(Baothanhhoa.vn) - Đi qua “hành trình thế kỷ” với không ít thăng trầm, Sầm Sơn ngày nay đang có được sắc vóc, vị thế và đẳng cấp mới. Đó là diện mạo của đô thị du lịch trẻ tràn đầy sức sống và khát vọng phát triển như cánh buồm no gió căng mình rẽ sóng vươn khơi...

Kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022

“Hành trình thế kỷ” khẳng định vị thế và thương hiệu!

Đi qua “hành trình thế kỷ” với không ít thăng trầm, Sầm Sơn ngày nay đang có được sắc vóc, vị thế và đẳng cấp mới. Đó là diện mạo của đô thị du lịch trẻ tràn đầy sức sống và khát vọng phát triển như cánh buồm no gió căng mình rẽ sóng vươn khơi...

“Hành trình thế kỷ” khẳng định vị thế và thương hiệu!

Diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn. Ảnh: Khôi Nguyên

Tạo dựng nền móng

Sự ra đời của dải đất mang tên Sầm Sơn là bản hòa ca của mênh mang sóng nước, bão tố và những cồn cát nóng bỏng. Theo quy luật “đất tiến biển lùi” và sự kiên trì của dãy Trường Lệ như con đê thiên tạo, đã chở che và vun đắp nên sự sống cho dải đất này. Nhưng rồi, trải qua nhiều thế kỷ bươn bả theo bước chân những người khai mở xóm làng, Sầm Sơn vẫn là vụng biển hoang sơ. Phải đến những năm đầu thế kỷ XX khi đặt chân đến đây, những người Pháp sành sỏi ăn chơi đã phát hiện ẩn sau ngút ngàn phi lao và gió cát, Sầm Sơn là “viên ngọc thô” cần được mài giũa mới tỏa ra ánh sáng và vẻ đẹp vốn có. Và quả thật “nghề chơi cũng lắm công phu”, khi người Pháp đã dày công khảo sát, nghiên cứu đủ các điều kiện từ thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình; đến việc đong đếm đủ các chỉ số màu nước, độ mặn, chất khoáng, độ cao sóng, nền cát, bãi tắm và khám phá mọi ngóc ngách của dãy Trường Lệ. Để đến năm 1907, bắt đầu xây dựng Sầm Sơn trở thành khu nghỉ dưỡng dành riêng cho quan lại Pháp, Việt và giới thượng lưu, quý tộc thời bấy giờ.

Trải qua nhiều biến động do chiến tranh và các yếu tố khách quan, chủ quan mà Sầm Sơn – với vai trò là điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng khắp Đông Dương – đã dần rơi vào quên lãng. Để rồi, những “Sầm Sơn haut” – với lâu đài, biệt thự án ngữ trên hòn Cổ Giải và “Sầm Sơn Bas” – với phố xá buôn bán sầm uất, tấp nập, đã gần như mất dấu và trở thành một phần “ký ức” hay “một chương đã qua” trong lịch sử hình thành và phát triển của dải đất này. Phải chờ đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, vai trò của Sầm Sơn mới một lần nữa được “định giá” lại và vị thế của du lịch cũng từ đó được nhìn nhận đúng hơn. Sầm Sơn đẹp ở cảnh sắc, nhưng Sầm Sơn còn quý hơn nhờ “vị thuốc” tự nhiên từ nước biển. Đó cũng là cơ sở để năm 1989, sự kiện khai trương hè Sầm Sơn, gắn với tiêu chí “sức khỏe – kinh tế - bạn bè”, đã một lần nữa mở ra cánh cửa phát triển cho Sầm Sơn. Thế nhưng, từ nhận thức đến hành động vốn dĩ luôn có khoảng cách và khi nhận thức chưa “tới tầm” thì hành động tất chưa “tới đích”. Suốt nhiều năm sau đó, do cách làm du lịch kiểu chộp giật, quản lý yếu kém và nhất là văn hóa ứng xử thiếu tế nhị, đã cản trở thậm chí kéo lùi sự phát triển của du lịch Sầm Sơn.

Rõ ràng từ hơn 1 thế kỷ trước, Sầm Sơn đã được khẳng định là bãi tắm tốt nhất cho việc nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe. Đồng thời, vẻ đẹp bình yên, hài hòa và thơ mộng của núi non và biển cả cũng là điều kiện tiên quyết để biến Sầm Sơn thành một trong những đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp hàng đầu Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để từ “nền móng” ban đầu ấy mà đánh thức tiềm năng, chuyển hóa thành lợi thế. Nói cách khác, Sầm Sơn thực sự cần một “cú hích” mạnh mẽ để “thoát xác” và “làm mới” mình, nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị du lịch hiện đại, đẳng cấp và giàu bản sắc. “Hành trình thế kỷ” biến “viên ngọc thô” trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, là hành trình đổi mới từ trong tư duy, nhận thức và quyết tâm, quyết liệt trong hành động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thành phố.

Và “cú hích” như vậy đã đến khi ngày 9-6-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị xã Sầm Sơn, nhằm đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo, kêu gọi, thu hút đầu tư và ưu tiên vốn ngân sách để từng bước hiện đại hóa đô thị du lịch này. Sầm Sơn lúc bấy giờ ví như một “đại công trường”, với hàng chục dự án hạ tầng, cơ sở vật chất được triển khai nhanh chóng. Ví như dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương (đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài), có chiều dài 3,5km với tổng mức đầu tư 386,4 tỷ đồng, đã trả lại diện mạo cho tuyến huyết mạch của Sầm Sơn, cũng là con đường đẹp nhất uốn lượn dọc bờ biển. Hay các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ từ nguồn vốn doanh nghiệp, mà điển hình là dự án Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn (có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 5.500 tỷ đồng); dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, có tổng mức đầu tư 315,923 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái hai bên bờ sông Đơ có tổng mức đầu tư 803,778 tỷ đồng... Và đặc biệt vinh dự khi ngày 19-4-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là dấu mốc quan trọng để mở ra giai đoạn phát triển mới và toàn diện cho Sầm Sơn.

Mở rộng tầm nhìn

Kỳ vọng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển có bản sắc, thương hiệu, hiện đại và đẳng cấp là có cơ sở vững chắc, nhờ lợi thế tự nhiên và văn hóa giàu bản sắc. Song, quan trọng hơn và cũng là nhân tố quyết định nhất cho sự vươn dậy của Sầm Sơn là chiến lược bài bản và nguồn lực đầu tư lớn.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Sầm Sơn đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội và kiến tạo đô thị. Theo đó, kinh tế tăng trưởng cao, năng lực và quy mô sản xuất ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 17,8%; tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 15.885 tỷ đồng, gấp 2,71 lần năm 2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 57,72 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2015. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, với tốc độ tăng bình quân ước đạt 17,4%, giá trị sản xuất ước đạt 35.412 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hằng năm đạt 26,7%, giá trị sản xuất ước đạt 10.639 tỷ đồng... Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, song tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) của thành phố vẫn tăng 18% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 717,965 tỷ đồng, bằng 149% dự toán tỉnh giao... Còn riêng lĩnh vực du lịch, trong giai đoạn 2016–2020, thành phố đã đón được 22,53 triệu lượt khách, tăng bình quân hằng năm 8,9%; doanh thu đạt 19.212 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 19,4%/năm (chiếm trên 50% tổng lượt khách và doanh thu du lịch của tỉnh).

Những con số tăng trưởng khá ấn tượng trên đã thổi một “làn gió mới” vào sự phát triển của Sầm Sơn. Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến là lần đầu tiên Sầm Sơn được xướng danh ở hạng mục cao quý “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam” (năm 2017), bên cạnh những cái tên đắt giá bậc nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Khu du lịch Bà Nà Hills (TP Đà Nẵng), Khu du lịch Vinpearl Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Khu du lịch Vinpearl Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Nhờ đó, giá trị thương hiệu du lịch Sầm Sơn đã được nâng lên một bậc cả về chất lượng và đẳng cấp. Đồng thời, đây cũng là minh chứng thuyết phục cho sự “thay da đổi thịt” của đô thị du lịch biển, hay đánh dấu sự trở lại xuất sắc của Sầm Sơn trên bản đồ du lịch Việt Nam, sau “khoảng lặng” dài do vướng không ít điều tiếng về cách làm du lịch và văn hóa du lịch. Đặc biệt, đây cũng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng, nhằm tạo dựng hình ảnh kỷ cương, văn minh, thân thiện và hấp dẫn cho Sầm Sơn.

Với tiềm năng du lịch dồi dào và dư địa lớn cho phát triển, Sầm Sơn hiện đang trở thành “nam châm” thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, giàu kinh nghiệm, với hàng loạt các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Điển hình như dự án Sầm Sơn golf links và khu đô thị sinh thái FLC giai đoạn 2, có tổng vốn đầu tư 6.218 tỷ đồng; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao (đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên). Đặc biệt, Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời đang triển khai đầu tư “siêu dự án” Quảng trường biển - Tổ hợp đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ đưa du lịch Sầm Sơn bước vào một giai đoạn phát triển mới, với các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thật sự nổi trội, thu hút du khách trong và ngoài nước suốt 4 mùa.

“Hành trình thế kỷ” khẳng định vị thế và thương hiệu!

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất là điều kiện để thúc đẩy du lịch Sầm Sơn phát triển.

Ngày nay, khi du lịch ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế như là một trong những ngành kinh tế hàng đầu thúc đẩy phát triển, thì việc đầu tư cho du lịch với chiến lược và tầm nhìn phù hợp càng trở nên cấp thiết. Đối với Sầm Sơn - thành phố du lịch trẻ, đầy sức sống – yêu cầu ấy càng cấp bách hơn bao giờ hết. Để “rộng đường phát triển”, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất: dịch vụ chiếm 84,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 14,3%; nông, lâm, thủy sản chiếm 1,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng/năm. Thành phố phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I (trừ diện tích và dân số)... Đồng thời, tầm nhìn đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thành phố tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2030. Đồng thời, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là ngành du lịch theo hướng đa dạng, bền vững, chất lượng và giá trị cao; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố lễ hội bốn mùa, với nhiều chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, hấp dẫn; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, nguồn nước, không khí... nhằm hướng đến các giá trị cao hơn là “du lịch xanh”, “du lịch có trách nhiệm”, “du lịch bền vững”.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]