(Baothanhhoa.vn) - Xác định tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Bài 1- Góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân

Xác định tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Bài 1- Góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân

Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh (người ngoài cùng bên phải) và các thành viên đoàn giám sát kiểm tra sổ tiếp công dân phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn). Ảnh: Nguyễn mai

Đưa các quy định đi vào cuộc sống

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các văn bản được ban hành kịp thời, quán triệt thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cấp ủy, chính quyền, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã góp phần tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Nhiều văn bản đã quan tâm đến những đối tượng cụ thể, góp phần giải quyết sát, đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm ngay từ cơ sở. Điển hình như ngày 2-7-2021, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Nhiệm vụ cụ thể của ban là chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Hội Nông dân tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nông dân, đặc biệt các quy định của pháp luật về đất đai, hòa giải tranh chấp, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức xây dựng các chương trình hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ để hội nông dân tham gia kịp thời, hiệu quả trong việc phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập và đưa vào hoạt động của ban chỉ đạo đã từng bước hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, phát sinh mà nông dân trong tỉnh quan tâm.

Giải quyết yêu cầu bức thiết của công dân

Cùng với việc thu hút các nguồn lực đầu tư, các dự án lớn, thời gian qua, TP Sầm Sơn cũng là địa bàn phát sinh nhiều lượt tiếp công dân, đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Giai đoạn 2016-2021, số lượng đơn, thư khiếu nại trên địa bàn tăng đột biến so với giai đoạn trước, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư khi thu hồi đất thực hiện các dự án. Chính quyền thành phố đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn dân về pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài thực hiện đảm bảo lịch tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và đột xuất theo quy định, tiếp nhận và giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền, UBND TP Sầm Sơn đã chú trọng rà soát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người. Trong số này, vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 49 hộ dân khu vực Mả Bồ được UBND phường Trung Sơn giao đất trái thẩm quyền đã được giải quyết dứt điểm, công dân không phát sinh đơn, thư khiếu kiện. Các vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, ĐBQH chuyên trách gửi đến cũng đã được thành phố quan tâm giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

Trong khi đó, tại huyện Triệu Sơn, công tác tiếp công dân của người đứng đầu được thực hiện nghiêm túc, các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật. Các vụ việc được người đứng đầu tiếp, trực tiếp chỉ đạo giải quyết cơ bản được công dân đồng thuận cao, không khiếu kiện nhiều lần, vượt cấp. Trong thời gian từ 1-7-2016 đến 1-7-2021, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo qua tiếp công dân có 56/752 vụ việc, chiếm 7,4% so với số vụ việc phải giải quyết.

Từ việc triển khai kịp thời, đầy đủ quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã cho thấy hiệu quả đồng bộ ở các cơ quan, địa phương, đơn vị, từ tỉnh đến cơ sở. Giai đoạn 2016-2021, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tiếp 79.669 lượt công dân, trong đó bao gồm 47.606 lượt tiếp công dân thường xuyên, 5.809 lượt tiếp công dân đột xuất và 26.254 lượt tiếp công dân định kỳ. Tổng số vụ việc là 57.246; trong đó, 49.379 vụ việc đã được hướng dẫn, giải thích trực tiếp; 7.867 vụ việc thực hiện tiếp nhận đơn, có văn bản chuyển đơn cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và hướng dẫn, trả lời công dân theo quy định. Trụ sở, địa điểm tiếp công dân được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, sắp xếp, niêm yết đầy đủ nội quy, lịch tiếp công dân định kỳ và công bố trên cổng thông tin điện tử, tạo thuận lợi cho công dân liên hệ, thực hiện.

Cũng trong giai đoạn trên, tổng số đơn tiếp nhận là 57.306 đơn, bao gồm: 43.389 đơn kiến nghị, phản ánh và 13.917 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong số đơn khiếu nại, tố cáo có 10.073 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 72,4% số đơn tiếp nhận). Các cơ quan, đơn vị đã giải quyết khiếu nại 100% số đơn đủ điều kiện xử lý; số vụ việc thụ lý, giải quyết là 5.129 vụ việc, đã giải quyết 5.129 vụ việc theo thẩm quyền, đạt 100%. Về giải quyết tố cáo, tổng số đơn đủ điều kiện giải quyết 2.303 đơn; số vụ việc tố cáo thụ lý, giải quyết 1.096 vụ việc; đã giải quyết theo thẩm quyền 1.096 vụ việc, đạt 100%. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, chiếm tới 80% số vụ việc phát sinh. Ngoài ra là các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, chính sách người có công; tố cáo các hành vi vi phạm quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính; đầu tư xây dựng... Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã thu hồi cho Nhà nước 7.870m2 đất và 25.392 triệu đồng; trả lại cho tổ chức, cá nhân 139.198m2 đất và 2.110 triệu đồng; đồng thời thi hành kỷ luật đối với 90 cá nhân và 13 tập thể.

Từ văn bản đến hiệu quả triển khai trên thực tế cho thấy, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các cấp chính quyền trong tỉnh. Trên tinh thần công khai, minh bạch, công tác này đã và đang đáp ứng yêu cầu đề ra, khẳng định được năng lực của chính quyền, tạo dựng niềm tin trong quần chúng Nhân dân.

“Nút thắt” trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tuy đạt được nhiều kết quả trong quá trình triển khai, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực tế. Về cơ sở vật chất, nhiều địa phương nhất là cấp xã chưa bố trí được phòng tiếp công dân riêng, hoặc đã có nhưng diện tích nhỏ, thậm chí bố trí chung với bộ phận khác, vì vậy chưa đảm bảo được yêu cầu, đòi hỏi của công tác tiếp dân. Đó là khó khăn thường gặp tại cấp xã, phường khi nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất còn bị chi phối bởi nhiều nguyên do.

Về đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, với tất cả các địa phương đây là đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, một bộ phận trong số này chưa thực sự đảm bảo về trình độ, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiếp dân, hạn chế hiệu quả tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật đối với công dân. Đối với những vấn đề, lĩnh vực cụ thể, cán bộ tiếp dân không được đào tạo chuyên ngành, chưa hiểu sâu các quy định, gặp khó khăn khi tiếp và trả lời công dân.

Trong khi đó, qua kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp còn cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số xã, phường, thị trấn thiếu tính quyết liệt, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Có những vụ việc, trong kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa làm rõ trách nhiệm sai phạm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ; bị quá thời hạn giải quyết.

Những tồn tại trên cùng với trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa hiểu hết các quy định của pháp luật khiến công tác tiếp dân, tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp. Ở một số địa phương, số lượng đơn, thư khiếu nại gia tăng so với giai đoạn trước. Đây có thể xem là những “nút thắt” đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Bài 2: Giải pháp cho những “nút thắt”.

Nguyễn Mai


Nguyễn Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]