(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một vùng đất có vị trí và vai trò đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Về địa lý, đây là vùng trung gian nối miền Bắc với miền Nam của đất nước. Về văn hóa, Thanh Hóa là nơi chứng kiến sự giao lưu tiếp xúc văn hóa vùng miền Bắc - Nam, là vùng đất tiếp nối những ảnh hưởng chính trị từ kinh đô Thăng Long lan truyền vào những vùng đất phía Nam của Tổ quốc và ngược lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người Thanh Hóa trong sự nghiệp mở cõi

Người Thanh Hóa trong sự nghiệp mở cõi

Đình Gia Miêu thuộc làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường.

Thanh Hóa là một vùng đất có vị trí và vai trò đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Về địa lý, đây là vùng trung gian nối miền Bắc với miền Nam của đất nước. Về văn hóa, Thanh Hóa là nơi chứng kiến sự giao lưu tiếp xúc văn hóa vùng miền Bắc - Nam, là vùng đất tiếp nối những ảnh hưởng chính trị từ kinh đô Thăng Long lan truyền vào những vùng đất phía Nam của Tổ quốc và ngược lại.

Ngoài ra, đây còn là đất “thang mộc” của cả hai triều đại: Lê sơ - Lê Trung hưng và triều Nguyễn trong lịch sử trung đại Việt Nam. Thanh Hóa luôn là vùng đất “căn bản”, vùng đất “dấy nghiệp”, đất “quý hương” của các vương triều ấy. Từ vùng đất “dấy nghiệp”, người Thanh Hóa không chỉ “tiến ra Bắc”, ra Thăng Long với nhiều thế hệ Nho sĩ, quan lại, mà còn tạo nên một sự nghiệp mở cõi lẫy lừng gắn với công cuộc “Nam tiến” quy mô, lâu dài được khởi đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và lớp người đi tiên phong từ giữa thế kỷ XVI.

Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc Triều kéo dài hơn 2/3 thế kỷ, hai xứ Thuận - Quảng có một vị trí rất quan trọng quyết định tới sự thành bại của sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Cho đến trước năm 1558, phạm vi quản lý, kiểm soát của chính quyền Lê - Trịnh chủ yếu là dải đất từ Thanh - Nghệ trở vào, miền Thuận Quảng tuy nhà Lê đã chiếm được nhưng vẫn còn thế lực của nhà Mạc hoạt động tương đối mạnh. Xét về mọi mặt, Thuận - Quảng không chỉ là bức phên dậu che chắn, bảo vệ phía Nam Thanh - Nghệ mà còn là hậu phương vững chắc và an toàn của triều đình Lê - Trịnh.

Nguyễn Hoàng được cử vào làm trấn thủ Thuận Hóa chính là do vị trí cực kỳ trọng yếu của miền đất Thuận - Quảng đối với sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê, đúng như nhận thức của Trịnh Kiểm: “Quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn... và không được tướng tài vỗ yên thì không thể xong”. Tài thao lược của Nguyễn Hoàng cũng như uy tín của dòng tộc thế gia đã tạo nên những điều kiện cần và đủ giúp Nguyễn Hoàng đảm nhận trọng trách to lớn ấy. Tính cách của Nguyễn Hoàng cũng được Trịnh Kiểm đánh giá rất cao: “là một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng khoan dung giản dị”.

Nguyễn Hoàng giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa và sau đó kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam trong thời gian dài hơn nửa thế kỷ (1558-1613). Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho xây dựng dinh trấn Quảng Nam ở “xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai Hoàng tử thứ sáu (Nguyễn Phúc Nguyên) trấn giữ”. Trong các thế kỷ XVI-XVII, dinh trấn Quảng Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với miền đất Thuận - Quảng, là tiền đồn, cũng là hậu phương vững chắc của xứ Thuận Hóa. Vị trí trọng yếu của miền đất này đã tạo điều kiện thuận lợi căn bản cho quá trình mở đất về phương Nam của dân tộc ta hoàn thành trọn vẹn vào nửa sau thế kỷ XVIII. Nguyễn Hoàng vào Trấn thủ Thuận Quảng đã tạo nên một luồng di dân lớn về phía Nam khoảng từ nửa sau thế kỷ XVI trở đi, thực trạng ấy được phản ánh khá rõ qua Gia phả một số dòng họ tiền hiền. Trong số ấy, người Thanh Hóa chiếm khá đông. Phần lớn các công thần thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này là hậu duệ của lớp người tiên phong này. Thế hệ tiên phong theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng (phần lớn là người huyện Tống Sơn - nay là huyện Hà Trung. Chính sử nhà Nguyễn gọi là Quý huyện, Quý hương) được chính sử nhà Nguyễn ghi chép như Tống Phước Trị, Trương Phúc Gia, Tống Hữu Sĩ... đều người huyện Tống Sơn (Hà Trung). Những người này làm quan nhà Lê, có công trợ giúp đắc lực cho Nguyễn Hoàng khi ông vào làm Trấn thủ Thuận Hóa. Ngoài ra, chính sử cũng có đề cập đến sự nghiệp của các bậc Tiên tổ củaTống Phúc Khuông, Phạm Văn Nhân, Vũ Viết Bảo, Phạm Như Đăng, Nguyễn Đức Tráng, Tống Phúc Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Trương Phúc Luật, Tống Phúc Châu, Trương Văn Minh, Nguyễn Khắc Thiệu, Nguyễn Văn Điển, Đào Trí, Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Hữu Độ - là những quan lại cao cấp của triều Nguyễn - đều có quê gốc là Thanh Hóa và sự nghiệp của các vị đều gắn với thời Nguyễn Hoàng trị nhậm xứ Thuận Hóa - Quảng Nam.

Thế hệ người Thanh Hóa kế tiếp trong sự nghiệp mở cõi có thể kể đến các danh nhân nổi tiếng như Đào Duy Từ, người huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia), mưu sĩ tin cậy của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, là người có công lao đặc biệt to lớn đối với chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong; Nguyễn Hữu Tiến, người huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia), là một bậc võ tướng tài năng, có nhiều đóng góp cho chính quyền Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần; Nguyễn Hữu Dật, con tham tướng Nguyễn Triều Văn, người huyện Tống Sơn (Hà Trung), cùng Đào Duy Từ trông coi việc quân, đắp lũy Trường Dục, xây hào phòng chống quân Đàng Ngoài tấn công vào. Các con của Nguyễn Hữu Dật đều là những bậc võ tướng tài năng, có công rất lớn trong quá trình mở mang lãnh thổ phía Nam như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh kinh dinh miền đất Nam bộ, đặt phủ Gia Định, đặt doanh Trấn Biên, Phiên Trấn, đưa 4 vạn hộ dân ở miền Trung vào khẩn hoang, lập xóm ấp; Nguyễn Cửu Kiều, người huyện Tống Sơn (Hà Trung), từng phụng sự các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần có công lao rất nhiều. Hậu duệ của Nguyễn Cửu Kiều đều là những võ tướng tài năng có công mở mang lãnh thổ phía Nam như Nguyễn Cửu Thế (cháu nội), Nguyễn Cửu Vân (cháu nội), Nguyễn Cửu Triêm, Nguyễn Cửu Pháp (tằng tôn); Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Dật (huyền tôn)...

Có thể nói đến giữa thế kỷ XVII, Quảng Nam đã trở thành một dinh lớn, “từ Thăng, Điện đến Phú Yên làng mạc liền nhau”. Kinh tế phồn thịnh đã tạo nên thế vững, lực mạnh để các chúa Nguyễn hùng cứ một phương, thoát ly khỏi ảnh hưởng của chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Một số mốc lịch sử quan trọng xác lập chủ quyền của chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong như: Năm 1611, lập phủ Phú Yên; năm 1653, lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (nay thuộc Khánh Hòa); năm 1693 lập phủ Bình Thuận; năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu cho đặt phủ Gia Định, mở đất đai nghìn dặm, được dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ dân lưu tán ở châu Bố Chính trở vào để ở cho đông. Đặt các xã, thôn, phường ấp, chia cắt địa phận, trưng chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế điền, thuế đinh, làm sổ đinh, sổ điền. Năm 1732, chúa Nguyễn thấy địa thế Gia Định rộng rãi bèn sai chia đất đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (tức Vĩnh Long ngày nay).

Năm 1757, chính quyền chúa Nguyễn kiểm soát, quản lý toàn bộ đất Tầm Phong Long (Đồng Tháp Mười), chúa Nguyễn cho đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang; đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đặt đạo Kiên Giang ở xứ Rạch Giá (Giá Khê), đạo Long Xuyên ở xứ Cà Mau, xếp đặt quan lại, chiêu tập dân cư, lập thôn ấp, mở rộng thêm địa giới Hà Tiên. Như vậy, tới năm 1757, về cơ bản, toàn bộ vùng đất Nam bộ đã thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn.

Trong cái thế không thể vươn ra phía Bắc, các chúa Nguyễn phải đẩy mạnh quá trình Nam tiến, mở mang lãnh thổ về phía Nam. Chưa bao giờ tốc độ Nam tiến lại nhanh và hiệu quả như thời các chúa Nguyễn trị vì đất Đàng Trong. Chỉ trong vòng hơn 100 năm toàn bộ miền đất Nam bộ sình lầy, hoang hóa đã được các luồng cư dân người Việt và một số cộng đồng cư dân khác tràn vào khai phá, xây dựng làng ấp, thiết đặt bộ máy quản lý. Đến năm 1757, về cơ bản các chúa Nguyễn đã là chủ nhân của toàn bộ miền đất Nam bộ và các quần đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, để đến các vua triều Nguyễn sau này việc quản lý, khai thác khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này càng có hiệu quả thiết thực hơn. Trong quá trình mở mang lãnh thổ và xác lập chủ quyền đối với vùng đất phía Nam (bao gồm cả các đảo và quần đảo), vai trò của các thế hệ người Thanh Hóa chiếm một vị trí đặc biệt to lớn, trước hết phải kể đến các thế hệ chúa Nguyễn - bắt đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu... với sự phò giúp đắc lực của đội ngũ công thần xứ Thanh, từ thế hệ tiên phong vào Thuận Hóa năm 1558 đến các thế hệ con cháu sau này.

GS.TS Nguyễn Đức Nhuệ,

Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam


GS.TS Nguyễn Đức Nhuệ,

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]