(Baothanhhoa.vn) - Nói về lịch sử xuất hiện của người Dao trên mảnh đất Thanh Hóa, sách “Le Thanh Hoa” của C. Robequain có đoạn ghi: “Người Mán đến Thanh Hóa khoảng năm 1905. Lúc đó, vài gia đình Mán bỏ các làng Vĩnh Đồng và Kim Bôi (châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) nơi mà họ đã ở được 30 năm và sau 4 ngày đi bộ họ đến ở làng Điền Hạ, tổng Điền Lư, châu Quan Hóa”. Do số lượng ít, lại đến muộn nên họ bị các Thổ ty bóc lột hoặc đuổi đi nơi khác. Tuy vậy người Dao vẫn bám đất, bám rừng để duy trì sự sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Nói về lịch sử xuất hiện của người Dao trên mảnh đất Thanh Hóa, sách “Le Thanh Hoa” của C. Robequain có đoạn ghi: “Người Mán đến Thanh Hóa khoảng năm 1905. Lúc đó, vài gia đình Mán bỏ các làng Vĩnh Đồng và Kim Bôi (châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) nơi mà họ đã ở được 30 năm và sau 4 ngày đi bộ họ đến ở làng Điền Hạ, tổng Điền Lư, châu Quan Hóa”. Do số lượng ít, lại đến muộn nên họ bị các Thổ ty bóc lột hoặc đuổi đi nơi khác. Tuy vậy người Dao vẫn bám đất, bám rừng để duy trì sự sống.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Phụ nữ dân tộc Dao trong trang phục truyền thống.

Đến những năm 60 của thế kỷ XX, người Dao mới hình thành nên những chòm bản định cư lâu dài. Rồi từ 10 chòm Dao Quần Chẹt ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc trở thành 10 làng Dao đông đúc. Theo một điều tra xã hội học được tiến hành vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, thì người Dao ở Thanh Hóa tập trung chủ yếu ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Mường Lát và số ít ở các huyện Thạch Thành, Bá Thước. Bên cạnh một số làng người Dao chiếm số đông (ở Cẩm Thủy), thì phần đa người Dao sống xen kẽ với người Mường, Kinh, Thái, Mông. Tuy số lượng ít lại sống xen kẽ, song người Dao luôn có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Văn hóa truyền thống dân tộc Dao được thể hiện trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đó là tập quán sản xuất, cư trú, sinh hoạt (ăn, ở, đi lại...); trong các nghi thức của đám cưới, đám tang, tín ngưỡng, lễ hội... Trong đời sống văn hóa – tinh thần người Dao nổi bật hơn cả phải kể đến tết Nhảy (hay múa Rùa), gắn với chuyện Bàn Hồ kể về lai lịch, sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di cư của họ để tìm mảnh đất định cư lâu dài. Tết Nhảy nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện tinh binh để bảo vệ cuộc sống, sinh hoạt gia đình; cũng đồng thời là cách họ tưởng niệm về nguồn gốc và số phận lịch sử của dân tộc mình. Tết Nhảy cũng thường được tổ chức trong đám tang, do quan niệm của người Dao, chết tức là vĩnh biệt mọi người ở chốn trần gian để đến với tổ tiên ở thế giới bên kia. Vậy nên vào tối ngày thứ 2 của đám tang, thầy cúng sẽ cúng kể về nguồn gốc của người Dao, quá trình người Dao di cư đến Việt Nam. Ở đây, họ đã tìm được đất lành để an cư lạc nghiệp và mảnh đất yêu người này đã giữ chân họ, trở thành quê hương – nơi người già nằm xuống lại có lớp trẻ kế cận tiếp tục vun đắp cuộc sống.

Đặc biệt, trong lễ mãn tang người chết, người Dao thường kết hợp làm lễ qua tang (Cấp Sắc) cho một vài người trong dòng tộc. Người chết đi, kế tiếp họ là những người đang sống. Lễ Cấp Sắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Qua nghi lễ này nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Vậy nên, đây cũng là nghi thức lớn nhất cả về vật chất và ý nghĩa tinh thần, tâm linh dành cho người đàn ông Dao. Trước đây, để tổ chức lễ Cấp Sắc, nhiều gia đình thường phải chuẩn bị từ 3 con lợn, 40 lít rượu, 1,5 tạ gạo và 5 con gà; sau đó mời 7 thầy cúng cúng suốt 2 ngày 2 đêm mới xem như viên mãn.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tang ma của người Dao là một hệ thống các nghi lễ rất quan trọng của vòng đời người, được trao truyền và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những nghi lễ này được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính vừa thể hiện sự thương tiếc và biết ơn của người sống đối với người đã khuất. Vậy nên trước đây các nghi thức này được tiến hành rất phức tạp và tốn kém. Ngày nay, cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, các nghi thức đã dần trở nên đơn giản hơn, song vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của dân tộc Dao. Đặc biệt, nhìn dưới góc độ bản sắc văn hóa tộc người, thì nghi thức tang ma bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao ở các góc độ tâm linh, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn... Đồng thời, phản ánh quan niệm về cuộc sống và đặc biệt là thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Trong văn hóa truyền thống dân tộc Dao, trang phục có một vị trí rất đặc biệt. Trang phục gồm y phục và đồ trang sức, cũng được xem là kết quả từ sự giao thoa giữa môi trường sống, kỹ thuật chế tác đồ trang sức và quan niệm thẩm mỹ của dân tộc Dao. Trong đó, trang phục truyền thống dành cho phụ nữ Dao là nổi bật hơn cả, với áo dài, yếm, quần dài, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và đồ trang sức bằng bạc (vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và bộ xà tích). Người Dao có câu “Sinh nam hay chữ, sinh nữ hay kim”. Vậy nên trước đây, các thiếu nữ Dao khi đi lấy chồng phải có bộ quần áo dân tộc tự tay mình thêu rồi may. Cho nên, phụ nữ cũng là người góp phần gìn giữ vốn văn hóa truyền thống đặc sắc này. Ngày nay, cùng với quá trình giao thoa văn hóa, nhất là xu hướng “Kinh hóa” trang phục, nên trang phục truyền thống người Dao thường chỉ xuất hiện nhiều trong các dịp đặc biệt như nghi thức truyền thống, lễ, tết.

Bản sắc văn hóa dân tộc Dao còn được thể hiện đậm nét qua một số lễ hội đặc trưng như lễ hạ điền (cầu mùa) vào tháng tư; tết năm cùng... Đặc biệt là các tín ngưỡng và nghi lễ liên quan đến nông nghiệp. Bắt nguồn từ tín ngưỡng đa thần nguyên thủy nên trong quan niệm của người Dao, cây cối và vật nuôi đều có linh hồn, có sống – chết, có cảm xúc. Đồng thời, con người và cây trồng có mối quan hệ với nhau thông qua quá trình gieo trồng, chăm bón và nhất là qua các nghi lễ, như lễ cúng ma nương, lễ cầu mùa và diệt trừ sâu bọ, lễ cúng hồn lúa, lễ tế mẹ lúa, lễ cúng cơm mới, lễ cúng lúa giống... Điển hình như lễ cúng ma nương được gia chủ thực hiện khi phát nương. Nghi lễ này là nhằm cầu mong thần đất trông nom, bảo hộ cây lúa, cây màu được tốt tươi để thu hoạch bội thu. Lễ cúng cơm mới được tiến hành khi lúa sắp được thu hoạch (người Dao Đỏ) hoặc khi việc thu hoạch đã hoàn tất (người Dao Quần Chẹt). Người ta chọn ngày tốt, chọn lúa mới gặt nấu cơm để làm lễ cúng tổ tiên, khấn mời ma nhà, ma nương phù hộ cho mùa sau tươi tốt, gia chủ no ấm...

Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của nhiều yếu tố khách quan (lịch sử, xã hội, giao thoa văn hóa các dân tộc) và yếu tố chủ quan xuất phát từ chính nhu cầu của đồng bào, nên văn hóa truyền thống đồng bào Dao đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi theo hướng tích cực, gắn với việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa mới. Cho nên, những gì còn được gìn giữ cho đến ngày nay, đều thuộc về cái phần bản sắc văn hóa tộc người rất cần được gìn giữ và phát huy. Qua đó, để văn hóa truyền thống dân tộc Dao hòa quyện và trở thành một phần của bản sắc văn hóa xứ Thanh.

Bài và ảnh: Trần Giang


Bài và ảnh: Trần Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]