(Baothanhhoa.vn) - Như một thói quen đã khảm vào tiềm thức, hoặc cũng có thể bởi kẻ xa xứ thường đặc biệt trân trọng những ấn tượng từ thời thơ ấu; vậy nên mỗi khi trở về, tôi thường dõi mắt tìm kiếm bóng dáng của cây gạo nơi đầu làng. Dẫu từ xa chỉ trông thấy thấp thoáng ngọn cây, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm yên lòng đến lạ. Dưới gốc gạo ấy là cái cổng làng quanh năm chẳng bao giờ khép... 

Tản mạn... cổng làng

Như một thói quen đã khảm vào tiềm thức, hoặc cũng có thể bởi kẻ xa xứ thường đặc biệt trân trọng những ấn tượng từ thời thơ ấu; vậy nên mỗi khi trở về, tôi thường dõi mắt tìm kiếm bóng dáng của cây gạo nơi đầu làng. Dẫu từ xa chỉ trông thấy thấp thoáng ngọn cây, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm yên lòng đến lạ. Dưới gốc gạo ấy là cái cổng làng quanh năm chẳng bao giờ khép...

Tản mạn... cổng làngCổng làng Phú Điền xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Từ lúc 5, 6 tuổi biết theo lũ trẻ trong làng bêu nắng và hò nhau chơi đủ trò dưới gốc cây gạo, tôi đã thấy cái cổng ấy chẳng bao giờ khép. Bởi vì nó làm gì có cánh mà khép. Nhưng nghe ông bà kể lại, kỳ thật lúc dựng cổng, người ta cũng lắp cửa đấy. Nhưng rồi dần dà, thấy việc đóng mở bất tiện cho việc đi sớm về khuya của dân làng, nên cánh cửa bị hạ xuống rồi để đâu chẳng ai còn nhớ. Cái cổng không lấy gì làm to và cũng không cầu kỳ, nằm án ngữ lối duy nhất dẫn vào làng, hai bên là ruộng lúa. Trước cổng có cây gạo, nghe nói được trồng từ thời các cụ, nên giờ làng chẳng còn mấy ai so nổi tuổi với nó. Cây gạo già nua, lớp vỏ xù xì, thô cứng, bong tróc vẫn cố bám lấy thân. Tán lá vươn rộng che kín mấy khoảnh ruộng và che luôn cả cái cổng cũ xưa dưới chân nó. Mùa hè đến, hoa gạo nở đỏ rực một góc trời. Nhìn từ xa cây gạo chẳng khác nào ngọn đuốc đang hừng hực cháy.

Dưới cái nắng gay gắt ngày hè, sau nửa ngày bán mặt trên cánh đồng, người dân thường lại tụ tập trước cổng làng, dưới bóng mát hiếm hoi của cây gạo để nghỉ ngơi lấy sức. Sau vài hớp chè nhạt, họ lại thủng thỉnh chuyện đồng áng, giống má, chỗ ruộng sâu ruộng cạn, chuyện đổi công cấy công cày. Chán chê lại quay ra chuyện làng trên xóm dưới, rồi thì ma chay, hiếu hỉ, sinh con đẻ cái... thôi thì đủ cả. Nhưng có lẽ vui vẻ và náo nhiệt nhất là khi làng mở hội những ngày sau tết, cổng làng không ngớt người lại qua. Rồi khi đoàn dài những ô, lọng, trống, chiêng, kiệu... được rước qua cổng làng như một cách nhắc nhở người dân về sự hiện hữu của đấng thần linh đang che chở, bảo hộ cho làng; thì khi ấy, vẻ ảm đạm của cổng làng đã được thay bằng sự rực rỡ, náo nhiệt.

Cái cổng làng rong rêu thời gian, đã nằm nghe không biết bao nhiêu chuyện đời người gắn liền với những thăng trầm làng quê; đã chứng kiến biết mấy nước mắt ly biệt, nước mắt gặp gỡ; đã cảm nhận những bước chân ra đi có vội vã dứt khoát, có lưỡng lự cân nhắc và có cả bước chân vừa mệt mỏi vừa lâng lâng trở về sau một hành trình dài có hạnh phúc, có khổ đau, có được, có mất; đã hút lấy tất cả thanh âm vọng lại từ tiếng nô đùa ầm ĩ của lũ trẻ và cả những khát khao thơ dại thủ thỉ dưới gốc gạo già nua... Cổng làng có thể ví như chứng nhân vừa sinh động, chân thực, vừa lặng lẽ, mơ hồ về cuộc sống làng quê. Sự tồn tại của nó như một sự ngăn cách giữa 2 thế giới trong làng – ngoài làng. Để rồi, ẩn phía sau cổng làng là không gian làng quê - không gian văn hóa – không gian tính thiêng với sức mạnh kỳ diệu có khả năng bao bọc, dưỡng nuôi và níu giữ một phần linh hồn những kẻ sinh ra từ làng.

Làng được ví như một “sản phẩm độc đáo” của lịch sử và xã hội Việt Nam. Tính độc đáo này được tạo nên từ nhiều phương diện, từ cách thức làm ăn, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, đến các mối quan hệ ràng buộc trong cộng đồng... Thêm vào đó, một yếu tố góp phần làm nên bản sắc làng quê Việt là sự tồn tại của các thiết chế văn hóa như một sự khẳng định về lịch sử và vị thế của làng. Cổng làng, kỳ thật nếu đặt trong thế so sánh một số thiết chế văn hóa khác của làng như đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ, võ chỉ... thì không thể có được sự uy nghi, cầu kỳ hay tính thiêng. Song, dường như sự tồn tại của cổng làng trong đời sống cộng đồng làng vẫn luôn có một vị trí rất đặc biệt, dẫu khó gọi tên nhưng lại khảm rất sâu vào tâm trí người làng. Để rồi, khi mỏi gối chồn chân trên đường đời, mỗi lần bước chân qua cổng làng, bỗng như tìm về được cái phần “hồn vía” đã rơi rớt đâu đó giữa những xô bồ cuộc sống.

Cổng làng xưa được ví như một biểu tượng về sự độc lập của làng. Có lẽ vì vậy mà khi tìm hiểu về nước Việt Nam xưa, P. Pasquier - một học giả phương Tây đã đưa ra nhận định: “Làng lúc nào cũng trông như một hòn đảo xanh, với bức rèm che giấu kín các mái nhà bằng lá cọ hay các mái đình cong. Cần phải am hiểu thì mới nhận ra lũy làng trong những đám cành lá này... Các tiếng động bên trong tan đi khi vấp vào bờ lũy tre. Chẳng có gì khuấy động sự yên tĩnh trang trọng của đồng ruộng. Một lối đi nhỏ chạy theo những khúc rẽ quanh co của một bờ ruộng đưa ta đến gần hàng rào. Cần phải đoán ra chỗ cửa mở làm thành cổng làng. Cổng này bằng tre, thường thường nó tạo thành một thứ cổng răng bừa, được dựng lên lúc tối đến. Một chòi canh nhỏ đôi khi nhô cao lên trên cổng, trong đó là những người tuần đêm”.

Đó là một trong số những ghi chú ít ỏi, đã phác họa lại hình ảnh của cổng làng xưa. Dường như, sự tự do, vẻ yên bình của làng chỉ có được khi dựng lên quanh nó một “bức tường thành” thật vững. “Bức tường thành” ấy có thể là những lũy tre dày đặc và dẻo dai bao bọc lấy làng như một “ốc đảo xanh” nhìn từ xa; đồng thời, nó còn được dựng lên bằng sự cam đảm, tinh thần đoàn kết của dân làng được tôi luyện trong các cuộc tranh đấu chống chọi với giặc dã, cướp bóc, thiên tai địch họa... Làng quê bước vào thời mở cửa. Giữa bối cảnh “bánh xe kinh tế” lăn đến đâu là từng mảng lũy tre làng bị xé toang đến đấy. Thậm chí nhiều cổng làng cũng bị phá bỏ, dẹp đường thông thoáng cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Và hình ảnh cổng làng rong rêu bỗng trở thành câu chuyện xưa cũ, hay chỉ là hình ảnh chập chờn trong ký ức mà thôi.

Nhưng rồi, bẵng đi một thời gian “vắng bóng”, chừng chục năm trở lại đây, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, cổng làng đang dần “sống lại” cùng nhịp sống mới nơi làng quê. Thôi thì đủ loại: cổng to, cổng nhỏ, cổng bề thế, cổng giản đơn; rồi kiến trúc, hình dáng cũng đa dạng, hoa văn có cầu kỳ, có giản dị; màu sắc sáng sủa, tươi tắn... tất cả tùy vào sở thích, quan niệm và nhất là nguồn lực của mỗi làng. Bởi vậy mới có những cổng làng có giá trị tiền tỷ, ít hơn thì tiền trăm, thấp nhất cũng chừng vài chục triệu. Để rồi, không ít cổng làng khiến người ta phải thốt lên kinh ngạc và tán thưởng về mức độ hoành tráng và đủ để người làng “nở mày nở mặt” mỗi khi nhắc đến. Hoặc cũng có những cổng làng dù không quá bề thế, nhưng “ăn đứt” ở hoa văn và nhất là đôi câu đối khái quát lịch sử và niềm tự hào của làng (ví như làng có nhiều người đỗ đạt, giỏi giang, có công với làng với nước...).

Sự phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo độ mở của không gian làng quê truyền thống. Không còn là những “ốc đảo” ngăn cách với thế giới bên ngoài; ngược lại, làng ngày nay có sự giao lưu mạnh mẽ để đổi mới từng ngày. Cũng từ đó mà nhiều cái “mới” – nhưng chưa hẳn là cái “tốt” - cũng tràn về và phá vỡ đi phần nào vẻ yên bình của làng. Nhưng dẫu có sự biến đổi đi chăng nữa thì sau cánh cổng làng, các giá trị văn hóa - lịch sử, nhân cách, đạo đức làm người và một tổ chức xã hội bền vững của tôn ti trật tự cùng các mối quan hệ ràng buộc nhiều chiều... tất cả đều phải được bảo vệ bằng “thành trì” vững chãi của ý thức trách nhiệm và lòng can đảm của mỗi người.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]