(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) trên địa bàn TP Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

TP Thanh Hóa đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Những năm gần đây, việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) trên địa bàn TP Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

TP Thanh Hóa đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc giaCơ sở vật chất, khuôn viên Trường Tiểu học Quảng Tâm được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tiêu chí trường đạt CQG mức độ II.

Cô giáo Thiều Thị Duyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thanh Hóa, cho biết: Công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt CQG luôn được ngành xác định là một trong những khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường. Vì vậy, ngay khi có chủ trương, chỉ đạo của ngành giáo dục, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường chú trọng nâng cao các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, nhất là bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ, quy mô trường lớp theo quy định, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời nâng cao chất lượng tự đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức KĐCLGD, công nhận trường đạt CQG. Trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục thành phố, các đơn vị trường cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế và ưu tiên nguồn lực để các nhà trường đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2018, Trường THCS Minh Khai vinh dự được công nhận trường CQG mức độ I. Để đạt kết quả này cùng với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục theo tiêu chí trường chuẩn, nhà trường đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí xây dựng 15 phòng học mới, các phòng học bộ môn và chỉnh trang khuôn viên sân trường với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm nhà trường huy động các nguồn lực tu sửa, mua sắm thêm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, năm 2021 nhà trường tiếp tục được UBND thành phố đầu tư thêm 3 phòng học bộ môn, 3 phòng học chức năng và tu sửa lại các phòng học cũ. Đây là điều kiện để nhà trường duy trì, giữ vững các tiêu chí trường đạt CQG mức độ I, tiến tới tự KĐCLGD và đề nghị công nhận CQG mức độ II vào năm 2023.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, cho biết: Từ mục tiêu KĐCLGD cũng như kết quả xây dựng trường đạt CQG đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Nhiều năm qua, chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường luôn được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu các trường THCS trên địa bàn thành phố. Kết thúc năm học 2021-2022, số học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt chiếm 99,8%; số học sinh đạt học lực khá, giỏi chiếm 78,6%. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường THPT công lập nằm trong tốp dẫn đầu của thành phố và xếp thứ 22/622 trường THCS toàn tỉnh. Đặc biệt, nhà trường có 11 học sinh đậu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, nằm trong tốp các trường dẫn đầu cả tỉnh về chất lượng đậu chuyên hàng năm. Trong các kỳ thi, cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp, nhà trường có 85 học sinh đoạt giải cấp thành phố; 5 học sinh đoạt giải cấp tỉnh...

TP Thanh Hóa đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Tại Trường Tiểu học Quảng Tâm, xuất phát từ mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG, không ít hoạt động giáo dục đã được tập thể sư phạm nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả. Điển hình như, đẩy mạnh các phong trào thi đua; đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học... Tính riêng trong đầu tư cơ sở vật chất, từ học kỳ II của năm học 2020-2021 đến học kỳ I của năm học 2021-2022, nhà trường đã được UBND thành phố và chính quyền địa phương đầu tư gần 21 tỷ đồng để xây mới 24 phòng học; chỉnh trang khuôn viên sân trường, sân chơi, bãi tập. Hiện, nhà trường có đầy đủ các phòng hiệu bộ, phòng bộ môn, phòng chức năng, trong đó thư viện nhà trường đạt tiêu chí thư viện tiên tiến; 100% phòng học đều có tivi hoặc máy chiếu phục vụ dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là những tiêu chí quan trọng để trường KĐCLGD mức độ 3 và đề nghị công nhận đạt CQG mức độ II trong tháng 11-2022.

Thực tế cho thấy, bằng nhận thức và hành động, công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG được các nhà trường ở các cấp học trên địa bàn thành phố triển khai một cách tích cực, khách quan, trung thực, tạo ra những chuyển biến mới, từng bước hình thành “văn hóa chất lượng” trong mỗi cơ sở giáo dục. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện KĐCLGD và xây dựng trường đạt CGQ đã giúp các nhà trường xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác GD&ĐT, từ đó có giải pháp, kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn thành phố có 127/141 trường học đạt CQG, đạt tỷ lệ 90,7%. Trong đó cấp học mầm non có 53/63 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 84,12%; tiểu học 38/42 trường, đạt tỷ lệ 90,47%; THCS 31/33 trường, đạt tỷ lệ 93,93%; tiểu học và THCS 2/4 trường, đạt tỷ lệ 50%; THPT 3/8 trường, đạt tỷ lệ 37,5%.

Qua kiểm tra, rà soát của Phòng GD&ĐT thành phố và ngành chức năng, các trường đều phổ biến đầy đủ các văn bản hiện hành về công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CGQ tới cán bộ, giáo viên, nhân viên; thành lập hội đồng và xây dựng kế hoạch tự đánh giá thu thập, xử lý, phân tích các thông tin, minh chứng cho các chỉ số và đánh giá mức độ đạt được của từng tiêu chí; một số trường hoàn thành bảng cơ sở dữ liệu, thực hiện xây dựng dự thảo báo cáo tự đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm để hỗ trợ công tác tự đánh giá. Hiện, các trường đạt CQG đã, đang phát huy tốt vai trò là động lực thúc đẩy việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục trong giai đoạn đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]