(Baothanhhoa.vn) - Trang phục là một trong những thông tin quan trọng để nhận diện, phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Trong không gian văn hóa các dân tộc huyện Ngọc Lặc, trang phục là yếu tố góp phần nhận diện văn hóa truyền thống của người Mường trong cộng đồng các dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống Mường Ngọc Lặc

Trang phục là một trong những thông tin quan trọng để nhận diện, phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Trong không gian văn hóa các dân tộc huyện Ngọc Lặc, trang phục là yếu tố góp phần nhận diện văn hóa truyền thống của người Mường trong cộng đồng các dân tộc.

Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống Mường Ngọc LặcVẻ đẹp mềm mại của trang phục phụ nữ Mường Ngọc Lặc.

Trang phục của người Mường Ngọc Lặc vừa có cái chung của dân tộc Mường, song cũng có cái riêng độc đáo. Nói đến trang phục Mường, người ta thường chú ý hơn đến trang phục nữ. Bởi, trang phục nam giới nhìn chung cơ bản giống nhau, có một nét chung trong trang phục nam giới người Việt. Còn trang phục của phụ nữ Mường hội tụ tất cả sự khéo léo của người con gái Mường, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, thêu thùa và dệt thổ cẩm. Qua trang phục truyền thống nữ dân tộc Mường có thể thấy vẻ đẹp duyên dáng mà thầm kín của người phụ nữ, cùng những giá trị văn hóa - lịch sử của đất và người Mường nơi đây.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy bộ trang phục của phụ nữ Mường có những chức năng khác nhau hòa quyện trong một tổng thể thống nhất, làm nên vẻ đẹp duyên dáng, mang đậm sắc thái riêng, gồm: áo (áo ngắn, áo dài), váy, thắt lưng, khăn đội đầu (khăn thùa). Đi kèm là bộ trang sức gồm có: hoa tai, vòng cổ, trâm cài đầu, quai nón, vòng tay, dây vắt (còn gọi là bộ xà tích).

Riêng áo của phụ nữ Mường có nhiều loại (áo ngắn, áo chùng, áo khoác). Loại áo ngắn hay còn gọi là áo khóm, khi mặc vừa chấm eo, áo có thể dùng một hoặc 2, 3 màu vải (vải thân, tay, viền cổ) và thường là những gam màu nhẹ như: xanh lam, hồng, trắng, xanh lơ, màu vàng, màu nâu non... Áo chùng thì dài chấm gót và thường mặc trong lễ hội, ngày cưới. Áo khoác dài là loại áo chùng dài để khoác mùa đông khi trời lạnh, áo khoác mùa đông không trang điểm hoa văn cầu kỳ như áo chùng dùng trong ngày cưới và lễ hội. Áo chùng và áo khoác mùa đông đều là áo thả buông không có cúc, tạo nên sự mềm mại và duyên dáng của người phụ nữ Mường.

Đối với váy của phụ nữ Mường nhìn chung rất giống nhau giữa các vùng Mường. Đó là váy được chia thành hai phần chính: thân váy và đầu váy (còn gọi là cạp váy). Cạp váy là phần từ hông trở lên, bao gồm những màu sắc hoa văn rực rỡ, gồm có các dải hoa văn được nối với nhau như: buôn, đang, lai (lai là phần nối tiếp thân váy). Thân váy bao gồm: păng, xép (thân váy có 2 xép và 1 păng) và gấu váy (gấu váy thường là miếng vải đỏ may phía trong chân váy).

Phần dây lưng hay còn gọi là tênh, là tấm vải lụa tơ tằm nhuộm màu xanh cánh trả (màu lá mạ), dài bằng hoặc hơn sải tay khi đã nối hai đầu lại. Tênh khi thắt vào đồng bộ cùng dây vắt làm cho cái duyên dáng của thiếu nữ Mường được nhân lên gấp bội. Thắt lưng để tua ngắn hay dài còn là sở thích của mỗi người.

Phần khăn đội đầu của phụ nữ Mường giống nhau và đều có thêu thùa hoa văn hình học ở hai đầu. Tùy từng vùng, từng công việc mà chít (thắt) khăn hay đội khăn (vấn khăn). Khăn không chỉ để che đầu khi mưa nắng, làm ấm khi giá lạnh, mà khăn còn là trang sức tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Mường.

Riêng đối với thiếu nữ Mường, bộ dây vắt (còn gọi là bộ xà tích) đi cùng bộ trang phục với 4 dây hoặc 8 dây bạc tết thành dây 4 cạnh dài hơn 1 thước tay, 2 đầu được móc vào 2 con bướm bạc, 1 đầu buộc vào dây thắt lưng, 1 đầu được buộc thêm ống đào, ống vôi, quả mây bạc với nanh hổ, móng hổ, dao nhíp... Bộ dây vắt vừa là trang sức, đồng thời nó cũng gắn với tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Mường. Tất cả những đồ trang sức đều làm bằng bạc, từ dây vắt, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, trâm, xà tích, quai nón... và bộ trang sức này còn được coi là bùa hộ mệnh của mỗi người.

Xác định trang phục của người phụ nữ Mường giữ một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và thể hiện một phần quyền uy và tiềm lực kinh tế của gia đình, trong kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa giai đoạn 2020-2025 huyện Ngọc Lặc xác định duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống Mường, là một nội dung quan trọng. Huyện cũng phát triển và tạo thương hiệu cho nghề dệt thổ cẩm, may thêu trên trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống Mường, tạo thành một sản phẩm độc đáo trong ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]