(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12-3-1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được long trọng tổ chức. Các năm sau đó, các huyện, thị xã của hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa. Hoạt động kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn, tình cảm gắn bó keo sơn động viên, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12-3-1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được long trọng tổ chức. Các năm sau đó, các huyện, thị xã của hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa. Hoạt động kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn, tình cảm gắn bó keo sơn động viên, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Trần Đàm

Trước yêu cầu của tình hình cách mạng miền Nam, từ ngày 12 đến ngày 22-1-1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II họp tại thủ đô Hà Nội đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam để thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà.

Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng chỉ đạo các tỉnh, thành miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành miền Nam nhằm huy động tinh thần, nhân lực, vật lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, động viên cổ vũ chi viện giúp đỡ lẫn nhau trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

60 năm nghĩa tình son sắt

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy, từ thời mở cõi, các thế hệ người Việt từ các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã vào khai đất, lập làng định cư trên vùng đất Quảng Nam... Họ đã hòa cùng cư dân bản địa sáng tạo ra những giá trị văn hóa, vật chất và cùng nhau xây dựng, bảo vệ vùng đất phên dậu Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thanh Hóa cùng với các địa phương miền Bắc lại là nơi đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam; trong đó, có nhiều con em Quảng Nam tập kết ra miền Bắc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ con em Quảng Nam được sống, học tập và công tác trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa; trong đó, có quê hương Thanh Hóa. Nhiều người đã ở lại công tác, cống hiến góp phần xây dựng quê hương thứ hai - Thanh Hóa.

Trở lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã liên tục phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, động viên cổ vũ toàn dân hăng hái tham gia, như phong trào: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “3 đảm đang, 3 sẵn sàng”, “Tuổi nhỏ, chí lớn làm việc anh hùng”... Mỗi chiến thắng từ chiến trường Quảng Nam trong đánh giặc đều trở thành nguồn cổ vũ tinh thần và là động lực thi đua của quân, dân Thanh Hóa trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Từ đó, các phong trào thi đua lao động sản xuất: Chiến dịch “Đông Xuân – Điện Biên – Thanh Hóa – Quảng Nam quyết thắng”, “Thi đua làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, “Cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Thi đua ba giỏi”..., đã trở thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trên hậu phương Thanh Hóa thân yêu.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Công viên Hội An (TP Thanh Hóa). Ảnh: PNN

Chia lửa với miền Nam và Quảng Nam ruột thịt, quân dân Thanh Hóa cùng với quân dân miền Bắc đã đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng lực lượng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. “Vì miền Nam ruột thịt”, trong những năm 1965 - 1975, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng chục vạn thanh niên nam, nữ mang theo cả “Giọng hò Sông Mã” vào miền Nam chiến đấu. Đối với Quảng Nam kết nghĩa, tỉnh Thanh Hóa đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị như: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 Đặc công, Bệnh xá 78... Ngoài việc cử con em trực tiếp vào chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, tỉnh Thanh Hóa còn cử nhiều cán bộ chính trị, quân sự khác vào tăng cường cho Quảng Nam. Tháng 8-1967, tại chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn được thành lập để chi viện cho chiến trường Quảng Nam kết nghĩa. Với tinh thần “Lam Sơn quyết thắng”, từ năm 1968 - 1975, được sự giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân địa phương, Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn đã vượt qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc trên khắp địa bàn các huyện: Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... Trong số những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa hy sinh trên chiến trường Quảng Nam, một số anh đã được đưa về yên nghỉ đất mẹ Thanh Hóa, vẫn còn rất nhiều liệt sĩ yên nghỉ trên quê hương thứ hai – Quảng Nam. Những chiến công hiển hách, những hy sinh anh dũng của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn trên mảnh đất Quảng Nam, Quảng Đà anh hùng là hiện thân cao cả của tinh thần đoàn kết và tình cảm bền chặt của hai địa phương kết nghĩa, xứng đáng với lời thề:

“Quảng - Thanh chung sức diệt thù

Mối tình kết nghĩa nghìn thu không mờ”.

Đáp lại tình cảm, trách nhiệm cao quý, sự hy sinh lớn lao của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa dành cho miền Nam và Quảng Nam ruột thịt, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà đã chiến đấu ngoan cường, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xứng với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Tiêu biểu là trận chiến đấu oanh liệt ở Núi Thành (đêm 25 rạng ngày 26-5-1965), quân dân Quảng Nam đã tiêu diệt toàn bộ 1 đơn vị giặc Mỹ - mở đầu phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên chiến trường miền Nam. Tiếp sau là các trận đánh Sân bay Nước Mặn, Sân bay Đà Nẵng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt. Tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường cho tỉnh Quảng Nam hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi; các trang thiết bị, sách, văn hóa phẩm..., góp phần cùng Quảng Nam từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam - công trình có ý nghĩa lịch sử - văn hóa to lớn.

Sau khi tỉnh Quảng Nam được tái lập (tháng 1-1997), tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai địa phương, lãnh đạo hai tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố kết nghĩa, các cơ quan, ban, ngành hai tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các dịp Đại hội Đảng bộ, các sự kiện, lễ kỷ niệm; đồng thời, có nhiều hình thức hỗ trợ nhau trong khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra; tổ chức thăm viếng gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm chẵn kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam, tiếp tục vun đắp tình cảm bền chặt, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên quê hương Quảng Nam, nhiều công trình kết nghĩa tiếp tục được xây dựng, nâng cấp trở thành biểu tượng sinh động cho tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai tỉnh, tiêu biểu như: Thư viện Thanh Hóa tại Hội An, đường Lam Sơn, đường Thanh Hóa tại TP Tam Kỳ. Đặc biệt, Bia ghi danh 1.359 anh hùng liệt sĩ quê hương Thanh Hóa hy sinh trên chiến trường Quảng Nam được xây dựng trang trọng trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam sẽ được khánh thành trong đợt kỷ niệm nay... Và, ở Thanh Hóa cũng có những công trình mang tên Quảng Nam như: Công viên Thanh - Quảng, Công viên Hội An và còn nhiều công trình khác ở các đơn vị, địa phương ra đời từ “mối quan hệ kết nghĩa”. Tất cả như là một thông điệp để Đảng bộ và nhân dân hai địa phương luôn tôn trọng, gìn giữ và phát huy.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Tọa lạc tại khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê hương Thanh Hóa hy sinh tại Quảng Nam được xây dựng trên tổng diện tích 120m 2 , kết nối với khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: A.N

Đặc biệt, trên quê hương Quảng Nam, còn có nhiều thế hệ người con của quê hương xứ Thanh đã hòa với người con xứ Quảng đang ngày đêm ra sức lao động, công tác trên các lĩnh vực để cùng xây dựng quê hương thứ hai thêm giàu đẹp. Đây chính là sợi dây kết nối nghĩa tình Thanh - Quảng ngày càng đậm đà, thắm thiết, bền chặt hơn. Những đóng góp của người con xứ Thanh trên mảnh đất xứ Quảng đã để lại trong lòng nhân dân Quảng Nam tình cảm quý báu.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam luôn luôn khắc ghi và tri ân những hy sinh, công hiến của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, quân và dân miền Bắc nói chung, quê hương Thanh Hóa nói riêng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, cùng nhau hợp tác phát triển

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước; có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; có diện tích 11.120,6 km2 với hơn 3,6 triệu dân; có hơn 1.535 di tích văn hóa, lịch sử; có hệ thống bờ biển, cảng nước sâu; có vùng duyên hải ven biển, đồng bằng và trung du; có hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không; có nguồn nhân lực trẻ... Đặc biệt, Thanh Hóa có “Tứ sơn” (gồm: Khu Kinh tế Nghi Sơn; Khu Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; Khu Công nghiệp Bỉm Sơn và Khu du lịch biển Sầm Sơn)... Những tiềm năng, thế mạnh hiện có về vị trí địa kinh tế đã và đang tạo cho Thanh Hóa một nền tảng vững chắc, thuận lợi để tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

Với Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung độ của đất nước, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có diện tích 10.438 km2, với gần 1,5 triệu dân, có bờ biển đẹp chạy dài trên 125 km, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi để kết nối các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. Quảng Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; với nhiều sản vật - dược liệu quý, tiêu biểu như sâm Ngọc Linh - bảo vật quốc gia; có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh; trong đó, phải kể đến các di sản văn hóa thế giới như: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An)... Quảng Nam có hệ thống giao thông khá đồng bộ gồm: Cảng Hàng không Chu Lai - Cảng biển Kỳ Hà; đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A chạy qua, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh... Đặc biệt, Quảng Nam có Khu Kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; có Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc là một trong những khu công nghiệp thành công nhất miền Trung Việt Nam.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP- giá so sánh 2010) đạt 70.734 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng/người so với năm 2018); thu ngân sách đạt 23.278 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 18.990 tỷ đồng). Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Nam xuất khẩu ô tô con, xe buýt sang các nước Thái Lan, Myanmar, Philippines. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 7,79 triệu lượt, tăng 22,79% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 4,6 triệu lượt, tăng 20,55%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã có 98/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48%, có thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh là huyện nông thôn mới. Đặc biệt, Quảng Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 4 năm gần đây đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt.

Có thể thấy rằng, Quảng Nam - Thanh Hóa có rất nhiều điểm tương đồng, có nhiều tiềm năng và lợi thế. Ngoài nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực..., Quảng Nam - Thanh Hóa còn có nguồn lực “nội sinh” hết sức quan trọng, đó là nguồn lực về văn hóa với hạt nhân cơ bản là phẩm chất, trí tuệ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với đó là sợi dây kết nối 60 năm nghĩa tình son sắt... Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, quyết định đến sự hợp tác, phát triển giữa hai tỉnh hiện nay và trong tương lai.

Tuy nhiên, trong những năm qua, hai tỉnh và các địa phương trong tỉnh kết nghĩa chủ yếu tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nhau khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ; xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử nhằm giáo dục truyền thống; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, người có công; phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ... mà chưa có những hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn, xứng với tiềm năng, lợi thế và truyền thống 60 năm kết nghĩa của hai tỉnh. Đây là vấn đề mà chúng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở.

Thanh Hóa - Quảng Nam 60 năm nghĩa tình son sắt

Phố cổ Hội An. Ảnh: Lê Trọng Khang (Báo Quảng Nam)

Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam là dịp để hai tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ôn lại tình cảm gắn bó, keo sơn giữa 2 bên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện những công trình ghi dấu ấn về tình sâu, nghĩa nặng giữa hai địa phương; đẩy mạnh giao lưu văn hóa; hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của hai tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn của nhau. Thanh Hóa có Khu kinh tế trọng điểm quốc gia Nghi Sơn, Quảng Nam có Khu Kinh tế mở Chu Lai, đang cùng thu hút được các nhà đầu tư lớn quốc tế và trong nước. Thanh Hóa và Quảng Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch, đặc biệt là việc thu hút khách quốc tế, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng và hấp dẫn du khách, xây dựng thương hiệu du lịch và đề xuất mở đường bay Thanh Hóa – Quảng Nam.

Những nội dung hợp tác phải thật sự ý nghĩa để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống đặc biệt, được xây dựng và phát triển từ những năm tháng gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa mối quan hệ hợp tác về kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh ngày càng hiệu quả, phát triển, đưa 2 tỉnh ngày càng giàu, mạnh, vun đắp mối quan hệ Thanh Hóa – Quảng Nam càng ngày son sắt, bền chặt và Thanh Hóa - Quảng Nam trở thành hình mẫu của tình kết nghĩa, hợp tác và phát triển.

Phan Việt Cường

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]