tận tình chỉ dạy cách hát, cách luyến láy, ngắt nhịp từng câu, từng chữ cho các bạn trẻ trong làng. Tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống vì thế cứ lớn lên từng ngày. Chị bảo, “đây mới chính là con đường khôi phục phát triển và nhân rộng những làn điệu chèo nhanh nhất”.

“Bén duyên” với nghệ thuật tuồng từ khi 15 tuổi, chị Trần Thị Đới, sinh năm 1954 đã gia nhập đoàn tuồng thôn Bèo. Thời bao cấp, chồng chất những khó khăn, nhưng chị vẫn kiên trì luyện tập và không nản chí. Khán giả hâm mộ tuồng ấn tượng với chị qua những vai diễn mà chị thể hiện xuất sắc, như vai chính Trần Bình Trọng trong vở cùng tên, Nữ chúa (Ngọn lửa Hồng Sơn)... Hiện chị là nghệ nhân, phó chủ nhiệm CLB, kiêm đạo diễn dựng cảnh, sáng tác của CLB hát tuồng làng Bèo. Nói đến CLB, chị Đới không giấu được niềm tự hào, cho biết: Ra đời năm 2005, CLB hát tuồng làng Bèo luôn trở thành ngôi nhà chung của các thành viên yêu tuồng. Điều đặc biệt, đa số thành viên trong CLB hiện đã là ông, là bà nhưng họ không quản tuổi tác, tham gia sinh hoạt bằng niềm đam mê với môn nghệ thuật sân khấu tuồng. Các nghệ nhân, nghệ sĩ CLB hát tuồng làng Bèo đã gìn giữ và thổi hồn cho nghệ thuật tuồng hồi sinh chính từ những sinh hoạt đời thường. Những “nghệ sĩ chân đất” với đôi tay gầy, nước da sạm nắng đã tạm quên đi những vất vả mưu sinh thường nhật để hóa trang thành những vai diễn trên sân khấu, đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người yêu tuồng ở địa phương. Cống hiến của các thành viên trong CLB gần 20 năm qua đã được đền đáp, ghi nhận khi cả tập thể, cá nhân được nhận nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh, huyện và xã. Riêng cá nhân chị Đới đã nhận được 3 Huy chương Vàng (trong đó, 2 Huy chương Vàng do Trung ương trao tặng, với vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, vai nữ chúa năm 2015 và vai nữ chủ trong vở “Triệu Thị Trinh” năm 2018; 1 Huy chương Vàng cấp tỉnh với trích đoạn “Trần Bình Trọng”, vai diễn cùng tên năm 2009).

Nói về những kết quả hoạt động của CLB gần 20 năm qua, chị Đới chia sẻ: “Tất cả những bằng khen, giấy khen, giải thưởng cũng chỉ là yếu tố cần để khẳng định tên tuổi, vị trí CLB. Điều cốt lõi khi tham gia vào bộ môn nghệ thuật này, các thành viên đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, được ”thổi hồn“, lưu giữ, ngân nga những làn điệu tuồng phục vụ khán giả. Hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, những người thật sự có cái tâm với nghề, muốn học hỏi môn nghệ thuật này ngày càng ít đi, tôi chỉ mong sao các con, các cháu dù có đi đâu, làm việc gì cũng nên nhớ về nguồn cội, nhớ đến những làn điệu tuồng của ông cha”.

Trăn trở của chị Đới cũng chính là những trăn trở của tất cả các thành viên trong CLB tuồng và CLB chèo khi thực tế hiện nay thành viên trong các CLB này ngày càng giảm, như CLB chèo làng Xuân Áng nay chỉ còn 15 thành viên (giảm 6 người so với năm 2019); CLB tuồng làng Bèo nay còn 10 thành viên (giảm hơn một nửa so với trước). Tuy nhiên, để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận bổ sung cho 2 CLB rất khó, do lớp trẻ đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp và không mặn mà với bộ môn nghệ thuật này. Hơn nữa, kinh phí hoạt động không có, chủ yếu các thành viên hoạt động bằng lòng đam mê. Vì vậy, để CLB tuồng làng Bèo, CLB chèo làng Xuân Áng tồn tại, phát triển, đại diện các CLB mong muốn chính quyền các cấp, các ban, ngành có liên quan của tỉnh cần sớm có giải pháp quan tâm kịp thời. Có như vậy, nỗi lo nghệ thuật truyền thống bị mai một trong lớp trẻ mới không trở thành hiện thực.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]