(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, ít chia tách, có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Trong diễn trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào danh xưng Thanh Hóa, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu

Tự hào danh xưng Thanh Hóa, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu

Về thăm Di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, ít chia tách, có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Trong diễn trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng.

Từ thuở khai nguyên, Thanh Hóa luôn đồng hành cùng lịch sử lâu dài, vẻ vang của dân tộc. Thanh Hóa là nơi còn lưu giữ dấu tích những người tối cổ nhiều vạn năm về trước; nơi phát lộ và là trung tâm của văn hóa Đông Sơn, văn hóa đồ đồng rực rỡ, với trống đồng Đông Sơn đặc sắc, nổi tiếng trên thế giới. Đây là nơi giao thoa, hội tụ giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc Việt, song vẫn mang sắc thái văn hóa riêng đậm nét.

Xứ Thanh là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ: triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê sơ, Lê Trung Hưng, triều Nguyễn. Thanh Hóa cũng là đất “thang mộc”, nơi phát tích, sản sinh ra nhiều bậc vua chúa, làm rạng danh sơn hà xã tắc; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... làm rạng rỡ cho non sông, xứ sở.

Trong lịch sử, việc phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là một việc rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào. Tổ chức phân chia các đơn vị hành chính và danh xưng luôn có sự thay đổi cho phù hợp với từng thời kỳ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững. Lịch sử phát triển của đất nước ta từ thời dựng nước đến ngày nay, việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi danh xưng mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng chính thể Nhà nước đó đại diện cho một quốc gia có chủ quyền, ghi dấu ấn về lịch sử và văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Miền đất xứ Thanh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vốn có nhiều tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ, như Cửu Chân bộ thời Hùng Vương; Tượng quận thời Tần; Cửu Chân quận thời Hán; thời Ngô được chia làm hai quận: Cửu Chân và Cửu Đức; đến đời Lương Vũ Đế (502-549), vùng phía Bắc quận Cửu Chân được tách ra, lập làm Ái châu. Thời Tùy (589-617), Ái châu lại lệ vào quận Cửu Chân. Đến nhà Đường (618-907) thì tách ra làm hai quận Ái Châu và quận Cửu Chân. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lý Thái tổ đổi 10 đạo trong cả nước làm 24 lộ, châu Hoan (Nghệ An nay) và châu Ái (Thanh Hóa nay) làm trại, về sau các triều đại phong kiến Việt Nam đổi thành Thanh Đô, Thiên Xương, Tây Đô, Thanh Hoa,.., nhưng tên Thanh Hóa tồn tại lâu dài nhất, xuyên suốt nhiều thế kỷ, từ triều Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn (Thiệu Trị), Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Là mảnh đất có bề dày truyền thống, lịch sử, Thanh Hóa được ghi chép lại trong nhiều bộ chính sử, địa chí, văn bia, thư tịch và các công trình nghiên cứu từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ? luôn là nỗi niềm đau đáu của rất nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân tỉnh Thanh Hóa. Sau gần một thập niên, qua 3 cuộc hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh, với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước; căn cứ vào các nguồn tài liệu là sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi; công trình nghiên cứu “Việt Nam qua các đời” của Giáo sư Đào Duy Anh... và đặc biệt bộ chính sử quan trọng thứ hai của lịch sử Việt Nam (sau Toàn thư) là Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là Cương mục) thì địa danh hành chính Thanh Hóa xuất hiện vào năm Thiên Thành thứ 2 triều Lý Thái tông (1029) đã được xác định. Cụ thể, tại tờ 20, quyển 21 sách Cương mục có đoạn chép về Thanh Hóa: “Xưa, thời Hùng Vương là quận Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán là quận Cửu Chân, đời Ngô - Tấn - Tống cũng theo đó [là Cửu Chân]. Đời Lương Vũ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu, đời Tùy trở lại tên gọi là quận Cửu Chân. Đời Đường thì phân tách và bố trí thành hai quận Ái Châu và Cửu Chân. Triều Đinh, Lê gọi là Ái Châu. Triều lý đổi là trại. Năm Thiên Thành thứ hai (1029) đổi làm Thanh Hóa phủ”. Với các cứ liệu hiện có và được ghi chép cụ thể ở Cương mục, thời điểm bắt đầu tên gọi Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính phủ Thanh Hóa xuất hiện vào năm 1029, năm Thiên Thành thứ 2 (1029) đời Vua Lý Thái tông. Đó là căn cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định: Năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Năm 1029 là năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương thuộc quốc gia Đại Việt, toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới phủ Thanh Hóa thời bấy giờ về cơ bản ổn định như ngày nay.

Việc xác định năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là một “dấu mốc lịch sử “của lịch sử tỉnh nhà để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đã có công tạo dựng, gìn giữ, bảo vệ quê hương; nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của miền đất “địa linh, nhân kiệt”, tự hào, phát huy truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Cùng với việc xác định danh xưng, qua các cuộc hội thảo khoa học, ngày 8-5-2019 được xác định là thời điểm chính tổ chức kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 – 2019). Thông qua lễ kỷ niệm, không chỉ giúp người dân Thanh Hóa, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu rõ thời điểm, dấu mốc lịch sử và sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa, mà còn thêm một lần nữa khẳng định những giá trị truyền thống quý báu của miền đất xứ Thanh - địa linh nhân kiệt trong diễn trình của lịch sử dân tộc; miền đất có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, miền đất văn chương và khoa bảng, với những con người quý yêu cuộc sống thanh bình, giàu tài năng và sáng tạo, với khí phách anh hùng và cách mạng làm đẹp cho đời, rạng danh quê hương, xứ sở.

Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ tiền nhân, thời cận đại, Thanh Hóa tham gia phong trào Cần Vương mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Ba Đình, thể hiện tinh thần chiến đấu chống Pháp quật cường của nghĩa quân và người dân Thanh Hóa. Thời hiện đại, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa không chỉ là hậu phương lớn, là “thủ đô văn hóa”, đồng bào có thể nhịn đói, nhưng vẫn “dốc bồ”, hết lòng với tiền tuyến và gửi ra mặt trận những cân lương thực cuối cùng. Đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Thanh Hóa là hậu phương cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường giành thắng lợi; trực tiếp chiến đấu, làm nên những chiến thắng Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép..., hàng vạn người con ưu tú của nhân dân Thanh Hóa góp sức cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; nhiều người con ưu tú đã chiến đấu, hy sinh anh dũng để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng, to đẹp.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, quê hương, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối phát triển đúng đắn và nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến nay, Thanh Hóa đã có những bước tiến thần tốc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đã và đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn mạnh của khu vực Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc và của quê hương là nguồn cội sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phấn khởi, tin tưởng, tự hào, đồng lòng, chung tay, góp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, ngày càng thịnh vượng, văn minh sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

TS Hoàng Bá Tường,

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


TS Hoàng Bá Tường,

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]