(Baothanhhoa.vn) - Từ Quốc lộ 1A, rẽ vào con đường nhỏ rợp bóng cây thuộc xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), đi thêm quãng độ mấy chục mét là thấy hiện ra trước mắt ngọn núi Tùng - nơi khép lại cuộc đời, chốn an nghỉ vĩnh hằng của nữ tướng Triệu Thị Trinh - nữ anh hùng dân tộc, niềm tự hào của đất và người xứ Thanh nói riêng, dân tộc Việt nói chung.

Ghi ở đỉnh núi Tùng...

Từ Quốc lộ 1A, rẽ vào con đường nhỏ rợp bóng cây thuộc xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), đi thêm quãng độ mấy chục mét là thấy hiện ra trước mắt ngọn núi Tùng - nơi khép lại cuộc đời, chốn an nghỉ vĩnh hằng của nữ tướng Triệu Thị Trinh - nữ anh hùng dân tộc, niềm tự hào của đất và người xứ Thanh nói riêng, dân tộc Việt nói chung.

Ghi ở đỉnh núi Tùng...Nơi an giấc ngàn thu của bà Triệu trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc).

Theo sử sách, Bà Triệu sinh ra và lớn lên tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định). Ngay từ thuở thiếu thời, Bà Triệu đã tỏ rõ chí khí hơn người. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, thù nhà phải báo, Bà Triệu đã cùng người anh của mình là Triệu Quốc Đạt tại vùng núi Nưa lau lách hoang sơ, địa hình hiểm trở ngày đêm tập hợp lực lượng, phất cờ khởi nghĩa. Và câu nói của người con gái họ Triệu khi tuổi đời còn quá trẻ vẫn mãi là đại diện cho khí phách hiên ngang, bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ đất Việt, muôn đời rạng ngời trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Mặc dù chiến đấu rất kiên cường, có thời điểm nghĩa quân liên tiếp khiến quân địch hoảng sợ, bạt vía, nhiều thành ấp của giặc Ngô lần lượt bị triệt hạ. Sau cùng, vì kế sách đê hèn của quân giặc, nghĩa quân thất thế. Trước sự truy đuổi ráo riết của quân địch, Bà Triệu phải rút về núi Tùng. Bà quỳ xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tuẫn tiết vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn - 248. Cũng chính trên đỉnh ngọn núi này, khu lăng, mộ Bà Triệu được xây dựng. Và cách đó không xa, trên ngọn núi Gai (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc), đền Bà Triệu được Nhân dân dựng xây, tỏa bóng anh linh.

Khu lăng, mộ Bà Triệu trên núi Tùng có không gian mở, hòa vào cảnh sắc thiên nhiên. Theo các tài liệu khảo sát, khảo cứu ghi chép: Lối vào lăng bắt đầu từ nghi môn nằm dưới chân núi với 4 trụ biểu, có hình thức như nghi môn trung tại đền Bà Triệu với 2 trụ biểu chính giữa cao, đỉnh trụ hình tứ phượng. Đỉnh của trụ biểu hai bên có linh vật - nghê chầu. Thân trụ là lồng đèn chạm hình tứ linh, chân trụ hình cổ bồng.

Dạo bước qua nghi môn, trong tiếng gió xào xạc, hậu nhân nghiêm cẩn chắp tay vái lạy, thắp nén hương thơm cúi đầu thành kính trước 3 ngôi mộ nằm gần bên nhau dưới chân núi Tùng, ngay cạnh lối đi lên lăng tháp và mộ Vua Bà. Đây là những ngôi mộ thờ 3 anh em họ Lý, người làng Bồ Điền (xã Triệu Lộc) là tùy tướng dũng mãnh, trung thành của Bà Triệu. Thương xót trước sự ra đi của nữ chủ tướng, ba anh em nhà họ Lý nguyện giữ trọn lời thề trung thành, đã cùng nhau quyên sinh dưới chân núi Tùng, canh giữ đời đời cho nữ chủ tướng an nghỉ.

Ghi ở đỉnh núi Tùng...Khu mộ thờ 3 anh em nhà họ Lý - thuộc tướng trung thành của Bà Triệu dưới chân núi Tùng.

Từ dưới chân núi, hậu nhân tiếp tục bước đi trên hơn 300 bậc đá, độ dốc khá lớn để đến với khu lăng. Theo mỗi bậc thang, con người bỗng chốc thấy mình như nhỏ bé lại trước cái rộng lớn, khoáng đạt của thiên nhiên, thấy trời xanh xa mà cũng thật gần. Người đứng trên đỉnh núi Tùng có thể phóng tầm mắt bao quát khắp cảnh bình yên, trù phú của làng mạc mà ngưỡng vọng công đức bậc tiền nhân. Tháp lăng hình trụ đứng (tứ giác) nhỏ dần về phía đỉnh gồm 2 tầng mái: có chiều cao từ mặt nền đến đỉnh là 5,8m. Mái lăng làm theo kiểu mái kiệu long đình, đỉnh lăng gắn hình nậm rượu. Toàn bộ lăng được chế tác từ đá xanh nguyên khối, bên trong đặt bát hương, mặt chính của Lăng đặt bàn thờ bằng đá. Cấu trúc mộ Vua Bà có cửa hình vòm ra 4 phía, mái tạo dáng cong ở các góc, đỉnh mộ gắn cầu tròn. Ngoài ra, trên đỉnh núi Tùng còn có tháp chúa, cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối, vuông bốn mặt.

Câu chuyện về cuộc đời và công trạng của Bà Triệu tựa hồ như bản anh hùng ca. Tưởng nhớ công ơn của Bà Triệu và nghĩa quân, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tổ chức thờ phụng như: nghè Trúc - Định Tiến (Yên Định), Khu Di tích lịch sử quốc gia Am Tiên – núi Nưa (Triệu Sơn)... Tại Triệu Lộc (Hậu Lộc), quần thể Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (khu lăng, mộ trên núi Tùng, đền Bà Triệu ở núi Gai, đình làng Phú Điền) được các thế hệ cháu con chung tay gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, là điểm hẹn tâm linh quan trọng của cả nước. “Trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, lễ hội đền Bà Triệu đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống - di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, quý báu, niềm tự hào của đất và người Triệu Lộc nói riêng, xứ Thanh nói chung” – ông Đặng Văn Cường, người trông coi đình làng Phú Điền chia sẻ.

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 19 đến 24-2 âm lịch hằng năm; vào các năm chẵn, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn. Theo các cụ cao niên trong làng: Lễ hội diễn ra tuần tự từ đền - lăng, mộ - đình. Từ trước những ngày chính hội, dân làng đã làm lễ mục dục, chuẩn bị chu đáo trang phục, đồ lễ, khí tự, cờ, quạt, kiệu, quân kiệu... Các hoạt động chính, làm nên nét đặc sắc, độc đáo trong lễ hội đền Bà Triệu gồm: tế phụng nghinh, rước bóng (rước kiệu). Đoàn rước gồm 5 kiệu: Hương án, bát cống, song loan, long đình, kiệu võng; mỗi kiệu có hàng chục quân kiệu. Đoàn rước đi từ đền đến lăng, mộ sau đó là vào đình phú Điền, thờ 1 ngày 1 đêm rồi tiếp tục quay trở lại đền và yên vị. Ông Đặng Văn Cường cho biết: “Trước đây, những quân kiệu được chọn phục vụ lễ hội phải ăn chay từ 1 tháng trước đó và nhiều quy định nghiêm. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, nhiều quy định cũng được điều chỉnh nhưng không làm mất đi sự trang nghiêm, cẩn trọng”.

Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ phải tạm gác lại, quy mô lễ hội đền Bà Triệu phải thu hẹp trong các nghi thức tế lễ, không tổ chức lễ rước kiệu hay các trò chơi, trò diễn dân gian... Xuân Quý Mão 2023, trong không khí hân hoan của đất trời, rạo rực của lòng người, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lễ hội đền Bà Triệu sẽ được tổ chức long trọng, quy mô với nhiều hoạt động ý nghĩa, độc đáo. Như một lời ước hẹn, du khách thập phương đến với mảnh đất Triệu Lộc trẩy hội cùng du xuân...

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]