(Baothanhhoa.vn) - Không  nơi nào ở Việt Nam có nhiều cảnh đẹp như Thanh Hóa, nương ý này của cố GS. Hoàng Xuân Hãn, tôi cho rằng, không  nơi nào trên đất Thanh có nhiều thắng tích bằng Nga  Sơn. Nga Sơn có biển, sông, núi, rừng, ruộng đồng, với vô  vàn di tích, danh thắng kết nối nhau trên dặm dài   lịch sử, bằng  những huyền tích, cổ tích, truyền thuyết và bao chuyện tình mê đắm.

Du lịch Nga Sơn – “mỏ vàng” đất Tiên bao giờ lấp lánh?

Không nơi nào ở Việt Nam có nhiều cảnh đẹp như Thanh Hóa, nương ý này của cố GS. Hoàng Xuân Hãn, tôi cho rằng, không nơi nào trên đất Thanh có nhiều thắng tích bằng Nga Sơn. Nga Sơn có biển, sông, núi, rừng, ruộng đồng, với vô vàn di tích, danh thắng kết nối nhau trên dặm dài lịch sử, bằng những huyền tích, cổ tích, truyền thuyết và bao chuyện tình mê đắm.

Du lịch Nga Sơn – “mỏ vàng” đất Tiên bao giờ lấp lánh?Lễ hội Mai An Tiêm. Ảnh: Lê Hợi

Từ TP Thanh Hóa, theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, qua thị trấn Hà Trung, rẽ phải hướng Đông, độ bốn chục cây số, tôi trở lại động Từ Thức (xã Nga Thiện). Lối về thật dễ dàng, đường êm ả, không còn trúc trắc như trước, cảnh vật hai bên cùng đua sắc. Khuôn viên và nhà phục vụ du khách được xây dựng khá đẹp, thoáng đãng, ngay dưới chân núi. Cụ già dẫn truyện thông thạo đông tây kim cổ thuở nọ đã về với vĩnh hằng? Cây mít già ngả những cành tay cho chúng tôi ghé lưng nghỉ trưa giữa nắng, cũng đã đi vào thiên cổ... Nhưng tới ba cung trong Động - như kể về hành trình của chàng Từ Thức từ khi gặp Tiên, rũ bỏ áo quan, những núi gạo, kho tiền, vàng, giàn đàn đá, cảnh “rồng ấp”, nơi tắm táp của nàng Giáng Hương, rồi đường lên Tiên, đường xuống cõi âm, bút tích Hán tự của những văn nhân mặc khách thời xa xưa... vấn vương, khó dời chân cho được. Bên dãy núi đá vôi Tam Điệp, dòng sông Hoạt, nơi khởi đầu hành trình vào Nga Sơn, mảnh đất Nga Thiện rộng lớn chứng kiến biết bao kiến tạo của thiên nhiên, đậm đặc di tích, danh thắng: Động Bạch Á, 4 cửa thông nhau, bốn mùa không khí ôn hòa, có chùa Phật; có núi Lã Vọng; rồi bia chữ Thần khổng lồ...

Theo dấu văn nhân si tình Từ Thức, đi hướng Đông Nam, chừng 4 cây số, sẽ đến chùa Tiên - Vườn đào và hoa mẫu đơn, vẫn quấn quýt nhau trong chuỗi tự tình Từ Thức - Giáng Hương. Đất Nga An là dằng dặc sự tích về quả dưa hấu Mai An Tiêm. Hệ thống hồ, núi, hang động, cả một không gian ruộng đồng trù phú với dưa hấu ngon nổi tiếng, những loại cây đặc sản xuất khẩu như ớt, dưa chuột... Kề Nga An là xã Nga Phú - mảnh đất Mai An Tiêm thả những nhát rìu đầu tiên, băm đá, đất để tỉa những hạt dưa hấu. Nơi đây, đền Mai An Tiêm ngay dưới chân núi, được tôn tạo uy nghi. Vào ngày 12 đến 14 tháng Ba âm lịch hàng năm, Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức trọng thể, tái dựng nghi thức từ cổ xưa đồng thời thể hiện dung mạo, khí thế lao động sáng tạo của đất và người trong vùng quê từng là biển nước mênh mông thuở khai thiên lập địa.

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Thần Phù, một cửa biển trên hải trình Bắc - Nam, nơi từng diễn ra không ít sự biến binh đao. Nay thì cửa Thần Phù đã “an trí” tận sâu trong đất liền - xã Nga Điền, Nga Phú, Nga Thiện. Vùng cửa biển Thần Phù giờ vẫn vần vụ mây ngàn, những lãng đãng hào khí, những mộng mơ cánh buồm, những trầm tích bí kỳ và vẫn nguyên sơ động Lục Vân, núi Chích Trợ, núi Rồng Hổ tranh ngọc... Nga Điền huyền hoặc, bởi những ngẫu nhiên của vạn vật. Ở đây, du khách có thể chiêm bái chùa Hàn Sơn, còn gọi là chùa Thần Phù, bàn cờ Tiên – lại là Tiên, thật quá nhiều... Tiên!

Một Nga Sơn ngời ngợi truyền thống kiên cường, dũng cảm đấu tranh chống chọi với thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Cái ngày giặc Pháp đặt chân đến đất Việt, năm 1886, những nông dân áo vải Nga Sơn, dưới sự lãnh đạo của các chí sĩ yêu nước: Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, đứng lên theo Chiếu Cần vương, lập chiến khu kháng Pháp, nhằm ngăn chặn Pháp ngay cửa ngõ miền Trung và tỏa ra đánh pháp trên khu vực đồng bằng phía Bắc. Chỉ bằng những nguyên vật liệu thô sơ là tre nứa, rơm rạ,... họ xây nên pháo đài tử thủ với quân thù trên đất đồng lầy 3 làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê (xã Ba Đình). Ngày nay, những dấu ấn vẫn in đậm trên đất Ba Đình và vùng lân cận. Tên Ba Đình được đặt cho Quảng trường Ba Đình, cho quận Ba Đình tại Hà Nội, cho nhiều tên đường, tên trường tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước, là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống anh hùng, cách mạng.

Chừng trên 250 di tích, cảnh đẹp, trong số đó, có 7 di tích, danh thắng được xếp hạng quốc gia và 42 di tích, danh thắng cấp tỉnh tọa khắp 27 xã, thị trấn của Nga Sơn. Ngoài dưa hấu, một đặc sản Nga Sơn, nổi tiếng không thể gì khác là chiếu cói:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông.

Những cửa sông, những bãi ngang, vùng đất pha lẫn mặn ngọt dọc bờ biển nông, từ Nga Bạch kéo đến Nga Tân, chừng chục cây số, đã cho Nga Sơn loại cói trứ danh. Cói sợi thon, dài, dẻo dai. Đã thế tài hoa của người đất cói này từ bao đời nay đã làm ra những chiếu, thảm, túi, hộp đựng... rất có gu, không chỉ phục vụ trong nước mà đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Vậy nên, quy trình trồng, thu hoạch cói và sản xuất sản phẩm cói Nga Sơn rất hấp dẫn, du khách muốn nhìn tận mắt và được thực nghiệm bằng chính đôi tay của mình. Cũng chính vị đất nửa mặn, nửa ngọt đã cho thứ cá ngon là nhệch. Cách chế biến độc đáo của người Nga Sơn đã mang lại cho nhệch một hương vị đặc biệt. Món gỏi nhệch, cùng với rượu nếp Chính Đại, dê núi – loại dê được ăn lá, hoa, cỏ, uống nước nguồn trên dãy núi Tam Điệp, chế biến theo cách ủ trấu... làm thành thương hiệu ẩm thực Nga Sơn.

Vô vàn những thứ, những chuyện để khêu gợi người muôn phương. Nắm bắt thế mạnh đó, từ năm 2009, Nga Sơn đã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, với mục tiêu đưa kinh tế du lịch tăng nhanh, thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, di sản và môi trường sinh thái. Theo đó, đến năm 2020 sẽ đạt 613.600 lượt khách (trong đó có 13.600 lượt khách quốc tế và 600.000 lượt khách nội địa) đạt doanh thu 26,56 tỷ đồng. 5 vùng du lịch trọng tâm được “khoanh vùng” để đầu tư: khu du lịch động Từ Thức; khu đền và lễ hội Mai An Tiêm; khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình; khu du lịch sinh thái sông Hoạt và ven biển; khu du lịch nghề chiếu cói và ẩm thực. Tầm nhìn thật sáng suốt và bước đi cũng rất nhanh. Các đường nối các điểm du lịch được mở rộng và nhựa hóa. Ngân sách Nhà nước cũng dành xây dựng hệ thống điện, viễn thông phục vụ cho các điểm du lịch. Ngân sách tuy hạn hẹp, nhưng với phương thức xã hội hóa đã đầu tư phục dựng, tôn tạo nhiều đền, chùa, lễ hội: khu du lịch động Từ Thức, được đầu tư trên 10 tỷ đồng; chùa Hàn Sơn (Nga Điền) 42 tỷ đồng; đền thờ Lê Thị Hoa (Nga Thiện) 6 tỷ đồng; khu phủ Trèo, hồ Đồng Vụa, chùa Tiên (Nga An) hàng chục tỷ đồng... Tính từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020 đã có gần 52,5 triệu lượt du khách về với Nga Sơn. Gần hai năm nay, dịch COVID-19 làm ngành du lịch cả thế giới lùi lại. Du lịch Nga Sơn cũng dậm chân tại chỗ và bây giờ đang tái khởi động. Nga Sơn đang hướng đến mục tiêu năm 2025, đón 80 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch đạt 50 tỷ đồng.

Nếu xét về tiềm năng thì con số này chưa tương xứng. Nhưng ngay cả việc hiện thực hóa những số liệu còn khiêm tốn này thì chặng đường du lịch Nga Sơn sắp tới sẽ phải có cách làm mới hơn và nhất là phải “chịu chi” hơn. Trước hết là công việc quảng bá, truyền thông. Dân ta có câu “Muốn ăn cá lớn, thả câu cho dài”. Cư dân sở tại và nhất là những cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch phải là người đi đầu trong việc tuyên truyền. Nhiều người trong họ cũng cần phải rũ bỏ được thói quen tiểu nông, kẻ cả, để tạo dựng nét đẹp văn hóa, thể hiện sự hiếu khách chân thành qua lời nói, hành vi... Lợi thế mà du lịch Nga Sơn có sẵn đó là tiếng tăm của di tích, danh thắng. Với người dân Việt, từ nơi đất mũi Cà Mau, hay địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) hầu hết đều chả lạ gì câu chuyện Từ Thức gặp Tiên, chuyện Mai An Tiêm và dưa hấu đỏ, chuyện cửa biển Thần Phù linh thiêng, hay về chiến khu Ba Đình anh dũng... và đều khát khao chiêm bái. Nhưng cụ thể là đi và đến thế nào thì phần nhiều chưa thể mường tượng. Tôi từng đến không ít các địa phương, có danh thắng, tuy không nổi tiếng bằng Nga Sơn, nhưng do được truyền bá rộng rãi mà khách du lịch đổ về nườm nượp. Hiện nay, các phương tiện truyền thông rất hữu hiệu cả về độ nhanh, nhạy, độ phủ sóng, cả về kỹ thuật, kỹ xảo hình ảnh, âm thanh. Vấn đề là phải được đầu tư để quảng bá thường xuyên, liên tục, với độ phủ sóng rộng. Ngay trên các cung đường bộ trên hướng về đất Nga Sơn, cũng cần các bảng, biển hình cổ động cho du lịch. Rồi, tại các trung tâm lớn của cả nước như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, cũng nên có hoạt động tuyên truyền trực quan về danh thắng và cách đi đến cho thêm nhiều người biết về quê hương Nga Sơn.

Vấn đề nữa là phương tiện đi lại kết nối các điểm du lịch. Hiện tại chỉ là các phương tiện nhỏ lẻ như xe ôm, tắc xi. Nhưng nên chăng nghĩ tới các chuyến xe buýt điện và xa hơn là tàu điện, vừa tiện lợi, an toàn, vừa tạo nên trải nghiệm cảnh quan cho du khách? Và như vậy, sẽ níu chân du khách đến thưởng ngoạn nhiều điểm, lưu trú nhiều thời gian hơn.

Thứ ba, đó là cơ sở lưu trú. Trên địa bàn huyện đã có các nhà nghỉ tương đối tiện nghi. Nhưng nếu để đáp ứng nhu cầu cho cả một đoàn, một tập thể có số đông thì chưa thể. Vậy nên, việc đầu tư kết nối, cũng cần được chú ý, có thể thua lỗ thời kỳ đầu, nhưng sẽ có lợi về lâu dài.

Vàng thật thì khai thác mãi sẽ cạn, nhưng “mỏ vàng” từ du lịch thì càng khai thác, sẽ càng phát sáng. Hy vọng, rồi đây, với quyết tâm lớn và những biện pháp sáng tạo, với sự đầu tư hiệu quả, “mỏ vàng” du lịch Nga Sơn sẽ sáng lên và ngày thêm lấp lánh theo thời gian.

Vân Điệp



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]