(Baothanhhoa.vn) - Đi hết cuộc đời này, tôi cũng không bao giờ quên câu nói: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” mỗi khi nghĩ về người thầy, người cô mà mình may mắn được học tập, gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu... Ngay cả khi có những người thầy, cô đã theo quy luật nhân sinh trở về với cát bụi, thì đối với tôi, họ vẫn mãi là niềm nhớ thương, tin yêu, trân trọng, tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ học trò noi theo, nhớ về.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy trong trái tim tôi

Đi hết cuộc đời này, tôi cũng không bao giờ quên câu nói: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” mỗi khi nghĩ về người thầy, người cô mà mình may mắn được học tập, gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu... Ngay cả khi có những người thầy, cô đã theo quy luật nhân sinh trở về với cát bụi, thì đối với tôi, họ vẫn mãi là niềm nhớ thương, tin yêu, trân trọng, tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ học trò noi theo, nhớ về.

Người thầy trong trái tim tôi

Nhà phê bình văn học, TS Chu Văn Sơn phát biểu trong một sự kiện do Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

Tôi biết đến Nhà phê bình văn học, TS Chu Văn Sơn từ những khi chập chững bước vào THPT. Cơ duyên của sự “gặp gỡ” ấy chính từ cuốn sách “Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử” (2003, tái bản 7 lần). Đây là cuốn sách thứ hai của thầy Sơn kể từ sau khi cuốn sách “Tinh hoa thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm” (in chung, 1997, tái bản 4 lần) xuất bản. Lúc bấy giờ, “Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử” đã rất nổi tiếng trên văn đàn. Cùng với “Thi nhân Việt Nam” (Hoài Thanh, Hoài Chân), cuốn sách của thầy Sơn được xem là cuốn sách “gối đầu giường” cho những ai quan tâm, tìm hiểu về phong trào thơ mới – “một thời đại trong thi ca” (1932–1945). Đối với tôi, cuốn sách của thầy như cánh cửa thần kì mở ra cả một thế giới văn chương rộng lớn đầy hấp dẫn, thú vị. Tôi đọc say mê với tất cả niềm hân hoan, háo hức mặc dù đó chỉ là bản sách photo, chất lượng giấy kém nên mực in trang nọ nhiều khi thấm cả sang mặt sau. Nhiều trang muốn đọc cho tỏ tường thì mắt phải gí sát cuốn sách, dò từng chữ. Vốn là học sinh trường làng, nhà cũng không quá dư dả nên nguồn sách tài liệu tham khảo đâu có phong phú, đa đạng. Các hiệu sách trong xã, huyện thường xoay quanh mấy cuốn văn mẫu, học tốt hoặc nơi nào “sang” lắm cũng chỉ có cuốn “Thi nhân Việt Nam” chào hàng. Mà phải là những học sinh thực sự yêu thích, có chút năng khiếu văn mới tìm mua cuốn “Thi nhân Việt Nam” dày cộp, “đặc chữ”. Thành thử ra, mấy cuốn văn mẫu, học tốt “đắt khách” hơn nhiều so với những cuốn sách lý luận, phê bình ấy.

Đọc “Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử”, tôi đi từ ngạc nhiên này sang đắm đuối khác. Những nhận định sắc bén, tinh tế, những kiến giải am tường, khúc chiết... khiến cho chân trời kiến thức cứ rộng mở thêm mãi, càng đọc càng thấy mình bé lại và hiểu biết trước đó của mình chỉ như bọt bể. “Ba đỉnh cao thơ mới” – chân dung ba nhà thơ tưởng đã quá quen thuộc với tôi nay bỗng mới, lạ vô cùng, đó là: “Xuân Diệu – tù nhân của chữ Tình”, “Nguyễn Bính – kiếp con chim lìa đàn”, “Hàn Mặc Tử chàng thi sĩ khao khát cái tột cùng”. “Trong các nhà thơ mới, Xuân Diệu thì “mới nhất”, còn Nguyễn Bính “quen nhất”, trong khi Hàn Mặc Tử lại “lạ nhất”. Về sắc điệu trữ tình, một người là “thi sĩ của tình yêu”, một người là “thi sĩ của thương yêu”, còn người kia là “thi sĩ của đau thương”. Người này cầm cờ nhóm “Xuân Huy”, người kia lĩnh xướng “dòng thơ quê”, người còn lại cai trị “trường thơ loạn”” – chỉ vài câu ngắn ngủi mà khái quát, khắc họa được “chân dung tinh thần” của ba con người – ba gương mặt thơ – ba đỉnh cao của một “thời đại thi ca”, quả thật tài tình, khiến bạn đọc nhiều thế hệ nể phục.

Tôi mang theo niềm yêu mến, ngưỡng mộ ấy bước chân vào giảng đường đại học. Những tháng ngày học tập tại ngôi trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội) đã giúp tôi thỏa mãn niềm ao ước được gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Dưới “mái chùa” lặng lẽ, trầm tư tọa lạc phía cuối sân trường với giàn hoa giấy bung nở cánh hoa tươi hồng, lần đầu tiên tôi gặp gỡ, nghe giảng từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình nổi tiếng trên văn đàn cả nước như: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nhà phê bình, PGS.TS Ngô Văn Giá...

Lần đầu tiên tôi được ngồi nghe thầy Chu Văn Sơn giảng bài cũng tại ngôi trường thân yêu này. Bài học đầu tiên ấy xoay quanh nội dung về thơ lục bát. Thầy Sơn giảng về lục bát một cách say sưa, tựa hồ như chàng lãng tử đang thưởng thức, bình phẩm về vẻ đẹp của nàng thiếu nữ. Sau cuốn sách “Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử”, thầy Sơn càng khiến tôi trân trọng, ngưỡng mộ khi đọc “Sức sống mãnh liệt của lục bát” – bài tiểu luận có tầm vóc như một bản “tuyên ngôn” về thể thơ lục bát này. “Lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ Việt”, “người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát”, “lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải tỏa tâm sự, ký thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn”. Bởi vì vẻ đẹp và những gắn bó, thủy chung, gần gũi giữa lục bát và tâm hồn người Việt nên dẫu có qua bao nhiêu thăng trầm, biến ảo, đi qua những luận bàn, đánh giá thì lục bát vẫn có vị thế riêng trong nền thi ca dân tộc: “Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiềng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát vẫn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này. Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hóa Việt. Chừng nào thế giới còn chưa thấu tỏ vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy họ chưa thực sự hiểu vẻ đẹp của thơ Việt. Và, chừng nào ta còn chưa làm cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy nền thơ Việt vẫn còn chưa thực sự làm tròn sứ mạng của mình”. Một tấm lòng với lục bát như thế cũng là một tấm lòng yêu thương hết mực dành cho thơ ca dân tộc, yêu cái đẹp giản dị mà tinh tế, mộc mạc mà nồng nàn.

Cho đến bây giờ, bản photo cuốn sách “Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử” năm nào tôi vẫn còn lưu giữ lại kỷ niệm tuổi học trò hồn nhiên, mê đắm văn chương, tình cảm yêu mến, trân trọng với một người thầy tài năng, đáng kính. Dẫu rằng những buổi ngồi nghe thầy giảng chỉ gói gọn trong vài tiết học nhưng ấn tượng, sự ngưỡng mộ, trân trọng thì cứ lớn dần lên mãi. Từ con bé trường làng háo hức cầm trên tay bản photo cuốn sách của thầy cho đến hôm nay, tôi đã trưởng thành hơn nhiều, đã có thể thỏa mãn sở thích đọc sách của bản thân; giá sách ngày càng thêm chật, sức đọc tăng lên. Nhưng thầy Sơn nay đã “về trời”, đi về miền “CÁI ĐẸP”. Thầy mất sớm, đó thực sự là nỗi mất mát, niềm tiếc thương sâu sắc không chỉ của gia đình, người thân, bạn bè mà cả đời sống văn học – nghệ thuật nước nhà. Đối với các thế hệ học trò hôm nay và mai sau - những người yêu mến, theo đuổi việc học văn mà không được một lần trong đời nghe thầy Sơn giảng bài thì quả là một thiệt thòi.

Dường như, để khỏa lấp nỗi buồn, niềm tiếc thương và sự thiệt thòi ấy, sau khi thầy Sơn mất, những người ở lại – gia đình và một số bạn bè, đồng nghiệp thân thiết đã nỗ lực, tâm huyết hoàn thành 2 cuốn sách: “Tự tình cùng cái đẹp” (2019, NXB Hội Nhà văn), “Đa mang một cõi lòng không yên định” (2021, NXB Hội Nhà văn) ra mắt độc giả. “Tự tình cùng cái đẹp” nói với độc giả rằng: Xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của tiến sĩ, nhà lý luận – phê bình văn học Chu Văn Sơn, cái đẹp không đơn thuần là phạm trù mỹ học. Hơn hết, với thầy Sơn, cái đẹp tựa như “người tình” thủy chung, son sắt, hấp dẫn vô cùng trong “cuộc yêu” mê đắm. Cả đời thầy dùng tài năng, tâm huyết của mình phụng sự cái đẹp, thăng hoa, tự tình cùng cái đẹp.

Và hôm nay đây, trong những ngày chớm đông cuối tháng 11 – tháng tôn vinh đạo nghĩa thầy trò, tôi lật dở từng trang của cuốn sách “Chu Văn Sơn – Đa mang một cõi lòng không yên định”. Đây là món quà mà người thầy kính mến của nhiều thế hệ sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du – PGS. TS Ngô Văn Giá dành tặng nhân dịp ông có công việc về với xứ Thanh. Hơn 400 trang sách khép lại mà cảm xúc thì mênh mang. Đọc cuốn sách, độc giả cứ ngỡ rằng vì mải mê trên hành trình kiếm tìm cái đẹp quá nên tác giả chỉ đang ẩn thân ở đâu đó. Đời người thì hữu hạn nhưng văn chương đích thực sẽ bền bỉ, dài lâu. Thầy Sơn và những tác phẩm của thầy vẫn sống mãi trong tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ, trân trọng của độc giả nhiều thế hệ...

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]