(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất cổ Hoằng Hóa nằm ở hạ lưu sông Mã, vốn nổi tiếng là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và rất giàu giá trị. Thậm chí, như nhiều nhận định thì nơi đây, mỗi ngọn núi, khúc sông đều in dấu lịch sử và văn hóa. Đặc biệt, Hoằng Hóa được xem là một vùng văn hóa dân gian, với nhiều loại hình đặc sắc vẫn còn được gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Hoằng Hóa – một vùng văn hóa dân gian đặc sắc

Vùng đất cổ Hoằng Hóa nằm ở hạ lưu sông Mã, vốn nổi tiếng là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và rất giàu giá trị. Thậm chí, như nhiều nhận định thì nơi đây, mỗi ngọn núi, khúc sông đều in dấu lịch sử và văn hóa. Đặc biệt, Hoằng Hóa được xem là một vùng văn hóa dân gian, với nhiều loại hình đặc sắc vẫn còn được gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Hoằng Hóa – một vùng văn hóa dân gian đặc sắcTiết mục múa, hát làn điệu dân ca truyền thống của người cao tuổi xã Hoằng Thịnh. Ảnh: Tư liệu

Nhắc đến Hoằng Hóa là nhắc đến các lễ hội dân gian, gắn với các nhân vật lịch sử, tín ngưỡng cổ truyền và sự hình thành làng, xã từ xa xưa. Thường lệ, cứ vào mùa xuân, nhất là tháng Giêng, tháng Hai, nhiều làng lại mở hội hay tổ chức kỳ đại tế. Nổi bật phải kể đến các lễ hội/kỳ đại tế ở nghè làng Bưng thờ Lê Phụng Hiểu; nghè Trinh Hà thờ Triệu Việt Vương; nghè Phú Khê thờ Chu Minh, Chu Tuấn; nghè Bột Thái, Bột Thượng thờ Nguyễn Tuyên; ở nghè Hà Lộ thờ Sát Hải đại vương; ở nghè Tến thờ Lê Phụng Hiểu... Trong đó, lễ hội làng Bột Thái, Bột Thượng (xã Hoằng Lộc) từ xưa đã được tổ chức theo lệ: Những năm được mùa, làm ăn khấm khá, không có tang các bậc chức sắc, làng mở hội linh đình gọi là đại kỳ phúc. Ngày 8 tháng Giêng, làng cho đóng đình đụn bằng tranh, tre, luồng tại đền Áng. Đình đụn được đóng rất nhanh vì có sẵn quy cách, kích thước. Đầu giờ Dần, sau hồi trống, các trai làng bắt tay vào công việc dựng đình. Trước đình đụn dựng một kỳ đài, áng Bột Thượng cờ đề 4 chữ lớn “Thượng đức như xuân”; còn cờ của áng Bột Thái cũng đề 4 chữ “Thái bình hành lạc”. Các vị trí thờ trong đình đụn cũng được phân chia rõ ràng, gồm Thành hoàng làng và các vị đủ tiêu chuẩn tòng tự theo lệ làng quy định (đỗ đại khoa, giữ chức quan cao...). Khi làng mở hội, các thủ tục được cử hành rất trang trọng. Dân làng được nghe “thúc ước văn” thấm sâu lời khuyên răn về đạo lý làm người, khuyến thiện, trừ ác: “Đất có người đất mới mở mang/ Người được đất người càng đúc chuốt”. Bên cạnh phần lễ, hội làng còn náo nhiệt với các xới vật được dựng ngay trước sân đình. Người cầm chịch đóng khố, chít khăn, điều khiển các keo vật bằng trống. Ngày hội vật ở đình Bảng Môn có treo câu đối “Bái thủ khấu đầu, lưỡng hạ la tiền tranh hướng dũng/ Biền kiên xí túc, tứ bàng diện nội lạc quan quang” (nghĩa là: Tay bắt đầu kề, khua múa 2 bên giành đắc thắng/ Vai so chân dậm, tưng bừng bốn phía rộn hân hoan). Ngoài đấu vật, các làng còn tổ chức thi đấu cờ tướng, họa thơ, hát ca công... Tối đến còn dựng rạp mời phường tuồng ở Phú Khê về diễn.

Cũng như nhiều làng, xã trong tỉnh, người dân Hoằng Hóa cũng hết sức coi trọng tín ngưỡng thờ Thành hoàng. Bởi Thành hoàng được xem là thần linh cai quản và che chở cho đời sống người dân cũng như sự an ổn, thịnh vượng của làng. Ở Hoằng Hóa, phần đa các Thành hoàng được thờ phụng đều là phúc thần, gồm thiên thần/nhiên thần và nhân thần. Chẳng hạn, các thiên thần/nhiên thần như Bắc Đẩu tinh quân, Đô Tích lịch quang (thần Sấm Chớp), Ngu Giang tôn thần (thần thuồng luồng), Hải Giác long vương, Đại Mộc tôn thần... Các nhân thần (anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, tổ nghề, người bình thường) như Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Trần Khát Chân, Bà chúa Ngựa, người ăn xin, người chết trôi, người lái đò... Tín ngưỡng thờ Thành hoàng phản ánh nhân sinh quan và thế giới quan của con người. Đồng thời, Thành hoàng làng xã nào là tấm gương phản chiếu làng xã ấy. Bởi qua vị Thành hoàng được thờ phụng, người ta có thể hiểu được đôi điều về dân phong của làng ấy. Thậm chí, Thành hoàng là biểu tượng của lịch sử, văn hóa, đạo đức, luật lệ và hy vọng của làng; đồng thời, đó là một thứ “quyền uy siêu việt”, “sợi dây liên hệ vô hình” có khả năng cố kết làng thành một cộng đồng chặt chẽ.

Hoằng Hóa cũng được biết đến là nơi sản sinh ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Đó là các trò gắn với lao động sản xuất như trò bắt lợn, trò đan lát, thu dựng cột nhà...; các trò đậm tinh thần thượng võ như vật cù, vật người, đấu roi, đi quyền, chạy thi, kéo co, leo cột mỡ, đua thuyền...; các trò trí tuệ như cờ thẻ, cờ người, tổ tôm điếm...; các trò gắn với sinh hoạt hàng ngày như làm bánh, thi nấu cơm, đồ xôi, làm cỗ...; các trò gắn với sinh hoạt văn nghệ như họa thơ, đối câu đối... Tựu chung, ý nghĩa của các trò đều nhằm ca ngợi tài năng, sức mạnh và lòng nhân ái của con người. Điển hình trong đó phải kể đến trò đua thuyền được tổ chức ở nhiều làng vào các dịp lễ hội hay kỳ đại tế (ví như các làng Bái Xuyên, Hội Triều, Hữu Khánh, Nghĩa Hương, Nguyệt Viên...). Song, đặc sắc hơn là từ đua thuyền trên sông nước được “nghệ thuật hóa” thành trò chèo chải (hay chèo cạn) ở Trinh Sơn (Hoằng Giang) và Ích Hạ (Hoằng Quỳ). Ngoài ra, nhắc đến Hoằng Hóa cũng là nhắc đến “sân khấu nghệ thuật” của hát ca công hay hát nhà trò, hát ca trù; hội trống quân; hát tuồng, hát chèo; các điệu múa (múa nến, múa đội đèn, múa bài bông, múa xanh ngô, múa tứ linh, múa trống quân, múa phướn, múa quạt, múa hoa, múa rước voi...).

Các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được hình thành, tồn tại và phát huy trong đời sống hiện nay, đã và đang góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hướng đến xây dựng nền văn hóa mới – vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trần Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]